Trung Quốc : Virus corona lan sang mặt trận ngoại giao và địa chính trị

Tin Tức

image.png
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp ông Tedros Adhanom, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Bắc Kinh, ngày 28/01/2020. Naohiko Hatta/Pool via REUTERS
Thùy Dương
Virus corona vẫn là một chủ đề được các báo Pháp ra ngày hôm nay 04/02/2020 quan tâm. Le Monde chạy tít trang nhất : « Trung Quốc : Những hậu quả của dịch bệnh ». Corona đã lây lan từ lĩnh vực y tế sang ngoại giao và địa chính trị.


Hai tuần sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổng động viên nhân dân chống siêu vi corona, cuộc chiến chống virus vẫn chưa thắng lợi. Giờ đây, không chỉ Vũ Hán mà cả thành phố Ôn Châu, nằm cách Vũ Hán 800 km, cũng bị cách ly. Chín triệu dân Ôn Châu không được phép rời khỏi nhà, trừ đi mua thực phẩm : cứ hai ngày, mỗi hộ gia đình chỉ được cử một người đi chợ mua thức ăn.

Việc Tổ chức Y Tế Thế Giới công bố tình trạng y tế khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu hôm 30/01/2020 đã khiến chính quyền Trung Quốc phải mở rộng mặt trận chống virus sang cả lĩnh vực đối ngoại và địa chính trị.

Trong nước, truyền thông Trung Quốc âm thầm, không nói nhiều tới dịch bệnh, nhưng lại nhiệt tình loan báo về tình đoàn kết mà quốc tế dành cho Hoa lục, những lời cổ vũ, khen ngợi của các nước Lào, Pakistan, Nam Phi, Liban, Iran, Achentina, Mêhicô và Costa Rica … Tuy nhiên, những phát biểu của giới ngoại giao Trung Quốc và báo chí Nhà nước bằng tiếng Anh lại cho thấy nước này đang bị thế giới cách ly.

Trên mạng xã hội Twitter, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo chỉ trích việc Washington cấm người nước ngoài đã từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó nhập cảnh vào Mỹ là thái độ cực đoan nhất của các nước nhắm vào Trung Quốc. Đại diện Hoàn Cầu Thời Báo đề nghị Mỹ tỏ thái độ tôn trọng trước những hy sinh lớn lao của Trung Quốc trong cuộc chiến chống virus. Bắc Kinh đã dựa vào những phát biểu ủng hộ của tổng giám đốc Tổ chức Y Tế Thế Giới hôm 30/01 để cho thế giới thấy không thể trách móc được gì Trung Quốc trong cuộc chiến chống corona.

Theo Bắc Kinh, không những Trung Quốc là một siêu cường khoa học đi đầu cuộc chiến chống các dịch bệnh, mà virus corona còn không nguy hiểm bằng « chứng hoảng loạn (hystéria) của truyền thông Tây phương ». China Daily nêu lên một ví dụ : Mặc dù một số phương tiện truyền thông phương Tây dành trang nhất cho virus corona, nhưng lại rất ít nói đến kết quả báo cáo của trung tâm dự phòng và giám sát bệnh ngày 31/01, theo đó hiện đã có 10.000 người chết và 180.000 nhập viện tại Mỹ vì bệnh cúm.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã có những phản ứng thái quá đến chệch hướng. Chẳng hạn, trong một cuộc họp báo, đại sứ Trung Quốc tại Israel đã so sánh việc cấm người Trung Quốc nhập cảnh với nạn thảm sát người Do Thái : « Hàng triệu người Do Thái đã bị sát hại và nhiều người Do Thái bị cấm đến một số quốc gia. Nhiều nước đã mở cửa đón nhận họ, trong đó có Trung Quốc ». Quan chức ngoại giao này sau đó đã có lời xin lỗi vì phát ngôn trên.

Nhưng theo Le Monde, điều này cũng cho thấy nhà chức trách Trung Quốc đang căng thẳng. Còn đại sứ Trung Quốc tại Mỹ thì nhận định một con « virus chính trị dường như đang cản trở Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt tay hợp tác để đối phó với các thách thức chung ». Đối với Bắc Kinh, Washington đang lợi dụng virus corona để làm suy yếu Trung Quốc. Hôm qua 03/02, trong một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tố cáo Mỹ không hề có sự trợ giúp cụ thể nào cho Trung Quốc, mà chỉ khiến mọi người lo ngại.

Hoàn Cầu Thời Báo thì tổng hợp 4 điều liên quan đến thái độ của phương Tây, nhất là Mỹ : Mỹ vô đạo đức khi tấn công cuộc chiến của Trung Quốc chống virus, siêu vi kích động thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội phương Tây, corona sẽ không thể giúp chính quyền Mỹ trong giai đoạn đàm phán thương mại thứ hai, những lời tố cáo và lăng nhục không khiến Trung Quốc chệch hướng trong cuộc chiến chống virus corona. Đối với Bắc Kinh, virus corona hiện giờ liên quan đến lĩnh vực địa chính trị nhiều không kém so với y tế.

Tập Cận Bình bị virus corona thách thức
image.png

Cũng như Le Monde, báo Công giáo La Croix - trong bài viết « Tập Cận Bình bị virus corona thách thức » - nhấn mạnh « thách thức về y tế vẫn còn nguyên, nhưng hiện nay ưu tiên của nhà chức trách Trung Quốc là về mặt chính trị ». Chế độ Cộng Sản Trung Quốc đang làm mọi việc để Đảng và nhà lãnh đạo được nhìn nhận như người cứu thế. Trong khi người dân thể hiện nỗi giận dữ trên các mạng xã hội về các biện pháp y tế, thì chính quyền lại lo ngại về hậu quả của dịch bệnh đối với hình ảnh của đất nước trong mắt quốc tế.

Ở trong nước, mục tiêu tối cao của chính quyền Trung Quốc vẫn là cho dân chúng thấy « người cha của dân tộc » đang kiểm soát được mọi chuyện. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc Minxin Pei, thuộc trường Claremont McKenna tại California, Mỹ, phân tích : « Khi nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố thắng virus, họ sẽ cảm ơn đảng Cộng Sản và chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi ngược lại, sự thật là chính đảng Cộng Sản mới phải chịu trách nhiệm đầu tiên về thảm họa này ».

Bộ máy tuyên truyền của Nhà nước nhấn mạnh là khoa học chứ không phải dân chủ sẽ cứu được đất nước. Nhưng nhiều người tự hỏi tại sao từ 20 năm nay, ở Trung Quốc lại xảy ra nhiều dịch bệnh đến như vậy : Sida năm 1990, SARS năm 2003, cúm gà H5N1 năm 2006 và dịch tả heo châu Phi trong những tháng gần đây. Một nhà báo ở tỉnh Tứ Xuyên nhận định với La Croix : « Hệ thống chính trị của Trung Quốc đã thối nát từ trên xuống dưới, đó là chế độ chỉ chấp nhận duy nhất một tư tưởng, tư tưởng của Tập Cận Bình ». Còn nhà nghiên cứu về Trung Quốc Minxin Peikhẳng định « virus corona là một căn bệnh của chế độ độc tài Trung Quốc ». Chính chế độ độc đảng, dựa trên thái độ che giấu sự thật, không minh bạch, sự kiểm duyệt và kiểm soát dân chúng về đời sống xã hội, đã gây ra mọi thảm họa đã kể trên.

