Cô Vy-19
• Lê Văn Hòa
“Cô Vy-19” không phải câu chuyện nói về cô nàng tên Vy vừa tròn 19 xuân xanh mà nó là chữ tắc của COrona VIrus Disease năm 2019 do WHO đặt tên. “Cô” ấy bé, rất bé, nhỏ hơn cả 1 micron; thế mà “cô” đã làm “điêu đứng”, “thất điên bát đảo” , làm xáo trộn đời sống của biết bao nhiêu người, đàn ông cũng như đàn bà, và con nít trên thế giới trong đó có cả chính tôi!
Nguyên là vào thượng tuần tháng 3 vừa rồi gia đình vợ tôi có chuyện "phải tụ tập" ở California trong bối cảnh dịch Corona đang hoành hành nước Mỹ. Đương nhiên “dâu” và “rể” của gia đình vợ tôi cũng phải đi cùng.
Tôi đang loay hoay tìm mua vé máy bay trên internet thì bị ông anh cột chèo ở Dallas bảo không nên vì "máy bay" là nguồn gốc lây lan của covid-19. Thế là chúng tôi quyết định lái xe từ Texas sang California; mỗi chuyến đi tôi tốn 3 ngày vì phải lái xe từ Austin lên Dallas rồi từ đó đi cùng vợ chồng chị vợ. Đi từ Dallas sang California thì tốn 2 ngày.
Trong bối cảnh toàn nước Mỹ đang bị Cô Vy xăm soi, theo dõi, thừa cơ xâm nhập mọi người, chúng tôi đã phải thận trọng tối đa trong chuyến đi.
Dọc đường khi đổ xăng, vợ tôi bắt buộc tôi phải mang găng tay, xong phải xử dụng thuốc khử trùng đổ vào 2 lòng bàn tay rửa thoa rồi chùi tay lái của xe hơi.
Bận đi chúng tôi ăn ở restaurant dọc đường vì chưa có lệnh "lock-down"; bận về chúng tôi phải mua đồ đem theo ăn trên xe và chỉ ghé "rest area" để đi vệ sinh.; xong rồi cũng phải khử trùng theo lời nhắc nhở của bà xã. Nghĩ lại đổ xăng là chuyện không tránh được; nhưng "ăn uống dọc đường" là chuyện "phải tránh".
Chuyến đi sang California đã cũng làm cho tôi học hỏi thêm vài điều về nước Mỹ. Trước khi đi tôi cứ tưởng khi vào California thì phải trèo đèo vì dãy Rocky Mountain; nhưng không! công chánh Mỹ đã khôn khéo lựa mấy chỗ núi thấp hoặc xẻ đồi xuyên qua để làm đường. Đường interstate số I-10 lúc nào cũng 2 làn đường mỗi bên; xe hàng truck 18 bánh chạy rất chuyên nghiệp; lúc nào cũng giữ lane mặt; chỉ có qua mặt xe chậm mới đổi ra lane ngoài rồi lại vô khác xa với tài xế của interstate I-35 đoạn đường Austin-Dallas. Tôi thật phục hệ thống xa lộ của Mỹ!
Khi còn trong Texas, dọc xa lộ là những cần khoan dầu với những máy bơm "cúi xuống rồi lại ngẩn lên" như đón chào chúng tôi những người khách từ phương xa.
Khi đi ngang qua Midland vợ tôi nói với mọi người "đây là quê hương của cựu đệ nhất phu nhân Bush con".
Qua biên giới tiểu bang New Mexico thì thấy ngay những trại nuôi bò cả ngàn-ngàn con trên những cánh đồng cỏ xanh mượt. Vì là "bò đi bộ" nuôi trên cánh đồng cỏ nên không cách chi có mỡ trong thịt để cạnh tranh với "bò Kobe" của Nhật. Vì thế Nhật nhập cảng thịt bò thường giá thấp từ Mỹ nhưng ngược lại Mỹ nhập cảng “bò Kobe” giá cao cho những ai giàu và sành ăn.
Sang tới Arizona, nhớ lại ngày xưa học với Giáo Sư Sử Địa Đặng Như Đức lúc thầy giảng "nước Mỹ là xứ đại nông canh tác", với những nông trại trồng pistachio, pecan, peach rộng bao la bạc ngàn thấy mà thích thú và thèm được quyền sở hữu!
Thỉnh thoảng chúng tôi thấy được những cánh đồng bao la đầy bông dại màu vàng xanh, nhỏ li ti; vì đi vội và sự an toàn nên chúng tôi không ngừng lại để quan sát cho kỹ.
Vào tới California thì thấy nhiều mảnh đất với những cây dại mọc đầy; nhưng đất được rào kín phân lô rõ ràng có nghĩa là "có chủ", và đó là "đất vàng"?.
Mặc dầu vâng lời vợ khử trùng tay cận thận sau mỗi lần đổ xăng hay ăn ở restaurant xong dọc đường; nhưng trên đường về có hôm trời trở lạnh bất thình lình; tôi ớn lạnh trong người, đau nhức cơ thể, hơi hơi đau cổ và húng hắn ho. Về tới Austin vẫn còn triệu chứng; tôi hơi lo lo và tự hỏi " không biết Cô Vy đã đến thăm mình rồi chăng?!; may thay hôm sau đã khoẻ lại và xin cảm ơn Trên.
