Người Hồng Kông đối phó
với luật an ninh
với luật an ninh
Tờ Taiwan News ngày 6/7 đưa tin, cư dân Hồng Kông đã sáng tạo ra nhiều biện pháp để thể hiện thông điệp dân chủ mà không có nguy cơ bị bắt theo luật an ninh quốc gia.
Dựa trên đạo luật an ninh hà khắc mà Bắc Kinh áp cho Hồng Kông, người dân hòn đảo có thể bị bắt giữ nếu như mang cờ kêu gọi độc lập hay hô các khẩu hiệu ủng hộ dân chủ. Tuy nhiên, người dân Hồng Kông kiên quyết không lùi bước, mà tìm các cách mới để biểu đạt ý kiến.
Một số người đã sử dụng ngôn ngữ được mã hóa để tránh những rắc rối pháp lý, trong khi những người khác dán các tờ giấy nhỏ nhiều màu sắc tạo thành bức tường Lennon. Tuy nhiên, khác với trước đây, những tờ giấy giờ đây được để trống, thể hiện sự phản đối cuộc “khủng bố trắng” và việc bị tước quyền tự do ngôn luận. Các cửa hàng ủng hộ dân chủ trên toàn đặc khu cũng gỡ bỏ các thông điệp cũ khỏi bức tường Lennon của họ và thay thế chúng bằng các ghi chú không lời.
Khi khẩu hiệu biểu tình quen thuộc: “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” bị cấm, cư dân Hồng Kông đã sử dụng các chữ cái tiếng Anh “GFHG, SDGM” và các số “3219 0246”, mô phỏng nhịp điệu của nó.
Báo Liberty Times đưa tin, ông Trần Kiện Dân (Chan Kin Man), nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu ở Hồng Kông nói rằng: “Ẩn ngữ là thứ mà luật pháp không thể cấm” và người dân của hòn đảo sẽ không bị bịt miệng bởi luật an ninh mới. Ông nhấn mạnh rằng việc đàn áp dưới bất kỳ hình thức nào sẽ chỉ là “chất xúc tác” cho mọi người phản ứng tích cực hơn mà thôi.
Sau khi luật an ninh quốc gia Hồng Kông có hiệu lực ngay trong đêm 30/6, đến nay khoảng 400 người dân thành phố đã bị bắt với nhiều cáo buộc khác nhau, trong đó có cáo buộc tụ tập bất hợp pháp, sở hữu vũ khí và kích động thù hận. Đạo luật của Bắc Kinh vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới. Không chỉ nhắm tới người dân xứ Cảng Thơm, Bắc Kinh còn muốn nó trở thành xúc tu len lỏi tới bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào bên ngoài Trung Quốc.
Nhiều nước trên thế giới đã có động thái hỗ trợ người dân Hồng Kông sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua. Thủ tướng Scott Morrison hôm 2/7 cho biết tình hình ở Hồng Kông “rất đáng lo ngại” và chính phủ Úc đang “rất tích cực” xem xét các đề xuất để đón nhận người dân hòn đảo, tương tự như động thái của chính phủ Anh. Chính quyền của bà Thái Anh Văn cũng đã thành lập Văn phòng trao đổi và dịch vụ Đài Loan – Hồng Kông tại hòn đảo vào hôm 1/7, nhằm giải quyết các đơn đăng ký của cư dân xứ Cảng Thơm muốn ở lại Đài Loan vì “lý do chính trị”.