Liên hệ Mỹ – Trung sau
Luật An Ninh về Hông Kông của Trung Cộng
Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ) không để tâm tất cả lời kêu gọi của thế giới và kháng nghị của người dân Hồng Kông, vào thứ Năm (ngày 28/5), tại phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, châm ngòi cho ngọn lửa bộc phát của những tiếng nói lương tri toàn thế giới.Luật An Ninh về Hông Kông của Trung Cộng
Đạo luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông này được thế giới bên ngoài nhìn nhận là “hồi chuông báo tử” của quyền tự trị của Hồng Kông. Vào ngày Luật An ninh Quốc gia được thông qua, chứng khoán Hồng Kông đã dẫn đầu sự sụt giảm của thị trường chứng khoán châu Á với mức giảm hơn 2%. Được biết, Bắc Kinh sẽ xác định nội dung cụ thể của Đạo luật An ninh Quốc gia trong vài tuần tới và các quy tắc sẽ quyết định vận mệnh cuối cùng của Hồng Kông.
Trước khi Luật An ninh Quốc gia Hong Kong được Quốc Hội Trung Cộng bỏ phiếu thông qua, vào ngày 27/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo tuyên bố trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng dựa trên thực tế, Hong Kong đã không còn đủ quyền tự trị. Do đó, Hong Kong không tiếp tục được hưởng ưu đãi đặc biệt theo luật Hoa Kỳ năm 1997.
Ngoại trưởng Pompeo nói rằng vào ngày 21/5, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ đã đơn phương tự ý tuyên bố ý đồ thực thi Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong. Quyết định mang tính thảm họa này của Bắc Kinh là hành vi mới nhất trong một loạt các động thái gần đây làm suy yếu quyền tự trị và tự do của Hong Kong, phá hủy thỏa thuận quốc tế ‘Tuyên bố chung Trung - Anh’ mà ĐCSTQ đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc.
Ông nói rằng những thập kỷ phồn vinh được tạo ra bởi những con người Hồng Kông tràn đầy sinh lực, tiến bộ và tự do là pháo đài của tự do. Quyết định về dự luật này không khiến ông hài lòng. Việc xây dựng chính sách hợp lý đòi hỏi một sự hiểu biết rõ ràng về thực tế.
Ông Pompeo nói rằng mặc dù Hoa Kỳ đã hy vọng rằng tự do và thịnh vượng của Hong Kong sẽ là một tấm gương cho ĐCSTQ độc tài, nhưng ĐCSTQ đã tăng tốc làm xói mòn cam kết đối với chính quyền tự trị của người Hong Kong. Giờ đây người dân Hong Kong đang phản kháng, Hoa Kỳ đứng về phía người dân Hong Kong.
Tuyên bố của ông Pompeo về Hong Kong có thể khiến Quốc hội Hoa Kỳ công bố xóa bỏ vị thế hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt của Hong Kong
Sau khi tin tức trên công bố, chứng khoán Hong Kong đã trải qua một cú sốc lớn. Chỉ số Hang Seng lao dốc trong một đêm, giảm xuống dưới mức 23.000 điểm.
Tằng Duệ Sinh (Steve Tsang), Viện trưởng Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, đã mô tả với Apple Daily rằng: vị thế đặc biệt của Hong Kong là một "lựa chọn hạt nhân", một khi nó mất đi tương đương với "khai tử Hong Kong".
Hoa Kỳ đã thông qua "Luật chính sách Hoa Kỳ - Hong Kong" (còn được gọi là "Luật quan hệ Hong Kong") vào năm 1992, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dành chế độ đãi ngộ cho Hong Kong sau khi đặc khu này được chuyển giao cho Bắc Kinh.
Theo luật, Hoa Kỳ sẽ dành cho Hong Kong đãi ngộ đặc biệt khác với Trung Cộng trong lĩnh vực tài chính và văn hóa dựa trên cam kết của Trung Cộng về mức độ tự chủ cao trong ‘Tuyên bố chung Trung-Anh’.
Ví dụ: hộ chiếu Hong Kong được Hoa Kỳ công nhận và các đơn xin thị thực vào Hoa Kỳ được xử lý độc lập; Hong Kong có thể mua công nghệ nhạy cảm dưới sự kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, nhưng cần đảm bảo được sử dụng đúng cách. Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ coi Hong Kong là một "khu vực hải quan độc lập".
Điều quan trọng nhất là vấn đề Hong Kong luôn nằm trong chương trình nghị sự của chính giới Hoa Kỳ. Năm ngoái, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua "Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong". Hoa Kỳ sẽ xem xét quyền tự trị của Hong Kong hàng năm và sau đó quyết định có tiếp tục trao đãi ngộ đặc biệt về thuế quan cho Hong Kong hay không. Báo cáo đầu tiên được công bố sau kỳ họp Lưỡng hội của ĐCSTQ.
Trước khi Luật An ninh Quốc gia biểu quyết, ông Pompeo tuyên bố rằng Hong Kong sẽ không còn được hưởng quyền tự trị, và các biện pháp trừng phạt sắp tới sẽ được đưa ra.
Ông Trương Côn Dương (Sunny Cheung), phát ngôn viên của Mạng lưới ngoại giao dân sự Hong Kong, người đã tới nước ngoài để tham gia vận động hành lang, và ông Viên Di Xương (Derek Yuen), một giảng viên danh dự tại Đại học Hong Kong, cho rằng động thái tiếp theo của Hoa Kỳ sẽ đẩy nhanh các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong.
Ông Trương Côn Dương nói rằng sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc công bố đánh giá về Luật An ninh Quốc gia, Hoa Kỳ rất quan tâm đến tình hình ở Hong Kong. Ông tin rằng khả năng cao Hoa Kỳ sẽ trừng phạt Hong Kong thông qua Đạo luật Nhân quyền. Ngoài việc xử phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong ủng hộ Đạo luật An ninh Quốc gia, cũng có thể cấm xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Hong Kong, điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của Hong Kong và Trung Quốc.
Còn về việc Hoa Kỳ bãi bỏ vị thế khu vực hải quan độc lập của Hồng Kông? Ông Trương miêu tả đây là lệnh trừng phạt "cấp độ như bom hạt nhân" cũng sẽ gây tổn hại cho lợi ích của Hoa Kỳ tại Hong Kong.
Học giả Viên Di Xương cũng cho rằng Washington sẽ đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chính phủ Hong Kong ủng hộ Luật An ninh Quốc gia. Quan sát cách Hoa Kỳ xử lý các vấn đề Tân Cương và Iran, ông tin rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Hong Kong cũng như vậy. Ông cho rằng, khả năng lớn sẽ xử phạt các quan chức Hong Kong trước, xem phản ứng của Bắc Kinh rồi sau đó sẽ thực hiện bước tiếp theo.
Ông Viên cho rằng vấn đề Hong Kong sẽ là một chủ đề rất được quan tâm trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, và Tổng thống Trump cần có hành động rõ ràng trong việc "chống lại chủ nghĩa cộng sản".
Bà Tara Joseph, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết: “Thương mại quốc tế đã chịu áp lực ngày càng tăng kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, nhưng việc ban hành Luật An ninh của Trung Cộng tại Hồng Kông có thể đẩy căng thẳng lên một cấp độ hoàn toàn mới”. Bà cũng bình luận: “Hiện giờ là thời khắc lật bài ngửa giữa Mỹ và Trung Cộng về vấn đề Hồng Kông”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ có quyết định đối với Hồng Kông trong tuần này. Ông David Stilwell, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng các đối sách của ông Trump có thể bao gồm các biện pháp chế tài đối với thị thực và kinh tế. Hiện tại Hoa Kỳ có hơn 1.300 công ty có văn phòng tại Hồng Kông, cung cấp khoảng hơn 100.000 việc làm.
Thị trường Chứng Khoán toàn cầu tuột dốc
Thị trường chứng khoán toàn cầu rớt thảm, trái phiếu và đồng yên Nhật là những tài sản trú ẩn an toàn đã đạt đỉnh vào ngày 29/5, khi các nhà đầu tư chờ đợi phản ứng của Washington dành cho Trung Cộng trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát Hồng Kông.Quốc hội Trung Cộng hôm 28/5 đã thúc đẩy luật an ninh quốc gia áp cho thành phố đặc khu Hông Kong, khiến dấy lên những lo ngại về tương lai của các quyền tự do, dân chủ cũng như vị thế của Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế.
Tiền tháo chạy và làn sóng di dân của Hồng Kông
Theo nguồn tin từ phía ngân hàng Hồng Kông và nhiều nguồn tin khác, vì lo ngại Luật An ninh có thể giúp chính quyền ĐCSTQ cưỡng chế chiếm đoạt tài sản của mình, những người giàu Trung Cộng sẽ không gửi nhiều tiền ở Hồng Kông nữa.Các chủ ngân hàng cho biết, hơn một nửa số tài sản cá nhân với tổng trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô-la Mỹ của Hồng Kông là đến từ người Trung Cộng đại lục. Họ gửi tiền ở Hồng Kông vì Hồng Kông có một hệ thống pháp lý độc lập và tiền tệ móc nối với đồng đô-la Mỹ, nhưng bây giờ mọi người đang lo lắng, Hồng Kông sẽ mất đi lợi thế trung tâm tài chính toàn cầu.
Trang Reuters ngày 28/5 đưa tin rằng sáu chủ ngân hàng và công ty hàng đầu đều chỉ ra rằng một số khách hàng Trung Cộng đang tìm kiếm con đường khác để quản lý tài sản của họ ở nước ngoài, trong đó Thụy Sĩ và London đứng đầu danh sách được lựa chọn.
Một chuyên gia tư vấn của công ty quản lý tài sản châu Âu cho biết, một khách hàng Trung Cộng ban đầu đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Hồng Kông đã chuyển sang tìm kiếm cơ hội ở các nước khác trong tuần này. Một người sáng lập một công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Hồng Kông cho biết ông đang giúp khách hàng Trung Cộng tiến hành đàm phán hợp tác với hai ngân hàng Dubai.
Một nhà tư vấn di cư tiết lộ rằng số người Hồng Kông tìm đến tư vấn di cư đã tăng vọt. Theo nguồn tin từ hãng truyền thông quốc tế của Đức Deutsche Welle, làn sóng “di dân” này đã xuất hiện từ sau thời điểm diễn ra phong trào phản đối “Luật dẫn độ” vào tháng 6 năm ngoái. Nó đã vượt quá 20.000 vào tháng 12/2019, tăng gần 60% so với cùng kỳ trước đây, trong đó bao gồm cả những người thuộc phe “đai xanh lam” (những người ủng hộ ĐCSTQ) và phe Kiến Chế thân Bắc Kinh, bởi bản thân họ cũng sợ bị “thanh toán”.
Mỹ truy tố 30 cá nhân Bắc hàn và Trung Cộng rửa tiền
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố hơn 30 cá nhân người Triều Tiên và Trung Cộng về tội rửa tiền với ít nhất 2,5 tỷ USD để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, tờ Yonhap dẫn một bản cáo trạng cho biết hôm 28/5. Thời báo New York cho hay, các bị cáo, 28 người Triều Tiên và 5 người Trung Cộng , bị cáo buộc sử dụng một mạng lưới với hơn 200 công ty vỏ bọc để rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế.