Vụ Tin tặc Trung Cộng xâm nhập Vatican ngày nay
và vụ Cuba theo dõi ĐGH John Paul II năm 1998
và vụ Cuba theo dõi ĐGH John Paul II năm 1998
LGT: Nhóm tin tặc RedDelta do Trung Cộng bảo trợ đã xâm nhập vào các mạng máy tính của Vatican, và vào cả các cơ quan của Giáo Hội Công Giáo tại Hồng Kong. Công ty an ninh mạng của Hoa Kỳ Recorded Future cho biết như trên hôm thứ Tư 29 tháng 7.
Sau đây là nhận định về biến cố này của Tiến Sĩ Paul Kengor, một giáo sư khoa học chính trị tại Grove City College ở Grove City, Pennsylvania đăng trên tờ National Catholic Register của Công Giáo Hoa Kỳ. Các tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm A Pope and a President, The Divine Plan - Một vị Giáo hoàng và một Tổng thống, Kế hoạch của Thiên Chúa, và cuốn The Politically Incorrect Guide to Communism – Sự Hướng Dẫn Lầm Lạc Về Chính Trị Dẫn Đến Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Tháng 10 năm 1997, khi Đức Giáo Hoàng John Paul II chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử tới Cuba, một quốc gia Công Giáo sùng đạo trước khi bị nhuộm đỏ, các nhân viên an ninh của Vatican đã tìm thấy một chiếc microphone giấu trong nhà giáo xứ nơi Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ lưu lại khi đến Havana trước để giúp chánh phủ Cuba lập kế hoạch cho chuyến công du từ ngày 21 đến 25 tháng Giêng năm 1998 của Đức Giáo Hoàng.
Theo báo El Pais có trụ sở tại Madrid, Vatican đã phẫn nộ vì sự phản bội này và đe dọa sẽ hủy bỏ chuyến đi. Vị Giáo Hoàng Ba Lan, về phần mình, chắc chắn là không ngạc nhiên. Từ lâu, ngài đã đối phó với các trò còn tồi tệ hơn nhiều từ những người cộng sản ở quê hương Ba Lan. Ngài chắc chắn cũng không ngạc nhiên khi các viên chức Cuba cười ngượng nghịu giải thích rằng cái microphone ấy là một phần còn sót lại không được ai lưu ý từ thời đại Batista mà các cuộc kiểm tra của họ trước đó đã không phát hiện ra.
Lối hành xử như thế là giao thức hoạt động tiêu chuẩn của một chế độ cộng sản.
Tôi đã nghĩ đến biến cố này trước những báo cáo liên quan đến các hoạt động gián điệp của Trung Cộng chống lại Vatican dưới thời Đức Giáo Hoàng Francis.
“Tòa Thánh Vatican Được Tường Trình Bị Xâm Nhập Bởi Điện Tặc Từ Trung Cộng Trước Các Cuộc Đàm Phán Với Bắc Kinh, ” đó là hàng tít lớn trên tờ New York Times, lặp lại những gì được tường thuật trên những tờ báo khác. Thông tấn Công Giáo CNA đưa tin:
“Các tin tặc được nhà nước bảo trợ được báo cáo đã nhắm vào các mạng máy tính của Vatican nhằm cố gắng tạo cho Trung Cộng một lợi thế trong các cuộc đàm phán trong việc gia hạn một thỏa thuận tạm thời với Tòa Thánh.”
“Một báo cáo, được công bố ngày 28 tháng 7, nói rằng tin tặc có thể đã sử dụng một thông điệp giả mạo lời chia buồn của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, để đoạt được quyền truy cập vào hệ thống thông tin liên lạc Vatican.”
“Bản báo cáo này được biên soạn bởi nhóm Insikt, bộ phận nghiên cứu của công ty an ninh mạng Recorded Future có trụ sở tại Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra ‘một chiến dịch tấn công mạng do một nhóm hoạt động gián điệp trên không gian mạng do nhà nước Trung Cộng bảo trợ’, mà họ gọi là RedDelta.”
Theo các nhà điều tra, bọn RedDelta bắt đầu nhắm mục tiêu đến Vatican và Giáo phận Công Giáo Hồng Kong vào đầu tháng Năm. Các mục tiêu Công Giáo khác bao gồm Phái bộ Nghiên cứu Trung Cộng tại Hồng Kong và Học Viện Giáo Hoàng về Truyền Giáo Hải Ngoại ở Ý. Những cuộc “xâm nhập mạng” này diễn ra trước các cuộc đàm phán nhạy cảm để gia hạn một “thỏa thuận tạm thời” giữa Tòa Thánh và Trung Cộng. Thỏa thuận gây tranh cãi này được ký sơ khởi vào năm 2018, và sẽ hết hạn vào tháng Chín.
Theo báo cáo của nhóm Insikt, sự xâm nhập đáng ngờ này sẽ cung cấp cho RedDelta cái nhìn sâu sắc quan trọng về quan điểm đàm phán của Tòa Thánh trước khi gia hạn thỏa thuận vào tháng 9 năm 2020. Hơn nữa, mục tiêu Phái bộ Nghiên cứu Trung Cộng và giáo phận Công Giáo Hồng Kong cũng có thể cung cấp “một nguồn tin tình báo có giá trị cho cả việc giám sát các mối quan hệ của giáo phận này với Vatican, cũng như quan điểm của giáo phận đối với phong trào dân chủ của Hồng Kong trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng và gần đây đã càn quét qua Hồng Kong vì luật an ninh quốc gia.”
Nếu những báo cáo này là chính xác - và không có lý do gì để nghi ngờ tính chính xác của chúng - thì chúng phải được xem là một lời cảnh tỉnh cho Vatican khi theo đuổi một chính tương tự như Ostpolitik đối với Trung Cộng cộng sản, giống như những gì vị tiền nhiệm của Đức Giáo Hoàng Francis II, là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, đã theo đuổi với Liên Sô vào những năm 1970. Đối với Đức Thánh Cha Francis II và Vatican dưới triều đại ngài, những báo cáo này, nếu đúng, sẽ dạy cho họ thực tế phũ phàng về những người họ đang đối thoại ở Bắc Kinh.
Để có thể đối thoại nổi với Bắc Kinh, Vatican không nên chỉ coi đây là một bài học mà còn phải chống lại trò hai mặt của Bắc Kinh bằng lợi thế của mình. Trên thực tế, Vatican nên đọc lại một trang từ chuyến đi của Đức Francis II tới Cuba vào năm 1998, là điều tôi muốn đề cập đến trong phần còn lại của câu chuyện liên quan đến chiếc microphone bí mật được tìm thấy trong ngôi nhà giáo xứ ở Havana vào tháng 10 năm 1997.
Theo các báo cáo từ tháng Giêng năm 1998, Fidel Castro – là người, bất kể vì những lý do gì, rất mong mỏi chuyến viếng thăm của Đức Francis II tới đảo quốc của ông ta - đã tìm cách xoa dịu các vị phụ tá đang tức giận của Vatican bằng cách tuyên bố Ngày Giáng sinh là một ngày lễ quốc gia ở Cuba vào năm đó. Cho đến lúc đó, Giáng sinh đã bị cấm ở Cuba. Sau đó, ngày lễ này đã được công nhận và thậm chí còn được cử mừng long trọng. Người ta nghi ngờ rằng Fidel thực hiện động thái này dưới áp lực từ Vatican của Đức John Paul II, khi vị Giáo Hoàng Ba Lan sắc sảo đã đẩy nhà độc tài Cuba đi theo chiều hướng đó. Ngài Karol Wojtyla đã rất thành thạo trong việc phản ứng với các viên chức cộng sản qua không biết bao những trận chiến với cộng sản ở Krakow trong những năm 1960.
Theo sử sách, Vatican dưới thời Đức John Paul II đã thúc đẩy việc mừng lễ Giáng sinh vào năm đó. George Weigel, trong tiểu sử kinh điển của mình, Chứng Nhân Hy Vọng, ghi nhận rằng phát ngôn viên Vatican là Tiến Sĩ Joaquin Navarro-Valls cho biết câu chuyện tháng Mười này đã được dùng để đẩy Castro tới mức đó, bất kể nhà độc tài này phản đối rằng sẽ rất khó để ăn mừng Giáng sinh năm ấy “vì thời gian ấy đang giữa mùa thu hoạch mía”.
Một cái gì đó đã thúc đẩy hắn ta phải nhượng bộ. Theo El Pais, ông ta đã rúng động khi các viên chức Vatican bày tỏ sự phẫn nộ về chiếc microphone bí mật, và quyết liệt đe dọa sẽ hủy chuyến đi. Vatican đã tung một quả bóng rất cứng về ngoại giao.
Điều quan trọng ta phải hiểu là Đức GH John Paul II cũng mong muốn đến Cuba như Fidel và người Cuba muốn ngài đến đó. Ngài thực tâm không muốn gây phương hại cho chuyến đi. Tuy nhiên, một nhà đàm phán giỏi phải biết nắm bắt một lá bài thương lượng khi nó rơi xuống trước mặt mình.
Và điều đó đưa tôi trở lại với sự lãnh đạo của cộng sản Trung Cộng và Đức Thánh Cha Francis ngày hôm nay.
Vatican dưới thời Đức Giáo Hoàng Francis nên tận dụng tình huống này để có được sự một nhượng bộ nào đó từ cộng sản nhằm mang lại lợi ích cho các tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Trung Cộng và Hồng Kong. Mặc cả là nhằm thương lượng.
Vatican không nên cho phép Tòa Thánh bị Trung Cộng chơi hết lần này đến lần khác. Những lo ngại về sự ngây thơ của Vatican đối với Trung Cộng đã tồn tại và những báo cáo tin tặc mới nhất này chỉ đơn thuần làm tăng thêm những nỗi sợ hãi đó. Trung Cộng đã phản bội lòng tin của Tòa thánh. Đức GH Francis và Vatican không thể để cho Bắc Kinh đối xử với Vatican như những người khờ khạo.
ĐGH Francis bị chỉ trích vì chính sách “im lặng” với Trung Cộng
Trong mấy năm qua, Trung Cộng đã công khai bách hại các tín hữu Công Giáo tại Hoa Lục, giam cầm hàng giáo sĩ, bắt các ngài gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước, triệt hạ thánh giá, san bằng các nhà thờ và cướp đoạt các cơ sở của Giáo Hội. Trẻ con không được đến nhà thờ, ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ bị giật xuống thay bằng ảnh của Mao Chủ Tịch và Tập Đại Đế. Bọn cầm quyền Trung Cộng còn giam cầm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung lao động, buộc phụ nữ Hồi Giáo triệt sản. Để bù đắp những sai lầm của chính sách dân số, nhiều phụ nữ ở các quốc gia láng giềng bị bọn buôn người đưa vào Trung Cộng. Gần đây nhất là tình trạng hạn chế tự do tại Hồng Kong. Những thành tích bất hảo này của Trung Cộng, theo Elise Ann Allen của tờ Crux, đang tạo ra các áp lực rất mạnh để Đức GH Francis phải lên tiếng. Sau đây là nguyên văn bài viết của bà.
Khi chính quyền trung ương Trung Cộng siết chặt quyền tự do ở Hồng Kong và khi thế giới tiếp tục nghe những tin tức về sự đàn áp người dân thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Hoa Lục, Đức Giáo Hoàng Francis II đang là mục tiêu của các áp lực quốc tế ngày càng gia tăng trước sự do dự của ngài.
Sự im lặng này từ một trong những nhà vô địch chống áp bức mạnh nhất trên thế giới là chủ đề của một bài báo mới trên tạp chí Foreign Policy - Chính Sách Đối Ngoại - của Benedict Rogers - Trưởng nhóm Đông Á tại Christian Solidarity Worldwide và là người sáng lập Hong Kong Watch. Ông Rogers nói trong bài viết rằng ông là một người cải đạo sang Công Giáo và thông cảm với Đức Thánh Cha Francis II, nhưng cho biết ông rất bối rối trước những “sai lầm tệ hại” trong việc đối phó với Trung Cộng của ngài.
Trong bài báo, Rogers trích dẫn các tuyên bố của các nhân vật công chúng như Marie van der Zyl, chủ tịch Hội đồng Đại biểu người Do Thái tại Anh, là người hồi đầu tháng này đã viết một lá thư cho Đại sứ Trung Cộng tại London so sánh tình hình của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Cộng với tình cảnh người Do Thái trong vụ Diệt Chủng của Quốc Xã Đức.
Trong lá thư, Van der Zyl đã chỉ ra những gì cô cho là những điểm tương đồng giữa các báo cáo về những chuyện đã xảy ra với những người Duy Ngô Nhĩ và những gì đã xảy ra trong các trại tập trung của phát xít Đức: “Người ta bị tống lên tàu hỏa; râu của những giáo sĩ bị cạo; phụ nữ bị triệt sản; và những bóng ma nghiệt ngã trong các trại tập trung.
Maajid Nawaz, một nhà hoạt động chống chủ nghĩa Hồi giáo nổi tiếng của Anh, đã tuyệt thực và thúc đẩy một cuộc tranh luận tại quốc hội về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Cộng vì chính sách của chúng đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Trong một tuyên bố đưa ra vào tuần trước, Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon, Miến Điện nói rằng, “Ở Trung Cộng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt những điều có thể coi là những tội ác tập thể tồi tệ nhất trong thế giới đương đại và tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy điều tra.”
Trong bài viết của mình, Rogers ghi nhận rằng cho đến nay, không có chính quyền nào trong các quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo dám ra mặt lên án tình hình của người Duy Ngô Nhĩ, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Canterbury, người đứng đầu Cộng đồng Anh giáo, cũng không dám làm phật lòng Trung Cộng. Tuy nhiên, Rogers nói, trong tất cả những sự im lặng này, “sự im lặng Đức Thánh Cha Francis II là cú sốc lớn nhất”, vì ngài thường thẳng thắn lên tiếng thay mặt cho những người bị áp bức.
Trong quá khứ, Đức Francis II đã đưa ra nhiều lời kêu gọi thay mặt cho những người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện. Khi ngài đến thăm nước này vào tháng 12 năm 2017, ngài đã tế nhị tránh sử dụng thuật ngữ “Rohingya” để khỏi kích động người chủ nhà của mình. Tuy nhiên, ngay khi đến Bangladesh cho chặng tiếp theo của chuyến tông du, ngài đã sử dụng tên gọi này khi gặp một nhóm người tị nạn Rohingya.
Ngài cũng không né tránh việc chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ khi sử dụng từ “diệt chủng” trong một Thánh Lễ vào năm 2015 kỷ niệm 100 năm cuộc thảm sát hàng loạt người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ 20. Đó là một hành động đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại sứ về nước trong vài tháng.
Đức GH Francis II đã nhiều lần ủng hộ việc chấm dứt xung đột ở Syria, Yemen, Ukraine và Nigeria, và gần đây cho biết ngài “đau buồn sâu sắc” trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia của Istanbul thành một đền thờ Hồi Giáo.
Tuy nhiên, trong tất cả các lời kêu gọi của ngài, người ta dễ thấy Trung Cộng đã vắng mặt, bất kể sự chú ý ngày càng gia tăng đối với người Duy Ngô Nhĩ, việc áp dụng luật an ninh mới ở Hồng Kong và sự quấy rối liên tục các giáo sĩ Công Giáo của Đảng Cộng sản Trung Cộng.
Trung Cộng cũng đã bị chỉ trích mạnh trong những tháng gần đây vì hồ sơ buôn người, đặc biệt là buôn bán cô dâu từ các nước láng giềng và thậm chí đến tận châu Phi.
