Vụ Đồng Tâm và nhà báo Phạm Chí Dũng khiến 64 Nghị sĩ EU đặt vấn đề nhân quyền về Việt Nam để đình chỉ EVFTA
Tất cả các công cụ hiện có nên được sử dụng để kích hoạt những thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam.
Các Nghị viên EU viết trong thư ngày 25/9/2020.
Ngày 25/9/2020, 64 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã ký chung một bức thư gửi EU nêu tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có vụ án Đồng Tâm, và nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt giam. Photo by Saskia Bricmont.
Quan ngại về hai bản án tử hình trong vụ án Đồng Tâm, hơn 60 Nghị sĩ Liên minh châu Âu (EU) vừa gửi một bức thư chung yêu cầu các ủy ban áp dụng các công cụ trong Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) để kích hoạt những thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam. Bức thư chung cũng lên tiếng vụ nhà báo Phạm Chí Dũng bị chính quyền bắt giam gần một năm qua chỉ vì đã liên lạc với EU.
Ngày 25/9, 64 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã ký chung một bức thư gửi đến Cao Ủy Thương mại, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh, đồng thời gửi đến Chủ tịch Nghị viện và các cơ quan hữu quan, nêu tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có vụ án Đồng Tâm.
Bức thư có đoạn: “Việc thường xuyên cưỡng chiếm đất thường là nguyên nhân sâu xa của bạo lực. Nó đã gây ra sự kiện bi thảm ở Đồng Tâm vào tháng 1 năm nay. Công an đã tấn công bằng vũ lực quá mức vào ngôi làng nơi các dân làng khiếu nại về việc tịch thu đất bất hợp pháp. Một số bị cáo khai rằng họ đã bị buộc phải thú tội dưới sự tra tấn. Hai người đã bị kết án tử hình, và hàng chục người khác bị kết án.”
“Sau khi bị bắt tạm giam, những người bị buộc tội chính trị hoặc các vấn đề nhạy cảm như vụ đụng độ Đồng Tâm, không được liên hệ hoặc không có liên hệ thật sự có ý nghĩa với luật sư và gia đình của họ. Họ thường là đối tượng của bạo lực đánh đập, tra tấn hoặc đối xử tệ bạc khác, và các phiên tòa xét xử họ một cách nhanh chóng không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về tính khách quan, công bằng và độc lập của tòa án. Việc cưỡng bức thú tội trước ống kính truyền hình cũng thường xuyên xảy ra,” bức thư viết.
BED SHARE
Đường dẫn trực tiếp
Bức thư cũng bày tỏ sự thất vọng của các nghị sĩ về phản hồi của chính quyền Việt Nam đối với việc bắt giữ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng vào tháng 11/2019.“Vụ ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt nam, bị bắt giam vì liên hệ với Nghị viện Châu Âu. Vụ bắt giữ này đã dẫn tới một bức thư của Chủ tịch Nghị viện Châu Âu gửi Thủ tướng Việt Nam. Bức thư trả lời của Việt Nam là đáng thất vọng, nó không đề cập đến nội dung của vụ việc và so sánh những hạn chế về quyền tự do ngôn luận ở EU với những hạn chế ở Việt Nam.”
Trong bức thư, 64 nghị sĩ yêu cầu EU hãy sử dụng các công cụ của EVFTA để làm thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam, và hãy lưu ý Việt Nam “về khả năng đình chỉ một phần hoặc toàn bộ Hiệp định EVFTA” trong trường hợp các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục thiếu tiến bộ về nhân quyền.
“Trong bối cảnh đáng lo ngại này và vì chúng tôi lo ngại tình hình sẽ tồi tệ hơn trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 vào tháng 1 năm 2021, tất cả các công cụ hiện có nên được sử dụng để kích hoạt những thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam,” bức thư có đoạn.
Hội thảo quốc tế vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Đan Mạch
Các nghị sĩ yêu cầu Nghị viện EU “tăng cường đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở các cấp cao nhất để yêu cầu họ thực hiện các bước cụ thể để giải quyết tình trạng nhân quyền ngày càng xấu đi trong nước, bao gồm việc khẩn cấp thả tất cả những người bị bỏ tù chỉ vì thực hiện ôn hòa quyền tự do bày tỏ ý kiến của họ, và cam kết thực hiện cải cách cụ thể Bộ luật Hình sự và các đạo luật đàn áp khác, tuân thủ các cam kết song phương và quốc tế, và nêu rõ hậu quả nếu không hành động.”
Ngoài ra, các nghị sĩ kêu gọi Nghị viện EU: Khẩn trương theo đuổi việc thiết lập một cơ chế giám sát độc lập về nhân quyền và cơ chế khiếu nại độc lập; thành lập Nhóm cố vấn trong nước và cảnh báo các cơ quan chức năng của Việt Nam về bất kỳ sự can thiệp quá mức nào vào thành phần và hoạt động của Nhóm; Báo cáo với Nghị viện EU về hoạt động của Việt Nam để đạt được tiến bộ trong một loạt các vấn đề nhân quyền”.
Cuối thư, các Nghị viên đề xuất: “Nhắc nhở các đối tác Việt Nam của mình về mối liên hệ ràng buộc pháp lý giữa PCA (Hiệp định Đối tác và Hợp tác) và EVFTA, và khả năng kích hoạt điều khoản nhân quyền để đình chỉ một phần hoặc toàn bộ các giao dịch trong trường hợp các cơ quan chức năng của Việt Nam không đạt được tiến bộ.”
Nhắc nhở Việt Nam ...về khả năng kích hoạt điều khoản nhân quyền để đình chỉ một phần hoặc toàn bộ các giao dịch trong trường hợp các cơ quan chức năng của Việt Nam không đạt được tiến bộ.
Trích bức thư của các Nghị viên EU ngày 25/9/2020.
Bà Saskia Bricmont, một nghị viên trong nhóm 64 Nghị sĩ đồng ký tên trong thư, viết trên Twitter: “Dù Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, nhưng tình hình Nhân quyền Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn. Cùng với các thành viên khác trong Nghị viện, chúng tôi kêu gọi Liên minh Châu Âu hành động ngay!”
Nghị viện EU hiện có tất cả 705 nghị viên đến từ 27 quốc gia thành viên. Vào ngày 12/2/2020, Hiệp định EVFTA được Nghị viện EU phê chuẩn với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
EMBED SHARE
Nghị viên EU Marianne Vind và Luật sư Nguyễn Văn Đài tại hội thảo nhân quyền Việt Nam tại Đan Mạch, 18/9/2020. Photo Facebook Nhóm Hỗ trợ Nhân quyền cho Việt Nam tại Đan Mạch.
Hôm 20/9, Luật sư Nguyễn Văn Đài thuộc Hội Anh em Dân chủ phát biểu trên kênh YouTube của ông nêu nhận định về cuộc hội thảo nhân quyền tại Đan Mạch.
“Tại cuộc hội thảo Dân biểu Marianne Vind cho rằng EVFTA như là một công cụ hữu ích để EU thúc đẩy quyền thành lập nghiệp đoàn [độc lập] cho công nhân Việt Nam cũng các vấn đề nhân quyền khác. Bà nói rằng sẽ cùng các dân biểu EU ra một tuyên bố ủng hộ cho bất kỳ một tổ chức nghiệp đoàn nào của công nhân được thành lập tại Việt Nam bắt đầu từ 1/1/2021 khi luật Lao động mới có hiệu lực.
“Đây là một sự cổ vũ tinh thần rất lớn khi mà công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công ty được thành lập tổ chức nghiệp đoàn của mình để bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người lao động.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm rằng vào ngày 17/9 ông và các đại diện của Hội Đồng Truyền Giáo Đan Mạch, Nhóm Hỗ trợ Nhân quyền cho Việt Nam tại Đan Mạch đã có các cuộc gặp gỡ và làm việc với đại diện của Bộ Ngoại giao và Quốc hội Đan Mạch để vận động và thúc đẩy cho nhân quyền Việt Nam.