Khủng hoảng biếm họa tại Pháp: ​​​​​​​ Khi quyền tự do diễn đạt ‘đụng” với tôn giáo quá khích

Tin Tức

Khủng hoảng biếm họa tại Pháp:

Khi quyền tự do diễn đạt ‘đụng” với tôn giáo quá khích


Nhiều quốc gia Hồi Giáo biểu tình để phản đối những phát biểu của tổng thống Pháp Macron về đạo Hồi tiếp theo những vụ giết người bằng dao của những tên Hồi Giáo quá khích tại Pháp. Họ kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Pháp trong  các quốc gia  Hồi Giáo. 

Trả lời đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera của Qatar hôm 31/10/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố xoa dịu cơn thịnh nộ trong thế giới Hồi Giáo đang rất bất bình sau khi ông lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Pháp trong vụ tranh biếm họa chế diễu Thánh Mohamet.
Tuy nhiên tổng thống Macron tiếp tục lên án những hành vi “lũng đoạn” thông tin nhằm kích động người Hồi Giáo chống Pháp, thể hiện qua những cuộc biểu tình bài Pháp và kêu gọi tẩy chay hàng Pháp tại nhiều nước Ả rập.
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định ý muốn xóa tan “những hiểu lầm”:  Pháp là một quốc gia mà tất cả tôn giáo đều được “hoạt động tự do” và quyền tự do phát biểu là điều căn bản của Hiến Pháp Pháp Quốc. Do đó, khối Hồi Giáo Ả Rập phải nhận định vấn đề một cách minh bạch hơn: “Không phải công báo hay chính quyền Pháp đã vẽ ra những bức biếm họa đó” và “quyền tự do vẽ tranh, vẽ biếm họa, tự do truyền bá” nằm trong những quyền mà người dân được hưởng và chính quyền phải bảo vệ.
Việc những người Hồi Giáo quá khích dung mạng xã hội phát tán những điều “dối trá” và sai lạc để tạo ra một phản ứng giận dữ trong những ngày gần đây trong thế giới Hồi Giáo, đồng thời kêu gọi một cuộc vận động tẩy chay hàng hóa Pháp là “không thể chấp nhận được”.
Tổng thống Macron không ngần ngại đáp trả lời sỉ nhục của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhắm vào ông: “Tôi chưa bao giờ sỉ nhục bất kỳ một lãnh đạo nào”. Paris rất muốn làm lành với Ankara, nhưng tất cả tùy thuộc vào thái độ “hung hăng” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau vụ khủng bố ở nhà thờ thành phố Nice cách đây vài ngày, tổng thống Pháp, một lần nữa lên án hành động khủng bố của “những phần tử cực đoan” nói là hành động nhân danh Hồi Giáo, nhưng trong số nạn nhân có đến 80% là người theo đạo Hồi.

Vài tiếng đồng hồ sau khi cuộc phỏng vấn được phát trên đài Al Jazeera, các mạng xã hội Ả Rập vẫn tiếp tục đả kích ông Macron. Thông tín viên RFI, Alexandre Buccianti, tại Cairo, tường thuật :
“Xu hướng chính trên Twitter là hashtag: “Macron, ông không lừa được chúng tôi đâu”, đã vượt qua mức 25 ngàn tin nhắn vào lúc 2 giờ, giờ quốc tế hôm nay.
Trước tiên là những lời tấn công vào cá nhân tổng thống Pháp, được vẽ thành con lừa hay thành người đang tố cáo 2 người Hồi Giáo là khủng bố trên đỉnh một kim tự tháp bằng sọ người. Nhiều tin nhắn giải thích thêm rằng đó là sọ của một triệu rưỡi người Algeri bị Pháp giết chết trước đây.

Tuy nhiên, nội dung chính của các tin nhắn Twitter tiếp tục và tăng cường tẩy chay hàng Pháp và cho đến khi nào ông Macron xin lỗi nhà tiên tri Mohamed và người Hồi Giáo, ban hành  một đạo luật ngăn chặn việc xúc phạm tái diễn.

