ĐIỂM TIN THẾ GIỚI SÁNG 24/2
TT Mỹ Donald Trump đi Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác quân sự song phương
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (T) đón tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân vận động Sardar Patel Gujarat, thành phố Ahmedabad, ngày 24/02/2020. REUTERS/Francis Mascarenhas
(Thụy My-RFI) Ngày 24/02/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump khởi đầu chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, kéo dài hai ngày. Ông Trump và phu nhân Melania được tưng bừng đón tiếp tại Ahmedabad, quê nhà của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với cuộc mít-tinh trên 100.000 người, và hàng ngàn người đón chào trong suốt lộ trình.
Sự kiện mang tên « Namaste Trump » (Xin chào ông Trump) nhằm đáp lễ cuộc mít-tinh lớn « Howdy Modi » tổ chức tại Houston, Texas nhân dịp thủ tướng Ấn đến Hoa Kỳ tháng Chín năm 2019.
Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis gởi về bài tường trình :
« Thành phố Ahmedabad đón tiếp tổng thống Mỹ như một hoàng đế : một loạt 28 tấm biển khổng lồ được triển khai trên nhiều kilomet dọc theo lộ trình của ông Donald Trump, trước khi 3.000 nghệ sĩ biểu diễn tại một sân vận động 110.000 người.
Thủ tướng Narendra Modi áp dụng chính sách ngoại giao nặng phần trình diễn mà ông đã nhiều lần dùng đến khi công du phương Tây, với mục đích kích thích tinh thần dân tộc của cử tri. Việc đón tiếp này còn nhằm hâm nóng quan hệ kinh tế giữa hai nước : Washington chỉ trích nhiều hàng rào thuế quan của Ấn Độ, và Mỹ đánh thuế vào nhôm thép nhập khẩu từ Ấn.
Ngược lại, hợp tác quân sự giữa hai bên tăng tiến : Hoa Kỳ trở thành nhà cung cấp vũ khí thứ nhì của Ấn Độ, và ngày mai (25/02) ông Donald Trump tại New Delhi sẽ ký hợp đồng bán 24 chiếc trực thăng tác chiến trị giá hơn 2 tỉ euro. Rõ ràng Ấn Độ là một đồng minh chiến lược của Mỹ, vốn đang tìm cách ngăn chận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng tại châu Á. »
AFP cho biết thêm, dọc theo lộ trình ở Ahmedabad, có những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống ; bò, khỉ và chó hoang đều bị quét sạch trên các con đường trước khi ông Trump đến. Còn chính quyền thành phố Agra, nơi có ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng, nơi Donald Trump đi thăm vào buổi chiều, đã cho đổ một lượng nước lớn xuống sông Yamuna chảy quanh đền này để làm bớt mùi khó chịu, do dòng sông bị ô nhiễm nặng.
Ông Trump nhận được sự ủng hộ tăng vào thời điểm quyết định
The Guardian cho hay, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump đang cao hơn vào thời điểm quyết định của cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào cuối năm nay, hứa hẹn mang tới nhiệm kỳ tiếp theo cho vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ.
Một cuộc thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump là 49%. Các cuộc thăm dò trên trang FiveThirtyEight cho kết quả: tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump tăng lên kể từ tháng 9/2019, thời điểm đảng Dân chủ bắt đầu cuộc luận tội ông Trump.
Vào Chủ nhật (23/2), một cuộc thăm dò của CBS News ghi nhận 65% người Mỹ tin rằng ông Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai trước ứng viên của đảng Dân chủ.
Mỹ tố cáo Nga lan truyền thông tin
sai lệch về Covid-19
Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc họp báo hôm 19/12/2019 tại Washington. REUTERS/Erin Scott
(Thùy Dương-RFI) Chính quyền Washington hôm 22/02/2020 cho biết hàng ngàn tài khoản mạng xã hội Twitter, Facebook và Instagram có liên hệ với chính quyền Nga đã phát tán các thông tin sai lệch về virus corona nhằm bài Mỹ.
Theo Hoa Kỳ, chiến dịch của Nga làm sai lệch thông tin nhằm bài Mỹ bắt đầu từ ngày 20/01, khi các phương tiện truyền thông Nga do Nhà nước kiểm soát, nhất là RT và Sputnik, bắt đầu cho đăng tải các bài báo, phỏng vấn bài phương Tây, liên quan đến nguồn gốc dịch bệnh, theo đó virus corona do Mỹ tạo ra để làm hại Trung cộng, đây là một loại vũ khí sinh học do CIA điều chế, hay đây là một phần trong chiến dịch của phương Tây để bài Trung cộng.
Cơ quan chống các chiến dịch xuyên tạc của Nga thuộc bộ Ngoại Giao Mỹ, nhấn mạnh là những tài khoản xã hội này đều đăng tải những thông tin gần như giống nhau về virus corona với cùng giọng điệu, không chỉ bằng tiếng Anh mà có cả tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Đức.
