Kết quả một loạt nghiên cứu làm tăng hy vọng về vaccine chống COVID
Chi nhánh của công ty dược AstraZeneca ở Thượng Hải, Trung Hoa.
(Reuters) Dữ liệu sơ khởi về các cuộc thử nghiệm của 3 vaccine tiềm năng chống virus corona được công bố ngày 20/7, trong đó có một ứng viên được theo dõi chặt chẽ của Trường đại học Oxford, làm tăng tin tưởng là một vaccine có thể huấn luyện cho hệ thống miễn nhiễm phát hiện và chống lại COVID mà không có những phản ứng phụ nghiêm trọng.
Hiện chưa rõ liệu những nỗ lực này sẽ kết cục bằng một vaccine an toàn và hữu hiệu giúp bảo vệ cho nhiều tỉ người và chấm dứt đại dịch toàn cầu hay không. Tất cả đều cần những cuộc nghiên cứu rộng lớn hơn chứng tỏ vaccine có thể ngăn ngừa virus lây nhiễm.
Vaccine do công ty dược AstraZeneca của Anh cùng với Trường đại học Oxford bào chế đã tạo ra được một đáp ứng miễn nhiễm trong tất cả những người tham dự cuộc nghiên cứu nhận hai liều vaccine mà không phải lo ngại vì những phản ứng phụ.
Một vaccine khác đang được công ty CanSino Biologics và một đơn vị nghiên cứu của quân đội Trung Quốc bào chế cũng cho thấy dường như vaccine này an toàn và tạo ra đáp ứng miễn nhiễm trong hầu hết 508 người tình nguyện khỏe mạnh, tuổi từ 18 đến 83, nhận được một liều vaccine, các nhà nghiên cứu nói.
Khoảng 77% những người tình nguyện bị sốt, mệt mỏi, nhức đầu hay đau tại chỗ tiêm nhưng không được xem là nghiêm trọng.
Cả hai vaccine của AstraZeneca và CanSino dùng virus adeno vô hại để chuyển tải chất liệu gen của virus corona vào cơ thể. Những cuộc nghiên cứu của cả hai vaccine này đều được đăng trên tạp chí The Lancet.
“Tổng quát, kết quả của hai thử nghiệm đều tương tự và đầy hứa hẹn,” Naor Barzeev và William Moss, hai chuyên gia thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, viết trong một bài bình luận trên The Lancet.
Tuy nhiên ứng viên của CanSino lại cho thấy những người trước đây đã bị phơi nhiễm với virus adeno có trong vaccine, có đáp ứng miễn nhiễm giảm sút.
Miễn nhiễm trước đây với loại virus dùng để chuyển vaccine “được xem như là một chướng ngại lớn cho ứng viên vaccine COVID-19 vượt qua,” các tác giả cuộc nghiên cứu viết.
Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học Đức BioNtech và công ty dược Mỹ Pfizer công bố chi tiết về một cuộc nghiên cứu nhỏ tại Đức về một loại vaccine khác sử dụng acid ribonucleic (RNA), một ‘sứ giả hóa học’ chứa đựng những chỉ dẫn để tạo protein.
Khi chích vào người, vaccine ra lệnh cho tế bào làm ra protein bắt chước bề ngoài của virus corona. Cơ thể nhận ra được đây là những phần tử xâm nhập bên ngoài và tạo ra một đáp ứng miễn nhiễm chống virus.
Trong cuộc nghiên cứu trên 60 người trưởng thành khỏe mạnh, nhưng chưa được các đồng nghiệp xét lại, vaccine tạo ra kháng thể trung lập hóa virus trong những người được chích hai liều, một kết quả phù hợp với một cuộc thử nghiệm giai đoạn sớm trước đây của Mỹ. Một loạt loan báo sau kết quả thử nghiệm vaccine của Moderna trên Tạp chí Y học của New England cho thấy những kết quả sớm đầy hứa hẹn. Vaccine của Moderna cũng dùng ‘sứ giả hoá học’ RNA.
Không vaccine hàng đầu nào cho thấy có phản ứng phụ có thể cản trở nỗ lực, nhưng vẫn còn có những trở ngại đáng kể trước mắt.
Tất cả đều phải chứng tỏ an toàn và hữu hiệu trong thử nghiệm liên hệ đến hàng ngàn người khỏe mạnh và những cá nhân có nguy cơ cao- kể cả người lớn tuổi và những người có những vấn đề sức khỏe như tiểu đường.