Vì Sao Sanofi ưu tiên cung cấp
vác-xin Covid-19 cho Mỹ
Trước trụ sở của Sanofi tại Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 24/04/2020. REUTERS - CHARLES PLATIAU
« America First ». Tổng giám đốc Sanofi, tập đoàn dược phẩm Pháp, chủ trương dành ưu tiên cho thị trường Mỹ một khi vác-xin ngừa Covid-19 được phép lưu hành. Phải chăng vì Washington hào phóng hơn Paris ?
Sanofi là một trong những con chim đầu đàn của Pháp trong ngành dược phẩm và được chính phủ trợ giúp nhiều nhất trong việc nghiên cứu. Đối với Paris, tuyên bố của lãnh đạo tập đoàn dược phẩm này là điều « không thể chấp nhận được ».
Trả lời hãng tin Bloomberg hôm 13/05/2020, tổng giám đốc Sanofi, Paul Hudson, khẳng định một khi tìm được vác-xin ngừa virus corona chủng mới, Mỹ sẽ là khách hàng « đầu tiên » của tập đoàn và những « lô hàng lớn nhất » sẽ dành cho Hoa Kỳ. Chỉ vài giờ sau, tập đoàn có trụ sở tại Paris này đã phải đính chính là không có việc phân biệt đối xử, Sanofi phục vụ đồng đều các thị trường Mỹ và châu Âu cũng như những nơi khác trên thế giới.
Vì sao tổng giám đốc tập đoàn dược phẩm này lại khơi mào một cuộc chiến trong lúc cả thế giới đang chạy đua với thời gian tìm kiếm thuốc và vác-xin chống Covid-19 ?
Thứ nhất, một trong ba cổ đông quan trọng nhất của Sanofi là quỹ đầu tư Mỹ BlackRock. Đồng thời, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của tập đoàn dược phẩm Pháp, với doanh thu 13 tỷ euro một năm, so với 9 tỷ trên toàn châu Âu.
Yếu tố thứ nhì là, như tất cả các hãng khác trong ngành, Sanofi cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế trực thuộc chính phủ. Về điểm này, Hoa Kỳ có một lợi thế rất lớn, đó là Cơ Quan Nghiên Cứu Phát Triển Y Sinh - Biomedical Advanced Research and Development Authority (BARDA), trực thuộc bộ Y Tế, đặc trách phát triển các loại thuốc và vác-xin. Ngân sách dành riêng cho BARDA năm ngoái lên tới 1,27 tỷ đô la.
BARDA là cầu nối giữa chính quyền Liên bang với các viện bào chế tư nhân. Với những phương tiện tài chính dồi dào, cơ quan này có khả năng « can thiệp rất nhanh », giảm nhẹ những thủ tục hành chính, để cho phép một loại thuốc hay vác-xin mới chóng được lưu hành. Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, không có cơ quan nào với tầm cỡ của BARDA.
BARDA là đối tác đầu tiên tài trợ cho Sanofi nghiên cứu tìm vác-xin chống virus corona chủng mới, đồng thời cơ quan này cũng quan tâm và khuyến khích các đối thủ khác của Sanofi nhập cuộc. Đổi lại, bộ Y Tế Mỹ đòi tập đoàn Pháp cam kết dành ưu tiên cho thị trường Hoa Kỳ.
Điểm thứ ba đẩy con chim đầu đàn của ngành dược phẩm Pháp vào tay nước Mỹ đó là, như tất cả các nhà sản xuất trong mọi lĩnh vực, Sanofi cần chia sẻ gánh nặng rủi ro. Tập đoàn này thông báo có khả năng bắt đầu cho thử nghiệm lâm sàng vác-xin mới vào cuối năm 2020 và dự trù tung sản phẩm ra thị trường kể từ năm tới.
Ngay từ bây giờ, Sanofi đã đầu tư cho khâu sản xuất đại trà. Đây là một khoản chi tiêu rất tốn kém. Nhưng tất cả những nỗ lực và phí tổn đó sẽ như muối đổ bể nếu như Covid-19 tự ngừng phát triển tương tự như với dịch cúm H1N1 trước kia. Do vậy Sanofi cần có một điểm tựa, mà trước mắt BARDA là đối tác vững chắc nhất.
Đối với châu Âu, tổng giám đốc Hudson hiện vẫn chưa biết phải đàm phán riêng với từng thành viên Liên Hiệp Châu Âu để được giúp đỡ về mặt tài chính và hưởng những điều kiện thuận lợi cho thuốc mới nhanh chóng được sử dụng, hay sẽ trực tiếp thương lượng với Ủy Ban Châu Âu.
Trong lúc Bruxelles còn chần chờ, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, có thể tuyên bố của tổng giám đốc Sanofi, Paul Hudson dành ưu tiên cho thị trường Mỹ là một cách để gây áp lực, đòi Liên Âu nhanh chóng yểm trợ tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới này.
Ngoài tranh cãi liên quan đến chủ trương "America First" của Sanofi, cần biết rằng trong cuộc chạy đua tìm vác-xin ngừa Covid-19, Pháp hay Mỹ không còn « một mình một chợ ». Tại Trung Quốc, ít nhất bốn viện bào chế đã được phép tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Cho dù thủ tục và nghiên cứu chưa hoàn chỉnh, chỉ một mình Sinovac Biotech từ tháng trước đã tuyên bố sẵn sàng sản xuất 100 triệu liều « Coronavac » hàng năm.