Theo bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hàng ngàn tài khoản này trước đây đều được điều phối để can dự vào các vụ khủng hoảng khác nhau trên toàn thế giới, như cuộc chiến ở Syria, các cuộc biểu tình ở Chilê, phong trào Áo Vàng ở Pháp …
Điều Washington lo ngại là chiến lược của Nga trong việc khai thác mạng xã hội kiểu này không tốn kém nhưng lại có hiệu quả, nhất là trong bối cảnh số người nhiễm virus corona vẫn chưa đạt đến đỉnh, và điều này sẽ gây bất hòa giữa Mỹ và Trung cộng, đồng thời bất lợi cho công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là ở châu Phi và châu Á.
Israel cấm người ngoại quốc
đến từ Nhật và Hàn Quốc nhập cảnh
Liên quan đến Trung Đông, tổ chức Y Tế Thế Giới lo ngại từ Iran, virus sẽ lan đến các nước lân cận, đặc biệt là Liban. Hôm 22/02/2020, khi số người được xác nhận nhiễm virus tại Hàn Quốc bất ngờ tăng vọt, Tel Aviv đã cấm những người nước ngoài từ Hàn Quốc và Nhật Bản nhập cảnh vào Israel.
Tại sân bay Ben Gourion, hơn 200 hành khách không phải người Israel trên một chuyến bay đến từ Seoul không được xuống máy bay. Phi cơ phải chở họ bay ngược về Hàn Quốc. Chỉ có 12 hành khách Israel được xuống máy bay nhưng ngay lập tức được xe cứu thương chở về nhà và bị cách ly.
Trước đó, Israel đã áp dụng biện pháp hạn chế tương tự với các chuyến bay đến từ Trung cộng, Macao, Thái Lan, Singapore và Hồng Kông.*
Virus corona: Dược phẩm Pháp lệ thuộc vào Trung cộng
Một số loại thuốc ở Pháp. Ảnh minh họa. Flickr/Look Santé(Minh Anh – RFI) Sau ngành công nghiệp ô tô, điện tử, may mặc… liệu ngành dược phẩm của Pháp có bị liên lụy bởi dịch virus corona mới hay không ? Nỗi lo khan hiếm thuốc men và dược phẩm đang trỗi dậy tại nhiều nước phương Tây, và nhất là tại Pháp.
Nỗi lo sợ này là chính đáng, bởi vì Trung cộng là một trong số các quốc gia cung cấp nguyên liệu hàng đầu để bào chế nhiều loại thuốc điều trị hay phòng bệnh cho nhiều hãng dược lớn của Pháp. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Học Viện Dược Pháp đã gióng chuông báo động : 80% các chất hoạt tính dược sử dụng tại Pháp và châu Âu đều được sản xuất ngoài khu vực kinh tế châu Âu, mà một phần lớn là tại châu Á, so với tỷ lệ 20% cách nay 30 năm.
Trang mạng Slate cho biết đây cũng không phải lần đầu tiên cơ quan y tế Pháp báo động về nguy cơ khan hiếm thuốc men, và các trang thiết bị y tế. Theo Học Viện Dược Pháp, từ mười năm gần đây, hiện tượng khan hiếm thuốc liên tục gia tăng. Năm 2018, cơ quan y tế này ghi nhận 868 báo động căng thẳng hay gián đoạn nguồn cung thuốc, tăng gấp 20 lần so với năm 2008, liên quan đến các loại thuốc điều trị ung thư, kháng sinh, vắc-xin, các loại thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim hay thần kinh…
Vẫn theo Học Viện Dược Pháp, nguyên nhân chính của nguy cơ khan hiếm thuốc men và trang thiết bị y khoa là do hiện tượng toàn cầu hóa. Năm 2018, một báo cáo của học viện cho rằng « toàn cầu hóa ngành công nghiệp dược đã làm xáo trộn chu trình sản xuất thuốc ».
Theo lô gích lợi nhuận, nếu như tiến trình toàn cầu hóa cho phép ngành công nghiệp dược phẩm di dời nhà xưởng sang các nước châu Á (Ấn Độ, Trung cộng, các quốc gia Đông Nam Á) để giảm chi phí sản xuất, tránh được một số ràng buộc về môi trường đắt đỏ, đẩy sang nước nghèo các hoạt động sản xuất giản đơn như khai thác, chế biến nguyên liệu, bào chế các loại dược phẩm hết hạn bảo hộ phát minh… thì tính chất phức tạp trong chuỗi cung ứng (cung cấp, sản xuất, dán nhãn nước sản xuất, rồi phân phối…), đợt dịch bệnh virus corona mới đang hoành hành tại Trung cộng lần này và các hoạt động sản xuất bị trì trệ đã phơi bầy ra ánh sáng sự lệ thuộc nặng nề vào nguồn cung ứng từ Trung cộng và nhiều nước châu Á, có thể gây nguy hại cho vấn đề an ninh y tế công cộng của quốc gia.
