Tổng thống Iran tử nạn

Tin Tức

Tổng thống Iran tử nạn
khi đi trên trực thăng do Mỹ sản xuất

@Tin Tổng hợp của Saigon Weekly


Chiếc trực thăng B212 do Hoa Kỳ chế tạo chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cất cánh gần biên giới Iran-Azerbaijan vào Chủ nhật đã bị rơi. (Ali Hamed Haghdoust/Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo/Thông tấn xã Tây Á/Reuters)

Theo truyền thông nhà nước Iran và các bức ảnh đã được báo Washington Post xác định, chiếc trực thăng chở tổng thống Iran xuyên qua sương mù vùng núi ở biên giới giữa Azerbaijan và Iran là trực thăng Bell 212 do Mỹ chế tạo.


Người dân Iran tràn ra đường phố thủ đo Terhan khi truyền thông chính phủ xác nhận tin tổng thống Raisi đã tử nạn máy bay (Ảnh WP)

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và ngoại trưởng và 8 viên chức cao cấp khác thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng này. Bản đồ cho thấy nơi chiếc trực thăng của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi được tìm thấy sau khi nó bị rơi ở phía Đông tỉnh Azerbaijan ở vùng núi phía Tây Bắc Iran. Truyền thông chính phủ Iran cho biết hàng chục các đội tìm kiếm làm việc suốt đêm chủ nhật, vượt qua địa hình hiểm trở để đến được hiện trường, nơi chiếc trực thăng đã phải hạ cánh vì sương mù dầy đặc. Tin tức cho biết địa điểm này đã được xác định và tất cả 9 người trên máy bay đều thiệt mạng được đưa ra 12 giờ sau khi có tin tức đầu tiên về sự biến mất của chiếc trực thăng. Không có dấu hiệu của một âm mưu khủng bố. John Cox, một chuyên gia về tai nạn người Mỹ, cho biết các nhà điều tra cho rằng nguyên nhân là do thời tiết xấu và tầm nhìn kém vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn.

Tổng thống Raisi đang trên đường trở về sau buổi xuất hiện cùng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev để khánh thành dự án đập Qiz Qalasi chung tại biên giới giữa hai nước thì chiếc trực thăng bị rơi ở phía Đông tỉnh Azerbaijan trong địa phận của Iran.
 

Trực thăng Bell 212 do Hoa Kỳ sản xuất từ năm 1968



Máy bay Bell 212 là phiên bản của loại trực thăng quân sự Huey có từ thời chiến tranh Việt Nam được chuyển qua phục vụ cho cả dịch vụ dân sự rất được các lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp trên toàn cầu ưa chuộng. Theo Skybrary, cơ sở tàng trử dữ liệu hàng không, mẫu máy bay này là loại trực thăng hạng trung hai động cơ hai cánh với 15 chỗ ngồi, bay lần đầu tiên vào năm 1968.

Chính phủ Iran đã cung cấp rất ít thông tin về tình hình của vụ tai nạn khiến Tổng thống Ebrahim Raisi và 8 người khác thiệt mạng ngoài một chi tiết đó là do "lỗi kỹ thuật". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng “Mỹ không có vai trò gì” trong vụ tai nạn và Lầu Năm Góc được biết gì về nguyên nhân tai nạn. Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby đã bác bỏ cáo buộc rằng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ có thể đã dẫn đến vụ tai nạn vì những trực thăng này thiếu bảo trì đúng cách. Ông Kirby gọi những cáo buộc này là “hoàn toàn vô căn cứ”.

Theo Scramble, một trang web hàng không Hoà Lan, bất chấp mối quan hệ không tốt giữa Tehran và Washington, lực lượng không quân Iran vẫn duy trì 5 chiếc máy bay trực thăng này do Mỹ chế tạo này cho phi đội VIP của mình, bao gồm cả chiếc gây ra tai nạn của tổng thống Raisi hôm nay. Một số chiếc có thể đã có tuổi đời hàng vài chục năm – dữ liệu từ Cirium, một công ty phân tích hàng không, cho thấy độ tuổi trung bình của 15 máy bay Bell 212 được đăng ký ở Iran là 35 tuổi – với quá trình bảo trì phức tạp do các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran. Hãng Bell Helicopter, nay được là Bell Textron, công ty chế tạo loại trực thăng này vào những năm 1960, cho biết họ có rất ít thông tin về tình trạng của những chiếc trực thăng này. Trả lời The Washington Post hôm thứ Hai, hãng này tuyên bố : “Chúng tôi xác nhận rằng Bell không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Iran hoặc hỗ trợ đội máy bay trực thăng của họ và chúng tôi không biết về tình trạng hoạt động của chiếc trực thăng liên quan đến vụ tai nạn này”.

