Quốc Tế Lên Án Nga Đình Chỉ
Thỏa thuận Ngũ cốc Ukraine
Ngũ cốc sau thu hoạch ở vùng Odessa, Ukraine, ngày 23/6/2022.)
Việc Mạc Tư Khoa từ chối gia hạn thỏa thuận về xuất cảng ngũ cốc Ukraine ngay lập tức đã gây ra những phản ứng lo ngại và phẫn nộ ở khắp nơi.
Đại diện ngoại giao của nhiều nước lên án hành động của Nga là "bắt chẹt", "tàn ác" và "không thể chấp nhận được". Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, người đã nỗ lực dàn xếp để cứu Thỏa thuận Ngũ cốc đã phản ứng gay gắt trước quyết định của Ðiện Cẩm Linh. Thông tín viên Carine Nooten của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại New York tóm lược:
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna lên án Nga "bắt chẹt". Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield thì đánh giá đây là "một hành động tàn ác mới" của Mạc Tư Khoa. Với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thì đây là sự lăng nhục. Ông đã đấu tranh để tránh cho Nga khỏi các trừng phạt của phương Tây và cũng hiểu rằng việc ngừng Thỏa thuận Ngũ cốc sẽ làm cho việc phân phối viện trợ nhân đạo trở nên phức tạp.
Ông nói: "Những người đang khó khăn ở khắp nơi và các nước đang phát triển không có sự lựa chọn. Hàng trăm triệu người đang phải đối mặt với nạn đói và người tiêu dùng trên toàn thế giới đang lo đối phó với khủng hoảng giá cả sinh hoạt. Họ sẽ phải trả giá đắt. Quyết định của Nga hôm nay là đòn đánh vào nhu cầu của mọi người trên khắp thế giới".
Thị trường đã có phản ứng, giá lương thực thực phẩm, hôm qua ngay lập tức đã tăng, trong khi nhờ có Thỏa thuận Ngũ cốc, từ tháng 03/2022, giá các mặt hàng này đã giảm 23%.
Tuần trước, ông Antonio Guterres đã viết thư cho Tổng thống Vladimir Putin và đề nghị một chi nhánh chính của Ngân hàng Nông nghiệp Nga, đang bị trừng phạt, được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Liên Hiệp Âu Châu cũng đã đồng ý. Nhưng thổng thống Nga thậm chí đã không trả lời.
Tổng Thống Ukraine Kêu Gọi LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ Bảo Vệ Thỏa thuận Xuất cảng Ngũ cốc
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky (trái) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/7/2023.
-Trong lúc Nga từ chối triển hạn Thỏa thuận Xuất cảng Ngũ cốc qua Biển Đen, hết hiệu lực vào lúc 9 giờ tối, giờ quốc tế, ngày 17/7/2023, Tổng thống Ukraine khẳng định cần bảo vệ thỏa thuận này vì lợi ích "của toàn thế giới", bất kể Nga tham gia hay không.
Phát ngôn viên của phủ Tổng thống Ukraine, ông Serhi Nykyforov, cho biết nhiều doanh nghiệp, công ty vận tải biển đã khẳng định, "nếu chính quyền cho phép, và nếu Thổ Nhĩ Kỳ để họ ra khơi, tất cả sẵn sàng tiếp tục tham gia xuất cảng ngũ cốc". Từ Kyiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Phản ứng từ phía Tổng thống Ukraine Zelensky, muốn triển hạn thỏa thuận này, là điều đáng chú ý. Tổng thống Ukraine nhắc đến quyền của các châu lục liên quan đến xuất cảng ngũ cốc Ukraine, và vấn đề an ninh lương thực. Ông Zelensky nhắc lại rằng việc không triển hạn thỏa thuận này sẽ gây tác động rất tiêu cực đến cân bằng trên quy mô toàn cầu. Đối với Kyiv, Phi Châu, Á Châu, Âu Châu có quyền được hưởng sự ổn định về nguồn cung thực phẩm.
Tổng thống Zelensky nhắc lại rằng tổng cộng đã có 33 triệu tấn lương thực Ukraine được xuất cảng, nhờ thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 7 năm 2022. Lãnh đạo Ukraine cho biết đã tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan, để đề xuất một giải pháp ba bên, tức là tiếp tục Thỏa thuận Xuất cảng Ngũ cốc qua Biển Đen, cùng với các nội dung như trước, nhưng không có sự tham gia của Nga. Tổng thống Ukraine khẳng định: "Chúng tôi không sợ hãi". Kyiv sẵn sàng để tàu thuyền tiếp tục xuất cảng, và cùng lúc đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ làm tương tự".
Về phía Nga, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, ông Dmitry Peskov, khẳng định việc thỏa thuận nói trên bị đình chỉ hoàn toàn không liên quan đến vụ cầu Kerch bị tấn công hôm qua. Lý do chính chỉ là xuất cảng ngũ cốc và phân bón của Nga, được quy định trong thỏa thuận, bị cản trở. Ông Dmitry Peskov cho biết thêm, Nga sẽ trở lại với thỏa thuận này "ngay lập tức", nếu cản trở được dỡ bỏ.