Điểm Tin Thế Giới Trong Ngày (19/6/2020) Brazil : Số người chết vì Covid-19 lên gần 50 nghìn

Tin Tức

Điểm Tin Thế Giới Trong Ngày (19/6/2020)

Brazil : Số người chết vì Covid-19
lên gần 50 nghìn


Nhân viên nhà tang lễ đang di chuyển thi hài một nạn nhân Covid-19, Rio de Janeiro, ngày 18/05/2020. REUTERS/Ricardo Moraes

Theo Reuters, bộ Y Tế Brazil thông báo hôm qua, 18/06/2020, trong 24 giờ, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 1.238 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số nạn nhân từ đầu dịch đến nay lên thành 47.748.

Vẫn theo số liệu của cơ quan y tế, tổng số ca nhiễm virus corona tại Brazil đã đạt con số gần một triệu người, tăng hơn 22 nghìn ca nhiễm mới trong ngày hôm qua. Hiện giờ Brazil là quốc gia đứng thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ, về số ca nhiễm và tử vong vì virus corona.  
Còn tại Mỹ, trong khi tình hình một số vùng tâm dịch như New York và New Jersey đã dần được kiểm soát, thì tại hơn một chục bang khác, dịch lại có xu hướng lây lan mạnh, đặc biệt là ở miền nam và miền tây đất nước.
Tuy nhiên, trả lời AFP ngày hôm qua, chuyên gia Anthony Fauci, từng là cố vấn trong nhóm chống dịch của tổng thống Trump, nhận định, những biện pháp tái phong tỏa là không cần thiết với Mỹ dù dịch có bùng phát mạnh trở lại ở một số nơi của đất nước. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ tính đến ngày hôm qua là gần 120 nghìn người.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, tình hình diễn biến dịch vẫn tiếp tục phức tạp, khu dân cư Chennai ở miền nam, gồm khoảng 15 triệu dân, hôm nay bị phong tỏa trở lại.
Tại Ý, một nghiên cứu của Viện Y Tế Ý (ISS) cho thấy virus corona chủng mới đã xuất hiện trong nước thải của 2 thành phố miền bắc Milano và Turino từ hồi tháng 12/2019, tức là hai tháng trước khi chính thức phát hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở nước này.
 
Facebook rút quảng cáo vận động tranh cử của TT Trump
có biểu tượng Đức Quốc Xã

Những quảng cáo vận động tranh cử của Donald Trump, có mang một biểu tượng được Đức Quốc Xã sử dụng trong Đệ Nhị Thế Chiến, đã bị Facebook gỡ bỏ ngày 18/06/2020. FACEBOOK/AFP

Ngày 18/06/2020, mạng xã hội Facebook đã cho gỡ bỏ các quảng cáo chiến dịch vận động tranh cử của Donald Trump, có mang một biểu tượng được Đức Quốc Xã sử dụng trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Phát ngôn viên của mạng xã hội cho biết là « đã dỡ bỏ các niêm yết và quảng cáo bởi vì chúng vi phạm các quy định của chúng tôi về việc bày tỏ thái độ thù hận có tổ chức ».
Theo AFP, chính Washington Post đã lên tiếng báo động đầu tiên về những nội dung gây tranh cãi đó với Facebook. Ngoài việc đả kích phe cực tả, các quảng cáo chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump còn đăng hình ảnh một hình tam giác mầu đỏ đặt ngược. Biểu tượng này đã được Đức Quốc Xã sử dụng để phân biệt tù nhân chính trị trong các trại tập trung.
Ông Jonathan Greenblatt, chủ tịch Liên đoàn chống phỉ báng ADL (Anti-Defamation League), một hiệp hội Do Thái trên mạng xã hội Twitter, cho rằng « sử dụng biểu tượng này để đả kích các phe đối lập chính trị là một hành động hung hăng ». Theo ông Jonathan Greenblatt, nhóm vận động tranh cử của tổng thống « lẽ ra nên học hỏi thêm lịch sử, sự thiếu hiểu biết là không thể tha thứ ».
 
