Hơn 20 triệu thuê bao điện thoại di động ở Trung Cộng ‘biến mất’?
Vào ngày 19/3, trong một bản công bố của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Cộng (MIIT) về số người dùng điện thoại ở nước này trong tháng 2, cho thấy số thuê bao điện thoại di động giảm 21 triệu, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng số thuê bao dùng điện thoại di động giảm như vậy là do có nhiều người đã tử vong vì virus Vũ Hán.
Theo bản công bố, trong tháng 2, tổng số thuê bao dùng điện thoại di động ở Trung Cộng giảm từ 1,600957 tỷ xuống còn 1,579927 tỷ, giảm 21,03 triệu thuê bao. Số thuê bao sử dụng điện thoại cố định giảm từ 190,83 triệu xuống còn 189,99 triệu, giảm 840.000 thuê bao.
Điều này được cho là bất thường khi vào cùng kỳ năm ngoái, tức là vào tháng 2/2019, số lượng người dùng điện thoại ở nước này vẫn đang tăng lên. Theo MIIT, số thuê bao dùng điện thoại di động trong tháng 2/2019 tăng từ 1,5591 tỷ lên 1,5835 tỷ, tăng 24,37 triệu thuê bao. Số thuê bao sử dụng điện thoại cố định tăng từ 183,477 triệu lên 190,118 triệu, tăng 6,641 triệu thuê bao.
Điện thoại di động được cho là một phần không thể thiếu trong cuộc sống ở Trung Cộng .
“Mức độ số hóa ở Trung Cộng rất cao. Mọi người không thể sống mà không có điện thoại di động”, Tang Jingyuan, một nhà bình luận về vấn đề Trung Cộng ở Hoa Kỳ nói với tờ The Epoch Times ngày 21/3. “Muốn làm việc với chính phủ về lương hưu và an sinh xã hội, mua vé tàu, mua sắm,… bất kể họ muốn làm gì, họ được yêu cầu sử dụng điện thoại di động”.
“Chính quyền Trung Cộng yêu cầu tất cả người Trung Cộng sử dụng điện thoại di động của họ để tạo mã sức khỏe. Hiện tại, chỉ với một mã sức khỏe ‘xanh’, người Trung Cộng mới được phép di chuyển tại Trung Cộng . Do đó một người không thể hủy bỏ điện thoại của mình”, Tang nói.
Phân tích các con số
Việc giảm số thuê bao sử dụng điện thoại cố định có thể là do chính quyền Trung Cộng phong tỏa nhiều nơi vào tháng 2 khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Nhưng việc giảm số thuê bao điện thoại di động thì không thể giải thích theo cách này.
Theo dữ liệu hoạt động của cả ba nhà mạng điện thoại di động Trung Cộng gần đây cho thấy, số thuê bao điện thoại di động của nước này tăng vào tháng 12/2019 nhưng giảm mạnh vào đầu năm 2020.
Cụ thể, China Mobile, nhà mạng lớn nhất Trung Cộng , nắm giữ khoảng 60% thị trường điện thoại di động ở nước này, báo cáo rằng nhà mạng đã mất 0,862 triệu thuê bao vào tháng 1/2020 và 7,254 triệu vào tháng 2/2020. China Telecom, nhà mạng lớn thứ hai khi nắm giữ khoảng 21% thị trường, báo cáo mất 0,43 triệu thuê bao vào tháng 1/2020 và 5,6 triệu thuê bao vào tháng 2/2020. China Unicom, nhà mạng lớn thứ ba, chưa công bố dữ liệu cho tháng 2 nhưng báo cáo rằng họ đã mất 1,186 triệu thuê bao vào tháng 1/2020.
“Hiện tại, chúng tôi không biết các chi tiết của dữ liệu. Nếu chỉ cần 10 phần trăm số thuê bao điện thoại di động bị hủy do người dùng đã chết vì virus Vũ Hán, thì số người chết sẽ là 2 triệu”, Tang cho biết.
Có nhiều nghi ngờ cho rằng, số ca tử vong do virus Vũ Hán được báo cáo ở Trung Cộng không đúng với thực tế. Ví như, khi so sánh với Ý, nước này cũng áp dụng các biện pháp chống dịch tương tự như các biện pháp được sử dụng ở Trung Cộng , nhưng tỷ lệ tử vong lại là 9% trong khi ở Trung Cộng , nơi có các ca nhiễm virus cao hơn, thì tỷ lệ tử vong là 4%, chưa bằng một nửa so với tỷ lệ tử vong của Ý.
Bên cạnh đó, vào đầu năm 2020, có nhiều hoạt động đáng ngờ xảy ra tại tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch của Trung Cộng . Theo tờ The Epoch Times, vào cuối tháng một, 7 nhà tang lễ ở thành phố Vũ Hán được báo cáo là đốt xác 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Tỉnh Hồ Bắc đã sử dụng 40 lò hỏa táng di động, mỗi lò có khả năng đốt 5 tấn chất thải y tế và thi thể mỗi ngày, kể từ ngày 16/2.
“Số liệu mới nhất do riêng China Mobile công bố cho thấy họ đã mất 8,116 triệu người dùng vào tháng 1 và tháng 2. Hiện tại những người dùng này đang ở đâu? Chuyển sang các nhà mạng khác? Hay, họ không thể mang điện thoại của mình đến thế giới bên kia?”, bà Jennifer Zeng, nhà hoạt động nhân quyền ở Mỹ viết trên Twitter hôm 20/3.
Việc 21 triệu thuê bao điện thoại di động ở Trung Cộng ‘biến mất’ trong đại dịch khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm.