Ông Biden thành lập lực lượng đặc nhiệm chống COVID
Nov 09/2020: 103,657 người nhiễm bệnh
Hoa Kỳ có 10,044,002 ca dương tính, 237.000 người tử vong
Tổng thống tân cử của Mỹ, Joe Biden, nói chuyện tại rạp Queen, ở Wilmington, Delaware, ngày 9/11/2020: “Tôi xin quý vị. Hãy mang khẩu trang. Làm việc này cho chính mình. Làm việc này cho láng giềng. Khẩu trang không phải là một tuyên bố chính trị.”
Tổng thống tân cử của Mỹ, Joe Biden, ngày 9/11 kêu gọi người dân Mỹ mang khẩu trang bảo vệ để chống đại dịch virus corona, đánh động lòng yêu nước trong lúc ông triệu tập lực lượng đặc nhiệm virus corona để đưa ra kế hoạch chặn đứng cuộc khủng hoảng y tế.
Ông Biden nói với các phóng viên tại Wilmington, Delaware “Tôi xin quý vị. Hãy mang khẩu trang. Làm việc này cho chính mình. Làm việc này cho láng giềng. Khẩu trang không phải là một tuyên bố chính trị.”
Đại dịch COVID đã giết chết hơn 237.000 người Mỹ và làm hàng triệu người thất nghiệp. Phát biểu của ông Biden được đưa ra hai ngày sau khi thắng ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống dù Tổng thống Trump chưa công nhận thất bại và đang khởi kiện với những cáo buộc về gian lận bầu cử.
Theo dự kiến, ông Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Ông tham khảo ý kiến với 13 thành viên lực lượng đặc nhiệm, đứng đầu là cựu Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Vivek Murthy, Cựu Ủy viên Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm David Kessler và chuyên gia bình đẳng y tế Trường Đại học Yale Marcella Nunez-Smith.
Tổng thống tân cử nói hãng thuốc Pfizer hôm 9/11 loan tin rằng vaccine thử nghiệm COVID của công ty hiệu nghiệm hơn 90% là “tin mừng.” Tuy nhiên ông Biden nói "sẽ mất nhiều tháng nữa mới có tiêm chủng rộng rãi” tại Mỹ và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc mang khẩu trang và giãn cách xã hội.
Pfizer và đối tác Đức BioNTech SE là những công ty dược đầu tiên công bố dữ liệu thành công từ việc thử nghiệm lâm sàng rộng rãi vaccine chống virus corona chủng mới.
Ông Biden nói lực lượng đặc nhiệm của ông sẽ chú trọng đến việc xét nghiệm nhanh chóng và rộng rãi COVID-19 và xây dựng một lực lượng những người theo dõi tiếp xúc để truy lùng và ngăn virus lây lan cũng như ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương. Ông Biden hứa chính quyền của ông sẽ làm việc để vaccine đã qua chuẩn thuận “được phân phối càng nhanh càng tốt, cho càng nhiều người Mỹ càng tốt, và miễn phí.”
Lực lượng đặc nhiệm này sẽ liên hệ với các giới chức địa phương và tiểu bang để xem xét việc làm thế nào để mở cửa lại trường học và doanh nghiệp an toàn cũng như ngăn chặn những cách biệt chủng tộc.
Ông Biden đã vượt qua ngưỡng 270 phiếu cử tri đoàn cần thiết để đắc cử Tổng thống vào ngày 7/11, bốn hôm sau Ngày Bầu cử 3/11.
Ông thắng ông Trump hơn 4,3 triệu phiếu trên toàn quốc khiến ông Trump trở thành Tổng thống đầu tiên kể từ năm 1992 thất bại trong nỗ lực tái đắc cử.
Đáp câu hỏi khi nào ông Trump công nhận thất cử, cố vấn tranh cử của ông Trump, ông Jason Miller, ngày 9/11 nói với Mạng lưới Fox News: “Từ đó hiện không có trong ngữ vựng của chúng tôi. Chúng tôi đang theo đuổi mọi biện pháp pháp lý, tất cả các phương pháp đếm phiếu lại.”
Ông Trump đã bàn với các cố vấn về khả năng ra tranh cử Tổng thống vào năm 2024, một nguồn tin thân cận với những cuộc thảo luận cho hay.
