Vladimir Putin
và nỗi ám ảnh quyền lực vĩnh cửu
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, trong buổi đọc diễn văn đầu năm về hiện trạng đất nước trước Nghị Viện, thông báo cải tổ Hiến Pháp, ngày 16/01/2020. Alexey Nikolsky/Kremlin via REUTERS
(MinhAnh-RFI) Tòa án Hiến Pháp Nga ngày thứ Hai 16/03/2020 đã thông qua chương trình cải cách rộng lớn theo như đề nghị của tổng thống Vladimir Putin. Với việc thông qua dự luật cải cách Hiến Pháp này, nguyên thủ Nga có thể đảm nhiệm thêm hai nhiệm kỳ mới sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2014. Làm thế nào nguyên thủ Nga có thể thực hiện việc kéo dài quyền hạn sau 20 năm cầm quyền? (Tạp chí phát lần đầu ngày 30/01/2020)
Thứ Tư 16/01/2020, tổng thống Nga đề nghị tổ chức một cuộc tham vấn công luận về cải cách Hiến Pháp nhằm cải tổ hệ thống chính trị đất nước. Năm ngày sau, ngày 21/01, Vladimir Putin chính thức công bố dự luật thành lập Hội Đồng Nhà Nước.
Với thông báo này, Vladimir Putin xứng danh là « chủ nhân của mọi sự kinh ngạc ». Mọi sự bắt đầu từ ngày 31/12/1999, khi ông Boris Eltsin bất ngờ thông báo chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho thủ tướng lúc bấy giờ là ông Vladimir Putin, để rồi từ đó người này không bao giờ rời xa quyền lực. Vladimir Putin, bốn lần đắc cử và tái đắc cử tổng thống (2000, 2004, 2012, 2018) và hai lần làm thủ tướng chính phủ (từ tháng 8/1999 – 5/2000, rồi từ tháng 5/2008 – 5/2012).
Hiến Pháp : Công cụ bảo toàn quyền lực của Putin ?
Trong 20 năm đó, thế giới hẳn chưa thể nào quên được lần đổi vai ngoạn mục giữa Putin với Dmitri Medvedev năm 2008 : Ông làm thủ tướng còn Medvedev làm tổng thống, nhưng thực quyền vẫn nằm trong tay Putin. Nhiệm kỳ thủ tướng kết thúc, Vladimir Putin trước khi ra tranh cử tổng thống năm 2012, đã cho sửa đổi Hiến Pháp tăng thời hạn nhiệm kỳ tổng thống từ bốn lên thành sáu năm.
Tám năm sau, ngày 16/01/2020, nguyên thủ Nga lại bất ngờ thông báo sửa đổi Hiến Pháp. Trong lần thứ hai này, Vladimir Putin đề nghị tăng cường thẩm quyền Quốc Hội trong việc bổ nhiệm thủ tướng, giới hạn nhiệm kỳ tổng thống không được quá hai lần sáu năm liên tiếp. Tuy nhiên, điểm đáng được chú ý nhất là việc thành lập Hội Đồng Nhà Nước với quyền hành rộng rãi bao gồm chính sách đối ngoại, đối nội, kinh tế và xã hội mà chiếc ghế chủ tịch hiện chưa rõ sẽ thuộc về ai.
Vladimir Putin sửa đổi Hiến Pháp nhằm mục đích gì ? Giới chuyên gia tại Pháp hầu hết đều cho rằng đây là cách duy nhất để nguyên thủ Nga duy trì quyền lực. Liệu rằng tổng thống Nga có « bổn cũ soạn lại », tiếp tục đổi vai như năm 2008, trở về làm thủ tướng ? Chuyên gia Pascal Boniface, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), tin rằng « Không ». Theo ông, mục tiêu chính của ông Putin là làm thế nào duy trì đường lối chính sách mà ông đã tiến hành một khi ông mãn nhiệm. Bằng cách nào mới được ? Ông Pascal Boniface phân tích :
« Đương nhiên là tổng thống Nga muốn gây ảnh hưởng. Ông Putin có thể làm được điều đó thông qua Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và nắm lấy chiếc ghế chủ tịch. Điều này khá giống kịch bản Kazakhstan. Ông Nazarbaїev tuy không còn chức vụ lãnh đạo hàng đầu chính thức nữa nhưng người này giữ một tầm ảnh hưởng mạnh đến mức đường lối chính sách đất nước mang đậm dấu ấn của ông, cũng như là ông rất được lắng nghe.