Có một số người còn cho rằng ông Macron đã lùi bước qua tuyên bố cho rằng ông rất hiểu cảm nhận của người Hồi Giáo và không ủng hộ những biếm họa xúc phạm nhà tiên tri Mohamed.

Một cư dân mạng chế diễu: Thêm hai tuần tẩy chay hàng Pháp nữa Macron - sẽ nói “tất cả mọi thứ ngoại trừ xúc phạm đến nhà tiên tri của Allah”.

Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng kịch liệt với tranh biếm họa Erdogan của tuần báo Pháp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gặp thành viên đảng AKP tại Nghị Viện, Ankara, ngày 28/10/2020. © REUTERS - MURAT CETINMUHURDAR

Trong số báo ra ngày 28/10/2020, tuần báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo đăng bức tranh biếm họa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ngay lập tức Ankara đã phản ứng gay gắt, lên án tờ báo Pháp « kỳ thị văn hóa ».

Ông Fahrettin Altun, cố vấn báo chí của tổng thống Erdogan, viết trên Twitter rằng Thổ Nhĩ Kỳ lên án hành động của tuần báo Pháp là kỳ thị văn hóa và gây thù hận và coi đó là kết quả của chương trình chống đạo Hồi của tổng thống Emmanuel Macron.

Cơ quan báo chí của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ra thông cáo bằng tiếng Pháp cho biết Ankara sẽ có hành động về tư pháp cũng như ngoại giao để đáp trả vụ đăng tranh biếm họa này.

Charlie Hebdo là tuần báo trào phúng đã từng nhiều lần đăng tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo. Năm 2015, tòa báo đã bị khủng bố Hồi giáo tấn công sát hại 12 nhà báo.
Tranh biếm họa của tuần báo đã được đưa lên mạng internet từ tối 27/10, cho thấy ông Erdogan mặc áo T-shirt và quần lót đang uống bia và vén váy một phụ nữ chùm mặt.
Phản ứng với những phát biểu của ông Emmanuel Macron về vấn đề tự do báo chí có liên quan đến Hồi giáo, tổng thống Erdogan đã sỉ vả tổng thống Pháp có vấn đề tâm thần. Những phát ngôn như vậy gây sự cố ngoại giao lớn giữa hai nước vốn đã căng thẳng thời gian gần đây.

Căng thẳng giữa Paris và Ankara giờ lan ra rộng, không ngoại trừ cả trong thể thao. Tối 28/10, trong khuôn khổ giải đấu Champions League của bóng đá châu Âu. Câu lạc bộ Pháp, Paris Saint-Germain tới làm khách trên sân của câu lạc bô Thổ Nhĩ Kỳ Basaksehir tại Istanbul. Trận đấu diễn ra không khán giả vì dịch Covid-19, nhưng ngay từ khi chưa bắt đầu, đã có dấu hiệu căng thẳng dấy lên trên mạng xã hội, trong người hâm mộ bóng đá ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông tín viên RFI tại Istanbul Anne Andlauer tường trình :
"Khi ông Recep Tayyip Erdogan kêu gọi tẩy chay tất cả các hàng hóa Pháp, nhiều người hâm mộ bóng đá ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nghĩ ngay đến trận bóng giữa câu lạc bộ Basaksehir và Paris Saint-Germain.
Một số người còn đưa lên mạng xã hội những dòng thông điệp có nội dung mập mờ giữa tếu táo và nghiêm túc. « Tôi tẩy chay nước Pháp và đặt cược vào Basaksehir », một người mê cá cược tung lên Twitter. Một cư dân mạng khác của Thổ Nhĩ Kỳ thì đề xuất : « Tẩy chay sản phẩm Pháp phải bắt đầu với Basaksehir. Mong rằng câu lạc bộ này từ chối trận đấu với Paris Saint-Germain ». Một người khác, có vẻ như không ủng hộ câu lạc bộ của thành phố Istanbul thì hài hước : « Câu lạc bộ Basaksehir phải từ chối bàn thắng của Paris Saint-Germain ».
Ý thức được không khí căng thẳng giữa hai nước, lãnh đạo đội Basaksehir muốn trấn an Paris Saint-Germain trước trận đấu. Chủ tịch câu lạc bộ của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Goksel Gumusdag nói : « Paris Saint-Germain và ông Nasser là những người bạn ». Nasser Al-Khelaifi người Qatar là chủ tịch của câu lạc bộ Paris Saint-Germain". 
 
