CUỘC CHIẾN RƯỢU VANG TRÊN ĐẤT PHÁP

CUỘC CHIẾN RƯỢU VANG TRÊN ĐẤT PHÁP



Những người nông dân Pháp giận dữ trước làn sóng rượu giá rẻ từ Tây Ban Nha đã chặn xe hàng, đổ rượu xuống đường hoặc tấn công các doanh nghiệp phân phối.

Đó là một đêm khuya hồi tháng 3. Một nhóm người trồng nho với mặt và đầu được bịt kín đã xông vào Passerieux Vergnes, nhà phân phối rượu lớn nhất nước Pháp, và châm lửa 3 chai xăng. Chỉ trong vài phút, cơ ngơi của Passerieux Vergnes chìm trong biển lửa.
Trước đó, những người trồng nho “thay trời hành đạo” cũng đột kích vào 2 nhà phân phối rượu lớn gần đó, đập vỡ cửa kính và đổ rượu tràn ra mặt đường.
Những doanh nghiệp bị tấn công là những người đã nhập khẩu rượu giá thấp ở Tây Ban Nha về. Họ gây nên làn sóng phản đối từ những người sản xuất rượu địa phương cảm thấy bất an vì kế sinh nhai bị đe dọa.
 


Nông dân Pháp chặn một chiếc xe chở rượu từ Tây Ban Nha và đổ hết rượu xuống đường vào tháng 4/2016. Ảnh:AFP.

‘Họ không đạt chuẩn, EU ép chúng tôi chấp nhận’
“Tôi cảm thấy mê muội”, New York Times dẫn lời René Vergnes, một cư dân vùng Languedoc, khu vực chuyên sản xuất rượu vang của Pháp, cho biết. “Mọi người đều tổn thất”.
Vergnes đã điều hành hãng Passerieux Vergnes trong 35 năm nay. Ông trở thành nạn nhân gần đây nhất trong cuộc chiến rượu vang đang lan khắp nước Pháp giữa những người trồng nho địa phương với các doanh nghiệp đang nhập khẩu rượu từ những nước EU khác.
Về phía nông dân Pháp, họ cho rằng mình đang chịu sự cạnh tranh không công bằng, đặc biệt là từ Tây Ban Nha, nơi nền kinh tế đang khởi sắc dần và giá rượu đã giảm. Các luật lệ của châu Âu, vốn đòi hỏi việc tự do lưu thông hàng hóa dù đôi khi chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm ở nước nhập khẩu, đang làm nông dân Pháp thêm khó khăn.
Nông dân trồng nho và làm rượu ở Pháp thường được miêu tả như những nhà nông giàu có sống trong những tòa nhà sang trọng giữa vùng quê, nhiều người trong số họ thật ra chỉ điều hành những hãng rượu nhỏ chuyên cung cấp rượu với giá trung bình trong hơn một thế kỷ qua.



Kể từ mùa hè năm 2016 đến nay, hàng chục cuộc tấn công phản đối rượu “ngoại” đã diễn ra ở Pháp, bao gồm việc xe chở rượu từ Tây Ban Nha bị phục kích ở biên giới và rượu trên xe bị đổ hết xuống đường.
“Đội quân” hung hãng nhất thuộc về một nhóm bí mật chuyên nhắm vào các doanh nghiệp như Passerieux Vergnes, những nhà phân phối đã nhập khẩu rượu Tây Ban Nha về Pháp.
“Nhiều người chỉ đang cố kiếm sống, nhưng không ai lắng nghe cả”, New York Times dẫn lời Lionel Puech, đồng chủ tịch của Hiệp hội Nông dân Trẻ, tổ chức đã thừa nhận họ có tham gia vào một số vụ bạo lực kể trên nhưng không bị truy tố.
Với những nông dân chuyên sản xuất rượu giá rẻ, thuế suất cao gần gấp đôi so với Tây Ban Nha và những quy định nghiêm ngặt về việc trồng nho khiến việc sản xuất của họ tốn kém hơn các đồng nghiệp ở Tây Ban Nha và những nước châu Âu khác.
“Rượu Tây Ban Nha không đáp ứng được tiêu chuẩn của chúng tôi, nhưng EU buộc chúng tôi chấp nhận nó”, ông Puech nói.
Trước đó, hàng nghìn người đã biểu tình, kiến nghị chính phủ giảm thuế. Các công đoàn gặp gỡ các nhà phân phối để yêu cầu họ có bao bì ghi rõ xuất xứ rượu. Khi những việc trên không có hiệu quả, nông dân Pháp hành động theo cách của họ.
 

Thách thức cho cả châu Âu



Lionel Puech bên vườn nho của mình.  Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, các nhà sản xuất Tây Ban Nha xem đây là cái cớ để kêu gọi bảo hộ.
“Chúng tôi có thể sản xuất rượu với chi phí thấp hơn vì tiền lương nhân công rẻ hơn. Như vậy không có nghĩa chúng tôi cạnh tranh không công bằng”, Juan Corbalán García, người đại diện Agri-food Cooperatives, hiệp hội bảo vệ quyền lợi cho các phong trào nông dân ở Tây Ban Nha, cho biết.
Chính phủ Tây Ban Nha tức giận kêu gọi trừng phạt các hành động mà họ gọi là vi phạm các quy tắc thương mại tự do của EU. Các nhà sản xuất của Tây Ban Nha cũng nói rằng việc này khiến ngành công nghiệp rượu của EU bị xao nhãng khỏi những thách thức nghiêm trọng hơn, như việc Anh, nước nhập khẩu nhiều rượu từ EU nhất, sắp rút khỏi khối.


Một nhà sản xuất rượu giấu mặt, người gần đây đã tham gia cuộc tấn công vào một công ty phân phối rượu. Ảnh:New York Times.

Ngoài ra, trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hướng về chủ nghĩa bảo hộ, các nhà sản xuất rượu châu Âu cũng lo ngại họ sẽ chịu cạnh tranh khốc liệt hơn từ Australia và nhiều nước khác.
Chính phủ Pháp nỗ lực xoa dịu tình hình. Tháng trước, Pháp tổ chức một cuộc gặp giữa các đại diện ngành rượu và bộ trưởng của 2 nước. Họ lên án các vụ tấn công và cam kết tiếp tục hợp tác.
Trở lại với Languedoc, các nhà sản xuất rượu tại đây chỉ vừa hồi phục sau một thập kỷ khủng hoảng với nhiều nhà sản xuất phải phá sản, thậm chí tự sát. Tại nơi những vườn nhỏ trải dài từ thung lũng Rhône đến biên giới với Tây Ban Nha, những tuyên bố trên từ chính phủ không có tác dụng gì.
Về phần Vergnes, ông giảm bớt các hợp đồng với nhà sản xuất Tây Ban Nha, đặt hàng bao bì mới cho rượu với logo “Sản xuất tại Pháp”.
Dù vẫn đang hồi phục sau vụ đốt phá, là một người địa phương, ông thừa nhận các nông dân có lý.
 
NGÔ THẾ VINH, TS ERIC HENRY VỚI THE MEMOIRS OF PHẠM DUY
 “Lịch sử của các nỗ lực của tôi để xuất bản sách The Memoirs of Phạm Duy, giống như lịch sử của chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô – là một đoạn lịch sử vô cùng dài và vô cùng phức tạp. Bắt đầu từ đâu để kể cho rõ rành đây?”  [ trích dẫn email của TS Eric Henry, gửi Ngô Thế Vinh ngày 04/05/2022 ]
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top