Trung Cộng xả lũ khiến vỡ đê,
dân Hoa Lục cầu cứu trong vô vọng
dân Hoa Lục cầu cứu trong vô vọng
Lũ lụt do mưa lớn đã ảnh hưởng đến ít nhất 27 trong số 31 tỉnh và vùng của Trung Quốc. Ngày 14/7, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo rằng sẽ có lượng mưa lớn hơn được dự báo cho lưu vực sông Dương Tử trong 24 giờ tới.
Trung tâm này ước tính lượng mưa tổng thể ở phía nam lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc sẽ là 100mm đến 180mm từ ngày 14 đến 16 tháng 7. Ở một số vùng, lượng mưa sẽ đạt 300mm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia Việt Nam, lượng mưa trên 100 mm/h là thuộc vào loại mưa rất to.
Trung tâm này cũng cảnh báo rằng các khu vực phía bắc Trung Quốc như Tây Tạng, Tân Cương, Thanh Hải, Tân Cương, Cam Túc, Nội Mông, Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh và Hắc Long Giang sẽ có mưa lớn vào hai ngày 15 và 16/7.
Ảnh chụp từ trên không ngày 13 tháng 7 cho thấy những con dường và nhà cửa bị chìm trong biển nước
Những con phố và tòa nhà bị nhấn chìm trong biển lũ sau khi một con đập bị vỡ ở thành phố Cửu Giang, Trung Quốc ngày 13/7/2020
Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Quân nói trong cuộc họp báo ngày 13/7 tại Bắc Kinh rằng sông Hoàng Hà, sông Hải và sông Tùng Hoa ở miền bắc Trung Quốc sẽ trải qua đợt lũ lụt trong những tháng tới, nhưng người dân địa phương đều thiếu kinh nghiệm đối mặt với thảm họa này.
“Chúng ta nên lưu ý nhiều hơn đến khu vực miền bắc Trung Quốc”, ông Diệp nói.
Ông Diệp giải thích rằng lượng mưa mùa hè này ở lưu vực sông Dương Tử và lưu vực hồ Thái gấp 1,5 lần đến 2,6 lần lượng mưa trong những năm trước, và chính quyền sẽ sơ tán người dân trong vùng ảnh hưởng trước.
Tuy nhiên, người dân ở các tỉnh bị ngập lụt gồm An Huy, Hồ Bắc và Giang Tây đã nói với tờ The Epoch Times trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng quê hương của họ gần đây đã bị nhấn chìm sau khi chính quyền xả lũ tại các hồ hoặc sông hoặc do vỡ đê. Tuy nhiên, chính quyền không cung cấp các hỗ trợ thích hợp, họ nói.
Xả lũ
Ông Vương Minh (bút danh) sống ở làng Yiguan, phía đông thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy. Dòng sông Dương Tử chảy qua làng ông. Ông nói với The Epoch Times ngày 13/7 rằng ông và dân làng đã bị buộc phải rời khỏi quê, nằm gần một con đê nhỏ, ngay ngày hôm đó.“Họ [chính quyền] đã phải bỏ mặc những con đê nhỏ để bảo vệ những con đê lớn”, ông Vương nói. “Bằng cách không gia cường kè khiến nó sụp đổ tự nhiên, hoặc bằng cách phá thủ công, họ đã cho phép nước lũ từ sông Dương Tử tràn qua các con đê”, ông nói thêm.
Ngày hôm đó, hơn 12.000 người dân làng đã phải rời nhà ở Tongling, ông Vương nói. Hầu hết trong số họ không có nơi nào để đi và hiện đang chờ lũ rút tại các khu nhà tạm trú.
Ông Vương cho biết các khu nhà chờ này thiếu nước sinh hoạt, túi ngủ chống muỗi để xua côn trùng, áo mưa, đèn pin và lều.
Chính quyền đã không cung cấp cho dân làng đủ thực phẩm, ông Vương nói thêm. Nhiều người lo lắng tài sản của họ sẽ bị lũ cuốn trôi.