Tại sao tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại “gây sự” với Pháp ?
Ông Erdogan khuyên đồng nhiệm Pháp kiểm tra “sức khỏe tâm thần” sau khi ông Macron tuyên bố tiếp tục đấu tranh chống “chủ nghĩa ly khai Hồi Giáo cực đoan” và cơ sở Hồi Giáo cực đoan ở Pháp”. Phải chăng đây là bước tiếp theo trong lời đe dọa “Ông Macron, ông chưa hết rắc rối với tôi đâu !” mà nguyên thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra vào tuần trước đó ?
Ankara bất bình vì Paris cản trở chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ?
Đằng sau thái độ và phát biểu gay gắt là những bất đồng ngày càng lớn giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ : NATO, căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải, vấn đề di dân, các cuộc xung đột ở Syria, Libya, Thượng Karabakh và bây giờ thêm vấn đề tôn giáo. Dường như, theo Ankara, Paris đang cản trở tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế.

Pháp bị tổng thống Erdogan gọi là “côn đồ” khi điều động hai chiến đấu cơ Rafale và chiến hạm La Fayette vào tháng 8 để hỗ trợ chính phủ Hy Lạp, một thành viên của NATO, đối phó với hành động hung hăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải.
Về cuộc xung đột ở Thượng Karabakh, tổng thống Pháp khẳng định có “300 chiến binh rời Syria để gia nhập đội quân của Baku” được Ankara hậu thuẫn. Pháp lên án “trách nhiệm lịch sử và hình sự” của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Libya, vì từ năm 2016, Ankara yểm trợ quân sự ngày càng nhiều cho chính phủ Libya, trong khi đó Ankara coi Pháp là một “cản lực cho hòa bình” ở Libya, khi ủng hộ phe đối lập.
Gần một nửa trong tổng số 300 giáo sĩ Hồi Giáo (imam) nước ngoài được điều đến Pháp giảng đạo là do cơ quan Hồi Giáo tối cao ở Ankara cử đến. Điều này hiện trở thành một vấn đề gây lo ngại, vì tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định : “Người theo đạo Hồi ở châu Âu bị đối xử như người Do Thái trước Thế Chiến II”.
 

Bắt nạt Pháp dễ hơn so với Trung Quốc và Mỹ ?

Theo ông Dominique Moïsi, chuyên gia về Trung Đông, trả lời trang mạng 20minutes.fr ngày 26/10, có hai lý do khiến nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công gay gắt đồng nhiệm Pháp về tôn giáo.
Thứ nhất là lý do nội bộ. Điểm tín nhiệm trong nước của ông Erdogan, cũng như đảng của ông, đang sụt giảm, trong khi nền kinh tế bị ảnh hưởng vì khủng hoảng dịch tễ. Đưa ra những tuyên bố pha trộn khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và dân túy nhắm vào ông Macron, cũng như nhắm vào những tham vọng quốc tế của Pháp, là để đánh lạc hướng dư luận, để họ quên đi những vấn đề nội bộ.
Thứ hai, ông Erdogan muốn được coi là một tiếng nói có trọng lượng của khối Hồi Giáo trước phương Tây. Ông Erdogan đang tìm cách để Thổ Nhĩ Kỳ thay Iran làm thủ lĩnh trong thế giới Hồi Giáo, mở rộng bản đồ “đế chế” tân Ottoman. Bối cảnh Iran suy yếu, Ai Cập không còn mạnh, nhiều nước Hồi Giáo bắt tay với Israel, dường như là cơ hội tốt cho Ankara.
Vẫn theo phân tích của ông Dominique Moïsi, Pháp bị nhắm đến vì không mạnh bằng Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cần nhắc lại là Ankara thờ ơ trước chính sách trấn áp và đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương mà Bắc Kinh tiến hành từ nhiều năm nay.
Đúng là hàng hóa Pháp bị rút khỏi nhiều siêu thị, cửa hàng ở một số nước như Jordani, Qatar… nhưng theo một số chuyên gia, tạm thời, phong trào tẩy chay này chưa đến mức báo động và cần theo dõi thêm. Dù chỉ có 3% hàng xuất khẩu của Pháp được xuất sang khu vực Trung Đông, nhiều chính trị gia kêu gọi các tập đoàn có hàng hóa bị tẩy chay không nên nhân nhượng vào thời điểm này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn thu hút sự chú ý và đã được toại nguyện. Ngày 26/10, rất nhiều nước láng giềng châu Âu của Pháp đã lên tiếng chỉ trích phát biểu của ông Erdogan. Liệu một liên minh mới có sẽ  được hình thành để kiềm chế tham vọng của “sultan” Erdogan ?
 