Trong báo cáo về nạn Buôn Người năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt Trung Cộng lên Cấp 3, cùng với Nam Sudan, Bắc Triều Tiên, Syria, Afghanistan, Eritrea, Nicaragua, Venezuela và Nga, trong số những nước khác.
Theo một báo cáo gần đây từ Human Rights Watch có tựa đề, “Give Us a Baby and We’ll Let You Go: Trafficking of Kachin ‘Brides’ from Myanmar to China”, nghĩa là “Đẻ Cho Chúng Tôi Một Đứa Con Rồi Chúng Tôi Sẽ Trả Tự Do Cho Cô: Nạn Buôn Bán ‘Cô Dâu’ Từ Kachin, Miến Điện Sang Trung Cộng”, Hoa Kỳ cho biết ít nhất 226 phụ nữ đã bị buôn bán từ Miến Điện sang Trung Cộng vào năm 2017, và Bộ phúc lợi xã hội Miến Điện đã hỗ trợ cho khoảng từ 100 đến 200 phụ nữ bị buôn bán trở về từ Trung Cộng mỗi năm.
Đầu năm nay, Bộ Nội vụ Campuchia đã báo cáo rằng ít nhất 112 phụ nữ từ quốc gia này đã bị buôn bán làm cô dâu cho Trung Cộng vào năm 2019.
Nhà hoạt động cho quyền của phụ nữ Reggie Littlejohn, là người sáng lập Women’s Rights Without Frontiers, nghĩa là tổ chức Không Biên Giới Về Quyền Của Phụ Nữ gọi thống kê về tình trạng nô lệ tình dục ở Trung Cộng là “quá đau lòng”.
“Do sự kết hợp chết người giữa thành kiến ưa thích con trai và một giới hạn cưỡng chế về sinh đẻ rất thấp, các bé gái bị phá thai có chọn lọc, bị bỏ rơi, và thậm chí bị giết sau khi đã chào đời” bà nói thêm rằng: “Sự sụp đổ của chính sách kiểm soát dân số này dẫn đến việc hình thành thị trường hôn nhân tại Trung Cộng, trong đó bọn cầm quyền nhắm mắt làm ngơ cho việc buôn bán tình dục - và trong một số trường hợp, thậm chí còn tạo điều kiện cho nó xảy ra”.
Cô cũng lên án hành động của Trung Cộng chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương của Trung Cộng, và nói rằng tội ác chống lại họ bao gồm “lao động cưỡng bức, phá thai cưỡng bức và triệt sản ngoài ý muốn”.
Trong bài viết của mình, Rogers cho rằng sự im lặng của Đức Thánh Cha Francis II đối với Trung Cộng về tất cả các vấn đề này là kết quả của thỏa thuận năm 2018 giữa Vatican và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, mà việc gia hạn hiện đang được đàm phán.
Rogers lặp lại những lời chỉ trích của nhiều nhà phê bình Đức Thánh Cha Francis II, và nói rằng qua thỏa thuận này, Trung Cộng đã “mua đứt” sự im lặng của Đức Giáo Hoàng, vì ngài khó có thể thực hiện bất kỳ tuyên bố công khai lên án nào trong khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành.
Nhiều chuyên gia đã lập luận rằng rất ít thay đổi sẽ được thực hiện như là kết quả của thỏa thuận, chưa có giáo sĩ bị cầm tù nào đã được thả ra, và thậm chí trên thực tế, một số người đã bị giam giữ hoặc bị bắt trong hai năm qua.
Trong bài viết của mình, Rogers cho rằng bây giờ là thời gian để các nhà lãnh đạo Kitô giáo như Đức Tổng Giám Mục Welby và Đức Thánh Cha Francis II “tỉnh thức” và xem xét quan điểm của mình cho đến thời điểm hiện nay.
“Các ngài cần phải là những dấu chỉ rõ ràng cho thấy các ngài tin vào những lời dạy từ đức tin của mình – về nhân phẩm, tự do, và công lý – là những điều quan trọng hơn bất kỳ giao dịch mờ ám nào với một chế độ tàn bạo. Các ngài cần phải từ bỏ sự ngây thơ. Các ngài cần phải nói rằng các ngài sẽ không thỏa hiệp khi nói đến mạng sống và phẩm giá con người, ” ông nói.
Nhắc đến Dietrich Bonhoeffer, một mục sư Tin Lành, là người đã dám đứng lên chống lại Adolf Hitler, Rogers nhấn mạnh rằng Bonhoeffer đã làm đúng khi ông nói rằng “ Im lặng khi đối mặt với cái ác tự nó là một cái ác... không nói thực ra cũng là nói. Không hành động thực ra cũng là hành động.”
Cảnh sát New South Wales họp báo về âm mưu tống tiền cha mẹ giầu có bên Tầu của các sinh viên Trung Cộng
Đặng Tự Do
01/Aug/2020
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 27 tháng 7, cảnh sát New South Wales đã trình bày các âm mưu tống tiền cha mẹ giầu có bên Tầu của các sinh viên Trung Cộng đang theo học tại Úc.
Video do cảnh sát Úc công bố cho thấy một cảnh tượng đáng lo ngại - một nam sinh viên dường như đang bị trói tay và trói chân. Nhưng cảnh sát cho biết đó chỉ là một trò lừa đảo ‘làm bộ bị bắt cóc’ để tống tiền cha mẹ bên Tầu.
Cảnh sát nói rằng các vụ lừa đảo cho đến nay đã thu được ít nhất là 3.6 triệu Úc Kim trong các khoản thanh toán từ các nạn nhân bên Tầu không biết mình bị lừa.
Phát ngôn viên Darren Bennett của cảnh sát New South giải thích với các phóng viên như sau:
“Các hành vi phạm tội này rất đa dạng, nhưng cuối cùng là tạo ra một vụ bắt cóc giả trong đó các sinh viên này giao tiếp với gia đình của họ ở nước ngoài và giả vờ như họ đã bị bắt cóc.”
Trong một số trường hợp các sinh viên này là những kẻ chủ động tạo ra toàn bộ vụ dàn cảnh để moi tiền của cha mẹ.
Người nữ sinh viên trong đoạn video này là một ví dụ. Sau khi tòa đại sứ Trung Cộng phàn nàn về trường hợp của cô, cảnh sát đã nhanh chóng tìm ra cô đang sống trong một khách sạn sang trọng và đang vui vẻ mua sắm thời trang.
Tuy nhiên, theo ông Darren Bennett, một số sinh viên khai với cảnh sát là có ai đó tự xưng là từ một giới chức có thẩm quyền của Trung Cộng như cảnh sát, tòa đại sứ hoặc sở thuế gọi điện thoại đến đe dọa chúng. Theo chỉ thị của những kẻ này, các sinh viên sẽ cắt đứt liên lạc với gia đình trong một thời gian, sau đó đến một khách sạn và nhờ bạn trói tay chân, chụp hình và sẽ có người gởi về cho gia đình để tống tiền.
Ông Bennett gọi là tội ác này là “nghiêm trọng”, “rất độc ác” và làm ảnh hưởng đến thanh danh của Úc Đại Lợi; và cảnh sát Úc sẽ không dung thứ cho trò này.
Trung Cộng cho điện tặc tấn công vào Vatican ngay trước các cuộc đàm phán
Đặng Tự Do
29/Jul/2020
Bắc Kinh (Reuters) - Các tin tặc do bọn cầm quyền Trung Cộng bảo trợ đã xâm nhập vào các mạng máy tính của Vatican, và cả vào các cơ quan của Giáo Hội Công Giáo tại Hồng Kong, một công ty của Hoa Kỳ theo dõi các cuộc tấn công mạng gây ra bởi các nhóm điện tặc được các chế độ độc tài hậu thuẫn cho biết như trên hôm thứ Tư 29 tháng 7.
