Trung Cộng Làm Gián Điệp từ Trường Đại Học Harvard
Sơn Nghị (Danlambao)
Hôm thứ Ba, ngày 28/1/2020, cơ quan FBI chính thức bắt giữ Giáo sư Tiến sĩ Charles Lieber, thuộc ĐH Harvard với tội danh lừa dối cơ quan điều tra. GS Lieber là khoa trưởng Khoa Hoá & Sinh Hoá, chuyên nghiên cứu về khoa học Nano. Sự nghiệp của GS Lieber rạng ngời với nhiều nghiên cứu nổi bật. Một trong những nghiên cứu quan trọng là tham gia kế hoạch đầy tham vọng của Elon Musk (Sáng lập viên và Giám đốc của SpaceX, xe hơi điện Tesla, Neuralink, OpenAI), nhằm nâng cao bộ não của con người bằng công nghệ nano. GS Lieber là một ứng viên sáng giá cho giải Nobel Sinh Hoá năm nay.
Giáo sư Lieber lừa dối cái gì? Thưa, chỉ là một hợp đồng ký kết giữa GS Lieber với Đại học Công nghệ Vũ Hán (Wuhan University of Technology, WUT), nhằm bảo trợ cho các sinh viên đang bảo vệ các luận án tiến sĩ về bộ môn công nghệ nano. GS Lieber đã giúp thiết lập một phòng thí nghiệm tại ĐH Vũ Hán năm 2013. Nhưng khi hỏi đến sự hợp tác giữa hai đại học thì GS Lieber chối và bảo không hề có hợp đồng. Ông cũng khẳng định rằng hoàn toàn chẳng biết gì về chuyện WUT dùng tên cũng như biểu tượng của ĐH Harvard.
Harvard đã vướng vào sự hợp tác không kiểm soát qua sự kiện GS Lieber. Thật sự, Harvard chưa bao giờ chấp nhận thiết lập một phòng thí nghiệm khoa học nano cho tư nhân hoặc ở các nước ngoài. Giới chức Harvard còn nhấn mạnh rằng GS Lieber không có quyền ký kết bất cứ một khế ước nào trong khi nhận sự tài trợ của Bộ Quốc Phòng và Học viện Quốc gia về Sức khoẻ (National Institutes of Health, NIH). Mãi đến năm 2015, Harvard mới biết sự liên hệ chặt chẽ giữa GS Lieber và WUT. Theo hồ sơ điều tra của FBI và NIH, năm 2013 Lieber đã ký một hợp đồng mang tên One Thousand Talent (Nghìn Tài Năng) giữa ông và ĐH Vũ Hán, với tiền lương hậu hĩ $50.000 USD/tháng, và phụ cấp $150.000, chỉ riêng thiết lập phòng nghiên cứu khoa học nano cho ĐH Vũ Hán, Lieber nhận 1.5 triệu USD tiền thưởng. Ngoài ra, GS Lieber phải bảo trợ các sinh viên Tàu đến nghiên cứu tại ĐH Harvard.
Khi còng tay công khai một khuôn mặt nổi bật của ĐH Harvard, chính quyền liên bang muốn - một lần nữa - nghiêm túc cảnh báo các tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ về sự hợp tác với các bộ phận và cơ quan, trực tiếp hay gián tiếp, liên hệ đến đảng cộng sản Trung hoa. Ít nhất, vụ bắt giữ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đối với quan hệ đối tác nghiên cứu giữa Hoa Kỳ và Trung cộng sau một thập niên được phát triển mạnh mẽ. Chắc chắn chính quyền Trump sẽ không quá ngạc nhiên về việc khám phá và bắt giữ, vì chính TT Trump đã cảnh báo điều này kể từ khi ông nhậm chức. Bộ Tư pháp đã lên tiếng khuyến cáo rằng hơn 90% các vụ truy tố về gián điệp kinh tế kể từ năm 2011 đều liên quan đến Trung cộng. Christopher Wray, giám đốc FBI, đã than thở với Quốc hội về sự ngây thơ cả tin của các Học Viện Hoa Kỳ khi nhắm mắt hợp tác không cân nhắc hậu quả, và ông dẫn chứng cái gọi là “Kế hoạch Tài Năng” của Trung cộng chỉ là một trong những phương tiện để đánh cắp các công trình nghiên cứu của Hoa Kỳ.
Mối lo ngại của các nhà chức trách liên bang, gồm cả các nhà điều tra tại Học viện Quốc gia về Sức khoẻ, là việc thành lập các “phòng thí nghiệm trong bóng tối” (shadow labs) ở Trung cộng do các nghiên cứu viên của Thousand Talents đã điều hành song song với nghiên cứu do Hoa Kỳ tài trợ. Rõ ràng sức lực và tài lực là của Hoa Kỳ nhưng thành quả là của chung. Các nhà chức trách khẳng định rằng phòng thí nghiệm chung Nano-Vũ Hán-Harvard đã hình thành với mô hình như thế. Trong một bản cáo buộc sự gian dối của GS Lieber, cơ quan FBI trích dẫn email giữa ông và một giáo sư tại Vũ Hán, nói rằng vào năm 2012, ông đã tham gia Kế hoạch Nghìn Tài Năng và đồng ý ký kết một hợp đồng; trong đó thoả thuận ông sẽ được trả 11 triệu nhân dân tệ (1,74 triệu USD, vào thời điểm đó), không kể khoản tiền thưởng cá nhân, từ Đại học Công nghệ Vũ Hán và nhà cầm quyền Trung cộng để phát triển một phòng thí nghiệm chung, kể cả việc tuyển dụng nhân tài. Công trình thí nghiệm của phòng nghiên cứu chung này tập trung vào pin lithium ion, dùng cho xe điện, theo hợp đồng mà GS Lieber đã ký. Trong những năm gần đây, nghiên cứu của GS Lieber chú trọng vào công nghệ nano cho thần kinh hệ, một lĩnh vực vẫn còn non trẻ mà ông Musk đang muốn phát triển.
Hợp đồng còn kêu gọi GS Lieber xuất bản các bài báo giá trị trên các tạp chí nổi tiếng và tổ chức các hội nghị quốc tế lấy tên Đại học Công nghệ Vũ Hán, đồng thời hướng dẫn các học giả và nghiên cứu sinh trẻ tuổi, giúp họ xuất bản các bài viết về công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế danh tiếng. Vào tháng 1 năm 2013, ông đã ký hợp đồng năm năm hợp thức hóa việc hợp tác giữa Harvard và WUT, và bắt buộc Harvard phải bảo trợ các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Công nghệ Vũ Hán trong hai tháng một năm.
Các nghiên cứu đứng chung với một người xuất chúng và danh tiếng như GS TS Lieber, Đại học Công nghệ Vũ Hán đã đánh bóng tiếng tăm của đất nước Trung cộng trong ngành khoa học nano và phát triển một số học giả trẻ có tiềm năng trong lĩnh vực này. Không rõ các nghiên cứu sinh Trung cộng đã “thu thập” được bao nhiêu qua sự hợp tác với GS Lieber. Các nhà khoa học hàng đầu luôn lưu ý rằng trong nghiên cứu cấp cao như vậy, sự hợp tác quốc tế ngày càng phổ biến và tự nhiên. Bằng chứng là hầu hết các nghiên cứu được công bố công khai cho mọi người biết. Nhưng không ai biết chắc chắn là nhà cầm quyền Trung cộng cho phép các nghiên cứu sinh của họ công bố những thành quả của cuộc nghiên cứu chung với các đại học nổi tiếng hàng đầu thế giới. Riêng chính quyền Trump nói rằng đó chính là mục tiêu của chương trình Nghìn Tài Năng, mà ban quản trị đại học và các nhà khoa học đã ngủ quên trước mối đe dọa của các chương trình tuyển dụng như thế.
Chính quyền Trump rất mạnh tay trong đợt lùng quét các ổ gián điệp kinh tế và chiếm đoạt sở hữu trí tuệ. Cùng trong một ngày, sau khi bắt giữ GS Lieber, Bộ Tư pháp cũng truy tố hai nghiên cứu sinh Trung cộng: Yanqing Ye, 29 tuổi và Zaosong Zheng, 30 tuổi.
