• Đoàn Xuân Thu
Trắng da vì bởi phấn dồi!
Chuyện rằng: Có một ông cụ, nhà trong rừng, một hôm ra bờ suối bắt được con tôm hùm ế kinh, tính rinh về, nướng lửa than, lột vỏ chấm muối tiêu chanh, nhậu là phải bắt.
Ai dè con tôm hùm nầy vốn là Thái tử, con vua Thủy tề, đi lạc.
“Đừng đưa ta lên giàn hỏa! Cha ta là Long Vương, quyền năng tuyệt đối, có dạy cho ta phép thần thông, có thể biến không thành có, ít xít ra nhiều. Chẳng hạn như nước của dòng suối nầy bình thường uống vào chỉ đã khát mà thôi; nhưng với pháp thuật cao cường của Tía ta truyền dạy, ta có thể biến nước suối nầy thành thuốc tăng lực, nhà ngươi chỉ cần uống đúng hai lon, dung tích mỗi lon là 375ml, là trẻ đi được hai lần hai mươi tuổi. Ngươi sẽ được cải lão hoàn đồng, tổng cộng là 40 năm!”
Ông lão bèn múc đầy một lon nước suối, uống khà một cái. Huyền diệu thay, tóc đang lấm tấm muối tiêu, mà muối nhiều hơn tiêu, bỗng trở thành đen bóng như mình đi nhuộm tóc ở tiệm mới về. Da mặt đang xếp ly bỗng phẳng lì như ai đem bàn ủi đến ủi.
Chỉ còn có cái bụng hơi phệ, chắc có lẽ do uống beer nhiều quá, nên hỏng thấy ép phê nhiều. Ông bèn múc đầy một lon nước suối nữa, xong đưa lên miệng tu một hơi hết ráo.
Huyền diệu thay, cạn tới giọt cuối cùng thì bụng đang chang bang như bụng ông Địa, nó teo tóp dần đi như bụng sáu múi của lực sĩ kiến càng.
Mừng quá anh (giờ là anh chớ hết là ông rồi nhe) ngựa phi ngựa phi đường xa, riết về nhà.
Bà vợ ra mở cửa, hỏi: “Nè cậu muốn kiếm ai?” “Anh đây nè! Em yêu! Em không nhận ra được anh sao?”
Xong tường tận kể khúc nôi câu chuyện thần tiên mà mình vừa mới trải qua. Bà vợ nghe chưa dứt câu đã chạy chân không kịp chấm đất, biến ngay ra bờ suối…
Chờ mãi mà không thấy em yêu về… Anh bèn ra bờ suối, vừa khóc hu hu vừa kiếm: “Em ơi em đâu rồi? Làm sao hôn bờ tóc rối?!” Mà Trời sắp tối, chỉ thấy có một đứa bé gái sơ sinh nằm khóc oe oe trên thảm cỏ!
Do đó bài học rút ra là muốn trẻ thì cũng vừa vừa phải phải thôi. Mình 60 tuổi rồi thì đại tu nhan sắc thành 20 tuổi là được rồi. Uống hai lon nước suối thôi! Ham hố chi mà nốc cạn tới 20 lon vậy hỡi Trời?
Nói cho cùng không phải lỗi tại mấy em mà lỗi tại quý anh mình thôi.
Đàn ông chúng ta là một lũ háo sắc, bao giờ cũng khoái mấy em trẻ và đẹp…
Phụ nữ yêu bằng lỗ tai, yêu bằng những lời đường mật. Đàn ông yêu vì được thỏa mãn cái thị giác và cái khứu giác. Thị giác là để nhìn, còn khứu giác là để ngửi. Chính vì thế mà bất cứ người phụ nữ nào cũng khoái trang điểm, khoái trùng tu nhan sắc bằng cách vẽ mắt, tô son, kẻ chưn mày như đào hát bội và xức nước hoa vào hai nách để đáp ứng yêu cầu của quý anh yêu!
Còn cánh đàn ông, chúng ta, tay nào cũng nói dóc hết trơn… để đáp ứng yêu cầu của quý em yêu!
Quan niệm của quý anh mình “Đời chỉ là một sàn diễn thời trang, “catwalk”, mà em yêu là người mẫu, đi ẹo qua ẹo lại như mèo, giơ móng vuốt mà chụp lấy túi tiền của quý anh mình.”
