Thư về Houston, Phan Nhật Nam
Khi “Ông Cò” rũ cánh
Gởi riêng “Ông Cò, và Bà Trần Ngọc Quế”,
Đại Gia Đình Bến Cũ, Houston.
Dẫn Nhập: Hôm nay, 54 năm sau Mậu Thân, 1968; 50 năm sau Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972 có thể nói rằng.. Nơi hải ngoại, hơn bốn-mươi năm sau 30 Tháng 4, 1975, mối đau “nước mất nhà tan” hầu như gần nhạt đi trong lòng người Việt Miền Nam; cụ thể đối với thành phần Người Lính VNCH cũng muốn quên đi một quá khứ khắc nghiệt, cay đắng đổi bằng giá máu, sinh mạng của bản thân, đồng đội và đồng bào. Trong tình cảnh nầy, viết, nói về người, chiến tranh VN e rằng là một điều không cần thiết, chẳng ai muốn nghe ra. Có chăng, những người thuộc thế hệ chúng tôi, những người trẻ tuổi ngày nào nơi trận tiền vào thời gian máu lửa xa xôi kia. Nay tất cả cũng đang dần vắng mặt..
- Năm 1998, ông “Sáu Lèo”- Thiếu Tướng Không Quân Nguyễn Ngọc Loan từ trần, nhà báo Eddie Adams đã gửi thư đến lễ tang, bày tỏ mối ân hận vì tác động của bức ảnh chụp ông xử tên đặc công Bảy Lốp; bức hình khiến ông phải gánh chịu mối uất hận từ bao năm! Adams có lời chân thành (muộn màn): “Nước Mỹ đáng lẽ phải tiếc thương ông, trong khi người ta không hề biết một chút gì về ông cả. Bức ảnh do tôi chụp đã thực sự làm đảo lộn cuộc sống của ông (?!)”. Eddie Adams đính kèm danh thiếp ghi dòng chữ: "General: I'm so...sorry. Tears in my eyes" (Thưa Thiếu Tướng, tôi rất ân hận. Lệ đã tràn đầy mắt tôi)
Khi đọc bản tin nầy, Cò Q gầm lên.. “Tiên sư, Ông Sáu ngang nhiên chính trực như thế mà bị bôi nhọ, xuyên tạc hằng bao nhiêu năm. Thằng Bảy Lốp giết cả nhà Trung Tá Tuấn Thiết Giáp, nó là đặc công mặc đồ dân sự, không là “tù binh chiến tranh/lính cộng sản chính quy” thì không có luật lệ nào nơi chiến trường bảo vệ hắn hết”. Chỉ vì Ông Sáu muốn công khai tự tay trừng phạt, chứ không để chúng tôi, đám dưới quyền, hoặc lính “ông Đại”/Đại Úy Phán, 1968 Đại Đội Trưởng TQLC làm thì báo Mỹ nào có cớ nói chạm tới ông!” Cò Q không nói lớn lối, bởi qua Mậu Thân đợt hai, Tháng 5/1968 nơi đầu Cầu Xa Lộ, Cò Q đã chụp lấy thân ông Sáu khi trái B 40 không biết do tên VC ở đâu (?) bắn ra! Hành vi hy sinh Lê Lai cứu chúa, Cò Q sẵn lòng thực hiện với Ông Sáu không hề ngần ngại. “Tôi coi như (trò) chơi cũng như lấy vespa chở ông ấy đi chơi vòng vòng Sàigòn, Chợ Lớn”. Cò Q đã nói rất nhiều lần về ân sâu, nghĩa trọng đối với “Anh Sáu L..”. Chỉ là “Anh Sáu” chứ không hề là “Ông Sáu hoặc Tướng L”. Càng không hề vì “công danh/ân huệ”. Chuyện sau đây sẽ nói rõ.
Một ngày sau “biến cố Miền Trung, 1966”, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù từ Đà Nẵng được về hậu cứ Biên Hòa, đám sĩ quan chúng tôi vù về Sàigòn đến căn nhà bán nệm giường góc đường Hồng Thập Tự/Lê Văn Duyệt tìm Q. Sông Lô bảo: “N, mầy vào kêu nó, nó hay “sợ hoảng”, tao kêu nó lấy cớ bỏ trốn!”. Nam Xương vào một lúc trở ra báo cáo: “Nó đi làm cò rồi!” Cả bọn kêu lớn..“Sao? Sao thằng Q lại đi làm cò?! Bộ bên cảnh sát hết người hay sao lại đưa một thằng như nó làm cò! Vào hỏi lại nó làm cò ở đâu?”.
