Tìm vac-xin SARS-CoV-2
là một sứ mệnh bất khả?
là một sứ mệnh bất khả?
Các lọ ARNm, một trong những loại vác-xin đang được thử nghiệm chống virus corona chủng mới, do trường đại học Thái Lan Chulalongkorn giới thiệu, Bangkok, ngày 25/05/2020 REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA
Tìm công thức vẹn toàn và chế tạo đại trà vac-xin chống dịch siêu vi Covid-19 là con đường gian nan. Cho dù "đối tượng" là con siêu vi nào, tiến trình nghiên cứu phải rất dài, qua nhiều giai đoạn từ phòng thí nghiệm đến lâm sàng, rồi phải phát minh cách chế tạo trước khi tính đến chuyện sản xuất đại trà.
Kinh nghiệm cam go tìm ra thuốc ngừa siêu vi sốt liệt cơ và cúm thường niên cũng như những thất bại, cho đến nay, trong cố gắng tìm vac-xin HIV là những bài học về tính khiêm tốn.
Cuộc đua tìm thuốc ngừa siêu vi SARS-CoV-2 từ khi đại dịch bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Cộng , cách nay 8 tháng không phải là một ngoại lệ.
Chạy đua nước rút
Khoảng 50 phương án nghiên cứu vac-xin chống bệnh Coronavirus chủng mới đang được các viện nghiên cứu ráo riết thực hiện như một cuộc chạy đua nước rút.
Trung Cộng loan báo thực hiện xong công đoạn 2 thử nghiệm trên người. Viện dược phẩm Moderna của Mỹ xong giai đoạn 1 thấy có kết quả "khích lệ" : 8 trên 45 người tình nguyện có phản ứng miễn nhiễm. Tại Pháp, công ty Sanofi tuyên bố vụng về, sẽ ưu tiên cung cấp cho Mỹ đợt vac-xin đầu tiên, trước khi cải chính, để lộ dụng ý gây áp lực xin công quỹ hỗ trợ. Nhưng khác với những tuyên bố lạc quan của tổng thống Mỹ Donald Trump và thái độ muốn chứng tỏ sức mạnh mềm của chế độ Trung Cộng , dự báo sẽ có thuốc ngừa SARS-CoV-2 trước cuối năm 2020, châu Âu chọn thái độ thận trọng. EMA, cơ quan dược phẩm của Liên Hiệp Châu Âu cho rằng dự báo trong một năm nữa tìm ra thuốc ngừa là "kịch bản lạc quan". Giới chính trị, qua tuyên bố của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, cũng khẳng định : không thể có vac-xin trước năm 2021.
Trên thực tế, con đường tìm thuốc ngừa đại dịch Covid-19 trắc trở vô cùng. Bởi vì SARS-CoV-2 đang bao vây, chui sâu vào cuộc sống của nhân loại là siêu vi không giống như loài đồng chủng. Nó linh hoạt vô cùng cho nên rất khó "khống chế".
Theo giải thích của Morgan Bomsel, chuyên gia siêu vi trùng học giám đốc Viện nghiên cứu Cochin, Paris, trong "họ" của corona có bốn loại siêu vi, đã từng gây tai họa cho con người, nhưng cho đến nay chưa có vac-xin đối phó.
Đặc biệt là với loại siêu vi gây viêm phổi cấp tính như dịch SARS-Cov-1 xảy ra trong năm 2002-2004, cũng từ Trung Cộng và dịch viêm phổi MERS ở Trung Đông năm 2012, lây sang tận Hàn Quốc. Vấn đề, theo bà Morgan Bomsel, là người ta không biết rõ tính chất con siêu vi này nó như thế nào cho nên xảy ra tình trạng mỗi nơi, mỗi nhóm khoa học gia, mạnh ai nấy làm với hệ quả là phân tán thay vì hợp sức nghiên cứu.
Thiên biến vạn hóa
Chỉ riêng về sinh học, siêu vi corona chủng mới một khi bám vào đường hô hấp là chui sâu vào tận đáy hai lá phổi để sinh sôi nảy nở do vậy mới gây ra triệu chứng viêm phổi cấp tính. Nhưng sau đó người ta mới biết nó còn lan đến các cơ phận khác như tim, thận, não... nơi nào cũng gây tổn hại nghiêm trọng.
