ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 8 THÁNG 4, 2020
Giám đốc điều hành Twitter
đóng góp hơn một tỷ đô la
để chống virus Vũ Hán
Ông Jack Dorsey, Giám đốc điều hành Twitter
Vào hôm 7/4, Giám đốc điều hành Twitter, ông Jack Dorsey tuyên bố rằng, ông sẽ quyên góp 1 tỷ USD, chiếm hơn một phần tư tài sản của ông, nhằm chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông Dorsey, người đồng sáng lập Twitter năm 2006 và tiếp tục thành lập công ty thanh toán Square, vào hôm 7/4 đã viết trên Twitter rằng, ông đã chuyển 1 tỷ USD cổ phiếu Square cho quỹ từ thiện Start Small, nhằm chống lại đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu.
Ảnh chụp màn hình nội dung viết trên Twitter của ông Jack Dorsey, Giám đốc điều hành Twitter.
Ông Dorsey, 43 tuổi, nói rằng số tiền quyên góp tương đương với khoảng “28% tài sản của tôi”. Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, ông Dorsey có khối tài sản khoảng 3,9 tỷ USD.
Ông Dorsey cho biết một khi đại dịch được giải quyết, quỹ được quản lý bởi Start Small sẽ được sử dụng cho các mục đích khác như thu nhập cơ bản toàn cầu (UBI) cùng với giáo dục và y tế cho phụ nữ.
Theo Fox News, Dorsey cho biết ông quyên góp tiền chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán vì “nhu cầu ngày càng cấp thiết” và “hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho những người khác để làm một cái gì đó tương tự. Cuộc sống quá ngắn ngủi, vì vậy hãy làm mọi thứ chúng ta có thể làm ngày hôm nay để giúp mọi người”.
Cho đến nay, đây là sự đóng góp lớn nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Vào tuần trước, ông Jeff Bezos, người sáng lập Amazon và là người giàu nhất thế giới, cho biết trong một bài đăng trên Instagram rằng, ông sẽ quyên góp 100 triệu USD cho ngân hàng thực phẩm từ thiện Feeding America.
Tương tự, theo Fox News, tổ chức từ thiện của tỷ phú Bill Gates cam kết sẽ dành tới 100 triệu USD để chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán, trong đó sẽ chi 20 triệu USD cho việc phát hiện, phân lập và điều trị virus.
Mỹ cam kết viện trợ thêm 225 triệu USD cho các nước
để đối phó với dịch Covid-19
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: White House/Flick).
Nikkei Asian Review đưa tin, ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 7/3 thông báo Mỹ cam kết hỗ trợ thêm 225 triệu USD cho các nước để “làm giảm sự lây lan” của nCov và thúc đẩy các biện pháp đối phó với dịch trên toàn cầu.
Ông Pompeo cho biết, khoản viện trợ trên sẽ được phân bổ cho nhiều kế hoạch, bao gồm việc nâng cao năng lực khám sàng lọc và đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Ông phát biểu, chưa quốc gia nào dám chi khoản tiền lớn đến vậy, giải thích thêm rằng Mỹ đã viện trợ 274 triệu USD cho 64 quốc gia, trong đó Việt Nam nhận được 3 triệu USD.
Nikkei Asian Review bình luận, động thái này được coi là phản ứng với chiến lược “ngoại giao khẩu trang” của Trung Cộng . Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố, Bắc Kinh đã gửi vật tư y tế cùng các hỗ trợ khác tới 120 quốc gia vào cuối tháng 3.
Tuy nhiên, ông Pompeo cho biết Washington sẽ không viện trợ vật tư y tế, trong đó có thiết bị bảo hộ cá nhân vì Mỹ đang cần lượng lớn các sản phẩm này.
Theo Reuters, cũng trong hôm 7/4, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ kêu gọi: “Tất cả các nước, dù là dân chủ hay không, đều cần chia sẻ thông tin về dịch Covid-19 một cách minh bạch, công khai và hiệu quả”.
Trong một diễn biến khác, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump kêu gọi Trung Cộng cho phép Mỹ làm việc trực tiếp với các phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch Covid-19 cuối tháng 12 năm ngoái. Vị quan chức này cho rằng điều này rất quan trọng để cứu sống người dân trên toàn cầu.
Thủ tướng Anh đã hạ sốt
Thủ tướng Anh Boris Johnson (ảnh: FB Boris Johnson)
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bước sang ngày thứ 3 trong phòng cứu cấp ICU tại bệnh viện St Thomas, London do nhiễm Covid-19. Tờ Times đưa tin, tình trạng sốt cao liên tục của Thủ tướng đã giảm. Daily Telegraph cho biết một bác sĩ phổi hàng đầu của Anh đang chăm sóc ông. Báo chí Anh kêu gọi người dân cầu nguyện cho ông Johnson.
Theo AFP, Ngoại trưởng Dominic Raab, người được chỉ định thay thế trong tình huống Thủ tướng Anh không thể điều hành đất nước, gọi ông Johnson là “một chiến binh” và dự đoán “ông sẽ sớm trở lại, dẫn dắt chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này”.
60% người trên du thuyền
ngoài khơi Uruguay nhiễm Covid-19
Tờ The Guardian 8/4 đưa tin, 128 người trong số 217 du khách và thủy thủ trên du thuyền Greg Mortimer nhiễm Covid-19 khi con tàu đang mắc kẹt ngoài khơi Uruguay.Công ty điều hành du thuyền Aurora Expeditions có trụ sở ở Úc, hôm 7/4 cho biết, trong số 132 hành khách và 85 thủy thủ trên tàu du lịch Greg Mortimer, 128 người đã dương tính với nCov. Hầu hết hành khách trên du thuyền là công dân Úc, ngoài ra còn có công dân New Zealand, Mỹ, Anh.
Karina Rando, một trong 21 bác sĩ người Uruguay được phái lên du thuyền, cho biết, nhiều người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Ngoài ra, có nhiều bệnh nhân trên 70 tuổi và mắc bệnh mãn tính.
Greg Mortimer khởi hành hôm 15/3 từ cảng Ushuaia của Argentina, dự kiến thực hiện hành trình 16 ngày đến Nam Cực và đảo Nam Georgia. Tuy nhiên, sau khi khởi hành, một số người có triệu chứng nhiễm nCoV, khiến du thuyền phải chuyển hướng đến thủ đô Montevideo của Uruguay. Du thuyền neo ngoài khơi bờ biển Uruguay từ 27/3, nhưng giới chức Uruguay từ chối cho du thuyền cập cảng, cũng như cho phép hành khách và thủy thủ đoàn rời tàu vì lo ngại dịch Covid-19.
Seoul đóng quán ba, hộp đêm, vũ trường
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Thị trưởng Seoul Park Won-Soon hôm nay công bố lệnh đóng cửa 422 địa điểm quán bar, hộp đêm, vũ trường đến 19/4, nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.Thông báo được thị trưởng Park đưa ra một ngày sau khi hai nữ nhân viên một quán bar ở phía Nam Seoul dương tính với nCoV.
Ông Park cho biết thêm giới chức thành phố đang theo dõi chặt chẽ và xét nghiệm 118 nhân viên của quán bar và những người đã tiếp xúc với hai nhân viên nhiễm Covid-19. 18 người đã cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Thành phố Seoul trước đó đã cho đóng cửa hoặc đình chỉ hoạt động hơn 1.700 đơn vị kinh doanh theo khuyến nghị chống Covid-19 của chính quyền.
Tổng thống Iran thúc giục IMF cho vay 5 tỷ USD
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay thúc giục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay 5 tỷ USD để chống dịch Covid-19.“Tôi yêu cầu các tổ chức quốc tế thực hiện nghĩa vụ của mình… Chúng tôi là thành viên của IMF”, ông Rouhani phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 8/4. “Không nên có sự phân biệt đối xử trong việc cho vay”, Tổng thống Iran tuyên bố, thêm rằng sự phân biệt đối xử như vậy là không thể chấp nhận được.
Tháng trước, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnasser Hemmati đã gửi thư cho IMF, đề nghị vay 5 tỷ USD. Một quan chức IMF cho biết đang đàm phán với chính quyền Iran về đề xuất hỗ trợ, nhằm tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu của nước này.
Mỹ dọa cắt tài trợ cho WHO vì ‘quá quỵ lụy trước Trung Cộng
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) và Giám đốc Chương trình Cấp cứu Sức khỏe của WHO ông Michael Ryan tham dự buổi họp báo về COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/3/2020 (ảnh chụp màn hình/The Epoch Times).
Mỹ dự định hoãn tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm thứ ba (3/4), theo tờ The Epoch Times.
Ông Trump cho rằng WHO “quá quỵ lụy trước Trung Cộng ”, và chỉ trích việc tổ chức này phản đối quyết định cấm nhập cảnh từ Trung Cộng vào lúc đầu của ông nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán sang Hoa Kỳ.
“Chúng tôi sẽ hoãn khoản tiền tài trợ cho WHO. Chúng tôi sẽ hoãn khoản tài trợ đó một cách cương quyết. Chúng tôi sẽ xem thế nào”, ông Trump nói.
Tổng thống Trump cũng tuyên bố WHO có thể đã biết trước về mối đe dọa tiềm tàng từ Covid-19 nhưng không chia sẻ thông tin cho thế giới kịp thời.
“Họ cho rằng không có gì. Họ đã không thông báo cho thế giới. Họ đã có thể làm điều đó sớm hơn nhiều tháng trước. Họ có lẽ đã biết. Họ có thể đã biết. Và nhiều khả năng họ đã biết được. Vì vậy, chúng tôi sẽ xem xét rất kỹ điều này”, ông Trump nói.
Ông Trump sau đó bổ sung thêm rằng WHO đã dự đoán sai lầm “mọi khía cạnh” của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Họ nói rằng không có vấn đề gì lớn, không có vấn đề gì cả”, ông Trump nói.