Nhiều đảng viên cấp cao nghĩ rằng Tập Cận Bình đã điều hành đất nước không tốt từ nhiều năm nay. Virus corona càng khiến ông ta bị chỉ trích, nhưng ít ai dám lên tiếng công khai, vì họ đều sợ bị đàn áp. Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu Minxin Pei, cho dù nỗi giận dữ đang dâng lên trên các mạng xã hội, nhưng chắc chắn thảm họa corona sẽ không thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, La Croix cũng khẳng định, nếu như trong nước, bộ máy tuyên truyền có thể giúp giữ gìn hình ảnh của Tập Cận Bình và đảm bảo tính chính đáng cho đảng Cộng Sản, nhưng trên trường quốc tế, thách thức đặt ra cho Tập Cận Bình sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trung Quốc đang bị tấn công từ mọi phía : bị chỉ trích mạnh mẽ việc trấn áp hai triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, bị tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nêu tên trong tổng kết thường niên về vi phạm nhân quyền, bị người Hồng Kông phản kháng từ suốt 8 tháng nay, lại đang trong tâm cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Thế giới coi người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về tình trạng nói trên không ai khác chính là Tập Cận Bình. Ông ta ngày càng bị so sánh với Mao Trạch Đông, mà chính sách từ năm 1949 đến năm 1976 đã gây ra cái chết của ít nhất 60 triệu người Trung Quốc. Theo La Croix, sự so sánh này không phải là vô cớ.

Một loại virus chống toàn cầu hóa
image.png

Trong bài xã luận mang tựa đề « Một loại virus chống toàn cầu hóa », La Croix nhận định dịch bệnh do virus corona gây ra khiến chúng ta phải có ý thức hơn về việc nền sản xuất công nghiệp thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn được gọi là công xưởng của thế giới.

Lâu nay người ta vẫn tự hỏi điều gì có thể hãm bớt các hoạt động trao đổi kinh tế từ những khoảng cách địa lý xa xôi - hiện tượng thường được gọi là « toàn cầu hóa ». Cho đến nay, dường như chưa có gì có thể hãm phanh xu hướng toàn cầu hóa, vốn dựa trên lợi nhuận, tư tưởng tự do mậu dịch và các cuộc cách mạng công nghệ (tin học và vận chuyển bằng container). Thực ra trong thập kỷ qua, tư tưởng bảo hộ cũng đã được nhiều người có thế lực ủng hộ, trong đó có tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng chưa đủ để làm thay đổi mọi chuyện.

Nhưng việc nhìn thấy dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona lây lan nhanh khiến nhiều người có suy nghĩ rút lui, thu mình lại. Nhiều nước đã đề xuất đưa công dân hồi hương. Cho đến nay, vẫn chưa có nhân vật quốc tế quan trọng nào đến thăm Trung Quốc để bày tỏ tình đoàn kết với người dân nước này trong cuộc chiến chống virus, như thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đã làm khi xảy ra dịch SARS hồi năm 2003.

Công chúng có thể nghĩ rằng mọi chuyện sẽ sớm thay đổi. Khi dịch bệnh lắng xuống, các hoạt động giao thương lại ít nhiều hồi phục như trước đây, nhưng La Croix nhấn mạnh, trong suy nghĩ của mọi người đã có sự thay đổi nhất định. Virus corona chỉ là một hạt cát so với guồng máy kinh tế đã được toàn cầu hóa nhưng virus này đã cho thấy có sự bấp bênh của toàn cầu hóa. Trong tương lai, có thể các nhà đầu tư sẽ phải suy nghĩ thêm một chút trước khi đặt cược vào Trung Quốc.

Hệ quả của virus corona đối với kinh tế thế giới

Vẫn liên quan đến virus corona, báo Les Echos nhận định dịch corona sẽ có tác động đối với kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh quy mô kinh tế Trung Quốc đã tăng mạnh trong suốt 20 năm qua. Theo Michala Marcussen, kinh tế gia trưởng của ngân hàng Pháp Société Générale, so với năm 2003, khi xảy ra đại dịch SARS, quy mô nền kinh tế Trung Quốc nay đã tăng gấp 4 lần. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc chiếm 16% GDP toàn cầu và 30% sản xuất công nghiệp thế giới.