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ  bác bỏ quyết định của tổng thống Trump về di dân



Sau phán quyết của Tòa Tối Cao ngày 18/06/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải hàng loạt Tweet thể hiện sự không hài lòng. REUTERS/Leah Millis

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thêm một lần nữa thất bại trước Tối Cao Pháp Viện. Tòa án cao nhất của nước Mỹ hôm qua 18/06/2020 đã ra phán quyết bác bỏ quyết định của chính quyền Trump hủy bỏ chương trình DACA, do chính quyền Obama tiền nhiệm đưa ra để bảo vệ gần 700.000 người trẻ tuổi khỏi bị trục xuất vì đã nhập cư trái phép vào Mỹ khi còn ở độ tuổi vị thành niên.

Nhờ chương trình DACA, họ có thể tiếp tục làm việc và học tập hợp pháp tại Hoa Kỳ, giấy phép cư trú được gia hạn hai năm một lần. Phán quyết của Tòa Tối Cao được đưa ra vài ngày sau khi Tòa mở rộng quyền của người lao động đồng tính và chuyển giới. Tổng thống Donald Trump đương nhiên không hài lòng.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
« Vẫn như thường lệ, Donald Trump thể hiện sự khó chịu qua hàng loạt Tweet đầy giận dữ. Ông đã tố cáo một quyết định « chính trị tệ hại » của Tòa Tối Cao. Ngay lập tức, nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã phản ứng giống như tổng thống Mỹ, chẳng hạn thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas. Ông Cruz nói :
« Quyết định hôm nay của Tòa Tối Cao thật đáng xấu hổ. Ra phán quyết không phải là một trò chơi. Nhưng thật không may là trong những năm qua, thường là ngày càng có nhiều trường hợp Chánh án Tòa Tối Cao, thẩm phán Robert, lợi dụng cấp xét xử này cho những mục tiêu chính trị của ông ấy ».
Tuy nhiên, về phía đảng Dân Chủ, thông tin được đón nhận như một điều bất ngờ tuyệt vời. Ông Chuck Schumer, lãnh đạo nhóm thiểu số Dân Chủ tại Thượng Viện, phát biểu :
« "Ồ ... thật là một quyết định tuyệt vời!" Trong những giai đoạn rất khó khăn như thế này, tuần này Tòa Tối Cao đã mang đến cho chúng ta một tia nắng rực rỡ. Tôi rất hài lòng. Đối với tôi, những người trẻ này và gia đình của họ rất quan trọng. Và tôi nghĩ họ cũng quan trọng đối với cả nước Mỹ.
Tuy nhiên, Donald Trump không hạ vũ khí. Ông hứa sẽ một lần nữa yêu cầu bãi bỏ chương trình này, vốn cho phép gần 700.000 người đến lãnh thổ Mỹ trái phép khi họ còn là vị thành niên, rồi được cư trú hợp pháp tại đây. »

 
Đánh thuế GAFA : Cuộc đọ sức Mỹ - Pháp hay sự yếu kém của châu Âu ?
 

Hôm 17/06/2020, Mỹ thông báo tạm ngưng đàm phán với châu Âu về thuế đánh vào các tập đoàn công nghệ GAFA. AFP - LIONEL BONAVENTURE


Cuộc đàm phán quốc tế về thuế kỹ thuật số, chủ đề căng thẳng giữa Washington và Paris, lại rơi vào bế tắc sau thông báo « tạm ngưng » từ phía Hoa Kỳ ngày thứ Tư 17/06/2020. Giới quan sát đánh giá sự việc một lần nữa cho thấy chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và sự yếu kém của Liên Hiệp Châu Âu trên mặt trận thuế quan.