Để hướng đến công thức hiệu nghiệm, câu hỏi then chốt của các nhà nghiên cứu là phải chọn "loại miễn nhiễm nào" hiệu quả nhất khắc kỵ siêu vi ?
Có cần phải che chở tức khắc bộ phận bị tấn công hay không ? Trong trường hợp đó, phải huy động bạch cầu Lymphocyte T trong phổi chống Covid-19.
Hoặc là gây phản ứng miễn nhiễm tại mô tiết chất nhờn trong mũi để chận siêu vi "ngay từ bãi đáp" ? Chỉ để có câu trả lời, giới khoa học phải mất nhiều tuần mới hội đủ thông tin để nhận ra hướng phản công.
Kháng thể tấn công sai mục tiêu
Nhưng một vấn đề khác lại nổi lên. Trong khi Lympho tạo ra kháng thể chống siêu vi thì ở nhiều bệnh nhân Covid-19, kháng thể quay sang hủy hoại chính cơ thể của họ. Thay vì tấn công siêu vi xâm nhập, kháng thể "tiếp tay với giặc". Cơ chế vận hành tấn công sai mục tiêu của kháng thể đã được thấy trong bệnh sốt xuất huyết làm nhiều trẻ em thiệt mạng. Theo chuyên gia Morgan Bomsel của Viện Cochin, phải tìm phương thức miễn nhiễm khác với huy động bạch cầu để tránh bị vac-xin công phạt.
Tìm được loại vac-xin thích hợp đã khó mà có rồi, cũng chưa xong đâu. Bởi vì hiệu năng cũng có nhiều mức độ. Nếu phản ứng miễn dịch không đủ mạnh, kháng thể không đủ lực bảo vệ người bị nhiễm siêu vi, theo thời gian yếu đi dần và không tồn tại lâu. Ngay Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng nói đi nói lại. Hôm trước cảnh báo bệnh nhân Covid-19 không chắc sẽ được miễn dịch. Vài hôm sau cải chính bảo là "có".
Điều chắc chắn là chưa có đủ dữ kiện để xác định cơ thể con người , sau khi nhiễm bệnh Covid-19, hay sau khi được chủng ngừa, sẽ được miễn dịch trong bao lâu, một tháng hay một năm hay lâu hơn nữa. Thế mà dữ kiện thời gian là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược chế tạo vac-xin và cách đáp trả siêu vi .
ARN messager
Cuối cùng, tính chất của loại vac-xin tự thân cũng là một cản lực. Một trong những phương thức mới nhất và mang nhiều hứa hẹn nhất là tiêm ARN messager (hay ARN thông tin). Đoạn phân tử này "ra lệnh" cho tế bào chế tạo ra kháng nguyên kích hoạt kháng thể chống siêu vi.
Vấn đề của nhân loại là cho đến ngày hôm nay chưa có kinh nghiệm làm vac-xin ARN messager phòng bệnh nào cả. Vac-xin ARN messager trong giai đoạn thử nghiệm chưa chứng tỏ có hiệu năng miễn nhiễm như kỳ vọng.
Nếu có một vac-xin ARN messager nào qua được giai đoạn III, tức là đã được thử trên hàng chục ngàn người, kiểm chứng hiệu năng kích hoạt kháng thể và tính vô hại cho cơ thể, thì lúc đó vẫn chưa hết vấn đề. Nhức óc cuối cùng là phải phát minh một chuổi dây chuyền sản xuất đại trà, vì chưa có.
Trong bài "Vì sao chưa bao giờ tìm ra vac-xin chống virus corona", nữ giám đốc nghiên cứu Viện Cochin, Paris khuyến cáo : Cho dù có khắc phục tất cả các chướng ngại kể trên, chúng ta vẫn chưa có đủ cơ sở để xác định vac-xin ARN messager sẽ hiệu nghiệm đối phó với siêu vi corona. Muốn kết luận thì phải có thời gian, mà thời gian không cho phép.
Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 6 triệu người và còn tiếp diễn, tiếp diễn như cuộc đua tìm vac-xin. Cuộc đua giữa các tham vọng kinh tài và địa chính trị với con siêu vi thiên biến vạn hóa.
Nguồn: Inserm, HuffPost, Le Journal des Femmes et Santé