Mức độ ảnh hưởng đương nhiên sẽ phụ thuộc nhiều vào chiều hướng diễn biến của dịch bệnh. Tác động của dịch corona đối với kinh tế thế giới thể hiện ở hai khía cạnh. Nhu cầu mua hàng của Trung Quốc sẽ giảm trong những tuần tới. Kinh tế gia trưởng của Société Générale dự báo trong quý 1 năm 2020, mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ mất 0,3% vì virus corona.

Nền kinh tế toàn cầu cũng bị tác động do việc tổ chức các dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng. Dệt may, tin học, điện tử là những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất, và nhìn một cách tổng thể, nền kinh tế Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan, Hungary và Indonesia sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Virus corona: Trung Quốc thừa nhận ''bất cập'' trong xử lý khủng hoảng
image.png
Trưởng khu phố dùng loa phóng thanh cảnh báo về virus corona cho cư dân ở Cửu Giang (Giang Tây) giáp giới Vũ Hán ngày 04/02/2020. REUTERS/Thomas Peter
Thu Hằng
Thêm 64 người chết vì virus corona theo thông báo của chính phủ Trung Quốc ngày 04/02/2020, nâng tổng số ca tử vong tính từ đầu mùa dịch là 425 người và tổng cộng có hơn 20.400 trường hợp nhiễm virus corona mới. Trước tình trạng số người chết tăng kỷ lục mỗi ngày, chính quyền Trung Quốc thừa nhận « những thiếu sót trong phản ứng đối với khủng hoảng dịch tễ ».



Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã, được AFP trích lại, Ban thường trực của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc còn yêu cầu lực lượng phản ứng nhanh trong tình huống khẩn cấp phải được cải thiện sau « những bất cập và khó khăn nảy sinh trong thời gian xử lý nạn dịch ».

Cũng trong cuộc họp ngày 03/02 của Ban thường trực của Bộ Chính Trị, đích thân chủ tịch, kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình, đã yêu cầu các quan chức phải khẩn trương phối hợp để khống chế nạn dịch. Một cuộc họp do đích thân người đứng đầu Trung Quốc tham gia chỉ đạo, được hãng tin Mỹ Bloomberg (ngày 04/02) đánh giá là một sự kiện hiếm hoi, đồng thời phản ánh tính chất nghiêm trọng của nạn dịch, có nguy cơ tác động đến ổn định trong nước.

Ngoài Vũ Hán và Ôn Châu bị cách ly hoàn toàn, chính quyền thành phố Thái Châu (tỉnh Giang Tô) và ba quận ở thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) chỉ cho phép mỗi gia đình chỉ được một người ra khỏi nhà để đi chợ hai ngày một lần. Tổng cộng có khoảng 9 triệu người phải thực hiện biện pháp mới được công bố ngày 04/02. Dù nằm cách ổ dịch vài trăm cây số, nhưng chính quyền vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn ngừa dịch lan rộng.

Dịch bệnh thời công nghệ

Và cũng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, công nghệ được áp dụng rộng rãi tại Trung Quốc, như dùng thiết bị bay không người lái để đo thân nhiệt và nhắc nhở những người bất cẩn, hoặc đồng hồ theo dõi người mắc virus corona mới.

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh giải thích :

« Trung Quốc thời virus corona mới không như Trung Quốc thời SARS năm 2003, toàn bộ công nghệ mới được nền kinh tế lớn thứ hai phát triển đã được đưa vào sử dụng trong cuộc chiến chống nạn dịch.

Ở tỉnh Giang Tây (Jiangxi), một khu phố đã dùng thiết bị bay không người lái để đo thân nhiệt người dân. Người dân chỉ việc ngó ra cửa sổ. Cũng như ở các sân bay, thiết bị này đo thân nhiệt của họ qua một camera cảm ứng nhiệt.

