Một số tiểu tiểu bang Hoa Kỳ
vẫn không ra lệnh đeo khẩu trang
vẫn không ra lệnh đeo khẩu trang
Trong khi số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tiếp tục gia tăng lên mức kỉ lục, một số tiểu bang vẫn không ban hành sắc lệnh đeo khẩu trang nơi công cộng, viện dẫn lý do không thể cưỡng hành và xâm phạm quyền tự do cá nhân.
Hiện 28 trên 50 tiểu bang của Mỹ và khu vực thủ đô Washington đã ban hành sắc lệnh đeo khẩu trang che mặt nơi công cộng, theo thống kê của đài CNN. Biện pháp này được áp dụng giữa lúc số ca nhiễm Covid tăng mạnh sau khi những hạn chế liên quan tới dịch bệnh được dỡ bỏ ở hầu hết các tiểu bang vào tháng 5 và tháng 6.
Sự bất nhất về chính sách giữa các tiểu bang càng được nêu bật khi Mỹ lập kỉ lục toàn cầu về số ca nhiễm mới hàng ngày, với 77.525 ca trong ngày 16/7, 75.821 ca trong ngày 17/7 nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên hơn 3,7 triệu với gần 140.000 người chết, theo Reuters.
Các chuyên gia y tế kêu gọi các chính trị gia và công chúng che mặt để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, Anthony Fauci, ngày 17/7 cho biết “sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo - các nhà lãnh đạo chính trị địa phương ở các tiểu bang và thành phố và thị trấn - hãy thúc bách mạnh mẽ nhất có thể để công dân của họ đeo khẩu trang.”
Thống đốc tiểu bang Georgia, Brian Kemp, ngày 17/7 kêu gọi người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, hai ngày sau khi ông ra sắc lệnh hành pháp ngăn cấm các quan chức địa cưỡng hành các quy định riêng của họ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trước đó, hôm 16/7, vị thống đốc theo Đảng Cộng hòa đã kiện thị trưởng Atlanta, Keisha Lance Bottoms, người theo Đảng Dân chủ, và các thành viên của Hội đồng Thành phố Atlanta, vì đã ra lệnh cho mọi người phải đeo khẩu trang.
“Bạn gửi đi thông điệp gì khi bạn ra sắc lệnh mà người ta sẽ không cưỡng hành?” ông Kemp nói. “Tôi hết sức lo ngại về những người trẻ tuổi và những người khác quá lệ thuộc vào chính phủ đến nỗi chúng ta mất đi nền tảng lập nên đất nước này, và đó là quyền tự do và cơ hội cho bất cứ ai.”
Thị trưởng Bottoms, đã xét nghiệm dương tính với virus corona, nói với CNN hôm 17/7 rằng “Hơn 130.000 người ở tiểu bang của chúng tôi đã xét nghiệm dương tính với Covid-19. Hơn 3.100 người đã thiệt mạng và ... thống đốc này đang lấy tiền của người nộp thuế để kiện cá nhân tôi.”
Đeo khẩu trang và che mặt là cách hữu hiệu nhất để giảm thiểu sự lây lan của virus corona từ người sang người, theo kết luận của một nghiên cứu mới đây.
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Texas và California đã so sánh khuynh hướng tỉ lệ nhiễm Covid-19 ở Ý và New York cả trước và sau khi có quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Cả hai địa điểm bắt đầu thấy tỉ lệ nhiễm giảm xuống sau khi các biện pháp đeo khẩu trang bắt buộc được ban hành, theo nghiên cứu được đăng ngày 11/6 trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Các nhà nghiên cứu tính toán rằng đeo khẩu trang đã giúp ngăn chặn được hơn 78.000 ca nhiễm ở Ý trong khoảng thời gian từ ngày 6/4 đến ngày 9/5 và hơn 66.000 ca nhiễm ở thành phố New York trong khoảng thời gian từ 17/4 đến 9/5.
Sau một thời gian từ chối đeo khẩu trang và từng mỉa mai việc đối thủ chính trị Joe Biden đeo khẩu trang, Tổng thống Donald Trump, trong cuộc phỏng vấn với CBS hôm 14/7, đã lên tiếng thúc giục người dân Mỹ mang trang bị bảo hộ này để ngăn virus corona lây lan.