AFP nêu rõ cuộc thương lượng này diễn ra dưới sự chủ trì của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE). Mục tiêu là nhằm đạt được một thỏa thuận quốc tế từ đây đến cuối năm 2020 để đánh thuế các hãng công nghệ số hàng đầu như nhóm GAFA – tên viết tắt của Google, Apple, Facebook, Amazon của Mỹ, vốn thường xuyên bị cáo buộc là không trả thuế đúng mức.
Đề nghị « tạm ngưng » đàm phán của Mỹ được bộ trưởng Tài Chính, Steven Mnuchin, giải thích trong thư gởi các đồng nhiệm châu Âu và các đối tác trong OCDE là do « chính phủ các nước trên thế giới đang tập trung đối phó với dịch Covid-19 và khởi động lại nền kinh tế đất nước. »
Phía Pháp, thông qua lời bộ trưởng Kinh Tế, Bruno Le Maire, lên án quyết định của Mỹ là « một hành động khiêu khích » vào lúc các bên « chỉ còn có vài bước nữa là đạt được một đồng thuận về việc đánh thuế các hãng công nghệ lớn hàng đầu ».
Theo nhận định của giới quan sát, đánh thuế GAFA đang là điểm tranh cãi gay gắt nhất giữa Washington và Paris, có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và châu Âu. Pháp là nước đầu tiên nhận thấy lợi ích từ nguồn thuế này, ước tính mang về cho chính phủ Pháp khoảng 400 triệu đô la trong năm 2019.

Thế nhưng, trong nhãn quan của chính phủ Mỹ, loại thuế này gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước, nhất là đối với các hãng công nghệ số của Mỹ. Ông Clete Williams, cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng, trong một bài nhận định đăng trên trang mạng CNBC hồi cuối tháng 5/2020, không ngần ngại tố cáo các biện pháp thuế quan do Pháp thiết lập là mang tính « phân biệt đối xử ». Nước Pháp tìm cách « trục lợi » tối đa từ các hãng công nghệ cao của Mỹ nhưng lại nương tay với các hãng trong nước.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, dự án ngân sách châu Âu mà 27 nước thành viên hôm nay phải xem xét nhắc đến con số một tỷ euro từ nguồn thu thuế các « ông khổng lồ công nghệ số ». Chỉ có điều cái giá phải trả cho nguồn lợi hấp dẫn này là bao nhiêu ? Liệu Liên Hiệp Châu Âu có thể đạt được một đồng thuận về loại thuế này mà không cần đến Mỹ ?
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Steven Mnuchin, cảnh báo Hoa Kỳ sẽ « đáp trả tương xứng và tương thích » nếu Liên Hiệp Châu Âu có ý định đơn phương áp thuế các hãng công nghệ hàng đầu. Năm 2019, trước việc Pháp muốn áp thuế GAFA, Washington dọa đánh thuế 100% hàng nhập khẩu từ Pháp, ước tính lên đến 2,4 tỷ đô la. Lời đe dọa này buộc Paris phải tạm hoãn thu loại thuế này đến cuối năm 2020.
Theo quan điểm của báo Les Echos, quyết định « thô bạo » của Washington ngưng hợp tác với OCDE cho thấy rõ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ về thuế quan, và sự yếu kém của châu Âu. Vào thời điểm muốn tỏ thiện chí « ít ngây thơ hơn » trên trường quốc tế, Liên Âu lại cay đắng nhận ra rằng họ vẫn bị chính quyền Trump « dắt mũi » trong một hồ sơ mà châu Âu nghĩ là có thể ghi một dấu ấn chính trị mạnh mẽ.
Trước hành động này của Mỹ, hiện chỉ có bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire, lên tiếng phản đối mạnh mẽ, trên đài France Inter, về cách thức Washington đối xử với đồng minh bằng cách « đe dọa trừng phạt có hệ thống ».
 
Chính quyền Nga chịu thua dịch vụ nhắn tin Telegram


Ảnh minh họa : ứng dụng nhắn tin Telegram trên điện thoại AFP - ALEXANDER NEMENOV

Sau hơn hai năm đọ sức, cấm đoán người sử dụng, chặn nhưng không đem lại kết quả, cuối cùng chính quyền Matxcơva đành để mặc dịch vụ nhắn tin Telegram hoạt động tại Nga. Mạng thông tin rất phổ biến tại Nga này bị chặn từ năm 2018 với lý do chống khủng bố.

Thông tín viên RFI tại Mátxcơva, Daniel Vallot: 
"Không có chuyện cơ quan quản lý internet ở Nga thừa nhận thất bại, không có khả năng chặn dịch vụ nhắn tin mà người sử dụng internet tiếp tục sử dụng ồ ạt trong nước.
Về mặt chính thức, chính quyền Nga chỉ từ bỏ chặn Telegram vì lý do người sáng lập ra ứng dụng là Pavel Durov bày tỏ ý muốn được góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng thực tế, người sáng lập ra Telegram, đã chạy khỏi Nga năm 2014, không nhượng bộ gì chính quyền Nga. Chính quyền vẫn không tiếp cận được mã khóa của tin nhắn.
Nếu cơ quan điều hành internet từ bỏ chặn Telegram, sau 2 năm đọ sức, chắc chắn đó là vì họ hoàn toàn bất lực không khóa được dược dịch vụ này.
Mặc dù liên tiếp ra lệnh và đã chặn hàng triệu địa chỉ IP của người sử dụng, Telegram tiếp tục hoạt động. Dù có đôi lúc gặp khó khăn nhưng điều đó cũng không làm nản trí 30 triệu người sử dụng trung thành với dịch vụ này ở Nga.
Cơ quan điều hành internet càng bị mất thể diện khi mà một số cơ quan hành chính của Nga vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ tin nhắn này để thông tin với công chúng. "
 
Châu Âu họp thượng đỉnh bàn kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19



Cờ của Liên Hiệp Châu Âu và các nước thành viên, trước trụ sở Nghi Viện Châu Âu. © AFP


Hôm nay, 19/06/2020, 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã mở cuộc họp thượng đỉnh « ảo » (họp qua video) để thương lượng với nhau về kế hoạch phục hồi kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19, nhằm đưa khối này ra khỏi tình trạng suy thoái.

Theo nhận định của hãng tin AFP, kế hoạch huy động đến 750 tỷ euro sẽ đánh dấu một giai đoạn lịch sử trong tiến trình xây dựng châu Âu hợp nhất : Lần đầu tiên số tiền này sẽ được vay mượn trên các thị trường tài chính với danh nghĩa Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay các nước thành viên của khối này chưa bao giờ chấp nhận vay nợ chung.
Trước cuộc họp thượng đỉnh, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen đã thúc giục các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu nhanh chóng đạt được thỏa thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế này.
Cuộc họp thượng đỉnh hôm nay trước hết là dịp để lãnh đạo mỗi nước thành viên nêu rõ các mục tiêu của mình cũng như các điều kiện cho việc thương lượng. Phải cần thêm 1 hoặc 2 cuộc họp thượng đỉnh mới có thể đạt được thỏa thuận, trễ nhất là cuối tháng 7.
Cụ thể, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu sẽ thảo luận về đề nghị của Ủy Ban Châu Âu về một « công cụ phục hồi kinh tế » 750 tỷ euro, chủ yếu dựa trên sáng kiến của thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trên số tiền 750 tỷ này, 500 tỷ euro sẽ được phân bổ lại trong khuôn khổ ngân sách Liên Hiệp Châu Âu dưới hình thức trợ cấp cho những quốc gia bị dịch Covid-19 nặng nhất, 250 tỷ kia sẽ là dưới dạng các khoản cho vay.
Nhưng hiện nay giữa các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu còn rất nhiều bất đồng lớn về số tiền huy động, thời hạn vay, sự cân đối giữa các khoản cho vay và trợ cấp, tiêu chuẩn phân bổ trợ cấp, cũng như điều kiện để các nước thành viên được nhận trợ cấp.
Cho tới nay, 4 nước Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch vẫn rất dè dặt với kế hoạch phục hồi kinh tế nói trên, vốn chủ yếu có lợi cho các nước phía nam. Bốn nước này đề nghị là nên huy động dưới 750 tỷ, và chủ trương kế hoạch nên bao gồm các khoản vay mà mỗi quốc gia sẽ phải trả, hơn là các khoản trợ cấp không bắt buộc phải trả.
 
Nga sử dụng "đường hầm" an toàn
chống Covid-19 để bảo vệ TT Putin

Khoang khử khuẩn chống virus corona mà khách đến gặp tổng thống Nga Putin phải bước vào, khi đến tiếp xúc với ông trong thời gian có dịch Covid-19. Mizotty/Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin như đã muốn bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ông trước virus corona. Theo truyền thông Nga ngày 16/06/2020, tại điện Kremlin cũng như ở tư dinh, nơi ông cư ngụ phần lớn thời gian, ông Putin đã cho thiết lập một "đường hầm", hay một hành lang, mà tất cả những ai người muốn gặp ông đều phải đi qua, và phải được phun thuốc khử khuẩn.  

Thông tín viên RFI, Daniel Vallot, tường thuật từ Matxcơva: 
Trên các bức ảnh mà hãng tin Ria Novosti công bố, người ta thấy một người đi vào một cái khoang trước khi toàn thân bị phun một chất khử trùng. Theo hãng thông tấn Nga, khoang này đã được dựng lên tại datcha của Putin, tư dinh nổi tiếng ở Novo-Ogariovo, nơi ông Putin cư ngụ phần lớn thời gian, từ đầu dịch bệnh.
Theo Dmitri Peskov, người phát ngôn của  tổng thống, hai thiết bị tương tự cũng được đặt ở điện Kremlin. Các khoang khử trùng do một nhà công nghiệp Nga sản xuất, cho phép đo nhiệt độ các quan khách và cũng được trang bị một máy nhận diện.
Theo ông Peskov thì “các biện pháp này chính đáng và dễ hiểu”.
Theo báo chí Nga, nhiều khách mời dự buổi lễ trao huân chương mà tổng thống Nga tham dự, đã phải chịu một thời gian cách ly trước, khoảng 12 ngày.
Từ khi rút về tư dinh, tổng thống Nga chỉ xuất hiện trước công chúng có hai lần. Theo điện Kremlin, tất cả những người đến gần ông phải được kiểm tra y tế trước.
Tuy nhiên những biện pháp an toàn mà các giới chức Nga đưa ra đã không giúp nhiều lãnh đạo cấp cao tránh được việc bị nhiễm virus, trong đó có  Dmitri Peskov và thủ tướng Mikhaïl Michoustine
 
Úc thông báo bị tin tặc có
chỉ đạo của một Nhà nước tấn công



Thủ tướng Úc Scott Morrison (P) trong cuộc họp báo về vụ tin tặc tấn công các hệ thống tin học của chính phủ và doanh nghiệp Úc, Canberra, ngày 19/06/2020 REUTERS - STRINGER

Tình hình nghiêm trọng đến mức thủ tướng Scott Morrison đã cho triệu tập cuộc họp báo khẩn để thông tin đến toàn dân về mối « nguy hiểm đặc biệt ». Ông Morrison khẳng định một chiến dịch tin tặc rộng lớn đang nhắm vào hệ thống tin học của chính phủ, các cơ quan hành chính và công ty Úc và chiến dịch được chỉ đạo ở từ một « tác nhân Nhà nước tinh vi ».

Theo thủ tướng Úc, « hoạt động này nhắm vào các tổ chức của Úc trên mọi lĩnh vực, mọi cấp chính quyền, kinh tế, chính trị, dịch vụ y tế và các cơ sở hạ tầng chiến lược khác ».
Truyền thông Úc đưa ra danh sách các đối tượng bị nghi ngờ đã được khoanh vùng hẹp lại, gồm một số các quốc gia có đủ khả năng tin tặc. Ngoài một số nước phương Tây còn có Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran, Israel và Nga. 
Dư luận Úc đặc biệt chú ý đến Trung Quốc. Hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền Morrison kêu gọi mở điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch virus corona, đồng thời tố cáo ngoại giao Trung Quốc hung hăng và không trung thực. Để trả đũa, Bắc Kinh kêu gọi dân không nên đến Úc du lịch hay học hành. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã tăng thuế trừng phạt hàng xuất khẩu của Úc.
Đài truyền hình Úc, ABC còn dẫn nhiều « nguồn tin cao cấp » cho rằng Trung Quốc có thể đứng đằng sau các vụ tấn công này.   

Không đi vào chi tiết kỹ thuật, trong cuộc họp báo hôm nay, thủ tướng Morrison cho biết nhiều đợt tấn công tin tặc đã bị chặn. Ông cũng đề nghị các cơ quan, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và hạ tầng cơ sở chiến lược và các dịch vụ chủ chốt hãy mời các chuyên gia tăng cường bảo vệ hệ thống tin học của mình.

 
TIN VẮN THẾ GIỚI
 

((AFP) - NATO điều tra về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. 
Hôm qua, 18/06/2020, theo yêu cầu của các nước châu Âu, Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO đã quyết định điều tra về thái độ « hung hăng » của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại việc khám xét các tàu bị tình nghi vi phạm lệnh cấm vũ khí do Liên Hiệp Quốc ban hành nhằm chắm dứt cuộc xung đột ở Libya. Trong ngày 10/06, trên biển Địa Trung Hải, đã hai lần các tàu của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chận việc khám xét một tàu khả nghi, vụ nghiêm trọng nhất xảy ra với một tàu của Pháp.

(AFP) - Một nhân vật thân cận của con trai tổng thống Brazil bị bắt. 
Một nhân vật thân cận với Flavio Bolsonaro, con trai của tổng thống Brazil  hôm qua, 18/06/2020, đã bị bắt, trong cuộc điều tra về một vụ biển thủ công quỹ. Người bị bắt là tài xế của Flavio Bolsonaro, khi ông còn là dân biểu của bang Rio de Janeiro. Bản thân con trai tổng thống Bolsonaro bị nghi đã rửa tiền bằng cách mua các căn hộ bằng tiền mặt. 

( AFP) - Phi cơ Trung Quốc lại xâm nhập vùng phòng không Đài Loan. 
Đài Bắc tố cáo máy bay tiêm kích của Trung Quốc hôm nay, 19/06/2020, đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, ít nhất một chiếc máy bay tiêm kích J-10 đã xâm nhập vào vùng phòng không này, buộc Đài Bắc phải điều phi cơ lên ngăn chận. Đây là vụ xâm nhập thứ tư của các chiến đấu cơ Trung Quốc từ cách đây đây 4 ngày, khi các phi cơ này bắt đầu bay bên trên Đài Loan với một tần suất cao chưa từng có.

(AFP) - Trung Quốc chính thức truy tố hai công dân Canada tội làm “gián điệp”. Hai người Canada Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao từng làm việc tại Bắc Kinh và Michael Spavor, doanh nhân và là chuyên gia về Bắc Triều Tiên, bị buộc tội “gián điệp”, theo thông cáo của Viện Kiểm Sát Trung Quốc ra ngày hôm qua 18/06/2020. Hai công dân này bị bắt hồi tháng 12/2018 vài ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Washington đề nghị Ottawa cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Mỹ để xét xử tội lách trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Vụ bắt giữ đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc. Đến giờ tư pháp Canada đang xem xét hồ sơ dẫn độ.  

(Le Figaro) - Berlin cáo buộc Moscou ra lệnh ám sát trên đất Đức. Hôm qua, 18/06/2020, Viện Công Tố Liên Bang Đức đã chính thức cáo buộc chính quyền trung ương Nga đã “ra lệnh thanh toán” Tornike Kavtarashvili, một công dân Gruzia. Vụ ám sát đã diễn ra ngày 23/08/2019 ngay tại công viên Tiergarten, trung tâm thủ đô Berlin, trở thành một vụ việc liên quan đến hai Nhà nước. Quan hệ ngoại giao giữa Mátxcơva và Berlin đã xuống tới mức thấp nhất sau vụ việc. Sau khi đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga hồi cuối năm 2019, chính phủ Đức dự tính sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga ở quy mô Liên Hiệp Châu Âu. Matxcơva ngay lập tức đã bác bỏ các cáo buộc của Đức là “không có cơ sở”. 

(AFP) - Dời Techno Parade đến năm 2021. Techno Parade, cuộc diễu hành nhạc techno vẫn diễn ra ở Paris từ 22 năm qua sẽ không được tổ chức vào tháng 9 năm nay, và được dời sang năm sau, do tình hình dịch Covid-19. Cho đến nay, chỉ có một lần Techno Parade bị hủy, đó là vào năm 2001, sau các vụ tấn công khủng bố ở New York, Hoa Kỳ.

Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top