THUỐC TRỊ COVID-19:  Thử nghiệm thì nhiều, hy vọng thì ít

Tin Tức

THUỐC TRỊ COVID-19: 
Thử nghiệm thì nhiều, hy vọng thì ít

Nghiên cứu chế tạo thuốc trị Covid-19 tại một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh.
Ảnh chụp ngày 30/03/2020. REUTERS - Thomas Peter



Hiện đang có hàng trăm cuộc thử nghiệm các loại thuốc trị Covid-19 trên thế giới, thế nhưng cho tới nay chỉ mới lóe lên một vài tia hy vọng, ấy là chưa kể một số chương trình nghiên cứu đang gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là thất bại, như chương trình Discovery của châu Âu.

Làm sao ngặn chận virus corona chủng mới xâm nhập các tế bào, không cho chúng nhân ra gấp bội trong cơ thể, kiểm soát được phản ứng của hệ miễn dịch trước sự tấn công của virus. Các nhà khoa học đang cấp tốc nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau, cố tìm ra một liều thuốc công hiệu để trị một căn bệnh mà nay đã khiến hơn 300.000 người chết trên toàn thế giới

Theo tạp chí y khoa The Lancet, hiện có hơn 800 cuộc thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành ở nhiều nước khác nhau để thẩm định hiệu quả của hàng chục loại thuốc trị Covid-19. Khoảng hơn 300 thử nghiệm được tiến hành ở Trung Quốc, nơi xuất phát dịch bệnh, 125 thử nghiệm ở Hoa Kỳ, quốc gia bị dịch nặng nhất hiện nay. Riêng tại Pháp thì có khoảng 45 cuộc thử nghiệm.

Nhưng nhiều nhà nghiên cứu đang kêu gọi các đồng nghiệp không nên vì quá gấp rút mà bỏ quên tính chất nghiêm túc khoa học của các cuộc thử nghiệm, để không làm dấy lên những hy vọng hão huyền. Tại Pháp cũng như tại Mỹ, không ít viện nghiên cứu lớn đã gây tranh cãi khi vội vã thông báo các kết quả « khả quan » ngay cả trước khi công bố toàn bộ công trình nghiên cứu. Nhà truyền nhiễm học Florence Ader, người chỉ đạo cuộc thử nghiệm châu Âu Discovery, đã từng lên tiếng cảnh báo về cái mà bà gọi là « dịch nghiên cứu », vì có rất nhiều thử nghiệm thất bại « ngay từ trong trứng nước », do có quá ít bệnh nhân tham gia, hoặc được tiến hành với những phương pháp không có gì bảo đảm. Bà Ader khuyên là nên tập trung nỗ lực vào một số nghiên cứu lớn.

Các loại thuốc đang được thử nghiệm



Bây giờ chúng ta hãy điểm qua những loại thuốc chính yếu đang được thử nghiệm. Trước hết là remdesivir, do hãng dược phẩm Gilead của Mỹ phát triển để trị bệnh Ebola, nhưng đã tỏ ra không công hiệu đối với bệnh này. Tuy vậy, trong phòng thí nghiệm, remdesivir đã chứng tỏ khả năng ngăn chận các virus khác. Vấn đề là các dữ liệu về công hiệu của thuốc này đối với Covid-19 vẫn còn mâu thuẫn với nhau và vẫn còn tản mác.

Hoa Kỳ trông chờ rất nhiều vào remdevisir, cho nên ngày 01/05 vừa qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đã cấp tốc cấp phép sử dụng loại thuốc này ngoài thử nghiệm lâm sàng trong các bệnh viện, trên cơ sở thử nghiệm rộng rãi trong công chúng. Kết quả cho thấy là tính trung bình, các bệnh nhân Covid-19 nặng hồi phục nhanh hơn 4 ngày so với các bệnh nhân nặng khác ( trong vòng 11 ngày thay vì 15 ngày ). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này còn quá « khiêm tốn », tuy một số nhà nghiên cứu khác thì thấy dầu sao remdesivir cũng là một phương tiện để giảm bớt tình trạng quá tải của các bệnh viện. Giới khoa học cũng chỉ trích việc các kết quả của nghiên cứu về thử nghiệm remdesivir không được công bố toàn bộ. Mặt khác, nghiên cứu cũng không cho thấy là remdesivir đã thật sự làm giảm tỷ lệ tử vong, bởi vì sự cách biệt về tỷ lệ tử vong giữa nhóm bệnh nhân được cho uống thử thuốc ( 8% ) và nhóm đối chứng ( 11,6% ) là quá thấp so với ngưỡng cần thiết để kết quả thử nghiệm có thể được xem là chuẩn xác.

