Ông NGUYỄN PHÚ TRỌNG từ trần

Tin Tức

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG từ trần




Theo các cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, theo Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư đầu tiên kể từ thời Lê Duẩn qua đời khi đang tại chức. Lên làm tổng bí thư từ năm 2011, ông cũng là lãnh đạo Đảng đầu tiên cầm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Nguyễn Phú Trọng là người đã phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô nhất từ trước đến nay. Ngay từ hôm qua, báo chí chính thức của Việt Nam cũng đã đăng các hình ảnh tiêu biểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông Nguyễn Phú Trọng, kèm theo tiểu sử của ông. 


Ngay sau khi tin này được xác nhận thì Đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch nước đồng thời là người đang kiêm nhiệm quyền TBT  đã công bố một phát biểu đánh giá sự nghiệp chính trị của người tiền nhiệm vừa qua đời như sau:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
[…]
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bản sắc "Ngoại giao cây tre" được phát huy mạnh mẽ, tạo những bước ngoặt có tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác lớn. Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay và cũng chưa bao giờ Việt Nam lại hòa nhập sâu rộng như hiện nay vào nền kinh tế thế giới, nền chính trị quốc tế và nền văn minh nhân loại.


Chủ tịch nước VNCS Tô Lâm phát biểu trong cuộc họp báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/6/2024. (Ảnh AP/Minh Hoàng)

Một ngày trước khi tin ông Nguyễn Phú Trọng qua đời được chính thức công bố thì đảng CSVN có những hành động khiến người dân Việt Nam có thể tiên đoán trước về chuyện này:
1. Ngày 18 tháng 6, Bộ Chính trị đảng CSVN thông báo là ông Nguyễn Phú Trọng phải tạm ngưng làm việc để “tập trung điều trị tích cực”, chủ tịch nước Tô Lâm thay thế ông để điều hành Đảng.
2. Chủ tịch nước Tô Lâm và các lãnh đạo CSVN đã vào tận bệnh viện để trao cho ông Nguyễn Phú Trọng Huân Chương Sao Vàng để tặng thưởng “những công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc” của tổng bí thư đảng. Đây là huân chương cao quý nhất của đảng CSVN thường chỉ trao khi một lãnh đạo đã qua đời.

Tuy nhiên theo một nguồn tin bán chính thức trong nước từ ngày 15 tháng 6, ông Trọng đã bị hôn mê và không hồi tỉnh cho đến lúc qua đời 4 ngày sau đó.

Bốn điểm đáng chú ý trong
sự nghiệp của TBT Nguyễn Phú Trọng:

Trong bản tin về sự qua đời của ông Nguyễn Phú Trọng của đài BBC, đài này nhận định rằng có bốn điểm đáng chú ý trong sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

1. Ông Trọng đã trở thành vị lãnh đạo kiêm nhà lý luận ý thức hệ (ideologue) cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Sự nghiệp chống tham nhũng để làm sạch Đảng Cộng sản Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không những chỉ chưa hoàn tất mà còn làm bộc lộ ra các căn bệnh trầm kha của hệ thống chính trị Việt Nam. Tham nhũng tiền triệu tính bằng đô la Mỹ không còn làm người ta ngạc nhiên vì tiền thất thoát, mất mát, chuyển ra nước ngoài phi pháp đã lên tới con số hàng tỷ đô la trong các đại án.

3. Thay vì làm tăng niềm tin vào bộ máy cầm quyền của đảng CSVN như ông Trọng mong đợi thì công cuộc đốt lò của ông Trọng đã làm giảm đi rất nhiều niềm tin của nhân dân vào khả năng cầm quyền, vào tính liêm chính của cán bộ Cộng sản. Công cuộc “Đốt lò” đã hạ bệ liên tiếp nhiều nhân vật cấp cao nhất trong Bộ Chính trị, khiến “vốn nhân sự” của Đảng Cộng sản hụt đi nhanh chóng chỉ trong vòng 12 tháng qua, mà thế hệ kế tiếp thì chưa được chuẩn bị, tạo ra một lổ hổng về sự “ổn định chính trị” ở Việt Nam trong thời gian sắp tới.
 
4. Vấn đề chuyển giao quyền lực và việc bố trí “Tứ Trụ” tức 4 vị trí quyền lực nhất của hệ thống cai trị của đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng cũng chưa hoàn tất mặc dù ông đã tự lưu lại vị trí TBT thêm một nhiệm kỳ thứ 3, vi phạm qui định về nhân sự như tuổi về hưu và một loạt quy định nội bộ khác.
 
Phát biểu của thế giới sau tin ông NPT qua đời

Báo The Washington Post “khen” cố TBT của đảng CSVN là một chính trị gia theo đuổi chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam một cách khéo léo khi cố gắng duy trì mối quan hệ song phương với hai đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam là Trung cộng và Mỹ, đồng thời nối lại quan hệ với các quốc gia như Ấn Độ và Nga.

Trong nước, nỗ lực chống tham nhũng của ông nhằm khơi dậy niềm tin của công chúng vào Đảng Cộng sản và sự quản lý hửu hiệu của đảng đối với nền kinh tế Việt Nam không thành công vì đồng thời, ông Trọng cũng đã siết chặt sự kìm kẹp của nhà nước đối với các quyền tự do khác. Trong thời gian ông là TBT, ông đã có những chỉ thị cứng rắn nhằm vào giới truyền thông, các nhóm xã hội dân sự ngoài các cuộc thanh trừng nội bộ “không có vùng cấm” của ông.  

Hồi đầu năm 2023, báo The Economist của Anh đánh giá chiến dịch "Đốt lò" (báo dùng nguyên văn tiếng Việt - "dot lo" - Blazing Furnace) đã góp phần cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chống tham nhũng quốc tế. The Economist gọi đây là chiến dịch mang dấu ấn của ông Nguyễn Phú Trọng tuy rằng trong bài viết này, báo The Economist (Cleaning the House) đã trích lời của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang nhận định rằng công cuộc đốt lò “không vùng cấm” này khiến các cán bộ lãnh đạo sợ hãi, không dám ký các giấy tờ dự án, khiến đầu tư khu vực công giảm hoặc ngưng tiến độ. Thậm chí tiền thu từ thuế cũng giảm ở Việt Nam.

 Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
Ngay khi tin ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, trang web của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore có ngay bài của hai học giả Lê Hồng Hiệp và Nguyễn Khắc Giang đánh giá di sản của ông Trọng là “chưa hoàn tất” (incomplete). Sau đó cũng trên trang của Viện ISEAS có bài của ông Trần Lê Quỳnh từ Luân Đôn đánh giá về bốn công cụ quyền lực tạo nên vị thế không đối thủ của ông Trọng những năm qua.

Đó là chiến dịch chống tham nhũng; việc tập trung quyền lực vào tay tổng bí thư;  chiến lược phân bổ vùng miền trong hệ thống chính quyền và Đảng, cùng chính sách cân bằng về nhân sự.
Điểm cuối cùng này nói về cách lãnh đạo cao nhất tìm cách cân bằng các quan hệ cá nhân của những người được bổ nhiệm nhờ thân hữu với ông Nguyễn Phú Trọng với các quy định của Đảng Cộng sản về nhân sự.

Nhưng ngay khi sức khỏe của ông Trọng suy yếu thì bốn chính sách này đã rơi vào tình thế bị thử thách kịch tính chưa từng có (facing an unexpected and critical test). Việt Nam có chuyển giao quyền lực ổn định hay không và định hướng đối nội, đối ngoại giai đoạn tới sẽ là gì? Đây cũng là câu hỏi các nhà quan sát trong vùng và giới truyền thông quốc tế muốn có câu trả lời khi tìm hiểu về tình hình Việt Nam những tháng tới.

BBC
Ngay sau khi Việt Nam công bố tin tổng bí thư Trọng từ trần lúc 6 giờ tối 19 tháng 7/2024, phóng viên BBC News Tessa Wong từ Singapore có bài nói đây là sự kiện khép lại một thời đại ở Việt Nam.

Còn ông Michael Tatarski, chủ trang web thời sự Vietnam Weekly bằng tiếng Anh, đăng độc lập ở Sài Gòn, cho rằng theo quan sát của ông về cuộc chuyển giao quyền lực sau khi ông Trọng tạ thế, câu hỏi lớn hơn cả là cách Việt Nam đối xử với xã hội dân sự, việc kiểm soát Internet, các thảo luận mở, và việc kiểm duyệt văn hóa.

Ngoài ra là điều ông gọi là “bệnh của giới quan liêu" (bureaucratic malaise) đang làm chậm lại các dự án đầu tư công và các quyết định khác. Đây là những vấn đề chưa hề thấy lối ra (endpoint) sau diễn biến lớn liên quan tới tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Tuy nhiên theo đa số các quan sát viên quốc tế thì ông Tô Lâm, đương kiên chủ tịch nước Việt Nam  là sáng giá nhất trong việc kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng hơn là thủ tướng Phạm Minh Chính hay đại tướng Lương Cường. 
 

Đời sau sẽ nhớ gì về ông Trọng?



Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tái đắc cử Tổng Bí thư ĐCSVN nhiệm kỳ 3, ngày 1/2/2021 (REUTERS)

Sau đây là những trao đổi của đài  RFA với một số chuyên gia về di sản của ông Nguyễn Phú Trọng. 
 

Di sản giáo điều của ông Trọng 

Ông Trọng từng nổi tiếng với câu nói năm 2013 “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”Câu nói ấy đặt cương lĩnh của ĐCSVN cao hơn Hiến pháp quốc gia. 

Theo GS. Zachary Abuza ở Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington DC, ông Trọng là một người ôm ấp ý thức hệ cộng sản suốt đời. Ngoài khoảng thời gian 5 năm ngắn ngủi làm Chủ tịch Quốc hội, toàn bộ sự nghiệp của ông là một nhà lý luận Mác-xít, trong đó có chức vụ tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, tạp chí của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giáo sư Zachary chia sẻ rằng ông mong rằng trong thời gian tới, ĐCSVN sẽ thực dụng để bầu ra một tổng bí thư có kinh nghiệm thực tế hơn, bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam quá lớn và phức tạp đối với “một người mới vào nghề.”

Ngoài ra, GS. Zachary nhấn mạnh rằng ông Trọng giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, thực sự đã cố gắng khẳng định lại quyền kiểm soát của đảng đối với mọi hoạt động ra quyết định, ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng sự ra đi của các nhà chuyên môn kỹ trị. Ông Trọng quan tâm đến sự kiểm soát của đảng hơn là tăng trưởng kinh tế. Ông đã thanh lọc một cách có hệ thống những nhà lãnh đạo có năng lực nhất, được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tin tưởng. Kết quả là, GS Zachary chỉ ra, Bộ Chính trị hiện tại có rất ít kinh nghiệm kinh tế, mà chủ yếu là 5 người xuất thân từ Bộ Công an và 3 người từ Quân đội.

Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở ĐH Ottawa, Canada, cho rằng ông Trọng là “một người cộng sản kiên định, giáo điều và mù quáng.” Dù biết phần lớn các đồng chí bên cạnh đã không còn tin vào CNXH nhưng ông vẫn tiếp tục hô hào bảo vệ CNXH, “bảo vệ Đảng như bảo vệ con ngươi trong mắt mình.” Chính ông từng thú nhận rằng "đến hết thế kỷ 21 này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa", nhưng ông vẫn thành tâm kiên trì xây dựng cái không bao giờ có đó, như một thứ niềm tin tôn giáo. Vì vậy, LS Vũ Đức Khanh cho rằng “ông Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản cuối cùng ở Việt Nam. Chỉ còn ông ấy là thực sự tin cái điều không tưởng đó.”

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carlyle Thayer ở Đại học UNSW Canberra, cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhớ đến như một người kiên trì các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh và là người đề xướng xây dựng đảng, cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cũng sẽ được coi là một người thực dụng trong chính sách đối ngoại nhưng là người phản đối nghiêm khắc diễn biến hòa bình và “cách mạng màu”.

