Số Tử Vong tại Hoa Kỳ lại tiếp tục phá kỷ lục
Hãng Pfizer: chánh phủ Trump
chỉ mua Vaccin cho 50 triệu người Mỹ
chỉ mua Vaccin cho 50 triệu người Mỹ
Ông Trump đã từ chối lời đề nghị của Pfizer để mua từ 300-500 triệu liều vắc-xin cho 335 triệu người Mỹ. Ảnh Doug Mills/Thời báo New York
Trước khi vắc-xin coronavirus của hãng Pfizer thành công trong các thử nghiệm lâm sàng vào tháng trước, công ty này đã đề nghị với chính quyền Trump mua nhiều hơn 100 triệu liều mà nhà sản xuất dược phẩm đã đồng ý bán cho chính phủ như một phần của thỏa thuận trị giá 1,95 tỷ đô la từ vài tháng trước.
Nhưng tổng thống Trump, theo như sự tiết lộ tin từ những người tham gia các cuộc đàm phán, đã không đồng ý, một quyết định đưa đến việc hãng này chỉ có thể trở lại cung cấp thuốc chủng cho Hoa Kỳ sau tháng 6 năm 2021 vì hãng này đã nhận hợp đồng để cung cấp thuốc chủng cho nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bây giờ để tranh giành ảnh hưởng với chính quyền Biden, ông Trump đã cố gắng mua thêm vắc-xin, Tổng thống Trump đã triệu tập một cuộc họp vào thứ Ba 8 tháng 12 về vấn đề phân phối thuốc chủng nhưng không cho Ban Chuyển Tiếp Quyền Lực của tổng thống dắc cử Biden tham dự. Cà hai hãng bào chế thuốc chủng Pzifer và Modena đều không tham dự. Kết thúc buổi họp ông Trump đã ban hành một lệnh rằng các quốc gia khác sẽ không nhận được nguồn cung cấp vắc-xin của Hoa Kỳ cho đến khi tất cả người Mỹ đã được tiêm chủng.
Nhưng đơn đặt hàng của Hoa Kỳ dường như không có thật theo các viên chức cao cấp của chính quyền.
Được biết Vắc-xin được sản xuất bởi hảng Pfizer và hảng Đức, BioNTech, là một phương pháp chủng ngừa gồm hai liều, có nghĩa là 100 triệu liều mà chánh phủ Trump đã đặt hang chỉ đủ để tiêm phòng cho 50 triệu người Mỹ. Số lượng Vắc-xin này dự kiến sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Hoa Kỳ ngay cuối tuần này, với một loại vắc-xin khác, của hảng Moderna, đang yêu cầu FDA chấp thuận khẩn cấp.
Anh quốc đã có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng đại chúng vào ngày thứ ba với vắc xin Pfizer-BioNTech và là quốc gia phương Tây đầu tiên tiêm chủng hàng loạt.
Vào ngày 11 tháng 11 - hai ngày sau khi Pfizer lần đầu tiên công bố kết quả sớm cho thấy vắc-xin của họ đã có hiệu quả hơn 90 phần trăm - Liên minh châu Âu thông báo rằng họ đã ký hợp đồng với Pfizer và BioNTech mua 200 triệu liều, một thỏa thuận mà họ bắt đầu đàm phán trong vài tháng trước đó. Số lượng này có thể bắt đầu vào cuối năm nay, và bao gồm thêm 100 triệu liều nữa.
Khi được hỏi liệu chính quyền Trump có bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để mua thuốc chủng cho người Mỹ không, một phát ngôn viên của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cho biết: "Chúng tôi có 100 triệu liều vắc-xin của Pfizer như đã thỏa thuận trong hợp đồng và hơn thế nữa, chúng tôi còn mua từ năm công ty vắc-xin khác."
Hãng Pfizer cho biết vào tháng Bảy đã đề nghị Hoa Kỳ mua từ 100.000.000 đến 500.000.000 liều bổ sung. Nhưng bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại từ các viên chức của hảng Pfizer rằng nhu cầu có thể vượt xa nguồn cung cấp và trong bối cảnh đơn đặt hàng từ rất nhiều quốc gia nhưng chính quyền Trump đã từ chối lời đề nghị mua nhiều hơn 100 triệu liều để chủng ngừa chỉ có 50 triệu người. Trong một thông báo mới, hảng Pfizer cho biết "bất kỳ đơn đặt hang bổ sung nào ngoài số lượng 100 triệu này đều phải có một thỏa thuận riêng biệt và trong điều kiện có thể chấp nhận được ", và rằng "công ty Pfizer sẽ không có bất kỳ cuộc thảo luận bí mật nào với chính phủ Hoa Kỳ."
Phần lớn nguồn cung cấp vắc-xin toàn cầu đã được mua bởi các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ, Canada, Anh và các quốc gia ở châu Âu, khiến những hảng báo chế Vaccin bị chỉ trích rằng những nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ bị bỏ lại phía sau. Chánh phủ Trump đã từ chối tham gia vào một sáng kiến toàn cầu, được gọi là Covax, để sẳn xuất một Vaccin trên toàn cầu.
Cả hai luật sư của Trump cùng bị nhiễm
Trong ngày Chủ Nhật 06/12/2020, tại Mỹ đã có hơn 180.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 1.100 bệnh nhân thiệt mạng, theo thống kê của đại học Johns Hopkins. Lệnh tái phong tỏa tại bang California bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 07/12/2020.2 luật sư Jenna Ellis và Rudolph W. Giuliani của ông Trump đều bị Covid.
Ảnh Rey Del Rio/Getty Images
Trên toàn nước Mỹ hiện có hơn 100.000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện. Trong số này có luật sự thân tín nhất của tổng thống Donald Trump, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani. Ông bị xét nghiệm dương tính với virus corona và con trai ông cho biết luật sư riêng của tổng thống Trump đã phải nhập viện.
Thông tín viên Loubna Anaki từ New York cho biết thêm thông tin :
"Thông tin do chính Donald Trump cung cấp trên mạng Twitter. Tổng thống Mỹ viết : « Rudy Giuliani, thị trưởng giỏi nhất trong lịch sử New York không ngừng đấu tranh để vạch trần những vụ gian trá trong cuộc bầu cử. Ông ấy đã nhiễm virus Trung Quốc. Hãy chóng bình phục nhé! ».
Rudy Giuliani là luật sư riêng của tổng thống mãn nhiệm. Trong những tuần qua, ông đã đi khắp nước Mỹ để phản đối kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Luật sư Giuliani đã tham gia rất nhiều các cuộc điều trần trong các phòng họp kín và không bao giờ đeo khẩu trang.
Chính việc đeo khẩu trang là một yếu tố hết sức quan trọng, như điều phối viên cơ quan qiản lý dịch của Nhà Trắng, bác sĩ Deborah Brix, đã nhắc lại hôm qua. Bà chỉ trích một số chính khách Mỹ, đứng đầu là Donald Trump, bóp méo thông tin. Bác sĩ Birx nói : « Tôi nghe thấy có những người lập đi lập lại như một con vẹt rằng đeo khẩu trang không có hiệu quả, rằng các cuộc tập hợp đông đảo không phải là mầm mống lây nhiễm. Tất cả những chuyện đó đều hão huyền và không đúng với sự thật ». Bà nhấn mạnh : Nước Mỹ vừa trải qua tuần lễ đen tối nhất kể từ đầu mùa dịch. Đêm qua, bang California vừa tái ban hành lệnh phong tỏa. Như vậy 33 triệu người phải ở yên trong nhà. Các giới chức y tế Mỹ cảnh báo tình hình có nguy cơ xấu đi thêm vào mùa đông này."