Thứ hai là thuốc tocilizumab, được coi là niềm hy vọng cho những ca Covid-19 nặng, vì thuốc này điều hòa phản ứng của hệ miễn dịch, để không gây thêm tác hại cho cơ thể người bệnh. Vào cuối tháng 4, hệ thống bệnh viện Paris thông báo là thuốc tocilizumab giảm « đáng kể » nguy cơ tử vong hoặc nguy cơ phải vào khoa hồi sức nơi các bệnh nhân Covid -19 nặng, nhưng họ lại không đưa ra các số liệu cụ thể và cũng không công bố nội dung công trình nghiên cứu.

Các cuộc thử nghiệm khác đang được tiến hành với thuốc  tocilizumab. Nhưng cho dù thật sự có công hiệu, chi phí quá cao của loại thuốc này, cũng như cách điều trị bằng tiêm tĩnh mạch khiến cho rất khó sử dụng phổ biến.

Thứ ba là thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine, một loại thuốc đã làm hao tốn rất nhiều giấy mực trong những tháng qua. Theo hai công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Anh Quốc BMJ ngày 15/05/2020, hydroxychloroquine dường như không có công hiệu trị Covid-19, cho dù là đối với các bệnh nhân nặng hay nhẹ.

Công trình nghiên cứu thứ nhất, do các nhà nghiên cứu Pháp tiến hành, đã đi đến kết luận là loại thuốc chống sốt rét này không làm giảm đáng kể nguy cơ phải vào khoa hồi sức hoặc nguy cơ tử vong đối với các bệnh nhân nhập viện vì bị viêm phổi do Covid-19. Công trình nghiên cứu thứ hai, do một ê kíp nhà nghiên cứu Trung Quốc tiến hành, cho thấy là thuốc hydroxychloroquine không giúp diệt trừ virus nhanh hơn so với các thuốc chuẩn ở các bệnh nhân Covid-19 nhẹ, thậm chí các phản ứng phụ của thuốc chống sốt rét này còn nặng hơn các thuốc kia.

Dựa trên hai kết quả nghiên cứu nói trên, tạp chí BMJ đánh giá là không nên sử dụng hydroxychloroquine như là một loại thuốc phổ biến để trị Covid-19.

Thứ tư là thuốc chống HIV. Các cuộc thử nghiệm kết hợp hai loại thuốc điều trị HIV, lopinavir và ritonavir, vẫn chưa mang lại các kết quả được hứa hẹn. Một nghiên cứu của Trung Quốc được công bố ngày 19/03 đã kết luận là điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng thuốc chống HIV không giúp giảm bớt nguy cơ tử vong cũng như không rút ngắn thời gian bình phục. Tuy nhiên, một số dữ liệu cho thấy là thuốc chống HIV có hiệu quả nếu cho bệnh nhân uống sớm.

Discovery thất bại ?
Được khởi động từ cuối tháng 3 với hy vọng nhanh chóng tìm ra một loại thuốc công hiệu để trị Covid-19, cho tới nay chương trình thử nghiệm lâm sàng Discovery của châu Âu vẫn chưa đạt được kết quả nào, do không có hợp tác chặt chẽ giữa các nước châu Âu và do hiệu quả của 4 loại thuốc được thử nghiệm không như là người ta hy vọng lúc ban đầu.

Thật ra, nguyên nhân chủ yếu đó là số bệnh nhân được thử nghiệm hiện giờ còn quá ít, chỉ có 750 người, gần như toàn bộ là ở Pháp, trong khi mục tiêu đề ra là quy tụ đến 3.200 bệnh nhân ở châu Âu, trong đó có ít nhất 800 người ở Pháp. Lúc đầu có ít nhất 7 quốc gia  châu Âu tuyên bố tham gia Discovery, trong đó có Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, nhưng hiện chỉ có duy nhất một bệnh nhân bên ngoài Pháp, ở Luxembourg.

Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 12/05, bác sĩ Jean-Philippe Lanoix, khoa bệnh truyền nhiễm, bệnh viện Amiens, Pháp, nơi mà hai chương trình thử nghiệm trong khuôn khổ Discovery đang được tiến hành, cho biết :

« Hiện nay chúng tôi có gần 750 bệnh nhân tham gia cuộc thử nghiệm, trên 800 bệnh nhân được dự kiến, tại Pháp. Đây là một điều rất tốt. Chúng tôi chưa có đủ các kết quả để có thể quyết định là nên ngưng thử nghiệm nào, bởi vì có thể đối với nhóm này thuốc có công hiệu hơn nhóm kia, cho nên phải ngưng thử nghiệm đối với nhóm mà thuốc hoàn toàn không có công hiệu.

Trong thử nghiệm, bao giờ cũng có một nhóm bệnh nhân không được cho uống loại thuốc nào khác ngoài thuốc trị các triệu chứng, gọi là nhóm « chuẩn » và bốn nhóm kia được cho uống các loại thuốc hydroxychloroquine, remdesivir và hai loại thuốc chống virus khác. »

Thật ra ban đầu thuốc chống sốt rét không được dự trù trong chương trình thử nghiệm Discovery, nhưng vì sao loại thuốc này đã được đưa vào, bác sĩ Lanoix giải thích :

« Một trong những đặc điểm của chương trình thử nghiệm Discovery là thích ứng với diễn biến của dịch virus corona, vì thật sự là chúng ta chưa biết nhiều về dịch bệnh này. Những người khởi xướng chương trình đã dự trù sẽ bao gồm những loại thuốc lúc đầu họ không nghĩ là sẽ có công hiệu. Họ để mở ngỏ cánh cửa, để nếu có những loại thuốc nào xuất hiện trên thị trường, điều mà hiện nay vẫn còn có thể xảy ra, thì sẽ thêm một nhóm bệnh nhân thứ 5, thứ 6 vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Thuốc hydroxychloroquine, sau khi đã chứng tỏ có phần nào công hiệu đối với một số bệnh nhân, đã được thêm vào để thử nghiệm trên nhóm bệnh nhân thứ 5 trong chương trình này. »

Một khó khăn khác đối với chương trình thử nghiệm Discovery, đó là không có những quy định đồng nhất giữa các nước châu Âu tham gia chương trình này, theo lời bác sĩ Lanoix :

« Trong việc xử lý các dữ liệu của bệnh nhân, nước này có thể có những quy định bó buộc hơn những nước khác, tùy theo các dữ liệu đó có thuộc diện bí mật thông tin sức khỏe hay không, ai được quyền xử lý các dữ liệu đó. Ví dụ như tôi thêm một bệnh nhân người Bỉ, một bệnh nhân người Đức vào chương trình thử nghiệm, trong những điều kiện nào, tôi có thể chuyển các dữ liệu y khoa đến các nhân viên thống kê ở những nước khác. Tôi nghĩ là mỗi nước có những quy định khác nhau và rõ ràng là không có một sự đồng nhất trong vấn đề này.

Ấy là chưa kể là định nghĩa của mỗi nước cũng khác nhau. Trong chương trình Discovery có 5 nhóm, trong đó có một nhóm gọi là nhóm chuẩn, nhưng các nước và các bệnh viện không hẳn là có chung một định nghĩa về nhóm điều trị chuẩn. Chẳng hạn như tại Ý, một số bệnh viện và một số vùng đưa thuốc hydroxychloriquine và thuốc remdesivir vào nhóm điều trị chuẩn. Như vậy nhóm chuẩn của nước này lại khác với của những nước kia, điều này chắc chắn gây ra các vấn đề. »

Những khó khăn của chương trình Discovery cũng phản ánh một thực tế : các nước châu Âu không thể có hành động chung, nhất là khi khi đối đầu với một khủng hoảng y tế khẩn cấp như dịch Covid-19. Đối với bác sĩ Lanoix, chương trình Discovery chưa đạt kết quả mong muốn, nhưng không hẳn là một thất bại :

« Một trong những đặc điểm của chương trình thử nghiệm này, đó là đã được thiết lập trong một thời gian rất ngắn, và huy động các bệnh nhân thật là nhanh. Đúng là phải hoan nghênh các ê kíp đã tham gia vào việc khởi động chương trình Discovery. Nhưng ở cấp độ châu Âu thì việc tiến hành phải mất nhiều thời gian, vì phải đáp ứng những yêu cầu về hành chính. Đối với tôi, đó là điều không có gì đáng ngạc nhiên và không thể nói là chương trình thất bại.

Tôi hy vọng là lần sau chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn ở cấp độ châu Âu, để có phản ứng nhanh hơn, nếu có một đợt dịch thứ hai. Tôi nghĩ đây là cơ hội để các nước châu Âu làm việc với nhau, tuy là tốc độ còn chậm so với đà lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19. »

Kể từ khi chương trình Discovery được tiến hành, một ủy ban chuyên gia ở bên ngoài, có tên là Data Safety Monitoring Board (DSMB), vẫn họp định kỳ để phân tích các dữ liệu và cố vấn cho các nhà nghiên cứu. Theo khuyến cáo của DSMB, nên tiếp tục chương trình thử nghiệm Discovery, nhưng các nước châu Âu phải tích cực tuyển thêm nhiều bệnh nhân cho chương trình này.

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top