Chụp túi tiền của quý anh mình thì quý em yêu làm gì? Thì làm đẹp cho quý anh nhìn ngắm, thèm muốn vậy thôi! Chớ chê xấu òm, bỏ em vò võ ngủ một mình, mùa Đông Melbourne nầy, lạnh chết!
Phần mấy em yêu thích trang điểm và xức nước hoa; vì mấy em xấu hoắc và hôi rình hè! Do vậy xưa giờ, phụ nữ nghĩa là phái đẹp thì chuyện làm đẹp, chuyện trang điểm là chuyện rất đương nhiên.
Ngay từ thời Trung cổ, quý mệnh phụ phu nhân, thuộc tầng lớp quý tộc, đã nuốt thạch tín (Độc lắm nhen! Nuốt quá liều là cũng tiêu diêu miền cực lạc như thường; nhưng em không ngán đâu).
Rồi tắm máu dơi để làn da mịn màng như em bé, rửa mặt bằng nước “xì trum” của hài nhi để xóa sạch mụn cám.
Còn ở nước ta, cái răng cái tóc là gốc con người. Nên phụ nữ, thời bà cố bà nội tui, dùng nhựa cánh kiến để nhuộm răng đen hạt huyền mới đẹp, mới chắc… Làm mấy tay sơn đông mãi võ, chuyên nhổ răng sâu, la trời như bộng vì ế khách.
Còn muốn tóc óng mượt thì dùng trái bồ kết để gội đầu! Để tóc em dài em cài hoa thiên lý; miệng em cười anh để ý anh thương.
Bà cố, bà nội tui đâu cần son môi mà chi. Muốn son môi còn thắm chỉ cần ăn trầu là đôi môi đỏ quạch. Say trầu, mắt lúng liếng tình…nhìn là anh hùng cũng phải lụy thuyền quyên. Chính vì vậy mà ngày nay mới có tui trên cõi đời ô trọc nầy đó chớ!
Phương Tây cũng vậy; vì mỹ phẩm, tiếng Pháp là Cosmétiques, tiếng Anh là Cosmetics, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Kosmein, có nghĩa là làm đẹp… Bằng cách vẽ bột đồng màu xanh nhạt lên mặt để làm nổi bật đường nét và vẽ lông mày bằng loại kem chế từ mỡ cừu, chì, bồ hóng.
Mấy em bôi lòng trắng trứng gà lên mặt, đắp mặt nạ bằng những lát thịt bò tươi để mặt không xếp ly như cái quần tây chưa ủi.
Thiệt là hoang tưởng và hoang phí. Miếng thịt bò ngon hết biết thì đem nhúng giấm cho chàng nhậu; chàng sẽ biết ơn và yêu em hơn. Đem miếng thịt bò đắp lên mặt thì ai mà dám ăn nè?!
Có người quá sùng bái phương Tây; bất gì cái gì của Tây phát minh là hay hết ráo. Cái nầy cần xem lại, nhứt là trên phương diện làm đẹp của người phụ nữ .
Ngày xưa, mỹ phẩm được bào chế theo cách thủ công trong nhà bếp. Dụng cụ là nồi niêu, xoong chảo và sử dụng theo kinh nghiệm của mỗi dân tộc, mỗi địa phương.
Nhưng Tây lại hay “ghiền” hóa chất. Công hiệu thì thấy lẹ hơn kiểu truyền thống rồi nhưng mỹ phẩm của phương Tây có chứa những “tên sát nhân” giấu mặt, gây ngộ độc do chì trong phấn mắt, do thủy ngân trong son môi…
Có em tô son, môi bị dị ứng với hóa chất, cặp môi hình trái tim nó sưng phù lên chù vù như cái bánh Doughnut. Cái giá phải trả cho sắc đẹp quả là đắt!
Vậy mà Nhật, Hàn quốc, nói chung là các nước Đông phương trong đó có Việt Nam ta, cũng vọng ngoại, từ bỏ cách trang điểm truyền thống đáng quý, đáng bảo tồn vì rẻ tiền của quý bà cố bà nội mình, thình lình chuyển từ cây cỏ, lá hoa cành mà chuyển sang “ghiền” hóa chất như Tây phương!
