Tin mới nhất về Covid -19:
Thế giới vượt 40 triệu ca nhiễm,
Châu Âu đối mặt với làn sóng dịch thứ 2
Hoa Kỳ có 8,282,003 ca nhiễm,
220,523 người chết
Châu Âu đối mặt với làn sóng dịch thứ 2
Hoa Kỳ có 8,282,003 ca nhiễm,
220,523 người chết
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thông báo những biện pháp mới chống covid-19. REUTERS/Johanna Geron
Theo con số thống kê của Reuters, trên toàn thế giới số ca nhiễm virus corona tính đến hôm nay, 19/10/2020, đã vượt 40 triệu người.Theo giới chuyên gia, số ca nhiễm trên thực tế còn cao hơn do các xét nghiệm không đạt độ tin cậy hoàn toàn. Nhiều nước vẫn không thống kê được hết các ca nhiễm.
Số liệu thống kê của Reuters cho thấy đại dịch vẫn liên tục tăng tốc độ lây lan khi mùa đông tới gần ở bán cầu bắc. Phải mất 3 tháng sau khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán, số ca nhiễm trên toàn thế giới đạt con số 10 triệu người, 44 ngày để tăng từ 10 triệu lên 20 triệu và 38 ngày tăng từ 20 triệu lên 30 triệu và giờ đây chỉ cần 32 ngày để tăng từ 30 lên 40 triệu ca nhiễm.
Số lượng ca nhiễm hàng ngày trên toàn thế giới lần đầu tiên cũng đã vượt ngưỡng 400 nghìn người vào cuối tuần qua. Trong khi tuần trước con số ca nhiễm trung bình hàng ngày là 292 nghìn. Hoa Kỳ, Brazil vẫn là những nước bị dịch nặng nhất.
Châu Âu mỗi ngày ghi nhận thêm 150 nghìn ca nhiễm, chiếm hơn 17% của thế giới và đã vượt 250 nghìn ca tử vong vì Covid-19.
Châu lục này đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 2 dữ dội hơn lần 1. Sau Hà Lan, Pháp, bắt đầu từ hôm nay, Bỉ áp dụng lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến 5 giờ sáng trong vòng 4 tuần. Ý và Thụy Sĩ thắt chặt các biện pháp phòng dịch.
Tại Ý, để trở lại phong tỏa dân chúng như đợt dịch trước, chính phủ Ý hôm nay ban bố một sắc lệnh mới có hiệu lực ngay trong ngày.
Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir tường trình :
Các thành phố như Milano, Napoli và Roma là những vùng dịch mà lây nhiễm đặc biệt tăng vọt. Các chỉ số về y tế đều bị vượt. Đó là lý do để thủ tướng Giuseppe Conte ban hành sắc lệnh mới. Đeo khẩu trang, ông nói : « Chúng ta không thể để mất thời gian. Chúng ta phải hành động và thực thi mọi biện pháp cần thiết để tránh phải trở lại phong tỏa hoàn toàn một lần nữa. Điều đó sẽ làm thiệt hại nghiêm trọng toàn bộ các ngành kinh tế đất nước ».
Trong số các biện pháp chính, sắc lệnh quy định giao quyền rộng hơn cho thị trưởng tất cả các thành phố. Họ có thể ban hành giới nghiêm từng phần. Các quán ăn phải đóng cửa lúc nửa đêm và chỉ được nhận mỗi bàn tối đa 6 khách. Các quán bar không phục vụ ăn sẽ phải đóng cửa từ 18 giờ đến 5 giờ sáng.
Để tránh dồn ứ giao thông công cộng, các trường trung học sẽ phải triển khai học bán giờ và giờ vào lớp cũng được cách nhau.
Cuối cùng trong khu vực công và các doanh nghiệp tư nhân, hình thức làm việc từ xa được khuyến khích rộng rãi.
Từ đầu đại dịch, tổng số người nhiễm virus ở Ý là 414 241 và 36543 người tử vong.
Sân khấu Broadway ở New York đóng cửa đến giữa 2021
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố New York, toàn bộ sân khấu nhạc kịch Broadway ở trung tâm Manhattan, đã buộc phải ngưng hoạt động. Sau hơn 6 tháng đóng cửa, các rạp kịch Broadway theo dự trù sẽ được mở lại vào mùa thu năm 2020, nhưng rốt cuộc ngày khai trương một lần nữa bị trì hoãn, ít nhất là thêm 6 tháng.
Đây là lần thứ ba, liên đoàn Broadway League thông báo dời lại việc tái khởi động guồng máy vận hành các rạp kịch, từng làm nên uy tín của Broadway. Được thành lập vào đầu những năm 1930, Broadway League tính đến nay tập hợp hơn 700 thành viên bao gồm các chủ rạp kịch, các nhà điều hành, giới quản lý sản xuất, đại diện của các nhà phân phối. Mục đích là khai thác và phổ biến các tác phẩm, đưa các vở nhạc kịch mang thương hiệu Broadway đi biểu diễn khắp nơi, trên các sân khấu ở Bắc Mỹ và xa hơn nữa tại nhiều quốc gia khác, thông qua các hợp đồng lưu diễn hay thỏa thuận hợp tác.
Theo đánh giá của liên đoàn Broadway League, tình hình không ngừng thay đổi của dịch Covid-19 tạo ra quá nhiều rủi ro bất trắc, tuy thành phố New York không còn áp dụng lệnh phong tỏa nhưng các rạp kịch vẫn chưa hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để hoạt động trở lại. Chính cũng vì thế mà liên đoàn Broadway League quyết định duy trì việc đóng cửa các rạp kịch thêm ít nhất 6 tháng, ít nhất là từ đây cho tới cuối tháng 5 năm 2021. Đối với ngành công nghiệp giải trí ở Mỹ, quyết định này tuy không có gì là bất ngờ nhưng vẫn làm cho giới chuyên ngành càng thêm bi quan. Một số dấu hiệu vào cuối tháng 9, vào lúc các viện bảo tàng lớn ở New York bắt đầu đón khách trở lại, cho thấy là các quy định giãn cách xã hội, hạn chế số khách tham quan hay khán giả qua việc ấn định khung giờ rất khó áp dụng cho ngành biểu diễn sân khấu.
Một số nhà hát nhỏ có thể mở cửa đón khán giả ở mức tối đa là 50%, nhưng các sân khấu Broadway, nổi tiếng nhờ các vở kịch có mức đầu tư cao, rất khó thể nào duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19 mà không tránh bị thua lỗ. Sân khấu biểu diễn nhạc kịch Broadway một lần nữa bị tác động mạnh mẽ, quyết định đóng cửa cho tới gần giữa năm sau là một thảm họa đối với các đoàn diễn viên, cũng như giới điều hành quản lý các rạp kịch. Trước mắt, giới chuyên ngành hoàn toàn ‘‘trắng tay’’ nhân mùa biểu diễn 2020-2021. Gần một nửa các đoàn nghệ sĩ (lập theo casting) buộc phải tự giải thể do không còn hợp đồng sân khấu.
Từ tháng 3/2020 cho tới tháng 5/2021, tính tổng cộng làng nhạc kịch Broadway buộc phải đóng cửa trong hơn 14 tháng, một điều chưa từng thấy trong lịch sử của ngành công nghiệp giải trí nói chung và của thành phố New York nói riêng. Khu vực Broadway quen thuộc với muôn ánh đèn màu lung linh ở mặt tiền các rạp hát, từ trước tới nay vẫn là một tụ điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến Manhattan và đồng thời là một trong những động cơ kinh tế quan trọng nhờ mức doanh thu cao và lượng nhân viên làm việc trong ngành này.
Khi toàn bộ các sân khấu buộc phải ngưng hoạt động kể từ ngày 12/03, làng nhạc kịch Broadway đang chuẩn bị ra mắt nhiều tác phẩm mới vào mùa xuân năm 2020, bên cạnh 31 tác phẩm đang được biểu diễn trên các sân khấu. Dịch Covid-19 đã khiến cho một số tác phẩm quan trọng bị hủy bỏ, trong đó có hai vở nhạc kịch ‘‘Frozen’’ (Nữ hoàng băng giá) và ‘‘Beetlejuice’’ đều được chuyển thể từ các tác phẩm điện ảnh cùng tên. Bên cạnh đó, còn có phiên bản mới của các vở kịch nổi tiếng như ‘‘Hangmen’’ và nhất là ‘‘Who's Afraid of Virginia Wolf ?’’.
Vở kịch ‘‘Plaza Suite’’ với sự tham gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ lừng danh Sarah Jessica Parker và Matthew Broderick được xem như là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của mùa biểu diễn, rốt cuộc cũng đã bị hoãn lại một năm, buổi ra mắt khán giả đầu tiên sớm lắm sẽ diễn ra vào mùa xuân năm 2021. Theo kênh truyền hình địa phương NY1, hai tác phẩm kinh điển thuộc vào hàng ăn khách nhất của Broadway là ‘‘The Lion King’’ và ‘‘The Phantom of the Opera’’, đang biểu diễn nửa chừng lại đột ngột bị gián đoạn. Cả hai tác phẩm này chưa chắc gì sẽ được tiếp tục vào tháng 5/2021, mà chỉ hoạt động lại vào mùa thu năm tới, có thể với một thành phần diễn viên mới.
Cũng cần biết rằng trước khi có đại dịch Covid-19, sân khấu nhạc kịch Broadway là một cỗ máy hái ra tiền, đạt tới ngưỡng hơn 33 triệu đô la doanh thu mỗi tuần (tương đương 1,8 tỷ USD trong 14 tháng). Với khoảng 35 tác phẩm được biểu diễn liên tục, chương trình xen kẻ tác phẩm mới (kịch bản nguyên tác hay phóng tác) với nhiều vở kịch nổi tiếng được diễn đi diễn lại trong nhiều thập niên qua.
Họa vô đơn chí. Dịch Covid-19 cũng khiến cho phiên bản điện ảnh ‘‘West Side Story’’ của đạo diễn kỳ cựu người Mỹ Steven Spielberg cũng bị chậm trễ. Giới chuyên ngành từng hy vọng rằng tác phẩm này sẽ giúp kích hoạt trở lại cỗ máy vận hành Broadway vào một thời điểm thuận lợi hơn, nhưng rốt cuộc tương lai của các rạp chiếu phim cũng chẳng sáng sủa gì hơn so với các rạp kịch.
Dù muốn hay không, quyết định của Broadway League tựa như là hiệu ứng domino, khi mà các nhà hát lớn ở Hoa Kỳ lần lượt thông báo việc dời lại sang năm sau toàn bộ các hoạt động. Điển hình là tại thành phố Minneapolis, nhà hát lớn Guthrie Theater thông báo rút ngắn lại chương trình từ 9 tháng ban đầu còn lại 5 tháng và theo dự kiến chỉ khai mạc từ tháng 4 trở đi. Tại thành phố Cleveland, nhà hát Playhouse Square đã dời lại đến giữa năm 2021 chương trình biểu diễn 7 tác phẩm từng ăn khách trên sân khấu Broadway.
Trong khi đó, nhà hát Metropolitan Opera tại New York ban đầu thông báo ngưng hoạt động cho tới tháng 12/2020 nay lại quyết định đóng cửa luôn cho tới tháng 9/2021. Sự kiện một nhà hát có uy tín khắp thế giới như Metropolitan Opera của thành phố New York buộc phải ngưng hoạt động trong 18 tháng liền, đủ để cho thấy tác động của dịch Covid-19 lên ngành văn hóa Mỹ, mạnh tới chừng nào.
Bảo tàng Mỹ Metropolitan được mở lại sau 6 tháng đóng cửa
Viện bảo tàng Metropolitan ở New York (Hoa Kỳ) chuẩn bị đón tiếp công chúng trở lại vào ngày 29/08/2020 sau gần 6 tháng đóng cửa vì Covid-19. AFP/Archivos
Metropolitan Museum of Art, còn được gọi ngắn gọn là Met tại New York, nổi tiếng là một trong những bảo tàng có uy tín nhất thế giới. Sau gần 6 tháng phải đóng cửa trong mùa dịch Covid-19, viện bảo tàng Metropolitan chuẩn bị đón tiếp công chúng trở lại vào ngày 29/08/2020 với nhiều ràng buộc do các quy định giãn cách xã hội.
Tính trung bình hàng năm, Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan thu hút 7 triệu lượt khách tham quan. Thế nhưng, kể từ cuối tháng 8 trở đi, bảo tàng Met sẽ hạn chế lượt người thăm viếng thường nhật. Số khách được vào xem triển lãm cũng như các bộ sưu tập thường trực bị giới hạn ở mức 25%. Một cách cụ thể, chỉ có khoảng 5.000 khách tham quan mỗi ngày, tức chỉ bằng một phần tư so với mức độ bình thường. Vào những ngày cuối tuần và nhân dịp các cuộc triển lãm lớn viện bảo tàng Metropolitan có thể đạt tới mức 40 hay 50 ngàn khách mỗi ngày, tức là còn cao hơn cả bảo tàng Louvre ở Paris và bảo tàng Hermitage ở Saint Petersburg.
Ngoài các quy định giãn cách xã hội, khách vào thăm Viện bảo tàng Metropolitan sẽ phải đeo khẩu trang và các du khách buộc phải giữ khoảng cách với nhau tối thiểu là hai mét. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, bảo tàng Met chỉ đóng cửa vào ngày thứ Hai hàng tuần. Nay với thời hậu phong tỏa, Metropolitan sẽ đóng cửa mỗi tuần hai ngày. Với tất cả những điều kiện ràng buộc ấy, ban điều hành bảo tàng không hy vọng thu lời mà chỉ có thể hạn chế mức thất thu khi từng bước nối lại chương trình sinh hoạt văn hóa. Sau gần 6 tháng đóng cửa, Viện bảo tàng Metropolitan cho biết đã bị thua lỗ gần 100 triệu đô la.
