Freedom House Trao Giải Thưởng Tự Do cho
PT ỦNG HỘ DÂN CHỦ HỒNG KÔNG
PT ỦNG HỘ DÂN CHỦ HỒNG KÔNG
Freedom House đã trao ‘Giải thưởng Tự do’ năm 2020 cho phong trào ủng hộ dân chủ Hồng Kông trong việc đấu tranh chống lại ĐCSTQ xâm phạm quyền tự do của Đặc khu này.
Những người yểm trợ PT Ủng Hộ Dân Chủ cho Hồng Kong giơ cao bảng hiệu khi biểu tình tại Công Trường Lafayette Square gần White House ở Washington, DC, vào ngày 18 tháng 8, 2019. (Ảnh của Alastair Pike / AFP)
Freedom House vinh danh những người biểu tình Hồng Kông,” tổ chức tư vấn chính phủ có trụ sở tại Washington cho biết trong buổi trao giải trực tuyến được tổ chức vào ngày 16/9 kèm lời giải thích: “Hồng Kông hiện đã gia nhập vào các nhóm bị ĐCSTQ áp bức nghiêm trọng.”
Tuy vậy, tổ chức này nói rằng họ không thể công khai danh tính của bất kỳ ai trong phong trào này bởi vì điều đó sẽ “khiến cuộc sống của họ gặp nguy hiểm.” Freedom House chỉ ra rằng kể từ khi Luật An ninh quốc gia của Bắc Kinh có hiệu lực tại Hồng Kông vào cuối tháng 6, “nhiều sinh viên đã bị giam giữ, các nhà lãnh đạo biểu tình bị bắt, các nhà hoạt động bị mất tích, và các giáo sư thì bị sa thải.”
Phong trào ủng hộ dân chủ kêu gọi bảo vệ quyền tự do và pháp quyền của Hồng Kông đã bắt đầu diễn ra từ tháng 6 năm ngoái, với hàng triệu người Hồng Kông xuống đường để phản đối dự luật dẫn độ (hiện đã được hủy bỏ) của chính quyền Đặc khu. Kể từ đó, phong trào này tiếp tục phát triển nhằm kêu gọi quyền dân chủ lớn hơn, chẳng hạn quyền phổ thông đầu phiếu cho cử tri thành phố.
Sau khi Bắc Kinh ban hành Luật An ninh quốc gia nhằm trừng phạt những tội danh mơ hồ như ly khai và lật đổ chính quyền với mức án tối đa là tù chung thân, chính phủ Hoa Kỳ đã thu hồi quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông, đồng thời trừng phạt các viên chức Hồng Kông và Đại lục chịu trách nhiệm làm suy yếu quyền tự trị của Đặc khu hành chính.
Tổ chức trao thưởng nói: “Tất cả chúng ta đều trông đợi ngày mà chúng ta có thể xướng danh họ. Quyền tự do sẽ chiếm ưu thế và chế độ cộng sản Trung Cộng không thể kiểm soát được tinh thần con người.”
Freedom House trao Giải thưởng Tự do hàng năm kể từ năm 1943 để vinh danh những nhà lãnh đạo đấu tranh cho tự do và dân chủ. Những người được vinh danh trong quá khứ gồm có nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma, cựu thủ tướng Anh Winston Churchill, và nhà lãnh đạo dân quyền – Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King.
”
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng Hòa) đã phát biểu tại sự kiện trực tuyến này.
Bà Pelosi nói: “Sự dũng cảm phi thường của những người biểu tình Hồng Kông tương phản hoàn toàn với một chính phủ hèn nhát từ chối tôn trọng luật lệ và nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” mà chính họ đã hứa cách đây hơn hai thập kỷ.”
Năm 1984, Trung Cộng và Anh đã ký một hiệp ước quốc tế được gọi là Tuyên bố chung Trung – Anh, trong đó nêu ra các điều khoản về việc Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Cộng vào năm 1997.
Theo hiệp ước, hiến pháp thu nhỏ của Hồng Kông – còn được gọi là Luật Cơ Bản đã được soạn thảo để bảo đảm Đặc khu có quyền tự trị cao trong 50 năm kể từ năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ.”
Ông Rubio nói: “Tôi không thể nghĩ đến một nhóm nào tốt hơn người dân Hồng Kông, đặc biệt những người đã tham gia bảo vệ nền dân chủ và tự do, để được Freedom House vinh danh năm nay.”
Ông nói thêm: “Mặc dù chúng ta cảm thấy kinh hãi khi nhìn thấy những gì Bắc Kinh đang làm tại Hồng Kông, nhưng chúng ta được truyền cảm hứng bởi sự dũng cảm và tầm nhìn của những người đang chiến đấu để đòi hỏi và bảo vệ nền dân chủ.”
Nhà hoạt động Hồng Kông Nathan Law, hiện đang ở London sau khi trốn khỏi Hồng Kông vào đầu tháng 7, cũng phát biểu tại sự kiện trực tuyến này.
Anh Law nói: “Hồng Kông là tuyến đầu trong cuộc xung đột giữa chủ nghĩa độc tài và các giá trị dân chủ.”
Anh nhận định chính phủ các nước phương Tây như Hoa Kỳ và Anh, đã đóng vai trò quan trọng trong việc “kiềm chế sự bành trướng độc đoán của Trung Cộng ” và trong việc yêu cầu Bắc Kinh giải quyết các vi phạm nhân quyền.
Nhà hoạt động trẻ cho biết: “Đối với tôi, muốn tự do cần phải có sự thận trọng không ngừng đối với các bất công trong xã hội.”
Vào ngày 8/9, cảnh sát Hồng Kông thông báo trên trang Facebook của mình rằng 10.016 người đã bị bắt kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình quy mô lớn tại thành phố này vào tháng 6 năm ngoái cho đến ngày 6/9 năm nay.
Trong số những người bị bắt giữ, 2.210 người bị cáo buộc các tội danh như “bạo loạn” và “tụ tập bất hợp pháp.”
Frank Fang / The Epoch Times
Vương Nghị cảnh báo Na Uy việc trao giải
Nobel Hòa bình cho người biểu tình Hồng Kông
Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị đã cảnh báo Na Uy không trao giải Nobel Hòa bình cho những người biểu tình ở Hồng Kông trong chuyến thăm quốc gia Bắc Âu này. Ông Vương kêu gọi Na Uy “trân trọng mối quan hệ song phương lành mạnh và ổn định” giữa hai nước, tờ SCMP đưa tin.Nobel Hòa bình cho người biểu tình Hồng Kông
Ngoại Trưởng Trung Cộng Wang Yi – Vương Nghị (trái) and Ngoại trưởng Na uy Ine Eriksen Soreide trong một buổi ho0pba6o chung nhân dịp NT Vương Nghi viếng thăm quốc gia này ngày 27 tháng 8 vừa qua tại thủ đô Oslo. (Photo by Heiko Junge / NTB Scanpix / AFP)
Đây là chuyến thăm Na Uy đầu tiên của một Ngoại trưởng Trung Cộng sau 15 năm – một ám chỉ tinh tế về mối quan hệ ngoại giao đã đóng băng từ năm 2010 đến năm 2016 sau khi Ủy ban giải Nobel Hòa bình tại Oslo trao giải cho nhà bất đồng chính kiến Trung Cộng Lưu Hiểu Ba.
Khi được một phóng viên hỏi rằng Trung Cộng sẽ phản ứng như thế nào nếu giải thưởng này sẽ được trao cho những người biểu tình Hồng Kông trong tương lai, ông Vương Nghị cho biết: “Tôi chỉ nói một điều: Trong quá khứ, hôm nay và trong tương lai, Trung Cộng sẽ kiên quyết phản đối bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ ai nhằm sử dụng giải Nobel Hòa bình để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Cộng . Trung Cộng tuyệt đối kiên định theo nguyên tắc này.”
Ông nói: “Chúng tôi không muốn thấy quí vị chính trị hóa giải Nobel Hòa bình.”
Ngoại trưởng Trung Cộng qua đó kêu gọi Na Uy trân trọng mối quan hệ hiện tại, nói: “Nếu chúng ta có thể tiếp tục tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng với nhau… thì mối quan hệ song phương của chúng ta có thể tiếp tục phát triển một cách bền vững và lành mạnh, và nền tảng chính trị của mối quan hệ giữa hai nước sẽ tốt đẹp hơn nữa.”
Không giống như những người đồng cấp Ý và Hà Lan đã gặp ông Vương vào những ngày trước đó, bà Søreide không đề cập đến tình hình của Hồng Kông mặc dù bà cho biết hai bên đã thảo luận về các vấn đề nhân quyền.
Trong chuyến thăm Na Uy lần này, ông Vương và bà Søreide còn thảo luận về chủ nghĩa đa phương khi Na Uy chuẩn bị đảm nhận một ghế luân phiên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, nơi Trung Cộng là thành viên thường trực.
Na Uy là chặng thứ ba trong chuyến công du năm quốc gia châu Âu của ông Vương nhằm thúc đẩy hợp tác Trung Cộng – châu Âu.
Ngoại trưởng Trung Cộng cũng bày tỏ sự nghi ngờ về nguồn gốc của virus corona khi ông hứng chịu nhiều lời chỉ trích về việc Trung Cộng xử lý đại dịch trong cuộc họp báo ở Oslo.
Khi một phóng viên nêu trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị chính quyền trừng phạt vì đã đưa ra cảnh báo về virus, ông Vương đáp trả bằng cách nói rằng virus này được phát hiện ở nhiều nơi khác nhau và thậm chí có nơi còn xuất hiện trước cả ở Trung Cộng .
“Nó thực sự bắt nguồn từ đâu? Bệnh nhân số 0 là ai? Đây là những câu hỏi khoa học… không nên bị chính trị hóa hoặc kỳ thị,” ông Vương nói.
Hứa hẹn sẽ hợp tác kinh tế với Na Uy trong thời kỳ hậu đại dịch, ông Vương cho biết Trung Cộng và Na Uy nên đẩy nhanh việc ký kết hiệp định thương mại tự do.
Ông Vương cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Na Uy sang Trung Cộng . Ông cũng hứa sẽ xem xét cho phép những người mang hộ chiếu Na Uy được miễn thị thực để quá cảnh ngắn hạn ở Trung Hoa.
Sau Na Uy, Ngoại trưởng Trung Cộng sẽ tiếp tục chuyến công du tới Pháp và Đức.
(theo SCMP)