Nỗi lo về dịch virus corona kích hoạt thái độ chống Trung Quốc trên toàn thế giới

Tin Tức

Hơn 1 triệu người tuần hành phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông, ngày 09/06/2019 (ảnh: Joseph Chan / Unsplash).
 
Thái độ chống Bắc Kinh vốn đang âm ỉ khi chính quyền Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng trên toàn cầu, tạo ra tranh chấp thương mại, chính trị và ngoại giao với nhiều quốc gia. AP đưa tin, khi loại virus mới đáng sợ từ Trung Quốc lan rộng ra khắp thế giới, thì sự phẫn nộ đối với quốc gia này cũng tăng lên theo.
Nhà hàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông đã từ chối chấp nhận khách đến từ Trung Quốc. Người Indonesia diễu hành gần một khách sạn và kêu gọi khách Trung Quốc ở đó rời đi. Báo chí ở Pháp và Úc đối mặt với những lời chỉ trích về các dòng tít mang xu hướng phân biệt chủng tộc.
Hai chục quốc gia bên ngoài Trung Quốc đã báo cáo các trường hợp nhiễm virus corona mới. Nhiều quốc gia đã gửi máy bay đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc để sơ tán công dân của họ.

Hàn Quốc

Một nhà hàng hải sản nổi tiếng ở Seoul thường xuyên được khách du lịch Trung Quốc lui tới đã đăng một tấm biển ghi rằng “không có chỗ cho người Trung Quốc”, trước khi gỡ nó xuống vào ngày 29/1 sau khi bị phản ứng dữ dội trên mạng.
Hơn 650.000 người Hàn Quốc đã ký một bản kiến nghị trực tuyến đệ trình lên Nhà Xanh của tổng thống, kêu gọi lệnh cấm tạm thời đối với du khách Trung Quốc. Một số nhà lập pháp đối lập bảo thủ công khai ủng hộ kiến nghị này, và khoảng 30 người tập hợp gần Nhà Xanh hôm 29/1 yêu cầu chính phủ cấm khách du lịch Trung Quốc ngay lập tức.
Hiện tượng bài ngoại “chống lại người Trung Quốc đang tăng cường vô điều kiện” ở Hàn Quốc, tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc cho biết trong một bài xã luận hôm 30/1.
“Bệnh truyền nhiễm là một vấn đề của khoa học, không phải là vấn đề có thể được giải quyết thông qua việc biểu thị bằng cảm xúc”, bài báo cho biết.

Hoa Kỳ

Sau khi tin tức nổ ra rằng ai đó đang theo học tại Đại học bang Arizona nhiễm virus, cô sinh viên Ari Deng, người Mỹ gốc Hoa, chia sẻ với AP rằng các sinh viên khác bắt đầu thì thầm.
“Họ đã thực sự căng thẳng và họ nhanh chóng thu thập đồ đạc của họ và rời đi cùng một lúc”, cô cho biết.
Deng cho biết, trong một buổi học kinh doanh gần đây, một sinh viên không phải người châu Á nói rằng “Không phân biệt chủng tộc, nhưng có rất nhiều sinh viên quốc tế sống trong khu chung cư của tôi. Tôi cố gắng hết sức để giữ khoảng cách, và tôi nghĩ đó là một biện pháp phòng ngừa tốt cho tất cả chúng ta ngoài việc rửa tay”.
“Nó đau nhói nhưng tôi không cho phép nó chiếm chỗ trong tâm trí tôi hoặc đè nặng lên tâm của tôi”, cô chia sẻ.
Trong khi đó, trung tâm dịch vụ y tế của Đại học California, Berkeley, trong một bài đăng trên Instagram hôm 30/1 cho biết: “nỗi sợ hãi về việc tiếp xúc với những người có thể đến từ châu Á và cảm thấy tội lỗi về những cảm xúc này” là một phản ứng bình thường đối với sự bùng phát của virus corona. Bài đăng này đã bị xóa.
“Cho dù chúng ta dành bao nhiêu thời gian ở đất nước này, đôi khi chúng ta gần như ngay lập tức được xem là người nước ngoài”, Gregg Orton, Giám đốc quốc tế của Hội đồng quốc gia về người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương cho biết. “Nó là một thực tế khá khó chịu đối với nhiều người trong chúng ta”.

Hồng Kông

Virus đã làm sâu sắc thêm tình cảm chống Trung Quốc ở Hồng Kông, nơi nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình trên đường phố chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Trước đó, Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đình chỉ phà và dịch vụ tàu cao tốc đến Trung Quốc đại lục và giảm các chuyến bay giữa Hồng Kông với các thành phố của Trung Quốc.
Tenno Ramen, một nhà hàng mì Nhật ở Hồng Kông, đã từ chối phục vụ khách đến từ Trung Quốc đại lục.
“Chúng tôi muốn sống lâu hơn. Chúng tôi muốn bảo vệ khách hàng địa phương. Xin thứ lỗi”, nhà hàng viết trên Facebook.

