Chuyện mèo chuột



Nguyễn Dư





Mèo và chuột vốn xung khắc nhau. Mèo bắt chuột, chuột sợ mèo. Có lẽ vì vậy mà lịch tàu dùng Chuột và Thỏ để tượng trưng cho năm Tí và Mão, chứ không dùng Chuột và Mèo như lịch ta chăng ? Muốn nói gì thì nói, ai cũng phải đồng ý là mèo và chuột ghét nhau. Có chắc là mèo chuột lúc nào cũng ghét nhau không ? Nếu ghét nhau thì tại sao người miền Nam lại gọi chuyện yêu đương của trai gái là... chuyện mèo chuột. Yêu nhau như ... mèo yêu chuột à? Giễu dở !
Không phải giễu và cũng không dở đâu.
Người xưa nghiêm túc lắm. Các vị tiền bối cũng nghĩ rằng mèo và chuột không thể dung dăng dung dẻ, chung sống hoà bình với nhau được. Các cụ chỉ muốn dạy con cháu rằng khi nào mèo và chuột bỗng dưng rửng mỡ ăn nằm với nhau, quấn quýt bên nhau thì... Chu choa, tụi bay phải coi chừng. Đấy là một dấu hiệu đáng lo ngại. Đáng lo như chuyện lí trưởng... ngồi hầu trà thằng mõ. Đáng ngại như chuyện quan huyện mời Thị Mẹt vào dinh ăn uống. Người xưa gọi mấy sự cố này là chuyện miêu thử đồng miên (mèo chuột cùng ngủ... mí nhau). Thành ngữ ám chỉ việc người trên và người dưới cùng nhau mưu làm việc gian. Lí trưởng và thằng mõ đang mưu tính hại người nào đây ? Quan huyện và Thị Mẹt gặp nhau nếu không phải để đấm bóp tay chân thì cũng là để đú đởn miệng lưỡi gì đây ?
Chuyện miêu thử đồng miên của phong kiến được bà con trong Nam cải biên thành chuyện mèo chuột của trai gái.
- Thằng Út mới mèo được con Năm.
- Ủa, té ra thằng Út không phải là mèo của con Tám sao?
Tại sao phương ngữ miền Nam lại gọi người tình, cả trai lẫn gái, là " mèo"?
Xưa kia, Khổng giáo quan niệm rằng liên hệ trai gái phải được sự thoả thuận, sắp đặt của cha mẹ đôi bên. Cô cậu nào tự ý đi tìm hiểu nhau, chẳng hạn như cô Kiều ban đêm đi gặp Kim Trọng, là vượt ra ngoài vòng lễ giáo. Xã hội xưa không chấp nhận những cuộc tình "vụng trộm, gian dối "  như vậy. Trai gái yêu nhau lén lút là một trường hợp miêu thử đồng miên. Vì vậy mà giới bình dân mới gọi chuyện trai gái là chuyện mèo chuột. Người tình được gọi là mèo.
Trẻ con có chuyện mèo chuột không? Có chứ ! Chuyện mèo chuột của trẻ con là:  
Con mèo mà trèo cây cau 
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà 
Chú chuột đi chợ đằng xa 
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo


Trẻ con, người lớn, ai mà chả thuộc bài ca dao dí dỏm và dễ hiểu này. Vô lí như vậy mà bảo là dễ hiểu à? Ấy chết! Có vấn đề sao? Lù lù như cây cau mà không thấy à? Ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên trái đất này, có chú chuột nào khoẻ hơn cả ông Hạng Võ để trèo lên sống trên cây cau thẳng đứng, cao sừng sững cả chục mét kia không? Ăn cái giải gì trên ấy? Chuột chỉ quen leo trèo, kiếm ăn quanh quẩn trong nhà, ngoài vườn thôi.
Triết lí của người lớn cao siêu như thế thì làm sao trẻ con hiểu nổi?
***
https://ci5.googleusercontent.com/proxy/49AAjcog4uBcWJvXyIArbEVDXGS_g-96YpiUmihYb8ZRi-lxHrmCe1tHPmAoWQUhAcSac-u2z44fY7v_UEIAIc8JaM8NR8dklGb1ZuBYIijS=s0-d-e1-ft#http://chimviet.free.fr/quehuong/nguyendu/nddg094/nddg094a.gif
Dân gian có tranh mèo chuột. Nhưng mù mờ lắm. Nói đúng hơn là ỡm ờ. Tấm tranh Tết vẽ mèo chuột của ta lúc thì được gọi là tranh Đám cưới chuột, lúc khác lại gọi là Trạng chuột vinh quy. Gọi tên này hay tên kia đều chỉ... đúng một nửa, sai một nửa. Điều này đã được bàn kĩ trong bài Ngày Tết, thử bàn về một tấm tranh Tết. Xin nhắc lại câu kết luận là người vẽ đã oái oăm ghép hai đám rước hoàn toàn khác nhau trong cùng một tấm tranh. Nửa trên là đám rước dâu ở thôn quê. Lũ chuột đang bị mèo già chặn đường đòi đút lót. Tranh minh hoạ bài thơ Đám cưới chuộtcủa vùng đất Liễu Đôi. Nửa dưới của tấm tranh là đám rước trạng nguyên, có "ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau". Lối ghép tranh kiểu này còn được thấy trong tấm "rước tiến sĩ văn và rước tiến sĩ võ".
***
Mèo chuột thỉnh thoảng được văn học nói tới. Chuột bị gán nhiều tội.
Nguyễn Đình Chiểu viết Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột) , trách vua quan thời nhiễu nhương: 
Sách Lỗ sử biên câu "thực giác", vì miệng ai cho nên vua lỗi đạo thờ trời; thơ Quốc phong đề chữ thực miêu, vì miệng ai cho nên dân xa làng bỏ đất? 
Thực giác nghĩa là khoét sừng. Chuột nhắt khoét sừng con trâu dùng tế trời. Thực miêu nghĩa là cắn lúa. Chuột thuộc loài thạch thử ăn hại lúa mạ. 
(Bảo Định Giang, Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Văn Học, 1971, tr. 243).

Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng Ghét chuột (Tăng thử) , cũng nói đến cái sừng trâu: 
Ninh đạo Lỗ ngưu dốc (Thà ăn trộm cái sừng trâu nước Lỗ).

Cái sừng trâu được giảng bằng một điển tích khác : Dân nước Lỗ bị nạn đói kém, phải đem chiếc tù và làm bằng sừng trâu hầm lấy nước, chia nhau để cầm hơi. Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn nói rằng loài chuột nếu có đói thì đi gặm nhấm các thức khác (yên ngựa, sừng trâu) chứ đừng có ăn hại lúa.
Chuột còn tội khác, đáng ghét hơn tội ăn hại lúa:
Thành xã ỷ vi gian 
Thần nhân oán mãn phúc 

(Chốn thành xã dựa vào mà làm điều gian 
Cả thần và người đều oán chứa đầy bụng)

Sách Tấn thư chép chuyện Tạ Côn nói rằng: "Lưu Ngỗi gây ra mối hoạ loạn đấy, nhưng y là con cáo ở tường thành, con chuột ở đàn xã". Ý nói con cáo làm hang trong tường thành, con chuột làm tổ trong đàn xã là đã dựa vào những uy thế không ai dám xâm phạm đến. Không ai dám đào hang cáo ở tường thành là vật để bảo vệ nội thành, không ai dám đào hang chuột ở đàn xã là nơi thiêng liêng thờ thần đất của nhà vua, cho nên những vật độc hại như con cáo, con chuột vẫn có chỗ ẩn náu mãi. 
(Đinh Gia Khánh, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn Học, 1983, tr. 304)

Con chuột của ngày xưa lột xác, trở thành bọn đục khoét công quỹ, có ô dù che chở của ngày nay.
Có lẽ chỉ có Nguyễn Khuyến mới thương hại chuột bị đói (Cơ thử) : 
 

Bọn mi nương xó tường ta, 
Bấy lâu êm ả trong nhà không sao. 
Phải khi gạo kém thóc cao, 
Bọn mi lục đục cắn nhau bao lần. 
(...) 
Xóm tây qua đã gặt rồi, 
Bọn mi sớm liệu mà rời sang ngay... 
(Chuột đói , bản dịch của Dương Xuân Đàm)