Anh Quốc, nước đầu tiên tiêm chủng đại chúng
Một y tá tiêm cho một cụ bà loại vac-xin Covid-19 do hãng Pfizer-BioNTech bào chế, tại bệnh viện Guy's Hospital, Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 08/12/2020. AP - Frank Augstein
Một bà cụ người Anh 90 tuổi hôm nay 08/12/2020 đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm chủng vac-xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech, trong khuôn khổ chiến dịch tiêm chủng đại trà tại Anh Quốc.
Là quốc gia châu Âu có số ca tử vong nhiều nhất, với 61.500 nạn nhân, Anh cũng là nước đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng vac-xin của hãng Pfizer/BioNTech. Loại vac-xin này phải được bảo quản ở -70°C, một thách thức to lớn cho việc tồn trữ và vận chuyển. Tổng cộng chính phủ Anh đã đặt mua 357 triệu liều vac-xin của 7 nhà sản xuất khác nhau.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix cho biết cụ thể về chiến dịch tiêm chủng hàng loạt tại Anh :
« Đã đến ngày tiêm chủng được mệnh danh V-Day. Một làn sóng hy vọng dấy lên từ chiến dịch này. Người đầu tiên được tiêm chủng vào đúng 6 giờ 31 phút sáng nay, tại bệnh viện Coventry ở miền trung nước Anh, là một bà cụ 90 tuổi tên Margaret Keenan. Cụ bà thuộc diện ưu tiên và tỏ ra vui sướng khi có thể gặp lại gia đình sau thời gian hơn một năm phải sống một mình.
Tổng cộng 800.000 liều vac-xin đã được chuyển đến 50 bệnh viện ở 4 nước thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh, và trong giai đoạn đầu sẽ có 400.000 người được tiêm chủng. Họ sẽ được tiêm liều thứ 2 sau 21 ngày.
Được chủng ngừa trước tiên là những người từ 80 tuổi trở lên, được bác sĩ gia đình liên hệ, và những người già đang nằm viện, hoặc đã có hẹn với bệnh viện. Trong danh sách ưu tiên còn có nhân viên y tế ở các viện dưỡng lão và bệnh viện. Các viên chức của cơ quan y tế công NHS khẳng định tất cả đã sẵn sàng, và chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất trong lịch sử nước Anh là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống Covid. »
Theo báo chí Anh, nữ hoàng Elizabeth II, 94 tuổi và hoàng thân Philip 99 tuổi, sắp tới cũng sẽ được chích ngừa, có thể là một cách công khai, để cổ vũ nhiều người đi tiêm chủng. Một số ngôi sao hoặc nhân vật có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng sẽ tham gia, chẳng hạn Ronnie Wood, cây guitar của nhóm nhạc rock lừng danh Rolling Stones. Bộ trưởng Y Tế Anh cũng cho biết sẵn sàng được chích ngừa và cho truyền hình trực tiếp.
WHO phản đối việc bắt buộc tiêm chủng Covid-19
Ảnh minh họa vac-xin ngừa Covid-19, chụp ngày 10/04/2020. REUTERS - Dado Ruvic Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua 07/12/2020 tuyên bố việc tiêm chủng chống Covid-19 không thể bị bắt buộc, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.
Ông Michael Ryan, giám đốc phụ trách các vấn đề y tế khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh cần giải thích những lợi ích của việc chích ngừa hơn là cưỡng bức. Bà Kate O’Brien, giám đốc ban miễn dịch và vac-xin cũng nói rằng kinh nghiệm cho thấy tại những nước bắt buộc tiêm chủng, hiệu quả rất hạn chế. Tuy nhiên, trong những tình huống nhất định ở một số nước, có những nhân viên bệnh viện phải được khuyến cáo đi tiêm chủng.
Về phần tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông kêu gọi những nước sắp triển khai nên chủng ngừa trước hết cho những người cần được ưu tiên, như nhân viên y tế làm việc ở những nơi dễ bị lây nhiễm nhất, người có bệnh nền, tuổi cao, vì số lượng vac-xin trong giai đoạn đầu không nhiều.
Để tránh việc những nước giàu mua hết các liều vac -xin trong những tháng đầu tiên, WHO thiết lập cơ chế ACT-Accelerator nhằm phân phối công bằng hơn. Nhưng như vậy tổ chức này cần ngay lập tức 4,3 triệu đô la, mà quỹ thì đang thiếu.
Liên Hiệp Quốc chọn 27/12 là « Ngày quốc tế chuẩn bị đối phó dịch bệnh »
Hôm qua 07/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố chọn ngày 27/12 là « Ngày quốc tế chuẩn bị đối phó dịch bệnh », theo một nghị quyết được 14 nước, trong đó có Việt Nam, đề nghị.
Đại dịch corona đang lan tràn trên thế giới chứng tỏ sự thiếu chuẩn bị ở hầu hết các nước. Nghị quyết cổ vũ 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, các cơ quan quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nên có những hoạt động nhằm thông tin và khơi dậy ý thức, chuẩn bị đối phó với dịch bệnh.
Nghị quyết cũng yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vốn đang bị chỉ trích là thiếu minh bạch và chịu áp lực của Trung Quốc, cần có sự hợp tác để tổ chức « Ngày quốc tế chuẩn bị đối phó dịch bệnh ».
Việt Nam, quốc gia đang chống dịch hiệu quả, nhấn mạnh Covid-19 không phải là dịch bệnh đầu tiên hay cuối cùng, và không loại trừ việc một dịch bệnh lại xảy ra, rồi trở nên trầm trọng vào bất kỳ lúc nào.
AFP cho biết là các đồng tác giả của văn bản không mang tính chất ràng buộc này là Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Tây Ban Nha, Tadjikistan, Qatar, Nicaragua, Niger, Ghinê xích đạo, Sénégal, Palestine, Saint-Vincent-et-les-Grenadines
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong lãnh vực này, và theo báo Tuổi Trẻ, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam đề xướng, được đại sứ Việt Nam đại diện cho 14 nước trình bày trước Đại hội đồng.
California tái phong tỏa, Texas gia tăng xét nghiệm
Một y tá đang chuẩn bị chăm sóc một bệnh nhân tại khoa Hồi Sức ở trung tâm y tế Saint-Joseph, Burbank, California, Hoa Kỳ, ngày 19/11/2020. REUTERS - LUCY NICHOLSON
Tại Hoa Kỳ, đại dịch Covid-19 tiếp tục tăng nhanh, tổng cộng đã có hơn 282.300 người thiệt mạng và 14.764.000 ca dương tính. Từ hai tuần qua, số ca tử vong mỗi ngày luôn cao hơn 2.000 và cơ quan y tế dự báo Mỹ đang bước vào giai đoạn lây nhiễm cao. Do phải cần 12 đến 18 tháng để phân phối vac-xin và chủng ngừa, nên việc xét nghiệm là là biện pháp chủ yếu để ngăn chận dịch bệnh.
Kể từ hôm qua 07/12/2020, khoảng 20 triệu dân Nam California lại bị phong tỏa, đa số công sở phải đóng cửa. Thống đốc Gavin Newson ra lệnh này vì đã có đến 85% số giường chăm sóc đặc biệt là dành cho các bệnh nhân Covid-19.
Texas mở các phòng thí nghiệm cơ động
Hiện nay, mỗi ngày có 15.000 người dân Texas được xét nghiệm dương tính, một con số cao chưa từng thấy. Tuy nhiên, phải chờ từ 3 ngày đến một tuần mới nhận được kết quả, trong thời gian đó virus đã lây lan. Một sáng kiến đã được áp dụng tại Texas : thay vì gởi mẫu đi phân tích, nay phòng xét nghiệm được đưa đến tận nơi.
Từ Houston, thông tín viên Thomas Harms gởi về bài phóng sự :
« Một container sơn màu trắng được đặt tại bãi đậu xe, hai cửa sổ được mở ra để nhân viên phòng xét nghiệm lấy mẫu và phân tích tại chỗ. Mario Scade từ San Diego, California đến để lắp đặt thiết bị.