Iran công bố số liệu chấn động:
25 triệu người nhiễm COVID-19
25 triệu người nhiễm COVID-19
Tổng thống Iran Hassan Rouhani
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 18/7 tuyên bố quốc gia 80 triệu dân này có khoảng 25 triệu người đã nhiễm virus Vũ Hán, và 35 triệu người khác có nguy cơ nhiễm virus này.
Reuters trích tuyên bố của ông Rouhani được phát sóng trên truyền hình: “Theo ước tính của chúng tôi, hiện có 25 triệu người Iran đã nhiễm virus này và khoảng 14.000 người đã mất”.
Ông Rouhani nói tiếp: “Có khả năng 30-35 triệu người khác sẽ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm”. Ông cũng nói đã có hơn 200.000 người đã nhập viện”.
Tổng thống Iran cho biết các số liệu mà ông đề cập là căn cứ theo một báo cáo mới của Bộ Y tế nước này. Những số liệu này vượt xa so với thống kê trước đây mà Iran công bố, đó là 269.440 người nhiễm và 13.791 người tử vong.
Chính quyền Iran hôm 18/7 đã thắt chặt trở lại các biện pháp hạn chế ở thủ đô Tehran, trong đó có việc cấm tụ tập tôn giáo và văn hóa, đóng cửa các trường học, các quán cà phê, bể bơi trong nhà, công viên và sở thú, theo Reuters.
Giới chức Mỹ hồi tháng 5 cáo buộc chính quyền Iran giấu diếm thực trạng dịch COVID-19, trong khi dịch bệnh lây lan trên khắp Iran. Al Arabiya News đưa tin, lãnh tụ tối cao của Iran, ông Ali Khamenei hôm 3/5 bác bỏ tính nghiêm trọng của dịch virus Trung Cộng, nói rằng: “Theo quan điểm của chúng tôi, tai ương này không phải là vấn đề lớn. Đã có những vụ lớn hơn trong quá khứ và chúng tôi đã có những trường hợp như vậy ở đất nước này”.
Indonesia vượt Trung Cộng với số ca
Covid-19 cao nhất Đông Á: 84.882
Covid-19 cao nhất Đông Á: 84.882
Nhân viên y tế thu thập mẫu bệnh phẩm từ một người phụ nữ trong một đợt xét nghiệm virus corona ở khu Tangerang, Indonesia, ngày 17 tháng 7, 2020.
Indonesia ngày thứ Bảy vượt qua Trung Cộng trở thành nước có số ca nhiễm virus corona được xác nhận nhiều nhất ở Đông Á với 84.882 ca, và nhà chức trách cho biết tỉ lệ lây nhiễm thực tế có thể cao hơn do các trường hợp chưa được phát hiện.
Dữ liệu từ lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của nước này cho thấy 1.752 ca nhiễm virus corona mới vào ngày thứ Bảy và 59 ca tử vong, khiến số người chết liên quan đến coronavirus lên tới 4.016 người, Reuters đưa tin.
Trung Cộng, nơi các ca virus corona đầu tiên được báo cáo vào cuối năm ngoái, đã có 83.644 ca tính đến ngày thứ Sáu, với 4.634 ca tử vong.
“Có khả năng các trường hợp dương tính không có triệu chứng vẫn chưa được phát hiện,” người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm Achmad Yurianto cho biết, nói thêm rằng nhà chức trách sẽ tiếp tục ưu tiên truy tầm tiếp xúc.
Các nhà dịch tễ học đã chỉ trích chính phủ vì áp đặt các hạn chế nhẹ hơn so với các nước láng giềng để kiểm soát đại dịch và vì phạm vi xét nghiệm hạn chế.
Một số hạn chế được nới lỏng vào đầu tháng 6, ngay cả khi số ca nhiễm tiếp tục tăng, để cho phép tái tục một số hoạt động kinh tế.
Đô trưởng Jakarta Anies Baswedan trong tuần này đã hoãn lại quyết định nới lỏng thêm các hạn chế, bao gồm hoãn mở lại các rạp chiếu phim. Thủ đô của Indonesia báo cáo 346 trường hợp mới vào ngày thứ Bảy, là mức tăng hàng ngày cao nhất, với tám trường hợp tử vong mới.
Tây Java, tỉnh đông dân nhất của Indonesia, sẽ bắt đầu phạt những người không đeo khẩu trang ở những nơi công cộng bắt đầu từ ngày 27 tháng 7, Tỉnh trưởng Ridwan Kamil cho biết trên Twitter.
LH Âu Châu EU thương lượng mua trước Vaccine chống COVID-19
(Reuters) Liên hiệp Châu Âu đang thương lượng các thỏa thuận mua trước vaccine tiềm năng chống COVID với các hãng bào chế thuốc Moderna, Sanofi và Johnson & Johnson và hai công ty công nghệ sinh học BioNtech và CureVac, hai nguồn tin EU nói với Reuters.
Những cuộc đàm phán này tiếp theo một thỏa thuận đạt được hồi tháng Sáu của 4 nước EU với AstraZeneca về việc mua trước 400 triệu liều vaccine tiềm năng chống COVID, trên nguyên tắc tất cả 27 nước EU đều có thể có được.
Tin tức về các cuộc thương lượng đang tiếp diễn này được Ủy ban Châu Âu, cánh tay điều hành của EU, chia sẻ với các Bộ trưởng Y tế EU tại một hội nghị ở Berlin ngày 16/7, nguồn tin cho hay.
Các cuộc thương lượng liên tiếp diễn ra cho thấy lập trường xác quyết hơn của EU trong việc tậu vaccine và thuốc chống COVID sau khi Washington sớm có hành động tương tự.
“Chúng tôi đang thảo luận với một vài công ty về vaccine COVID-19,” một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu nói với Reuters ngày 17/7, từ chối nói cụ thể tên các công ty vì các cuộc thương lượng này được giữ kín.
Có hơn 150 vaccine tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm trên toàn thế giới. Trong số 23 cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người, ít nhất có 3 vaccine đang trong Giai đọan 3 thử nghiệm.
Trong các cuộc thương lượng của EU, tiến triển nhất dường như là với công ty Johnson & Johnson và Sanofi vì EU đã thảo luận chi tiết về số liều cần thiết.
Với công ty khổng lồ Johnson & Johnson của Mỹ, EU đang thương thảo về mức cung 200 triệu vaccine tiềm năng, nguồn tin nói và cho biết thêm là việc cung cấp thêm cũng có thể thực hiện được.
Khối EU cũng lên kế hoạch làm sao trong nửa cuối năm sau có được 300 triệu liều vaccine tiềm năng của công ty Sanofi, Pháp, cộng tác với công ty Anh GlaxoSmithKline Plc, nguồn tin cho hay.
Được hỏi về những cuộc đàm phán, Sanofi nói với Reuters là đây là “những cuộc thương thuyết đang tiếp diễn với EU để chuyển giao 300 triệu liều”.
Vẫn theo nguồn tin của Reuters, các cuộc thảo luận cũng đang tiếp diễn với công ty Mỹ Moderna. Vaccine ngừa COVID của Moderna cho thấy an toàn và tạo ra đáp ứng miễn nhiễm trong tất cả 45 người tình nguyện khỏe mạnh trong cuộc nghiên cứu giai đoạn đầu, theo các nhà nghiên cứu Mỹ.
EU cũng thảo luận với công ty công nghệ sinh học Đức BioNtech và CureVac để mua trước vaccine tiềm năng của hai công ty này, nguồn tin nói. Cả hai công ty, đã được đề nghị cấp quỹ của EU để phát triển thuốc, từ chối bình luận.
BioNtech đang phát triển một vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 hợp tác với công ty dược khổng lồ Pfizer của Mỹ để có được 100 triệu liều vào cuối năm nay.
Một khi đạt được thỏa thuận, các nước EU có thể đặt hàng với công ty bào chế để có được số lượng chính xác cho dân số của họ.