BS Hồ Ngọc Minh: Kỹ nghệ “cấy thai” tạo ra em bé

Khi khoa học thay bàn tay tạo hóa:
 
Kỹ nghệ “cấy thai” tạo ra em bé

BS Hồ Ngọc Minh




Một trong những chủ đề nổi bật nhất năm nay, trong cuộc họp hằng năm của hội chuyên gia về ngành chữa trị hiếm muộn và cấy thai trong ống nghiệm, American Society for Reproductive Medicine, là việc khám phá ra dụng cụ để tháo ráp và chỉnh sửa gene, gọi là CRISPR (Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats).
CRISPR (đọc là crisper) có thể hiểu nôm na như một cái kéo hoá học phân tử, dùng để cắt ráp những đoạn DNA, tương tự như cắt ráp băng nhựa. Cái kéo nầy hiện đang mở rộng làn ranh giới có thể làm thay đổi tất cả sự sống hiện hữu trên thế gian nầy.
Tháng 10 năm 2017, một nhóm khoa học gia người Anh đã dùng CRISPR để ráp một đoạn gene từ con sứa vào trong con chuột, khiến những chú chuột sanh ra có da màu xanh lá cây. Năm 2016, một nhóm khoa học gia khác từ trường Đại Học Stanford, đã sử dụng kéo phân tử CRISPR để chữa trị bệnh hồng cầu lưỡi liềm, sickle cell disease, có nhiều trong người da đen. Và, mới ngày 20 tháng 11 năm 2017, một trung tâm y khoa thuộc trường Đại Học UCSF cũng đã dùng phương pháp nầy để chữa trị bệnh di truyền Hunter cho một bệnh nhân. Bệnh nhân có hội chứng Hunter, có chất sụn bất bình thường làm các tế bào hư hại nhanh chóng. Táo bạo hơn nữa, chỉ ba tháng trước đó, nhóm nghiên cứu gia thuộc trường Đại Học Oregon Health & Science University, đã tìm cách chỉnh sửa trực tiếp những phôi mới 3 ngày tuổi, được cấu tạo bởi những người có bệnh di truyền vì có gene đột biến MYBPC3 gene. Người có gene đột biến này sanh ra sẽ bị trụy tim di truyền do bắp thịt tim tăng trưởng quá độ, gọi là hypertrophic cardiomyopathy.
Từ những bước tiến kể trên, “designer pets”, những vật nuôi trong nhà được thiết kế theo nhu cầu, thí dụ như con heo nhỏ bằng một con chó con, sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai rất gần. Năm 1978, khi em bé đầu tiên được sanh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, người ta nghĩ ngay đến những tiệm bán em bé, như kiểu bán chó mèo. Thế thì, khi nào sẽ có kỹ nghệ thiết kế em bé tuỳ theo ý muốn, kiểu drive-in ở tiệm McDonald hay Pizza Hut?
Có người dự đoán trong tương lai khoảng 20 đến 40 năm nữa, tình dục chỉ nhằm mục đích hưởng thụ. Sex không còn là phương cách để cấu tạo nên em bé, khi mà chỉ cần một vài tế bào da được cạo ra và cho cấy với tinh trùng để tạo nên hằng trăm phôi. Từ những phôi ấy, cha mẹ chỉ cần đặt hàng theo các tiêu chuẩn như cao lớn, thông minh, không bệnh tật… để lựa chọn những em bé tùy theo ý muốn.