Sau khi biết nhiệm sở mới của “Cò Q”, cả bọn vù qua Ty Cảnh Sát Quận 4 bên Thủ Thiêm. Nam Xương lại có nhiệm vụ vào lùng “Ông Cò Q”. Nhưng kẻ bạo miệng nhất trong đám tự động đổi cách xưng hô lúc nào không hay -Từ “Thằng Q, cậu Q” sang “Cò Q.” một cách cung kính! Vì đám nhà binh đang ở cấp úy hiểu rõ hơn ai: Cấp số của Trưởng Ty/Cò phải là “Trung Tá” mà là loại trung tá có điểm lớn, lại là vùng Sài Gòn, Chợ Lớn nơi gần phủ, gần dinh. Nam Xương vào trụ sở ty cảnh sát một lúc trở ra tiu nghĩu báo cáo: “Hắn có đến làm cò đâu được mấy giờ, xong làm bàn giao lại nhiệm sở và đi đâu về bên cục lại rồi?!”
Ủa sao lại vậy? Cả bọn ngơ ngác, chưng hững. Cuối cùng tìm được “Cò Q” (chết ngay tên từ đấy). Sông Lô chất vấn: “Sao mầy (trở lại vị trí sơ khởi) được đi làm cò rồi lại bàn giao trở về Cục? Mầy biết người ta phải “chạy” bao nhiêu mới được cái chức cò kia không?”. Cò Q. thở dài: “Tôi biết chức cò to lắm, nhưng không muốn bỏ Anh Sáu. Ông ấy cần có người như tôi bên cạnh!” Q. không nói suông, ngày lâm nạn, tháng 5/1968 như trên đã nói, chứng thật lần “Cò Q.” dùng thân che Tướng Ln. Chỉ “làm cò” mấy giờ mà chết tên từ lúc ấy đến nay. Cũng bởi cò được tiếng chịu đựng từ ca dao.. Con cò lặn lội bờ sông!
- Trong đám bằng hữu Nhóm Bến Cũ chúng tôi người Bắc, Trung, Nam, nam, nữ, lớn nhỏ đầy đủ không thiếu một thành phần xã hội nào của Miền Nam trước 1975. Điễn hình với anh chàng mang biệt danh “Chú Tư Cầu” mà qủa thật khi viết bài nầy cũng không biết tên thật là gì? Chỉ biết trước 1975 là một hạ sĩ đội giang thuyền ở Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhưng chú ăn ở cư xử làm sao mà ngày đám tang ở Houston, cả một cộng đồng giang hồ đều có mặt khiến nhà quàn phải ngạc nhiên..
Trong đám bằng hữu đông đảo bốn phương nầy, Cò Q. là một trong những người có tiếng “chịu đựng” giỏi. Chịu đựng với bạn nếu muốn nói rõ như thế. Sau đây là chuyện rất nhỏ có thể không ai nhớ ra cho dẫu đến cả đương sự. Một ngày trước năm bị nạn 1968, sau lần từ nhiệm chóng vánh 1966, Cò Q. đến nhà 104 Bùi Chu, Sàigòn nơi bản doanh của đám “phá làng phá xóm” chúng tôi. Một người trong đám đề nghị “đi nhậu chơi”. Nhậu thì nhậu nhưng chẳng đứa nào còn tiền cả?! Phạm Như ĐLc than thở! Sông Lô gầm lên, như một cách ra lệnh: Cò Q. trả, hắn làm việc ở Sàigòn thì phải lo vụ nầy! Mấy hôm trước, tiền mấy tháng hành quân có bao nhiêu tao trả cho tụi bây hết sạch rồi! Đãi hết cả bọn Hải-Lục-Không Quân liên binh chủng suốt mấy ngày nay còn đồng nào đâu? Cò Q than thở: “Thì tôi đã nói với ông, phải liệu liệu vừa vừa, Martel mà ông chơi cả két tiền đâu mà chịu cho thấu? Nội tiền thuê hai phòng trên khánh sạn Embassy cho giang hồ bốn vùng chiến thuật về ngủ đã là quá khổ rồi!