Ông nói : « Đó là một phòng xét nghiệm y tế hoàn chỉnh đã được cấp giấy chứng nhận, có thể phân tích mẫu và cho kết quả trong vòng 15 phút ». Nếu có kết quả âm tính, một mật mã sẽ được gởi đến điện thoại của bệnh nhân, nhờ đó người này có thể vào được tòa nhà mà không cần đeo khẩu trang, sau khi đi qua phòng khử trùng.
Stephen Thomas là tổng giám đốc TPT Global Tech, công ty đã triển khai dự án này. Ông cho biết : « Ý định của chúng tôi là bạn có thể lái xe đến nơi xét nghiệm, và khi về tới nhà thì đã có kết quả. Chúng tôi muốn trẻ em có thể trở lại trường, người dân có thể đến nhà hàng, vào sân vận động… Khi bạn âm tính với Covid, bạn có thể gỡ khẩu trang và cố gắng tìm lại một cuộc sống bình thường ».
Theo Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ CDC, một kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong ba ngày, sau đó phải xét nghiệm lại. Như vậy, đây là một thị trường béo bở, vì nếu giá xét nghiệm nay khoảng 10 đô la, thì các phòng xét nghiệm thường tính tiền cao hơn nhiều, có khi gấp 20 lần ».
San Francisco phong tỏa phòng Covid-19
\
Đối phó với dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ngày 04/12/2020, TP San Francisco quyết định phong tỏa, Califorrnia, Hoa Kỳ. AP - Jeff Chiu
Số người nhiễm Covid-19 gia tăng từng ngày tại Mỹ. Với hơn 225 nghìn ca nhiễm mới và 2500 người chết trong 24 giờ, chính quyền các bang thực sự lo ngại làn sóng dịch Covid-19 đang bùng lên dữ dội sau kỳ lễ Tạ Ơn. Với đà lây lan như hiện nay, các bệnh viện có nguy cơ quá tải, đặc biệt là số các giường bệnh hồi sức tích cực.
Bang California dù đã ban hành lệnh giới nghiêm từ hai tuần nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến xấu đi từng ngày. Thành phố San Francisco buộc phải ban hành các biện pháp phong tỏa tại địa phương. Thông tín viên tại San Francisco, Eric de Salve:
Tuần này, 120 nghìn dân California bị nhiễm virus corona. Con số tương đương với số dân thành phố Berkeley. Từ đầu đại dịch chưa bao giờ bang này ghi nhận số người nhiễm cao như vậy. Trung bình mỗi ngày California có thêm 17 nghìn ca nhiễm, trên tổng số 40 triệu dân. Số ca nhiễm tăng 60% so với cách đây 2 tuần, khi thống đốc bang thuộc đảng Dân Chủ đã ra lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đến 5 giờ sáng.
California cũng là bang đầu tiên của Hoa Kỳ quyết định phong tỏa hồi giữa tháng Ba vừa qua. Lệnh phong tỏa này vẫn chưa hề được gỡ bỏ mà chỉ được giảm nhẹ. Nhưng như thế vẫn không đủ.
Hôm thứ Sáu (04/12), thống đốc Gavin Newsom đã ban bố những biện pháp hạn chế mới. Các biện pháp sẽ được áp đặt, tùy mức độ quá tải của bệnh viện, khi một vùng có số giường hồi sức cấp cứu bị chiếm vượt con số 85%.
Tại San Francisco, thị trưởng London Breed không đợi tới ngưỡng trên. 75% số giường hồi sức tích cực của thành phố đã có bệnh nhân, “nhưng với nhịp độ này, chúng ta sẽ không còn chỗ cho bệnh nhân từ nay đến Noel. Chúng ta phải lật ngược xu hướng “, ông London Breed nhấn mạnh.
Thành phố ra lệnh cấm hầu hết các hoạt động nơi công cộng, kể cả nhà hàng, quán bar và hiệu làm đầu kể từ tối Chủ nhật này.