Vắng chàng má phấn môi hồng với ai? Nên khi Thế chiến lần thứ Hai kết thúc, đón chàng từ mặt trận trở về, nhu cầu làm đẹp của quý bà, quý cô là mảnh đất màu mỡ cho các hãng mỹ phẩm như Helena Rubinstein, Estée Lauder, L”Oréal, Nivea, Revlon và tiếp đó Dior, Chanel và Yves St Laurent xâm chiếm rầm rầm rộ rộ.
Ngày nay, mỹ phẩm đã trở nên một ngành khoa học được giảng dạy trong các trường đại học. Các Viện nghiên cứu được hãng nầy, hãng nọ thành lập, đông như quân Nguyên, quy tụ các chuyên viên hàng đầu của nhiều ngành (hóa học, sinh học, y học, vật lý học, dược học,…) và được trang bị những máy móc hiện đại nhất chỉ để chế tạo mỹ phẩm phục vụ mấy chị em mình!
Mỹ phẩm chiếm hầu hết chương trình quảng cáo, phát sóng hàng ngày trên truyền hình, trên tạp chí thời trang, dạy cách tô môi, kẻ mắt, cắt lông mày và lông… nách!
Phần mua mỹ phẩm thật dễ dàng: ở nhà thuốc Tây, siêu thị, trên Internet… nên mấy chàng bước ra phố là gặp ngay mấy cô nàng mắt đỏ, mỏ xanh xanh.
Cạnh tranh quyết liệt, nhứt định đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, hãng Max Factor tung ra dầu làm nâu da, da trắng như sữa dê đã bị “đề-mốt-đê” (démodé) rồi, nước hoa, lông mi giả, viết kẻ mắt! Tất cả đều nhỏ gọn, bỏ trong túi xách đi xa rất tiện dụng. Rảnh rang một chút, ngồi trên xe đò, xe lửa hay máy bay là em lôi ra ngồi chu mõ, vẽ vẽ, tô tô… Bỏ chàng ngồi ngáp gió một mình!
“Trẻ mãi không già” là mục tiêu phấn đấu của mấy em; không riêng người Việt Nam mình đâu mà trên thế giới em nào cũng vậy!
Dù U70 hay U60, mấy em đều muốn mình xinh như mộng! Trừ khi ở truồng như nhộng, mình mới biết tuổi thật của mấy em thôi! He he!
Mấy em yêu, người Việt mình, sau khoảng thời gian cắm đầu may ngày không đủ; tranh thủ may đêm, một hôm, sực tỉnh soi gương, xem dung nhan đó bây giờ ra sao?
Mới hay mãi lo kiếm tiền, bỏ bê nhan sắc tàn phai. Sợ thằng chả sanh nhị tâm, bay về Việt Nam kiếm con bồ nhí; nên mấy em bỏ tiền “bi nhiêu thì bi” mà mua son phấn về để trang điểm lại má hồng!
Thế nên chủ tiệm thuốc Tây người Việt mình giờ thích bán mỹ phẩm hơn là thuốc Tây; vì một lẽ dễ hiểu: thị trường thiệt là rộng lớn, doanh thu khổng lồ 20 tỷ USD mỗi năm trên toàn thế giới.
Ôi nhớ xưa, Má đã từng dạy tui rằng: “Trai khôn tìm vợ chợ đông!”
Nghe lời má, tui đi cưới em yêu, vốn là dân bán cá Chợ Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn. Bữa nào bán ế, là em mần con cá lóc nấu canh chua cho chàng lai rai ba sợi là tui vui hè. Phần nhậu cửng cửng vô, thì đẹp xấu đâu có nhằm nhò gì?!
Tui khoái em yêu của tui bắt chước bà vợ của nhà thơ Tú Xương.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông…”
Đừng tô son kẻ phấn, vẽ lông mày, sơn móng tay gì ráo trọi… Tổ cho mình ghen bóng, ghen gió chớ ích lợi gì hè?
Tui thừa biết: “Trắng da vì bởi phấn dồi. Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa…”
Em vất vả như vậy ai mà không thương? Lòng dặn lòng là: Đừng bắt chước mấy đứa khác chuyên chạy theo bóng hồng, mặt hoa da phấn nhe?!
Làm như vậy là không được thông minh! Tội nghiệp cho cái bóp của mình vì nội tiền em son phấn không đủ làm mình mạt!
Đoàn xuân Thu (Melbourne)