Di sản đốt lò 

Theo Giáo sư Zachary Abuza, ông Trọng sẽ được nhớ đến với chiến dịch chống tham nhũng rất sôi nổi, vốn là chủ đề chính trong suốt 13 năm cầm quyền của ông. Nhưng người ta nên nhớ đến ông Trọng vì chiến dịch đốt lò của ông đã khiến đảng yếu đi về mặt thể chế. 

Cùng góc nhìn với GS Zachary Abuza, Luật sư Đặng Đình Mạnh, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, cũng cho rằng công chúng sẽ nhớ nhiều đến ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là “ông chủ lò”. Khi phát động đốt lò, ông ấy có mục đích không thể rõ ràng hơn là củng cố đảng. Nhưng qua đó, theo LS. Đặng Đình Mạnh, “ông Nguyễn Phú Trọng đã giúp phơi bày trọn vẹn bản chất của chế độ, không có gì khác ngoài một tập thể lãnh đạo bất tài, ăn tàn, phá hoại… lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm trấn lột tài sản của người dân. Đến mức độ, công chúng không thể thấy đảng cầm quyền ấy có giá trị gì để mà cần củng cố.” 

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã thường xuyên và chắc chắn sẽ còn được nhắc đến như một người đã tận tụy cho việc làm trong sạch hóa hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chiến dịch chống tham nhũng mà người dân hay gọi một cách nôm na là "đốt lò". Ông chắc chắn sẽ được nhớ đến như là "người đốt lò vĩ đại nhất" của Đảng. Nhưng có lẽ sự nghiệp "đốt lò" của ông sẽ phải vĩnh viễn theo ông đi vào lịch sử, theo LS Vũ Đức Khanh, bởi tham nhũng là căn bệnh ung thư của chế độ và nếu không thay đổi chế độ thì Đảng này sẽ không bao giờ trong sạch. Tham nhũng có thể tạm được xem là "ổn định" nhưng sẽ không bao giờ bị loại bỏ.

Giáo sư Zachary Abuza nhận định rằng chiến dịch “lò đốt” của ông Trọng đã khiến đảng yếu đi về mặt thể chế, do đó, hình thành một cơ quan lãnh đạo ít có tính tập thể như trước. Ông Trọng đã chứng kiến tình trạng xáo trộn chính trị chưa từng có, với 7 trong số 18 thành viên Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội 13 vào tháng 1 năm 2021 buộc phải từ chức. Ông thực hiện chiến dịch này vì ông thực sự tin rằng tham nhũng là một mối đe dọa hiện hữu đối với đảng, nhưng cuối cùng, theo GS Zachary, ông đã làm mất tính chính danh của đảng bằng cách vạch trần mức độ tham nhũng trong giới lãnh đạo cấp cao của đảng.
Trao đổi với RFA, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét rằng nhiều người đã công khai ao ước có một Gorbachev, người làm tan rã Liên bang Xô Viết, cho Việt Nam. Thật ra, có cần Gorbachev nữa không khi đã có Nguyễn Phú Trọng, người đã làm tan rã mối quan hệ giả hiệu về “Lòng dân, ý Đảng”, người đã chứng minh cho thấy rằng chẳng có một “Lòng dân, ý Đảng” nào đang song hành cả, mà chỉ có lòng dân chán ghét về ý đảng độc tài, tàn phá tan hoang đất nước mà thôi - LS. Đặng Đình Mạnh đặt câu hỏi. Thế nên, theo LS Mạnh, không có ai nghi ngờ gì về nỗ lực của ông Nguyễn Phú Trọng muốn cứu ĐCSVN để duy trì được quyền lực chính trị độc tôn, thế nhưng, mặt khác, cũng cần thấy rằng không có cái gọi là “thế lực thù địch” nào phá hoại ĐCSVN giỏi hơn ông Nguyễn Phú Trọng, người đang đứng đầu của đảng ấy. LS. Đặng Đình Mạnh kết luận: Đó là di sản của ông Nguyễn Phú Trọng mà người đời sau sẽ nhớ khi nhắc về ông ấy. 

Saigonweeklyonline.com tổng hợp
 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top