Hay chúng ta còn nhớ là ông Đặng Tiểu Bình tại Trung Quốc trong những năm cuối đời chỉ giữ một chức vụ được xem như là chính thức ‘‘chủ tịch Hiệp hội chơi bài’’. Người này không có một chức vụ nào trong chính phủ cả, thế nhưng ông ấy mới chính là nhân vật số một.
Chúng ta có thể thấy là ông Putin cho dù có ở bất kể cương vị nào, cũng sẽ duy trì một tầm ảnh hưởng đối với những người kế nhiệm. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng làm được. Nhưng một lần nữa tôi tin rằng điều quan trọng nhất đối với Putin chính là chính sách của ông phải được tiếp tục và tổ quốc Nga vẫn phải được nể trọng ».
Kinh tế - Xã hội : Chiếc phanh kềm hãm tham vọng của Putin?
Nhìn lại 20 năm cầm quyền đã qua của chủ nhân điện Kremlin, người ta không khỏi ngạc nhiên và tự hỏi : Làm thế nào mà ông Putin có thể tại quyền lâu đến như thế ? Vì sao việc ông cầm quyền lâu không có vẻ gì là gây sốc cho công luận Nga nói riêng và quốc tế nói chung ? Nhà nghiên cứu Pascal Boniface, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược lý giải như sau :
« Điều có thể giải thích cho việc Putin rất được lòng dân cũng như là có thể tại vị suốt một phần tư thế kỷ chính là vì ông đã mang lại niềm tự hào cho dân tộc Nga. Bị phản đối ở phương Tây nhưng người dân Nga cho rằng họ đã bị sỉ nhục trong những năm 1990 và chính ông Putin đã trao lại cho họ niềm tự hào đó. Chính ông một lần nữa đã làm cho nước Nga được tỏa sáng trên trường quốc tế bằng những phương tiện hạn hẹp.
Hơn nữa, so với thời kỳ khủng hoảng của những năm 1990, tình hình kinh tế tuy không mấy gì tươi sáng nhưng dẫu sao cũng đã khá hơn. Đừng quên rằng GDP của Nga trong giai đoạn 1991-2000 đã bị giảm đến một nửa.
Nhưng nếu ông Putin rất được lòng dân ở Nga thì ở thế giới phương Tây ông lại không được như thế. Nhưng việc ông cầm quyền lâu không là một vấn đề bởi vì có rất nhiều nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ cầm quyền từ lâu. Một số thân với phương Tây, số khác là đối thủ cạnh tranh. Và đây không còn là một tiêu chí để đánh giá trong thế giới phương Tây. Họ chủ yếu chỉ trích ông Putin về đường lối chính sách của ông hơn là thời gian cầm quyền. »
Giờ đây, theo Hiến Pháp, Vladimir Putin không thể tái tranh cử. Hơn nữa, tuy tỷ lệ được lòng dân vẫn còn cao (khoảng 70%), nhưng tổng thống Nga cũng phải đối mặt với làn sóng bất bình trong nước ngày càng cao. Các thành tích quân sự bên ngoài lãnh thổ không còn làm cho người dân Nga hào hứng như vụ sáp nhập bán đảo Crimee hay cuộc khủng hoảng ở Đông Ukraina.
Bởi vì, từ năm năm qua, tình trạng nghèo khổ không suy giảm và thu nhập bình quân của người dân Nga bị giảm đến 12%. Những vấn đề kinh tế - xã hội bắt đầu có những tác động tiêu cực đối với uy tín của ông Vladimir Putin nói riêng và đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất nói chung, mà cuộc bầu cử Hội Đồng Thành phố Matxcơva hồi tháng 9/2019 là một ví dụ điển hình.
Với Thornike Gordadze, cựu ngoại trưởng Gruzia, giảng viên trường Khoa học Chính trị (Sciences Po), đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lãnh đạo Nga lo lắng và gấp rút cho sửa đổi Hiến Pháp.
« Có một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga. Đất nước hiện đang trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm, có thể nói là không đủ sức cất cánh, bởi vì nước Nga khá bị chậm trễ so với các nước phát triển chính như các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nếu muốn đuổi kịp những nước này, Nga cần phải có một mức tăng trưởng khá lớn.
Thậm chí Nga cũng chưa phải là một cường quốc kinh tế mới trỗi dậy với mức tăng trưởng cao. Nước Nga chẳng phát minh ra được cái gì, cũng chẳng có cải cách, cách tân gì cả. Nga vẫn là một nước lệ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu khí.
Và chúng ta thấy rõ là tiền có được đã không được sử dụng cho việc phát triển kinh tế mà chỉ dùng để hiện đại hóa quân đội, hay để ghi điểm trên bàn cờ địa chính trị quốc tế chứ không phải là hiện đại hóa kinh tế quốc gia ! »
Chọn người kế nhiệm : Putin trong thế lưỡng nan
Nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông sẽ kết thúc vào năm 2024, và thời điểm đó cũng đánh dấu 24 năm cầm quyền của ông. Vào năm đó, Vladimir Putin sẽ được 72 tuổi. Vậy ông sẽ làm gì ? Không ai biết rõ. Nhưng theo nhà báo, giảng viên trường quân sự Saint-Cyr, ông Frederic Pons, « một điều chắc chắn rằng, là một nhà lãnh đạo thực dụng và đòi hỏi cao, Vladimir Putin đang chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cho giai đoạn này. »
Ai sẽ là người thay thế ông vào năm 2024 ? Đây quả thật là một bí ẩn lớn. Nhà nghiên cứu Nga học, bà Tatiana Kastouéva-Jean gần như khẳng định thế giới khó có thể thấy được một gương mặt khả tín nào để thay thế Vladimir Putin. Bà giải thích :
« Vấn đề là người ta chưa thấy có một gương mặt khả tín nào để thay thế Vladimir Putin. Bởi vì họ đã làm mọi thứ sao cho không có khả năng thay thế đó. Do vậy, đối với rất nhiều người dân Nga, Vladimir Putin tuy không còn là một gương mặt được lòng dân nhất, một gương mặt ưa thích nhất cho vai trò tổng thống nhiệm kỳ thứ 5, nhưng vì họ cũng chưa thấy có một gương mặt khả dĩ nào khác, họ sợ hỗn loạn nên đành chọn điều kém tồi tệ nhất, nghĩa là Vladimir Putin ».
Một quan điểm cũng được ông Pascal Boniface đồng chia sẻ. Vị chuyên gia này còn lưu ý thêm rằng bản thân việc tìm người thay thế theo đúng ý muốn của ông sẽ là một bài toán hóc búa cho chính nguyên thủ Nga.
« Điều chắc chắn là ông Putin đã có một ảnh hưởng to lớn trong hệ thống chính trị Nga đến mức ông che mờ thậm chí làm cho tất cả những người khác không còn tồn tại. Chúng ta thấy rõ là ông Medvedev đã không thể nào có được một vai trò quan trọng nào ngay cả khi ông ấy làm tổng thống. Ông ấy đã bị chiếc bóng của Putin che khuất.
Thế nên, cần phải chuẩn bị giai đoạn chuyển tiếp, bởi vì nếu như Putin muốn rằng các chính sách của ông được duy trì, cần phải có một người có bản lĩnh chứ không chỉ đơn giản là một người thừa hành. Đây thật sự là một thế lưỡng nan đối với ông Putin. Nếu đưa một người tài giỏi rốt cuộc chính ông có thể trở thành chiếc bóng của người đó. Nhưng nếu đó là một người tầm thường, trong trường hợp này tương lai chính sách của ông bị lâm nguy. »
Trích TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM