Đức giáo hoàng PHANXICÔ,
lãnh tụ thế giới tự do ?
lãnh tụ thế giới tự do ?
Đức giáo hoàng Phanxicô vẫy chào giáo dân sau khi cử hành thánh lễ Phục Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, 01/04/2018.REUTERS/Max Rossi
(RFI) « Đức giáo hoàng Phanxicô đóng vai trò như thế nào trước Donald Trump, Erdogan, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Em-manuel Macron… » . Đó là chủ đề của tuần báo Le Point kỳ này. Tờ báo đặt vấn đề, ảnh hưởng của người đứng đầu giáo hội Công giáo không ngừng tăng lên, trước các nhà lãnh đạo cá tính, phải chăng ngài đang trở thành lãnh tụ của thế giới tự do ?
« Tôi sẽ nhớ những gì ngài nói ! ». Khi rời văn phòng Vatican ngày 24/05/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quay trở lại, nói nhỏ vào tai Đức giáo hoàng Phanxicô như thế - theo lời kể của Hồng y Jean-Louis Tauran. « Đức giáo hoàng để lại dấu ấn nơi tất cả các vị khách, thế nên ai cũng muốn gặp ngài ».
Dưới thời Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên và không phải là người châu Âu, Vatican đã trở thành ngã tư của thế giới. Tổng thống, thủ tướng các nước thi nhau đến khu vực Đại giáo đường Thánh Phêrô: trong năm năm qua có đến 90 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ đã được Đức giáo hoàng tiếp, trong đó có những vị được tiếp nhiều lần.
Ngay cả nữ hoàng Elisabeth của Anh quốc, cũng đã đến Vatican lần đầu tiên. Ông chủ điện Kremlin đến Vatican năm lần, trong đó có hai lần để gặp Đức giáo hoàng Phanxicô. Bà Angela Merkel trước đây thường đến thăm người đồng hương - Đức giáo hoàng Biển Đức XVI - nay cũng rất thân thiết với vị giáo hoàng kế nhiệm, nhất là sau khi mở cửa biên giới cho người tị nạn. Đức giáo hoàng Phanxicô chìa bàn tay cho mọi người, kể cả Joseph Kabila (nhà độc tài Congo), Erdogan (thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ).
Ngoại giao Vatican hiện diện khắp nơi. Tại châu Mỹ la-tinh, Đức giáo hoàng đã cố gắng đưa Cuba quay lại với cộng đồng quốc tế, xúc tiến hòa bình cho Colombia. Tại châu Á, ngài đang xích gần lại với Trung Quốc, và luôn lên tiếng bênh vực người Rohingya ở Miến Điện. Ở châu Phi, ngài vận động cho hòa bình ở Mozambique, Trung Phi, Congo, và dự định đến Nam Sudan dù mọi người can gián vì lý do an ninh. Tại Cận Đông, trên vùng Đất Thánh, Đức giáo hoàng liên tục tìm cách làm dịu đi xung đột Israel-Palestine.
Vatican, ngã tư quốc tế
Người đứng đầu một giáo hội 1,2 tỉ tín đồ còn là một thủ lãnh chính trị. Vatican, nhà nước nhỏ bé với diện tích vỏn vẹn 44 hec-ta có một bộ máy rất hiệu quả. Quốc vụ khanh là Hồng y Pietro Parolin là nhà ngoại giao lão luyện, từng đóng vai trò quan trọng trong các hồ sơ lớn như việc thương lượng với lực lượng FARC ở Colombia, giúp quan hệ Hoa Kỳ-Cuba tan băng. Khoảng một trăm sứ thần, tức đại sứ của Vatican, mỗi vị chỉ có một hoặc hai cộng sự.Tuy số lượng khiêm tốn, nhưng đây là một mạng lưới toàn cầu, vì trong số 195 quốc gia trên thế giới, chỉ có hơn một chục nước không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Trong đó có ba quốc gia quan trọng nhất, theo đánh giá của một nhà ngoại giao, là Ả Rập Xê Út, Trung Quốc và Việt Nam. Vatican là thành viên của Hội đồng Châu Âu, các tổ chức quốc tế như OSCE (Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu), AIEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), và có tư cách quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc, thậm chí là Nhà nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử vào tháng 7/2017.
Nhà báo Constance Colonna-Cesari, tác giả cuốn « Bí mật của nền ngoại giao Vatican » nhận định : « Thế mạnh chính là chất lượng thông tin. Các nhà ngoại giao được thông báo lập tức từ các hồng y, linh mục, tu sĩ…là chứng nhân của những gì đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Và Tòa Thánh không hề tìm cách bán vũ khí, giành thị phần hay lấn lướt bất kỳ quốc gia nào, nhờ đó được rộng tay hơn ».
Le Point cho rằng trong lúc bản đồ địa chính trị đang được vẽ lại và các chế độ độc tài nở rộ, những ý tưởng của Đức giáo hoàng Phanxicô mang một tầm quan trọng mới. Nelson Mandela đã qua đời, bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện và ông Lula của Brazil bị mất uy tín, giải Nobel hòa bình Obama gây thất vọng, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chưa gây được dấu ấn, Đạt Lai Lạt Ma lặp lại những điều đã cũ… Đức giáo hoàng Phanxicô có cơ hội trở thành lương tâm của thế giới.
Tiếng nói của ngài hàng ngày được đưa đến cả những nơi xa xôi hẻo lánh trên toàn cầu, với 350 nhân viên của Radio Vatican – từ ngày 01/01/2018 đã đổi tên thành Vatican News – phát bằng 40 thứ tiếng. Tài khoản Twitter của Đức giáo hoàng có 43 triệu người theo dõi. Bài trả lời phỏng vấn, bài giảng, sắc thư…rồi những chuyến tông du : trong 5 năm qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã thăm 33 nước. Ở Vatican người ta nói đùa: « Chúa hiện diện ở mọi nơi, nhưng Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm trước đó. Còn Đức giáo hoàng Phanxicô thì tìm đến những nơi mà người tiền nhiệm chưa hề đặt chân đến » - như đảo Lampedusa của người tị nạn, hay giữa rừng Amazon.
Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những vùng xám. Một linh mục Pháp ở Roma nhận định : « Đức giáo hoàng rất quan tâm đến những người bên ngoài Giáo hội, nhưng lại ít chú ý hơn đối với những cộng sự ». Ngoại giao thành công, nhưng quản lý lại gây thất vọng. Đến nỗi ngài từng thốt lên : « Cải cách ở Roma, cũng giống như dùng bàn chải đánh răng để làm sạch tượng Nhân sư ở Ai Cập ».