Người máy cũng được đưa vào chuỗi lao động. Theo truyền thông Nhà nước, một nhà sản xuất đã cấp cho một bệnh viện ở Vũ Hán nhiều robot phục vụ để mang cơm đến cho người bệnh.

Còn ở Hồng Kông, các vòng tay điện tử được kết nối với điện thoại di động sẽ được cấp cho những người bị nghi ngờ nhiễm virus corona mới. Ông Victor Lam, người đứng đầu Phòng Truyền thông của đặc khu hành chính, giải thích : Mục tiêu của chiếc vòng này là nhằm bảo đảm những người đang trong giai đoạn cách ly không ra khỏi nhà. Nếu chiếc vòng đó bị hỏng, một tín hiệu sẽ được gửi đến ngay cho cảnh sát để kiểm tra.

Theo dõi và truy lùng những người không tuân thủ quy định, những thiết bị bay không người lái, chẳng có vẻ gì là đĩa bay ngoài hành tinh, đuổi theo những người quên mang khẩu trang, trong khi những chiếc khác thì phun thuốc khử trùng hoặc giải tán các đám đông.

Những thiết bị công nghệ đã khiến một số người sử dụng mạng xã hội suy nghĩ rằng tại sao trước quy mô nạn dịch như vậy, lại không đo luôn nhiệt độ toàn Trung Quốc từ một nhiệt kế gắn trên vệ tinh »


Trung Quốc xây bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn trong 10 ngày

Công nghệ và sức mạnh của lực lượng nhân công đông đảo đã giúp Trung Quốc hoàn thiện bệnh viện dã chiến đầu tiên với khoảng 1.000 giường bệnh trong thời gian kỷ lục. Hỏa Thần Sơn, nằm ở ngoại ô Vũ Hán, đã chính thức mở cửa ngày 03/02/2020 sau 10 ngày xây dựng.

Thông tín viên Liu Zhifan tường thuật từ Bắc Kinh :

« Người dân Trung Quốc, đặc biệt là bệnh nhân ở thành phố Vũ Hán, nóng lòng chờ bệnh viện Hỏa Thần Sơn được hoàn thiện. Họ có thể theo dõi trực tiếp tiến triển của công trường. Đây thực sự là một kỳ tích của Nhà nước Trung Hoa với bệnh viện có khả năng tiếp nhận 1.000 giường bệnh và được xây trong thời gian kỷ lục, chỉ mất 10 ngày. Khoảng 7.000 công nhân được huy động là việc cả ngày lẫn đêm.

Dù vậy bệnh viện tiền chế này không mang lại điều kỳ diệu cho người bệnh vì chắc chắn còn phải chờ vài tháng để có vắc-xin. Bệnh viện Hỏa Thần Sơn sẽ chỉ tiếp nhận những người được chuẩn đoán nhiễm virus corona mới và được các bệnh viện khác trong thành phố gửi đến. Những bệnh nhân đầu tiên đã đến bệnh viện vào 9 giờ 30 sáng 04/02 và được đội ngũ nhân viên, trang bị phòng hộ kín từ đầu đến chân, tiếp nhận.

Dù sao, bệnh viện dã chiến mới sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện ở Vũ Hán, đang hoạt động hết công suất từ đầu dịch bệnh. Và để giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ cán bộ y tế, gần như kiệt sức, bệnh viện Hỏa Thần Sơn sẽ do 1.400 quân nhân đảm nhiệm, trước đó một hôm, đội ngũ này vẫn còn đang chuẩn bị những bước cuối cùng.

Tổng cộng có hai bệnh viện dã chiến được hoàn thiện trong vòng ít nhất 10 ngày và được làm theo mô hình bệnh viện dã chiến từng được xây khẩn cấp ở Bắc Kinh vào năm 2003 để điều trị bệnh nhân dịch SARS ».
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top