Ông Bill Stepien, quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, tổ chức cuộc họp với tất cả nhân viên vận động tranh cử tại trụ sở ban vận động hôm 9/11 để trao thông điệp rằng ông Trump “vẫn đang chiến đấu,” một nguồn thạo tin cho biết.
Một số chính phủ trên thế giới đã chúc mừng ông Biden, tỏ dấu hiệu sang trang.
Nga hôm 9/11 loan báo sẽ chờ cho đến khi có kết quả chính thức mới lên tiếng bình luận và nhắc tới các vụ kiện mà phía ông Trump đã khởi sự. Trung Quốc cũng dè dặt tương tự.
Ca nhiễm COVID-19 toàn cầu qua mốc 50 triệu
Các ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới hôm 8/11 đã vượt mốc 50 triệu, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn số liệu thống kê cho biết rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai trong 30 ngày qua chiếm tới một phần tư tổng số ca nhiễm trên.
Tin cho hay, tháng Mười được coi là khoảng thời gian dịch bệnh xấu nhất cho tới nay, khi Hoa Kỳ trở thành nước đầu tiên ghi nhận hơn 100 nghìn ca nhiễm một ngày.
Việc tăng mạnh các ca ở châu Âu cũng góp phần vào việc tổng số ca nhiễm vượt mốc 50 triệu.
Hơn 1,15 triệu người đã tử vong trên toàn cầu vì dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc cuối năm ngoái.
Theo Reuters, Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 9/11 sẽ công bố nhóm đặc trách gồm 12 thành viên để đối phó với đại dịch Corona.
Covid-19: Pháp lại phá kỷ lục về số ca nhiễm mới
60.486 ca nhiễm mới trong 24 giờ
Tình hình dịch Covid-19 tại Pháp ngày càng nghiêm trọng, với số ca nhiễm mới trong 24 giờ đã vượt ngưỡng 60.000 ca và tổng số ca tử vong tiến gần đến ngưỡng 40.000, theo số liệu do Cơ Quan Y Tế Công Cộng Pháp công bố hôm qua, 06/11/2020.
Cơ quan này cho biết thêm là con số 60.486 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua thật ra chỉ là con số « tối thiểu », bởi vì việc tính số ca nhiễm mới bị xáo trộn do hệ thống tin học bị trục trặc từ mấy ngày qua. Nguyên nhân là vì các máy chủ phải tiếp nhận và xử lý quá nhiều dữ liệu xét nghiệm Covid-19 do các phòng xét nghiệm gởi đến, cho nên không nhận kịp các dữ liệu xét nghiệm từ các bệnh viện gởi đến.
Trong 24 giờ tính đến hôm qua, đã có thêm 828 người chết vì virus corona ở Pháp, tính cả ở bệnh viện lẫn các viện dưỡng lão. Như vậy là tổng số ca tử vong để từ đầu mùa dịch Covid-19 nay đã lên tới 39.865.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng, thủ tướng Jean Castex hôm qua đã kêu gọi dân Pháp « hơn bao giờ hết » phải tuân thủ lệnh phong tỏa « một cách nghiêm chỉnh nhất có thể được ». Tuy cho rằng dân Pháp « nói chung » tuân thủ các biện pháp hạn chế, ông Castex chỉ trích « một số người vẫn muốn đến chổ làm (trong khi có thể làm việc từ nhà) và một số công ty không làm theo đúng quy định ». Bộ trưởng Lao Động Elisabeth Borne đã báo trước là các chủ công ty phạm luật sẽ bị « trừng trị ».
Hiện giờ chính phủ Pháp chưa ban hành các biện pháp nào mới, như đóng cửa các trường trung học, theo yêu cầu của một số người trong giới y khoa. Khi đi thăm một viện dưỡng lão ở Clamart, ngoại ô Paris, thủ tướng Castex cũng đã loại trừ khả năng ban hành phong tỏa riêng đối với những người dễ bị tổn thương, như những người lớn tuổi.
Trước nguy cơ bị quá tải, nhiều bệnh viện ở vùng Grand-Est trong hai ngày thứ 5 và thứ 6 đã chuyển các bệnh nhân Covid-19 sang Đức. Đây là những bệnh nhân đầu tiên được chuyển ra nước ngoài kể từ đầu đợt dịch thứ hai.