Jeff Guzzetti, cựu điều tra viên tai nạn hàng không liên bang Hoa Kỳ cho biết: “Địa hình đồi núi và thời tiết xấu không bao giờ là sự kết hợp tốt cho việc xử dụng trực thăng”. Ông mô tả trực thăng Bell 212 là “một chiếc máy vững vàng”. Một cơ quan tàng trử dữ liệu do Flight Safety Foundation -Hiệp Hội An Toàn Hàng Không ghi nhận khoảng 430 vụ tai nạn do trực thăng Bell 212 kể từ năm 1972, bao gồm cả vụ tai nạn máy bay trực thăng của tổng thống Iran, 162 vụ trong số đó - chỉ dưới 40% - liên quan đến tử vong. Theo Cirium, trên toàn cầu, có 443 máy bay Bell 212 đang còn xử dụng bởi 144 nhà khai thác khác nhau và độ tuổi trung bình của chúng là 42 tuổi. Cũng theo Hiệp Hội này, vụ tử vong gần đây nhất liên quan đến Bell 212 xảy ra vào tháng 9/2023, khi một chiếc trực thăng Bell 212 trong chuyến bay huấn luyện bị rơi ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.


AZERBAIJAN, vùng xảy ra tai nạn
 

Nguyên nhân tai nạn do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ

 
Thông thường, khi điều tra các vụ tai nạn hàng không, chính phủ các nước ngoài thường kêu gọi các chuyên viên của các nhà sản xuất máy bay giúp đỡ theo một hiệp ước được Ủy Ban Hàng Không Liên hiệp quốc qui định. Không rõ liệu Iran có tìm kiếm sự trợ giúp đó từ Hoa Kỳ hay không, nhưng ông Cox nói: “cuộc điều tra sẽ tốt hơn nếu hãng máy bay Bell tham gia hỗ trợ người Iran điều tra”.

Chính quyền Iran đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt đối với thiết bị hàng không của Mỹ đã gây ra vụ tai nạn. Ông Cox cho biết sẽ khó vận hành máy bay trực thăng Bell bên trong Iran nếu không có nguồn cung cấp phụ tùng từ một quốc gia thứ ba hoặc mua một chiếc khác để lấy phụ tùng. Iran đã đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 1979. Các biện pháp này ngày càng mở rộng và ngày càng sâu sắc trong những năm qua và được bổ sung bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu và Liên hợp quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không Iran và các ngành công nghiệp khác. Farzan Sabet, một nghiên cứu cao cấp tại Viện Hậu đại học Geneva, cho biết đã có lúc Iran có thể "nhập khẩu hợp pháp" toàn bộ máy bay và các bộ phận của chúng từ các nước phương Tây. “Đặc biệt kể từ khi các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu được tăng cường trong thập kỷ rưỡi qua, Iran ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi thực hiện việc này, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn trong quá trình thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran trước khi Hoa Kỳ dưới thời của tổng thống Hoa Kỳ Trump bãi bỏ hiệp ước của thế giới với Iran về vấn đề hạt nhân.

Mohammad Javad Zarif, cựu ngoại trưởng Iran, trực tiếp đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ về vụ tai nạn khiến tổng thống Raisi tử nạn  “Hoa Kỳ là một trong những bên chính phải chịu trách nhiệm về thảm họa ngày hôm qua,” với Đài phát thanh Cộng hòa Hồi giáo Iran. Hoa Kỳ “đã trừng phạt việc bán các bộ phận máy bay và thiết bị hàng không cho Iran. Họ không cho phép người Iran được hưởng lợi từ tất cả những tiến bộ tốt đẹp trong ngành hàng không”
 

Iran sau khi tổng thống Raisi tử nạn

Ayatollah Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran tuyên bố “ Người dân Iran không nên lo lắng. Sẽ không có sự gián đoạn nào đối với các hoạt động của đất nước”.. Phó Tổng thống Mohammad Mokhber nhậm chức tổng thống lâm thời ngay hôm thứ hai 20 tháng 5 khi tin tức xác nhận tổng thống Raisi đã tử nạn theo một thông cáo từ Hội đồng Giám hộ Iran được phát sóng trên truyền thông nhà nước. Nội các Iran cũng bổ nhiệm Ali Bagheri Kani, trước đây là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu với Hoa Kỳ và Âu Châu, làm quyền bộ trưởng ngoại giao của nước này thay thế cho Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn cùng với tổng thống Raisi và 7 viên chức khác.


Phó tổng thống đệ nhất Mohammad Mokhber tuyên thệ nhậm chức quyền tổng thống trong vòng 50 ngày cho đến khi có một cuộc bầu cử tổng thống mới. (Ảnh WP)
 
Phát ngôn viên của Hội đồng Giám hộ, cơ quan giám sát các vấn đề kế vị ở Iran, nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 50 ngày và tổng thống tiếp theo của Iran sẽ có nhiệm kỳ 4 năm.

Tuy cố tổng thống Raisi được đặt cho biệt danh là “đồ tể-Butcher” bởi truyền thông Tây Phương vì quá trình đàn áp đối lập và trừng phạt phụ nữ nếu không tuân hành truyền thống khắc khe của Hồi Giáo và là người sẽ thay thế lãnh tụ tối cao của Hội Đồng Giám Hộ tức ông cố đạo Ayatollah Ali Khamenei nay đã 85 tuổi.  Nhưng cái chết của ông theo sự nhận định của các quan sát viên quốc tế sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến Iran và khu vực. Trong nhiệm kỳ của Raisi, văn phòng tổng thống Iran nắm giữ rất ít quyền lực. Tất cả các quyết định mang tính hệ trọng ở nước này, từ chương trình hạt nhân đến việc tham gia vào các cuộc chiến ở Gaza và Ukraine, đều do Khamenei, lãnh đạo Hồi Giáo tối cao 85 tuổi, đưa ra.

Quyền tổng thống Mokhber hiện nay là phó tổng thống của Raisi từ năm 2021, người cao cấp nhất trong số 12 phó tổng thống của Iran. Trong diễn văn nhậm chức, quyền tổng thống Mokhber tuyên bố “Chúng tôi đã làm việc với người đàn ông vĩ đại này (tức lãnh tụ tối cao Khamenei) trong hơn ba năm và chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ người dân Iran với sức mạnh, sự tự tin và không một chút dao độngdưới sự hướng dẫn của Lãnh tụ Tối cao.” Ông yêu cầu tất cả các thành viên chính phủ tiếp tục công việc của mình mà không bị gián đoạn. Ông cam kết: “Sẽ không có vấn đề dù là nhỏ nhất trong việc quản lý đất nước”. Năm 2010, Liên minh châu Âu đã trừng phạt Mokhber và 7 người Iran khác vì “tham gia vào các hoạt động hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo”; ông được loại khỏi danh sách trừng phạt hai năm sau đó. Nhưng vào năm 2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã trừng phạt Mokhber vì vai trò tài chính của ông ta trong cái mà họ gọi là “tham nhũng có hệ thống và quản lý yếu kém” của Iran.
 

Còn ai khác ở trên trực thăng với tổng thống Iran?

Theo truyền thông nhà nước, tổng cộng có 9 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng khiến tổng thống Iran thiệt mạng. Các quan chức thiệt mạng trong vụ tai nạn bao gồm chủ tịch Quốc Hội, bộ trưởng ngoại giao, một thống đốc tỉnh và đại diện địa phương của lãnh đạo tối cao Khamenei trong tỉnh.

Người đứng đầu Tổ chức Quản lý Thảm họa Iran, Mohammad Ali Ale-Hashem, giám sát việc nhận dạng các thi thể được tìm thấy từ hiện trường và cho biết đại diện địa phương của lãnh đạo tối cao, Mohammad Ali Ale-Hashem, dường như đã sống sót sau tác động ban đầu của vụ tai nạn.


Theo truyền thông nhà nước, Nami cho biết: “Ông ấy vẫn còn sống tới một giờ sau vụ tai nạn hàng không và thậm chí còn có cuộc trò chuyện qua điện thoại với ông Gholam-Hossein Esmaeili, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống”. Người đứng đầu đội an ninh của tổng thống, thành viên thứ hai của đội an ninh chính thức, cả phi công và kỹ thuật viên trực thăng cũng thiệt mạng.

Phản Ứng của Thế giới về vụ tử nạn của tổng thống Iran Raisi

Iran đã nhận được lời chia buồn từ một số nhà lãnh đạo thế giới và các nhân vật chính trị, những  người đồng minh với Tehran về các vấn đề như cuộc chiến ở Gaza hoặc thông qua sự phản kháng đối với các cường quốc phương Tây. Theo một tuyên bố của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn tới nhà lãnh đạo tối cao của Iran, gọi Raisi là một chính trị gia xuất sắc hết lòng vì “Tổ quốc”.

Trung Quốc cũng gửi lời chia buồn và một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ của Iran

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro gửi lời chia buồn trên mạng xã hội, gọi Raisi là “người mẫu mực” và “nhà lãnh đạo thế giới phi thường

Pakistan đã công bố một ngày để tang vào thứ Hai. Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết tổng thống và ngoại trưởng Iran “là những người bạn tốt của Pakistan” và thông báo rằng cờ sẽ treo rủ “để thể hiện tình đoàn kết với Anh em Iran”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông “vô cùng đau buồn” trước “cái chết bi thảm” của Raisi và rằng “đóng góp của Raisi trong việc củng cố [mối quan hệ] song phương Ấn Độ-Iran sẽ luôn được ghi nhớ”.

Trong một tuyên bố, tổ chức Hamas bày tỏ lời chia buồn và cảm ơn Iran vì đã hỗ trợ trong cuộc chiến với Israel. Cố tổng thống và bộ trưởng ngoại giao của Iran “đã thực hiện những nỗ lực chính trị và ngoại giao đáng kể nhằm ngăn chặn hành động gây hấn của [Israel] đối với người dân Palestine của chúng tôi”

Charles Michel, chủ tịch Liên Hiệp châu Âu, cho biết Liên minh châu Âu “bày tỏ lời chia buồn chân thành” tới tổng thống, bộ trưởng ngoại giao Iran và tất cả những người thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng.

Hoa Kỳ gửi “lời chia buồn chính thức” về cái chết của tổng thống, bộ trưởng ngoại giao Iran và những người khác.

@Tin Tổng hợp của Saigon Weekly





 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top