Người Hồi giáo Indonesia biểu tình chống Tổng thống Pháp Macron


Người biểu tình Indonesia tập trung phản đối những phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về Hồi giáo vào ngày 2/11/2020.

Hàng nghìn người Hồi giáo giận dữ biểu tình bên ngoài đại sứ quán Pháp ở thủ đô Indonesia hôm 2/11, mang theo các biểu ngữ gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là “kẻ khủng bố thực sự” và yêu cầu trục xuất đại sứ của nước này ngay lập tức, theo Reuters.

Hòa cùng làn sóng phản đối dữ dội trên toàn cầu về bình luận của ông Macron về đạo Hồi, những người biểu tình ở quốc gia đa số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới yêu cầu nhà lãnh đạo Pháp rút lời lại và xin lỗi người Hồi giáo trên toàn thế giới.

“Theo ý Thượng Đế, người Hồi giáo chúng tôi tha thứ nhưng nếu ông ta không rút lại tất cả lời nói và bức tranh biếm họa của mình và xin lỗi, theo ý Thượng Đế, ông ta sẽ luôn bị khinh thường (bởi thế giới Hồi giáo)”, Nazaruddin, một người biểu tình 70 tuổi nói với Reuters.

Đội trên đầu những chiếc mũ đen, trắng và đeo mặt nạ, người biểu tình Indonesia tham gia vào cuộc biểu tình hôm 2/11 ở trung tâm thành phố Jakarta, mang theo các biểu ngữ với bức tranh biếm họa tổng thống Pháp với khuôn mặt ma quỷ màu đỏ, đôi tai nhọn và dòng chữ “Macron là kẻ khủng bố thực sự”.

Những người biểu tình vẫy cờ Hồi giáo trong khi kêu gọi trục xuất đại sứ Pháp và tẩy chay các sản phẩm của Pháp.

Trong những tuần gần đây, tổng thống Pháp đã khiến người Hồi giáo phẫn nộ khi mô tả Hồi giáo là một “tôn giáo đang gặp khủng hoảng trên toàn thế giới” và cương quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình, điều mà một số người cho là báng bổ và gây phản cảm.

Nhận xét của ông Macron được đưa ra trước và sau hai cuộc tấn công gần đây ở Pháp.
Tuần trước, một người đàn ông Tunisia đã cầm dao hét lên “Allahu Akbar” (“Thượng Đế vĩ đại”) và chặt đầu một phụ nữ, giết hai người khác ở thành phố Nice của Pháp.

Hai tuần trước đó, một giáo viên đã bị chặt đầu bởi một thanh niên 18 tuổi. Thanh niên này dường như đã rất tức giận vì giáo viên này dùng biếm hoạ Nhà tiên tri Mohammad để giảng bài cho học sinh.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, thường được gọi với biệt danh “Jokowi”, đã lên án cả vụ tấn công gần đây ở Nice lẫn những bình luận của ông Macron, điều mà ông cho rằng “xúc phạm Hồi giáo” và "làm tổn thương sự đoàn kết của người Hồi giáo ở khắp mọi nơi”.

Bộ ngoại giao Indonesia đã triệu tập đại sứ Pháp vào thứ Ba (3/11) để thảo luận về những phát biểu của Tổng thống Pháp.

 

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top