Châu Âu

Pháp có một cộng đồng châu Á đáng kể và đang phát triển, và du khách Trung Quốc được cho là trụ cột của ngành du lịch Pháp. Nhưng theo AP, một tờ báo ở miền bắc nước Pháp trên trang nhất, giật dòng tít “đề phòng da vàng”, và sau đó đã phải xin lỗi khi bị chỉ trích.
“Nó là virus có nguồn gốc từ một khu vực ở Trung Quốc. Nó có thể đến từ Bắc Phi, Châu Âu hoặc bất cứ nơi nào. Mọi người không nên nghĩ rằng chỉ vì chúng tôi là người châu Á chúng tôi có nhiều khả năng lây lan virus”, Soc Lam, cố vấn pháp lý cho các nhóm cộng đồng Trung Quốc ở Paris nói với AP.
Jyllands-Posten, một tờ báo của Đan Mạch, đã xuất bản một bộ phim hoạt hình thay thế các ngôi sao màu vàng trong quốc kỳ Trung Quốc bằng hình ảnh của virus. Đại sứ quán Trung Quốc tại Copenhagen nói rằng phim hoạt hình là “một sự xúc phạm đến Trung Quốc” và yêu cầu tờ báo xin lỗi.
Tạp chí Der Spiegel của Đức đã đăng một bài báo với dòng tít “sản xuất tại Trung Quốc” cùng với bức ảnh của một cá nhân trong đồ bảo hộ.
ANSA, hãng tin của Ý cho biết, vào ngày 31/1, một quán cà phê gần đài phun nước Trevi ở Rome, một địa điểm du lịch nổi tiếng, đã đăng một thông báo cho biết “Tất cả những người đến từ Trung Quốc đều không được phép tới nơi này”. Tuy nhiên, khi các nhà báo AP đến đó để kiểm tra, thông báo đã không còn.

Úc, New Zealand

Tại Úc, một đơn yêu cầu trực tuyến với hơn 51.000 chữ ký nhằm yêu cầu hai tờ báo phải xin lỗi vì các bài báo của họ, với tờ Herald Sun giật dòng tít “Virus pandamonium Trung Quốc” (cách viết lái của từ “pandemonium” có nghĩa “đại dịch”, nhưng mỉa mai từ “panda” tức loài gấu trúc biểu tượng của Trung Quốc); và tờ The Daily Telegraph trong bài báo “Trẻ em Trung Quốc ở nhà”.
Kiwi Dollice Chua, người Singapore, sống ở New Zealand được 21 năm, nói với tờ New Zealand Herald rằng khi cô đến một trung tâm mua sắm ở Auckland vào tuần trước để mua thiệp cưới, một người phụ nữ đã nhìn cô một cách khinh bỉ và nói với cô: “Những người châu Á là những người mang virus này”.

Nhật Bản

Nhiều người Nhật đã lên mạng xã hội để kêu gọi lệnh cấm du lịch đối với du khách Trung Quốc. Một người viết trên Twitter rằng “xin vui lòng cấm khách du lịch Trung Quốc ngay lập tức”, trong khi một người khác viết “tôi rất lo lắng vì con tôi có thể bị nhiễm virus”.
Một cửa hàng kẹo ở thị trấn Hakone, thị trấn suối nước nóng ở phía tây Tokyo, đã đăng một ghi chú cho biết “Người Trung Quốc bị cấm vào cửa hàng”. Vào ngày 29/1, Menya Hareruya, một chuỗi cửa hàng mì ramen nổi tiếng ở Sapporo, Nhật Bản đã đăng một tấm biển ghi rằng “không có chỗ cho khách du lịch Trung Quốc”.
Zhang Jiaqi, một sinh viên Trung Quốc ở Tokyo, cho biết anh đã không phải đối mặt với bất kỳ phản ứng khó chịu nào từ các bạn cùng lớp và bạn bè Nhật Bản, nhưng “tôi nhận thấy rằng một số người đã quay lại hoặc nhìn tôi với vẻ mặt giận dữ khi tôi nói chuyện với bạn bè bằng tiếng Trung Quốc”.

Đông Nam Á

Cuối tuần trước, hàng trăm cư dân tại thành phố du lịch Bukit Tinggi của Indonesia đã diễu hành đến khách sạn Novotel, nơi có khoảng 170 khách du lịch Trung Quốc đang ở, để phản đối việc họ tới Indonesia. Họ chặn đường gần khách sạn để ngăn người Trung Quốc đến. Sau đó, chính quyền địa phương quyết định đưa du khách trở lại Trung Quốc trong ngày.
Hơn 400.000 người Malaysia đã ký một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi lệnh cấm du khách Trung Quốc và kêu gọi chính phủ “cứu gia đình và con cái chúng tôi”.
Abner Afuang, một cựu sĩ quan cảnh sát và thị trưởng, cho biết ông đã đốt một lá cờ Trung Quốc vào ngày 31/1 trước Câu lạc bộ báo chí Quốc gia ở Manila để phản đối những vấn đề mà Trung Quốc đã mang đến Philippines và các nước Đông Nam Á khác, bao gồm dịch virus corona và yêu sách của Bắc Kinh đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Văn phòng Tổng thống Philippines nói trong một tuyên bố: “Chúng ta không nên tham gia vào hành vi phân biệt đối xử, cũng không hành động với bất kỳ sự thiên vị đối với đồng bào của chúng ta. Thực tế là mọi người đều dễ bị nhiễm virus”.
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top