Công ty an ninh mạng của Hoa Kỳ Recorded Future cho biết các cuộc tấn công đã được khởi sự từ tháng Năm. Vatican và Bắc Kinh dự kiến sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán trong năm nay về việc gia hạn một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm 2018 về việc bổ nhiệm Giám Mục tại Hoa Lục.
Recorded Future cho biết trong báo cáo rằng các cuộc tấn công nhắm vào Vatican và giáo phận Công Giáo Hồng Kong, bao gồm cả người đứng đầu Phái bộ Tòa Thánh tại Hồng Kong, là người được coi là đại diện của Đức Thánh Cha Francis II tại Trung Cộng.
Báo cáo cho biết các mục tiêu tấn công bao gồm các thông tin liên lạc giữa giáo phận Hồng Kong và Vatican và sử dụng các công cụ cũng như các phương pháp tương tự như những gì đã được phát hiện trước đây trong các vụ tấn công do điện tặc Trung Cộng được bọn cầm quyền hậu thuẫn.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm thứ Tư, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Cộng là Vương Văn Bân (Wang Wenbin - 王文斌) đã phủ nhận báo cáo này của Recorded Future và nói rằng Trung Cộng là một người bảo vệ trung thành và mạnh mẽ cho an ninh mạng.
“Bằng chứng cụ thể chứ không phải các phỏng đoán là điều cần thiết khi nói về các sự kiện liên quan đến an ninh mạng, ” Bân nói.
Bắc Kinh thường xuyên phủ nhận việc tham gia vào bất kỳ nỗ lực điện tặc nào được nhà nước hậu thuẫn, và nói rằng họ mới là nạn nhân của những mối đe dọa như vậy.
Người phát ngôn của Vatican không đưa ra bình luận ngay lập tức. Phái bộ Tòa Thánh tại Hồng Kong cũng chưa trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.
Vụ tấn công điện tặc này được báo cáo sau cuộc gặp gỡ cực kỳ hiếm hoi giữa Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Cộng là Vương Nghị (Wang Yi-王毅) và Đức Hồng Y Pietro Parolin hồi đầu năm nay tại Đức, đánh dấu cuộc gặp gỡ chính thức cấp cao nhất giữa hai bên trong nhiều thập kỷ.
Quan hệ giữa Vatican và Trung Cộng về bề mặt được xem là cải thiện - mặc dù các bách hại vẫn không ngừng nghỉ - và hai bên dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận tạm thời về hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Cộng vào tháng 9 này.
Một nguồn tin từ một giới chức thẩm quyền của Vatican nói với Reuters rằng một phái đoàn Trung Cộng được dự kiến sẽ đến thăm Vatican như một phần trong các cuộc đàm phán tiếp tục nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ sang Rôma vì sự bùng phát của coronavirus.
Nguồn tin này đã nói với Reuters trước báo cáo về vụ tấn công của điện tặc Trung Cộng, cho biết vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn vì đại dịch hay không, và nếu có thì sẽ gia hạn trong bao lâu.
Theo thông tấn xã Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, có lẽ Trung Cộng muốn thăm dò phản ứng của Tòa Thánh sau khi đã buộc được 3 Giám Mục thầm lặng gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước để đổi lấy việc bọn cầm quyền công nhận các ngài.
Chỉ trong tháng 6 và đầu tháng 7, Đảng Cộng sản Trung Cộng đã lần lượt chiêu hồi được Đức Cha Phaolô Mã Tồn Quốc (Ma Cunguo - 馬存國) của giáo phận Sóc Châu (Shouzhou -朔州), Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên (Li Huiyuan - 李慧源) của giáo phận Phượng Tường (Fengxiang - 凤翔) và Đức Cha Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan - 林家善) của giáo phận Phúc Châu (Fuzhou -福州). Cùng với việc ra “hồi chánh” của các vị này, 3 giáo phận thầm lặng bị xóa sổ tại Hoa Lục.