Yanqing Ye bị tố cáo với các tội danh gian lận visa, khai man, đặc vụ của chính phủ ngoại quốc và có âm mưu. Ye may mắn thoát khỏi màng lưới FBI và hiện đang ở Tàu. Theo bản cáo trạng, Ye là Trung úy của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong đơn xin thị thực J-1, Ye khai cô chỉ là một “sinh viên” và dối trá về nghĩa vụ quân sự tại Đại học Công nghệ Quốc phòng (ĐHCNQP), một học viện quân sự hàng đầu do ĐCSTQ chỉ đạo. Ye còn bị cáo buộc trong khi theo học tại Khoa Vật lý, Hóa học và Kỹ thuật Y-sinh của Đại học Boston (BU) từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 4 năm 2019, Ye vẫn mang quân hàm Trung úy PLA và hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao phó từ các sĩ quan PLA như tiến hành việc nghiên cứu, đánh giá quân lực Hoa Kỳ qua các trang web và gửi tài liệu và thông tin của Hoa Kỳ về Trung cộng.
Theo tài liệu của tòa án, vào ngày 20 tháng 4 năm 2019, các sĩ quan liên bang đã phỏng vấn Ye tại Sân bay Quốc tế Boston. Trong cuộc phỏng vấn, Ye khai cô thỉnh thoảng liên lạc với hai giáo sư ĐHCNQP là sĩ quan cao cấp của PLA. Tuy nhiên, xem xét những thiết bị điện tử của Ye đã chứng minh ngược lại: Ye thường xuyên liên lạc với các sĩ quan cao cấp của PLA. Ye tuân theo chỉ thị của một giáo sư ĐHCNQP, là Đại tá PLA, phải truy cập các trang web của quân lực Hoa Kỳ, nghiên cứu các dự án quân sự của các binh chủng và biên soạn thông tin cho PLA về hai nhà khoa học Mỹ chuyên môn về robot và khoa học máy tính. Ngoài ra, những cuộc nói chuyện trên WeChat cho thấy Ye và một sĩ quan khác của ĐHCNQP đang hợp tác nghiên cứu về mô hình đánh giá rủi ro được thiết kế để giải mã các dữ liệu cho những ứng dụng quân sự. Cuối cuộc phỏng vấn, Ye đã thừa nhận rằng cô giữ cấp bậc Trung úy trong PLA và là đảng viên của ĐCSTQ.
Zaosong Zheng, 30 tuổi, nghiên cứu sinh được ĐH Harvard bảo trợ, đã bị bắt vào ngày 10 tháng 12 năm 2019, tại sân bay quốc tế Logan (Boston) và bị buộc tội hình sự với tội danh chuyển trái phép 21 lọ thuốc nghiên cứu sinh học về Trung cộng. Các viên chức liên bang tại sân bay Logan đã phát hiện những lọ được giấu trong chiếc vớ và nhét trong túi hành lý của Zheng. Ngay từ đầu, Zheng đã nói dối trong hành lý có những gì, nhưng sau đó thừa nhận rằng anh ta đã đánh cắp các lọ thuốc từ phòng thí nghiệm của Trung tâm Y khoa Beth Israel. Zheng khai dự định mang các lọ thuốc đến Tàu để tiếp tục nghiên cứu và công bố kết quả dưới tên riêng của mình.
Từ ngày nhậm chức, TT Trump đã nhiều lần cảnh báo về những kế hoạch có chủ mưu tính toán của Trung cộng, nhằm đánh cắp bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ, xâm nhập và làm gián điệp kinh tế. Việc bắt giữ và truy tố những người như GS Lieber (tên ông ta có chữ lie = nói dối, chú thích của người viết), Ye và Zheng không phải là lần đầu và cũng chẳng phải là lần cuối.
Cuộc tìm kiếm và săn đuổi cho bằng được các đặc vụ, gián điệp Tàu trên đất Mỹ vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền Trump.