Pháp, Đức đề ra kế hoạch 500 tỉ euro để đưa châu Âu khỏi khủng hoảng
Hội đàm qua vidéo hội nghị giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 18/05/2020. Kay NIETFELD / POOL / AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel trong hội nghị truyền hình hôm 18/05/2020 đã đề nghị một kế hoạch 500 tỉ euro, để tái thúc đẩy nền kinh tế châu Âu đang bị tê liệt vì đại dịch virus corona. Đây là một bước ngoặt đối với Đức, vốn từ trước đến nay vẫn phản đối ý tưởng phát hành trái phiếu chung cho châu Âu.
Số tiền này nằm trong ngân sách Liên Hiệp Châu Âu, do Ủy Ban Châu Âu quản lý. Pháp, Đức đề nghị để bơm tiền vào quỹ tái thúc đẩy, Ủy Ban có thể dùng danh nghĩa Liên Hiệp Châu Âu đi vay trên thị trường.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet cho biết thêm chi tiết :
« Giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu, bà Christine Lagarde, hoan nghênh Quỹ tái thúc đẩy mà Pháp và Đức đề nghị, được cho là đầy tham vọng và có mục tiêu cụ thể. Theo bà, đây là biểu hiện cho sự tương trợ về tài chính trong châu lục.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng chia sẻ nhiệt tình này. Bà biểu dương ý định dùng ngân sách Liên Hiệp Châu Âu, thuộc quyền quản lý của Ủy Ban, để tái thúc đẩy kinh tế. Đề xuất trên đây khiến bà Leyen có thêm lý lẽ để biện luận, khi trình bày đề án ngân sách mới vào tuần tới, sau hai năm dậm chân tại chỗ.
Để có hiệu lực thi hành, đề nghị này còn phải có được sự đồng thuận của 27 nước, và chưa chi đã xuất hiện những rạn nứt. Tây Ban Nha, là nước sẽ được hưởng lợi, thấy rằng đây là một đề xuất tích cực và tham vọng. Ngược lại, thủ tướng Áo chỉ chấp nhận nếu đây là tiền cho vay chứ không phải tài trợ, trong khi đây chính là nguyên tắc san sẻ nợ trong đề nghị của Pháp-Đức. »
Ngoài vấn đề ngân sách, Paris và Berlin cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải gia tăng năng lực nghiên cứu và triển khai vaccin, thuốc chữa bệnh trong khối châu Âu. Bên cạnh đó là dự trữ chiến lược chung về dược phẩm, thiết bị y tế, tăng cường kiểm soát đầu tư từ các nước bên ngoài khối vào các lãnh vực chiến lược.
Bên cạnh đó, tổng thống Pháp còn khẳng định « sẽ không có thỏa hiệp hay tỏ ra mềm mỏng » đối với các nước thuộc Liên hiệp đã giảm thiểu Nhà nước pháp quyền trong khuôn khổ đấu tranh chống dịch.