Theo ước tính, Trung cộng không chỉ cung cấp các loại nguyên liệu cần thiết cho bào chế thuốc, mà quốc gia này còn sản xuất đến 60% thuốc paracetamol, 90% thuốc penicilline và hơn 50% thuốc chống viêm ibuprofen cho thế giới. Le Figaro trích dẫn lưu ý của bà Catherine Simonin, tổng thư ký Liên đoàn chống Ung thư khẳng định : « 35 phân tử cơ bản để điều trị ung thư đều được sản xuất tại phương Đông, chủ yếu là Trung cộng, do ba nhà sản xuất đảm trách ». Tình hình còn đáng quan ngại cho hoạt động bào chế các loại thuốc generic (thuốc mang tên gốc), bị các hãng dược di dời ồ ạt sang châu Á.
Trong bối cảnh này, thứ Sáu 21/02, bộ trưởng Kinh Tế, Bruno Le Maire thừa nhận « rõ ràng là tình trạng này có thể đặt ra vấn đề về độc lập y tế trong trung và dài hạn. Nước Pháp cần phải đối phó với thách thức và rủi ro này ».
Theo quan điểm của Học Viện Dược Pháp, đã đến lúc Paris nên « khẩn cấp giảm bớt sự phụ thuộc vào những nước khác và tái lập quyền tự chủ y tế, đặc biệt đối với những loại thuốc thiết yếu như kháng sinh hay chống ung thư. Cần phải thiết lập các khuôn khổ để tái dịch chuyển sản xuất tại châu Âu ».
Câu hỏi đặt ra : Liệu Pháp có thể tái dịch chuyển sản xuất thuốc như một số ngành công nghiệp khác hay không ? Đây không phải là một bài toán dễ giải. Cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, Pháp cũng như châu Âu bị lệ thuộc nhiều vào một số loại nguyên liệu hiếm. Năm 2016, tại Pháp chỉ còn có hơn 92 nhà xưởng bào chế hoạt chất so với con số hàng nghìn tại Trung cộng và Ấn Độ. Nếu như các nước Đông và Bắc Âu có thể có cơ hội để tận dụng tái dịch chuyển sản xuất, thì nước Pháp lại bị các loại thuế sản xuất gây trở ngại.
Thổ Nhĩ Kỳ: Động đất mạnh, ít nhất 9 người thiệt mạng
Vào Chủ nhật (23/2), một trận động đất mạnh 5,7 độ richter đã xảy ra tại miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Iran, khiến 9 người thiệt mạng và hàng nghìn ngôi nhà sụp đổ, Reuters đưa tin.
Ngoài số người chết, có hơn 100 người bị thương ở các làng và thị trấn thuộc cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tại nước này, 3 trong số những người chết là trẻ em và 50 người bị thương, trong đó có 9 người ở tình trạng nguy kịch.
Đã xuất hiện một số dư chấn sau trận động đất này, bao gồm một cơn địa trấn với cường độ lớn 6.0 độ richter, xảy ra 10 giờ sau đó. Không có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong từ cơn dư chấn này.
Lực lượng an ninh Iraq tiếp tục bắn chết người
Lực lượng an ninh Iraq tiếp tục làm chết người biểu tình. Hôm Chủ nhật (23/2), tại Thủ đô Baghdad, họ đã nổ súng vào người biểu tình khiến 1 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương, Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng an ninh và y tế Iraq cho biết.
Đã có gần 500 người biểu tình thiệt mạng kể từ khi các cuộc tuần hành phản đối chính phủ Iraq nổ ra vào ngày 1/10/2019. Người biểu tình xuống đường đòi hỏi nhà cầm quyền phải giải quyết nạn tham nhũng và hạn chế sự can thiệp của nước ngoài.
Không rõ các cuộc biểu tình tập trung đông người này sẽ tiếp tục tới khi nào khi Iraq đã ghi nhận 1 trường hợp nhiễm virus corona, bất chấp việc đóng cửa biên giới với Iran, quốc gia có hàng chục người nhiễm và 8 người chết vì loại virus được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Lính Israel bắn chết một người Palestine đặt bom
Hôm Chủ nhật (23/2), quân đội Israel đã giết chết một người đàn ông Palestine trong khi người này đang cố gắng đặt chất nổ gần hàng rào an ninh của Israel tại Dải Gaza, quân đội Israel nói với Reuters.
Nhóm phiến quân Hồi giáo Palestine Jihad nói rằng người đàn ông bị quân đội Israel bắn chết là một trong những thành viên của họ.
Các nhân chứng và các quan chức y tế nói rằng hai người Palestine khác bị thương sau khi binh lính Israel bắn vào một nhóm người cố gắng tiếp cận để lấy thi thể của người bị bắn chết gần hàng rào biên giới.
Thủ tướng Malaysia đệ đơn từ chức
Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đệ đơn từ chức vào hôm thứ Hai (24/2), sau một cuộc đảo chính nội bộ thành lập một liên minh cầm quyền mới, theo Nikkei Asian Review.
Văn phòng thủ tướng cho biết trong một tuyên bố rằng nhà lãnh đạo 94 tuổi đã đệ đơn từ chức lên Quốc vương vào lúc 1h chiều (giờ địa phương).
Liên minh cầm quyền gần hai năm tuổi của ông Mahathir đang lún sâu vào những mâu thuẫn nghiêm trọng về vấn đề chuyển giao quyền lực giữa ông Mahathir và người kế nhiệm được chỉ định Anwar Ibrahim.