Sông Lô bắt đầu “méo miệng” lộ vẻ nóng nảy: “Vậy thì hôm nay đến phiên mầy phải trả! Chịu không thì bảo?!” Thì ông cũng phải hượm cho tôi chứ! Cò Q lĩnh trốn ngay sau khi bày kế câu giờ. Đi một lúc, cò trở lại mặt tươi tỉnh.. “Xong rồi! Đi Thủ Đức, tôi đã có địa chi cho các ông!” Khi lên xe, Nam Xương hỏi nhỏ: “Ở đâu mà ông kiếm ra nhanh vậy? Cò đáp tỉnh: “Thì từ Bùi Chu nầy tôi ra Hồng Thập Tự, quẹo về nhà đầu đường Lê Văn Duyệt vay cụ tôi là có ngay! Các ông đi hành quân suốt năm đâu dễ có ngày về vui chơi với nhau? Ông L. không nói tôi cũng phải biết lo cho các ông chứ.” Biết vậy ngày trước chịu làm cò thì nay đâu phải vất vả xin xỏ, vay mượn khổ thân thế nầy! Tôi vay cụ tôi chứ đâu có nhờ cậy ai, vào nhà chỉ cần kêu đứa em đang ngồi két, sẵn tiền bán nệm thế là cậu vay nóng. Đến kỳ lương, tôi hoàn trả lại, vay của nhà chứ phải của ai đâu mà nhục. Làm cò phải ăn tiền bá chúng khó nuốt lắm. Thỉnh thoảng nghe lời trung hậu của Cò thấy ra sự chân thật không màu mè. Tính cách nầy, mấy mươi năm sau nơi hải ngoại luôn được chứng minh. Cò Q có vẻ lôi thôi nhưng thật thà,“Bắc Kỳ” ít có đứa được như nó! Ông “Ba Ngh” hồi còn sống nhận xét không hề sai. Cò Q luôn trung hậu với anh em, người sống cũng như kẻ chết.
Mỗi năm vào ngày giỗ Ông Sáu Ln ở DC, sau tuần dâng hương, khi rót rượu để mời Ông Sáu về uống ly đầu tiên để chứng giám lòng thành kẻ ở lại, bao giờ mắt Cò Q cũng đỏ hoe! Ông Cò Ly, một bộ tướng thân thuộc ngày trước của Ông Sáu đã phải có lần kêu lên: “Ơ hay sao ông mau nước mắt vậy! Sau nầy, tôi đi ông nhớ khóc cho tôi vài giọt nha!” Cò Ly nói với vẻ đùa nhưng trong thanh âm pha đậm sự ngậm gùi thật lòng thương tiếc một Người Anh hằng gánh nặng hết nỗi tân toan khổ nạn của bi kịch Việt Nam từ lúc sống cho đến sau khi chết. Bởi nay, 54 năm sau cuộc chiến Mậu Thân, 1968, tài liệu “Lịch Sử Chiến Tranh VN” điễn hình gần nhất là tập phim truyền hình VietNam War của Lynn Novick, Ken Burns, bi kịch Mậu Thân với ngàn người dân Huế bị chôn sống không được nhắc lại, hoặc xuyên tạc một cách vô liêm sĩ như trong ViệtNam, A History của Stanley Karnow được “đạo diễn” Lê Phong Lan ở Hà Nội trích dẫn: Nạn nhân ở Huế là do bom đạn Mỹ và pháo VNCH tàn sát! Những xác chết do bom Mỹ, pháo VNCH nhưng toàn thây, tay bị trói ngược sau lưng, chết ở vị thế đứng. Nhưng tấm hình Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tên đặc công Bảy Lốp Nguyễn Văn Lém luôn được/bị trưng lên để làm chứng cho “tội ác Mỹ-Ngụy” dẫu đã có lời thống hối, và những giọt nước mắt của Nick Adams như trên đã dẫn. Không biết đến bao giờ bi kịch Việt Nam mới được viết, nói cho đúng?!
Kết từ: Trong căn phòng ở Chung Cư Flower, Đường 1st vùng Santa Ana ngoài ảnh thờ hai vị khai sáng hai tôn giáo lớn của toàn nhân loại; hình cha mẹ, bài vị Bà Nội, các em; những người bạn quá cố, NCTh, BBTr. Tôi còn có trưng ảnh Vị Ngô Đình Diệm. Không phải do tước hiệu “Cựu Tổng Thống VNCH” nhưng do quan niệm đấy là Con Người-Gia Tộc gánh chịu Bi Kịch/Thảm Kịch Việt Nam ở phần đau thương oan nghiệt nhất. Cũng bởi họ ngoại là tộc Ngô Đình – Ngô Đình Phật Giáo Nam Giao khác với Ngô Đình Công Giáo Phú Cam – Phật Giáo/Công Giáo nào có còn phân biệt gì được nữa sau những kỳ khổ nạn trầm kha 1968, 1972, 1975… không hề có dấu hiệu chấm dứt! Không hiểu Linh Mục Thadéo Nguyễn Văn Lý cầm cự được đến bao nhiêu lâu nữa? Ở Huế, Đan Viện Thiên An bị phá nát nỗi đau đâu kém so với Chùa Diệu Đế bị lấn chiếm làm lò gạch, trước sân chùa trông xuống Sông Đào làm nơi họp chợ!
Trong tình cảnh lặng lẽ cô độc, tôi nói chuyện hằng ngày với những người vắng mặt nhưng luôn còn sống. Ngồi nhìn lên hình Cụ Ngô, tôi nói ra lời: Cụ mất đi để lại đất nước tan hoang như thế nầy chắc khó mà yên lòng được.. Sống phải chịu nát thân/Chết lại phải đau lòng! Tôi người hậu sinh, thân phận tầm thường còn không chịu nỗi, huống gì Cụ là người khai sáng nền Cộng Hòa nơi phương Nam - Đất nước một lần cường thịnh mà Thủ Tướng Lý Quang Diệu Tân Gia Ba đã một lần mơ ước xây dựng sao cho bằng Sàigòn, 1960. Chỉ sáu năm từ 1954 mà Sàigòn đã là một kỳ quan nơi vùng Đông-Nam Á – Hòn Ngọc Viễn Đông. Đúng là ngọc thật. Nhưng đã là ngọc vỡ sau lần người lãnh đạo nát thân, 1963!
Nói với ảnh Cụ Ngô như một lời than thở im lặng. Bởi không biết nói cùng ai. Nhưng không hiểu vì sao, từ đâu trong những ngày tháng 7, Tháng 8 nầy, tôi chuyển lời tự thán với danh Thánh Gioan Baotixta như một niềm an ủi, nâng đở dẫu không phải là người Công Giáo. Cũng như khi thắp hương lên bàn thờ cha mẹ thì vô thức khấn nguyện Nam Mô Bổn Sư Thích Ca - Danh vị Đấng Đại Giác Ngộ của toàn nhân loại. Và đột nhiên, ngày 7 Tháng 8, nhận được tấm hình qua máy điện thoại do bạn T. từ DC xuống Houston với Q - Một hình Cò Q. rũ xuống trên giường bệnh với Thánh Giá bên cạnh. Tôi hỏi T. tên Thánh của Q. Tự đáp: Gioan Baotixta! Ôi mầu nhiệm biết bao: Xin cầu an lành, bình yên đến với Cò Quế - Giaon Baotixta Trần Ngọc Quế một lần gọi tên ông đầy đủ sau hơn nửa thế kỷ thân tình. Và cùng một lần với Bà Trần Ngọc Quế đã bao năm chia xẻ thân cò vì bạn bè chúng tôi không một lời than phiền. Cám ơn Chị “Cò Quế”.
Phan Nhật Nam
12 Tháng 8, 2022
CÁO PHÓ
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, gia đình chúng tôi trân trọng báo tin cùngthân bằng quyến thuộc, và bạn hữu xa gần: Chồng, Cha, Ông chúng tôi,
GIOAN BAOTIXITA TRẦN NGỌC QUẾ
(1946 – 2022)Nguyên Đại Úy Cục An Ninh Quân Đội/TCCTCT/QLVNCH
Khóa 20 Trường Bộ Binh Thủ Đức
Sinh Ngày 2 Tháng 5, 1946 tại Hướng Đạo, Ninh Bình, VN
đã được Chúa gọi về lúc 1: 41 sáng Ngày 12 Tháng 8, 2022 tại Houston, Texas US.
Hưởng thọ 76 tuổi
CHƯƠNG TRÌNH THĂM VIẾNG VÀ TANG LỄ
Linh cửu quàn tại Pevey Funeral Home12440 Beamer Rd, Houston, TX 77089, (281) 464-7200
1/Thứ Năm, Ngày 18 Tháng 8, 2022
2:00 - 6:00 Pm: Phát tang và thăm viếng.
6:00 - 7:00 Pm: Cầu nguyện
2/Thứ Sáu, Ngày 19 Tháng 8, 2022
2:00-5:00 Pm: Thăm viếng
5:00-7:00 Pm: Tưởng Niệm
7:00 Pm: Cầu nguyện.
3/Thứ Bẩy, Ngày 20 Tháng 8, 2022
8:00-9:00 Am: Thánh Lễ An Táng tại nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việtnam
10610 Kingspoint Rd. 10610 Kingspoint Road Houston, TX 77075
9:00 Am: Di quan, hạ huyệt tại nghĩa trang:
Forest Park East 12620 Gulf Freeway Webster, TX 77598
TANG GIA ĐỒNG KÍNH BÁO
Vợ: Bà Trần Ngọc Quế nhủ danh Bùi Thị Thoa
Trưởng Nữ: Trần Ngọc Quyên, chồng Douglas Jones và con
Thứ Nữ: Trần Ngọc Quế Trân, chồng Trần Đình Tú và các con
Thứ Nữ: Trần Quế An, chồng Nguyễn Vĩnh Quân và các con
Thứ Nữ: Trần Quế Châu Rosie, chồng Nguyễn Quang Trí và các con
CÁO PHÓ NÀY THAY THẾ THIỆP TANG – XIN MIỄN PHÚNG ĐIẾU
Mọi chi tiết, xin liên lạc Mr. Nguyễn Văn Tự, phone (202) 904-5829