Lúc đầu chúng tôi định ở lại California vài ngày; nhưng chuyến bay trở về của ông anh vợ đi Virginia bị bãi bỏ và chỉ còn chuyến sớm hơn 1 ngày do đó chúng tôi cũng đâm lo, sợ các tiểu bang đóng cửa biên giới để cách ly thì về lại Texas không được nên chúng tôi cũng đã rời California sớm hơn ngay sau khi công việc của mẹ vợ vừa xong, sớm hơn dự định 1 ngày.
Về tới Austin hết đồ ăn, chúng tôi đã đi chợ Costco lúc 8 giờ sáng.
Sở dĩ 8 giờ sáng vì đây là khoảng thời gian dành cho các "bô lão" trên 60 tuổi đời dễ bị nhiễm virus và khó chữa trị. Chúng tôi tới Costco lúc 8:05AM. Khi vừa quẹo vào cửa chính thì đã thấy đoàn nguời xếp hàng ra tới tận bãi đậu xe rồi "rồng rắn" uốn qua uốn lại, dài ơi là dài. Tôi và vợ đồng thanh thốt lên "wow!" vì cả hai đều nghĩ rằng Costco đã bắt đầu chương trinh này từ tuần trước nên tuần này chắc phải đỡ hơn. Theo báo cáo đọc trên internet thì số người đi Costco đã giảm xuống 9% so với tuần rồi.
Không còn lựa chọn nào khác là đứng vào hàng theo đòan nguời "rồng rắn" ; có lẽ họ đã sắp hàng từ 7 giờ sáng?!. Luật đã được đặt ra từ chính phủ là nguời này phải đứng cách nguời kia tối thiểu 2m nên Costco đã sắp xếp những chiếc xe đẩy mua đồ làm thành những lối đi mà người này cách người kia trước-sau và phải-trái ở khoảng cách 2m mà chính phủ đã ra lệnh.
Xong thì chúng tôi cũng vào tới cửa sau 45 phút đi, đứng, và đợi; vừa mừng vừa đẩy xe vào tôi đã có cái cảm tưởng là mình vừa trúng số lô-tô.
Vào tiệm tôi được vợ phân công đi lấy "nhu yếu phẩm" trước đó là giấy toilet (vì đã nghĩ rằng không cần lúc đầu mùa dịch và bây giờ thì giấy ở nhà đã hết), trứng, và rau xanh. Lấy xong nhu yếu phẩm đang loanh hoay tìm thuốc khử trùng thì có bà chạy lại vừa chỉ vào chiếc xe đẩy của tôi vừa hỏi "anh lấy giấy toilet này ở đâu vậy?". “Ngay chỗ này đây" vừa nói tôi vừa chỉ vào chỗ tôi đã lấy giấy nay đã trống không còn một cuộn. Bà ta nhìn chăm chăm bịch toilet của chúng tôi trong chiếc xe đẩy một cách thèm thụồng vừa lắc đầu ngao ngán rồi bỏ đi. Lại thêm có cái cảm tưởng như vừa trúng số lần nữa hôm đó.
Hai đứa tôi đi dạo một vòng quanh tiệm để khảo sát giá hàng hóa thì thấy giá không lên nhưng chẳng có món nào "on sale"!
Lúc trước trận dịch thì “on sale” rất nhiều! rõ đúng theo định luật "cung cầu" của Adam Smith. Trong lúc dạo trong tiệm chúng tôi thấy có vài anh/chị trẻ măng đã "lách luật" vì không cách chi họ "già" tới 60.
Ra tới quày trả tiền chúng tôi thấy những quầy tính tiền được kê xếp lại cách xa nhau gấp đôi khỏang cách trước trận dịch cũng như số tiền chúng tôi phải trả kỳ này cũng gấp đôi!
Về đến nhà tôi phải theo "lệnh" là giày cởi ra phải để ở garage, đồ mua đem vào từ xe thì lấy giấy tẩm thuốc sát trùng mà lau phía ngoài bao bì bằng plastic truớc khi đem vào nhà. Tôi phải theo "lệnh" vì bà xã tôi đã đọc những cách thực hành đi chợ như thế này trên internet tối hôm truớc nên tôi không có lý do gì để "cãi".
Chưa xong! vào đến trong nhà thì việc đầu tiên là rửa tay bằng xà- bông, cởi hết áo quần để giặt ngay rồi sau đó đi tắm.
Thật là phức tạp! Tôi không thích tí nào vi tôi chỉ thích "đơn giản","nhanh chóng", " tiện lợi", và lý do trên hết là "lười"; nhưng ngẩm nghĩ 1 tháng(có lẽ và hy vọng 1 đời người) mới phải làm như thế này 1 lần thì thôi "cũng đựơc". Té ra tôi thuộc lọại "tham sinh úy tử".
Tôi không biết đã có bao nhiêu người đã làm giống những chuyện như chúng tôi. Được điều là tôi phục và khen cách tổ chức ở Costco thật là trật tự, theo luật, không hỗn loan, không chen lấn!
Cô Vy ơi! trên quả địa cầu này không ai thích cô đâu! cô đã hoành hành như thế là quá tang thương cho nhân loại, đã hủy hoại kinh tế thế giới rồi. Đám cưới không ai dự! đám tang không ai đưa; bệnh không được thăm, người thân mất không được gặp mặt lần cuối, chết không được chôn! Cô đã gây ra nhiều đau khổ cho loài người nên xin cô hãy ra đi ngay!, hãy trả lại sự yên bình cho cộng đồng của chúng tôi, của đất nước này, và trái đất này!
Cầu mong và hy vọng trận đại dịch sẽ chóng qua mau và không trở lại, trả lại cuộc sống “bình thường” cho nhân loại.
Lê Văn Hòa