Hầu như vào cùng một thời điểm với Metropolitan, Viện bảo tàng lớn thứ nhì của thành phố New York là Bảo tàng Whitney, chuyên trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại Mỹ thế kỷ XX và XXI cũng thông báo sẽ mở cửa trở lại, ban đầu là trong tuần lễ từ 24/08 đến 29/08, nhưng sau đó đã quyết định dời lại hơn một tuần và chính thức mở cửa đón tiếp khách tham quan vào ngày 03/09/2020.
Mặc dù chính quyền thành phố New York đã bật đèn xanh cho phép các cơ sở và trung tâm văn hóa hoạt động trở lại nhưng nhiều viện bảo tàng quan trọng, trong đó có Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museau of Modern Art) gọi tắt là MoMA, vẫn chưa thông báo ngày mở cửa trở lại.
Về phía nhà hát lớn Metropolitan của thành phố New York, sân khấu này theo dự kiến chỉ hoạt động lại vào dịp lễ cuối năm. Buổi biểu diễn đầu tiên được lên lịch là vào ngày 31/12/2020, trong khi đó, đa số các nhà hát chuyên ngành sân khấu nhạc kịch Broadway vẫn phải đóng cửa cho đến ít nhất là tháng Giêng năm 2021.
Sự kiện Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan được mở lại là một điều đáng mừng, nhưng chỉ phản ánh một phần tất cả những khó khăn của giới chuyên ngành văn hóa ở Hoa Kỳ. Theo khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu Brooking Institution (một cơ quan tư vấn có trụ sở tại Washington) có khoảng 2,7 triệu việc làm đã bị cắt giảm trong lãnh vực văn hóa tại Mỹ. Đối với các ngành kinh doanh dịch vụ và sản phẩm văn hóa, bao gồm các lãnh vực điện ảnh, ca nhạc, thời trang, mỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn, mức thất thu lên lên tới hơn 150 tỷ đô la trong năm 2020.
Cũng theo báo cáo của Viện Brooking Institution, các viện bảo tàng, các phòng triển lãm cũng như các sân khấu biểu diễn nghệ thuật tron tình trạng ‘‘đứng mũi chịu sào’’, đã bị thiệt hại trực tiếp một cách nặng nề. Chỉ riêng trong ba ngành này, đã có gần 1,4 triệu việc làm bị cắt giảm, tức là tương đương với 50% số người bị mất việc trong toàn bộ ngành văn hóa ở Mỹ nói chung.
Do nghệ thuật biểu diễn phụ thuộc rất nhiều vào khán giả, các biện pháp phòng dịch hầu như đều cấm các cuộc tập hợp đông đảo, cho nên các ngành liễn quan đến sân khấu bị tác hại lâu dài, mức thua lỗ lên tới 42,5 tỷ đô la, tương đương với gần một phần ba mức thất thu chung của ngành văn hóa. Nhạc sĩ và ca sĩ bị ảnh hưởng đầu tiên, tiếp theo là giới nhà văn, tác giả và các diễn viên. Một lãnh vực khác cũng bị ảnh hưởng nhiều là nghệ thuật tạo hình (hội họa, điêu khắc, minh họa, quảng cáo …..) với hơn 120.000 người bị mất việc làm.
Mức thiệt hại còn tùy thuộc theo từng bang. Bang California đứng đầu danh sách, bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 453.332 việc làm bị cắt giảm và mất 43,1 tỷ đô la doanh thu. Hai bang New York và Texas về hạng nhì và hạng ba. Chỉ riêng hai thành phố lớn New York và Los Angeles, mức thiệt hại lên tới hơn 15 tỷ đô la doanh thu và vì thế cho nên, hai thành phố này đã buộc phải cắt giảm 400.000 việc làm.
Trước một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, giới chuyên ngành văn hóa ở Hoa Kỳ đang kêu gọi chính phủ liên bang tiến hành một kế hoạch chấn hưng gọi là ‘‘New Deal của thế kỷ 21’’, giống như chính sách mà Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã từng ban hành hầu đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc Đại Khủng Hoảng vào những năm 1930. Hiện giờ các biện pháp của chính quyền liên bang Mỹ nhằm hỗ trợ kinh tế chủ yếu liên quan các khâu sản xuất và dịch vụ.
Theo báo cáo của Viện Brooking Institution, các biện pháp hỗ trợ lãnh vực văn hóa cũng nên có một vị trí quan trọng trong kế hoạch phục hồi kinh tế, rất nhiều người làm việc trong ngành văn hóa thường hoạt động độc lập hay theo mô hình tự kinh doanh và vì thế cho nên họ không được tính vào các dữ liệu liên quan đến việc làm. Theo kết luận của Viện Brooking Institution, đã đến lúc cần phải xem xét cách giúp đỡ trực tiếp giới nghệ sĩ cũng như những người chuyên hoạt động trong các lãnh vực văn hóa và sáng tạo.