Có thật như vậy hay không?
Cho đến nay, cho dù người ta đã biết gần hết tất cả bộ gene di truyền của loài người, nhưng vẫn chưa biết hết sự tương tác giữa những gene đó với nhau. Thí dụ, trí thông minh có thể được tập hợp bởi rất nhiều bộ gene khác nhau. Thậm chí, màu mắt, màu da, màu tóc cũng không theo một luật di truyền nào đơn giản cả. Ngay cả những gene quy định bệnh tật, cho dù có gene bị lỗi nhưng mức độ trầm trọng của bệnh tật cũng thay đổi theo từng cá nhân và môi trường. Như thế thay đổi gene để tạo ra con người toàn hảo không phải là chuyện dễ.
Ngoài ra, theo kiến thức được biết, một số gene có nhiệm vụ như là gene chủ động, gọi là driver gene. Những “gene đầu sỏ” nầy sẽ thúc đẩy các “gene đàn em’ khác theo hệ thống kim tự tháp. Do đó, khi thay đổi một gene nào đó có thể tạo ra hiệu ứng domino, domino effect, làm sụp đổ cả một hệ thống.
Hiện nay, trong môi trường thụ thai trong ống nghiệm, chúng tôi đang sử dụng phương cách Xét Nghiệm Tiền Cấy Phôi (PGS, Pre-implantation Screening) áp dụng công nghệ Trình Tự Gene Next-generation sequencing (NGS). Qua phương pháp nầy các tế bào phôi sẽ được xét nghiệm một số lỗi lầm về gene có thể có. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm cách thay đổi những gene khuyết tật, cho dù có những tín hiệu lỗi phát hiện, nhưng khoa học vẫn chưa có đủ dữ kiện để phân tích. Rất có thể, trong tương lai, một hệ thống cơ sở dữ liệu, database, kiểu như Google, sẽ cho biết tất cả sự tương tác của các bộ gene với nhau, giúp cho sự lựa chọn phôi thai được chính xác hơn.
Nhìn ở một góc độ hạn hẹp thì, kỹ nghệ thiết kế em bé, “Designer Babies,” thật sự đang xảy ra, nhưng để đạt được mức độ toàn hảo, không ai biết sẽ còn bao nhiêu năm nữa, có thể là 20 năm mà cũng có thể là 100 năm hơn.
Hiện nay, Quốc Hội Mỹ đã cấm đoán chuyện sử dụng cái kéo CRISPR vào việc chỉnh sửa gene trong phôi thai loài người, và chỉ hạn chế vào việc chữa trị bệnh di truyền mà thôi. Bà Jennifer Doudna là một trong những người phát minh ra cái kéo phân tử CRISPR, cũng lên tiếng khuyến cáo hậu quả tai hại không lường khi áp dụng CRISPR vào chuyện thiết kế và thay đổi con người. Sử dụng không đúng có thể làm thay đổi cả một quá trình tiến hoá của sự sống trên trái đất nầy, tốn mất 3.5 tỉ năm!
Trước khi sử dụng công nghệ CRISPR vào những chuyện dao to búa lớn, chung quanh ta còn rất nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa trước.
Yếu tố môi trường cũng đóng một phần rất quan trọng, vì chính yếu tố môi trường đã thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại. Trên lý thuyết, mọi người đều có khả năng trở thành một Steve Jobs, một Einstein, hay một Beethoven… Dĩ nhiên tỉ số đạt được có thể là 1/1,000,000 nhưng không có nghĩa là không thể có được. Nếu mọi người đều là Michelangelo, Rembrandt, Napoleon, hay Quang Trung Nguyễn Huệ thì đời… có gì hay nữa đâu? Phải để sự lựa chọn tự nhiên xảy ra một cách tự nhiên như đã xảy ra trong suốt 3.5 tỉ năm qua.
Vả lại có được bộ gene toàn hảo không nhất thiết sẽ trở thành thiên tài. Thí dụ như chuyện trồng cam ở chỗ này thì ngọt, nhưng cũng hạt giống đó, trồng nơi khác sẽ chua. Môi trường sống quanh ta còn rất nhiều lỗi lầm cần phải chỉnh sửa để giúp đỡ cho sự phát huy tài năng của con người, thí dụ như sự ô nhiễm, sự nghèo đói, bệnh tật v.v… Một người có tiềm năng cỡ như Mark Zuckerberg, Bill Gates, hay Jeff Bezos, mà không đủ ăn, thiếu dinh dưỡng thì làm sao có thể thành công được?
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể cản lại bánh xe lăn của lịch sử tiến hoá đến từ những phát minh có lợi cho nhân loại. Quá trình đã xảy ra và sẽ xảy ra để tiến đến một thành quả của một sự cân bằng nào đó giữa khoa học, luật pháp, đạo đức, giữa cung và cầu. Cứu cánh sẽ biện minh cho phương tiện. Trong tương lai, người ta có thể chấp nhận những chuyện mà ngày hôm nay chúng ta cho là không tưởng tượng nổi. Đồng thời, thế hệ mai sau có thể cho là những chuyện chúng ta sử dụng để chữa trị bệnh tật bây giờ là man rợ, là cổ lỗ sĩ.
CRISPR có thể tăng tốc độ cho sự tiến hoá của nền văn minh nhân loại đến một tương lai tốt đẹp hơn nếu được áp dụng đúng cách, đúng chỗ, đúng tầm mức. Tương lai ấy có thể rất gần mà cũng có thể rất xa.

BS Hồ Ngọc Minh
 
NGÔ THẾ VINH, TS ERIC HENRY VỚI THE MEMOIRS OF PHẠM DUY
 “Lịch sử của các nỗ lực của tôi để xuất bản sách The Memoirs of Phạm Duy, giống như lịch sử của chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô – là một đoạn lịch sử vô cùng dài và vô cùng phức tạp. Bắt đầu từ đâu để kể cho rõ rành đây?”  [ trích dẫn email của TS Eric Henry, gửi Ngô Thế Vinh ngày 04/05/2022 ]
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top