Nguyễn Khuyến thương hại lũ chuột gặp năm mất mùa bị đói. Nếu chỉ có vậy thì tình thương dành cho chuột của Nguyễn Khuyến cũng đáng khen. Nhưng ông lại khuyên chuột nên sang nhà hàng xóm kiếm ăn. Không biết nhà hàng xóm có vui vẻ chấp nhận hành động gắp lửa bỏ tay người của Nguyễn Khuyến hay không?
Hồ Huyền Quy soạn truyện Trinh thử (Chuột trinh tiết) để ca ngợi đàn bà nước ta.
Ít người biết truyện ngụ ngôn Chuột nhắt chống mèo.
"Ngày xưa, tại làng kia có một gia đình giàu có. Nhà ngói, cây mít. Ao sâu cá mè. Trâu, bò, gà, lợn. Nhưng vợ chồng phú ông hiếm hoi. Nhà không có trẻ con. Ông bà nuôi chơi một con mèo tam thể cho vui cửa vui nhà. Số mèo thật là sung sướng. Ăn uống no nê. Cả ngày rong chơi. Nhưng trời bẩm sinh mèo hay la cà, thích chui vào tận xó xỉnh rình bắt chuột. Bắt để chơi, cắn chết, rồi tha ra vứt ngoài sân. Mỗi lần phải quét dọn phú bà lại nổi cáu quất cho mèo một trận. Nhưng mèo vẫn chứng nào tật nấy. Đám chuột nhắt sống trong phập phồng lo sợ.
Một ngày kia, lũ chuột bảo nhau phải tìm cho ra giải pháp chống lại mèo. Một hội đồng chuột được triệu tập, họp bàn sôi nổi.
- Phải mời lão chuột cống sang giúp một tay.
Ồ! Giải pháp hay như vậy mà lâu nay không ai nghĩ ra. Đúng rồi, chỉ có lão chuột cống to lớn kia, một mình thoát khỏi được cả bẫy chuột, mới đương đầu nổi với mèo.
Hội đồng chuột quyết định khiêng hết mấy hạt gạo tấm, mẩu cá khô, tí cơm nguội để dành trong hang ra sửa soạn đồ lễ. Đêm nay rước ra mé bờ ao, xin gặp lão chuột cống.
Đúng là danh bất hư truyền. Lão chuột cống khoẻ thật. Chỉ loáng một cái là ăn hết sạch mâm đồ lễ. Ăn xong, lão đủng đỉnh đặt điều kiện. Hai bên kì kèo mãi mới xong.
Chuột cống bày kế... Hay! Hay! Phen này Gia Cát Lượng cũng phải chịu thua. Chờ ngày tốt, giờ tốt, sẽ ra quân...
Đêm nay trăng soi vằng vặc ngoài sân. Phú ông trằn trọc, phú bà cũng trằn trọc. Cả hai đang ngứa ngáy, mất ngủ. Bỗng nghe có tiếng động ở gian bên cạnh. Rồi loảng xoảng, đổ vỡ. Trộm ! Trộm đang vơ vét bàn thờ. Ông bà vùng dậy, mở cửa chạy sang phòng bên đuổi trộm. Nhưng không có trộm. Trước mặt ông bà chỉ có con mèo đang lồng lộn đuổi mấy con chuột trên bàn thờ. Lũ chuột thoáng hiện, thoáng biến. Chúng len lỏi sau cái lư đồng, chạy quanh bát nước cúng, bình hoa, đĩa quả. Chỗ nào cũng thấy chuột. Mèo hoa mắt, cuống cuồng đuổi bắt tứ tung. Lũ chuột ra hiệu ngầm cho nhau, lặng lẽ rút lui. Mèo tiếp tục tung hoành giữa đổ vỡ. Vợ chồng phú ông tái mặt. Ông vớ cái phất trần, bà vớ cái chổi, cùng đuổi đánh mèo. 
Sáng ra, phú bà xích cổ mèo, dắt ra chợ. Lão hàng thịt khoái chí mua được món đồ nhắm rẻ như bèo. Phú bà vừa đi vừa lầm bầm đếm tiền. Đến trước cửa hàng tạp hoá, bà ghé vào mua mấy gói thuốc chuột...".

Có nơi kể thêm...
"Lũ chuột nhắt liên hoan cám ơn chuột cống. Tất cả đều đồng ý mời chuột cống ở lại. Đời sống từ nay không còn chết chóc. Nhà nhà vui tươi, hạnh phúc. 
Nhưng chẳng bao lâu, một tai hoạ khác lại giáng xuống... Lão chuột cống ăn ghê quá. Kho dự trữ hết sạch. Đồ tha về hàng ngày không đủ. Đó đây bắt đầu xì xào ta thán. 
Hội đồng chuột lại họp bàn. 
Có kẻ hiến kế. Hay! Hay! Phen này thì có chạy đằng trời! 
Lũ chuột nhắt rỉ tai nhau từ nay hễ thấy cơm nguội tẩm thuốc chuột thì phải tha hết về dấu trong hang. Tích tiểu thành đại. Bao giờ được nhiều sẽ đem ra khao lão chuột cống".

***
Trong đời sống hàng ngày, tiếng Việt có vài thành ngữ dính dáng đến chuột.
- Chuột sa chĩnh mỡ (hay chĩnh nếp, chĩnh gạo) ca ngợi mấy ông gặp may, không biết tiền từ đâu mà cứ đổ vào ào ào như nước, múc đi không hết. Thành ngữ này ngày xưa ám chỉ mấy chuyên gia "kĩ sư đào mỏ", đào được tảng kim cương. Phần nhiều là kim cương có tì vết. Thời buổi khó khăn, được cơm no bò cưỡi là khá rồi.
Tuy nhiên, phải đề cao cảnh giác. Ông nào không may rơi vào... lọ mỡ thì đáng buồn lắm. Lọ mỡ không phải là chĩnh mỡ. Khách mày râu nào bị phái yếu chê là Đuôi chuột ngoáy lọ mỡ thì... chui xuống gầm giường mà trốn. Không khéo lại cơm hỏng bỏng không. Có ngày mất cả bò để cưỡi. Mất cả mảnh đất màu mỡ để đâm xới.
Đầu voi, đuôi chuột là thành tích của giới khoác lác, huyênh hoang. Lời nói không đi đôi với việc làm. Hứa nhiều thực hiện ít. Dự án vĩ đại, kết quả chẳng ra gì. Đầu đuôi không tương xứng.
Cháy nhà, ra mặt chuột chê bọn vô tài, thất đức, bọn ngồi mát ăn bát vàng, gặp biến cố bị lộ chân tướng.
Léopold Cadière sưu tầm được một thành ngữ khá hay:
Chuột bầy làm chẳng nên hang. Nghĩa là "thiếu lãnh đạo thì nhiều người cũng chẳng làm nên trò trống gì". 


Nguyễn Dư

 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top