Còn ông Yu sống tại làng Hudong thuộc thôn Bà Dương, tỉnh Giang Tây ở phía đông Trung Quốc. Ba thế hệ gia đình ông sống chung dưới một mái nhà.
Hudong và hàng chục ngôi làng khác trong quận đã bị nước lũ nhấn chìm vào ngày 8/7 sau nhiều lần vỡ đê. Nhà chức trách tuyên bố rằng họ đã sơ tán người dân khỏi vùng ảnh hưởng, nhưng gia đình ông Yu vẫn bị mắc kẹt trong nhà từ ngày 12/7, và lũ vẫn chưa rút.
“Lũ lụt ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không thể ra ngoài và chúng tôi thực sự cần thực phẩm”, người cha nói với tờ The Epoch Times bản tiếng Trung.
Người ông trong gia đình cho biết ở Hudong, nước lũ đã dâng lên đến tầng hai.
Ông Zhang đến từ làng Dixi, cách Hudong khoảng 30 dặm. Ông và những người dân làng của mình cũng ở trong tình cảnh tương tự nhà ông Yu.
“Ở làng tôi nhiều người đã mất nhà”, ông Zhang nói. “Nước lũ vẫn đang dâng lên,… chính quyền đang xả nước lũ từ hồ Bà Dương”, ông nói thêm.
Vũ Hán
Đỉnh lũ đã đến Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc, vào lúc 11 giờ đêm ngày 12/7, theo chính quyền thành phố.Tuy nhiên, một người dân tại làng Gangzhou, quận Caidian ở Vũ Hán đã chia sẻ một đoạn video với The Epoch Times bằng tiếng Trung vào ngày 14/7, trong đó ông cho biết tất cả dân làng đã buộc phải sơ tán vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm đó bởi vì chính quyền sẽ xả lũ từ sông Dương Tử vào làng ông.
Chen Guiya, đội phó đội kỹ sư của Ủy ban Thủy lợi sông Dương Tử thuộc Bộ Thủy Lợi Trung Quốc, trong một đoạn tài liệu trên đài truyền hình nhà nước CCTV hôm 13/7 đã cho biết sông Dương Tử có thể dâng nước lên mức nguy hiểm ở địa phận Hồ Bắc trong 10 ngày tới.
Trang web tin tức do chính quyền Vũ Hán, Trường Giang Net đưa tin vào ngày 14/7 rằng lũ lụt ở sông Dương Tử sẽ gây ra một đỉnh đúp, có nghĩa là một đỉnh lũ mới sẽ đến trước khi đỉnh cũ đi qua.
Tiến sĩ Huang Guanhong, con trai của nhà thủy văn học nổi tiếng Huang Wanli, nói với hãng truyền thông NTD vào ngày 12/7 rằng:
“Nếu đập Tam Hiệp không xả nước, thành phố Trùng Khánh [trên thượng nguồn] sẽ bị ngập. Nếu đập xả nước, thành phố Vũ Hán [ở hạ lưu] sẽ bị ngập. Phương án sau chính là tình hình hiện tại”.
Không chỉ Vũ Hán, mà các thành phố khác ở hạ lưu đập Tam Hiệp cũng đang phải vật lộn với lũ. Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô miền đông Trung Quốc báo cáo rằng mực nước ở địa phương của sông Dương Tử cao hơn 1.3 m so với mức báo động.
Cảnh báo từ WHO
Lo lắng trước khả năng lây lan của các bệnh truyền nhiễm sau lũ lụt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo trên tài khoản chính thức của mình trên Weibo, một trong những mạng xã hội tương tự Twitter lớn nhất Trung Quốc.WHO kêu gọi các nạn nhân trong vùng lụt uống nước đun sôi hoặc khử trùng bằng clo. Ngoài ra, không nên ăn thực phẩm mà họ vớt được trong nước lũ, cũng như bất kỳ thực phẩm nào từng tiếp xúc với nguồn nước lũ. WHO cũng khuyên người dân không nên sử dụng quần áo hoặc các vật liệu khác từng tiếp xúc với nước lũ mà chưa giặt qua bằng thuốc tẩy.