Ông Trump để ngỏ khả năng sẽ cắt giảm tài trợ cho WHO trong một bài đăng trên Twitter vào đầu ngày, viện dẫn nguyên nhân tổ chức này liên kết chặt chẽ với Trung Cộng bất chấp việc Hoa Kỳ đóng góp khoản tài trợ lớn nhất cho WHO. Đóng góp của Hoa Kỳ cho tổ chức Liên Hợp Quốc năm ngoái đã vượt quá 400 triệu đô la, theo Bộ Ngoại giao nước này.
“Họ dường như luôn luôn đứng về phía Trung Cộng . Mà chúng ta lại tài trợ chính cho họ”, ông Trump nói.
WHO liên kết chặt chẽ với chính quyền cộng sản Trung Cộng và đã nhiều lần ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Cộng , bất chấp việc các chuyên gia và bằng chứng thu thập được cho thấy các quan chức Đảng đã thao túng tình hình thực sự ở quốc gia nơi virus Vũ Hán xuất hiện vào cuối năm ngoái.
Các nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, từ chức khi trợ giúp Đảng Cộng sản Trung Cộng che đậy sự bùng phát dịch bệnh, đồng thời nghiên cứu xem WHO có đồng lõa trong việc thao túng này hay không.
“Chúng tôi biết chính quyền Trung Cộng đang nói dối về việc họ có bao nhiêu trường hợp lây nhiễm và tử vong, những gì họ biết được và khi nào họ biết được điều đó, nhưng WHO chưa từng bận tâm điều tra thêm. Sự thiếu hành động của họ đã gây tổn thất sinh mạng”, Thượng nghị sĩ Rick Scott nói trong một tuyên bố.
“Chúng tôi có thể cắt giảm tài trợ hoặc chúng tôi có thể gắn tài trợ trong tương lai với một số điều kiện nhất định”, ông Scott trao đổi với tờ Daily Signal. “Đó nên là tổ chức y tế thế giới, là chăm lo cho sức khỏe toàn cầu, nhưng nó lại chăm chăm làm vừa lòng Trung Cộng ”.
Trao đổi với trang The Epoch Times trong một email, người phát ngôn WHO cho biết tổ chức này “kỳ vọng tất cả các quốc gia thành viên báo cáo dữ liệu kịp thời và chính xác dựa trên các mô thức quốc tế đã được các quốc gia thành viên đồng thuận”.
WHO chưa trả lời khi được hỏi về bình luận của Tổng thống Trump.
Các phóng viên từng tạo sức ép lên các quan chức của WHO về vai trò của Trung Cộng trong việc để dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng ra toàn cầu, nhưng lần nào các quan chức này cũng tìm cách né tránh trả lời trực tiếp. Họ thường đưa ra những phát ngôn tương tự như của các quan chức chóp bu Trung Cộng . Một quan chức WHO từng nhận được câu hỏi về Đài Loan qua điện thoại, và đã dập máy để né tránh trả lời (video dưới).
Người phát phì nguy cơ nhiễm virus corona cao
Vẫn liên quan đến bệnh dịch Covid-19, theo Le Monde, những người béo phì dễ bị nhiễm virus. Tại Pháp cũng như ở nhiều nước châu Âu, người ta đã quan sát thấy những người ở thể trạng béo phì dường như dễ bị nhiễm bệnh hơn. Theo Mạng lưới Nghiên cứu châu Âu về hô hấp nhân tạo (REVA), 83% bệnh nhân phải hồi sức tích cực là những người thừa cân hoặc béo phì. Số liệu nói trên được đưa ra dựa trên thông tin liên quan đến khoảng 2000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại 195 khoa hồi sức, chủ yếu là tại Pháp.
Rõ ràng là những đối tượng quá cân hoặc mắc chứng béo phì chiếm tỷ lệ rất cao trong số các bệnh nhân Covid-19 nhập khoa hồi sức tăng cường. Tại Anh cũng có khoảng 35% bệnh nhân hồi sức tích cực là những người béo phì. Mà những người quá cân thường kèm có các chứng bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường…. Những yếu tố bệnh lý gây khó khăn cho điều trị bệnh nhân Covid-19.
Các chuyên gia y học ở nhiều nước châu Âu đang rất chú ý đến nghiên cứu mới này để có các biện pháp đề phòng cho những đối tượng chiếm tới 15% số người cao tuổi ở Pháp.
Cháy công trường tái thiết cung điện Hoàng gia Đức
Reuters đưa tin, Sở cứu hỏa Berlin cho biết vụ cháy xảy ra hôm nay tại công trường tái thiết cung điện Hoàng gia ở trung tâm thủ đô Berlin, khiến ít nhất 1 người bị thương.Trong một bài đăng trên Twitter, sở cứu hỏa Berlin cho biết khói đen bốc ra từ vật liệu xây dựng và hai nồi nhựa đường tại công trường xây dựng cung điện Phổ trên đại lộ lịch sử Unter den Linden ở Berlin, khiến phần mái bị cháy. Khoảng 80 lính cứu hỏa được triển khai tới hiện trường.
Cảnh sát Berlin cho biết trên Twitter rằng không có dấu hiệu cho thấy có người cố ý gây ra vụ hỏa hoạn, nhưng sẽ điều tra nguyên nhân sau khi đám cháy được dập tắt.
Trung Cộng xuất hiện ổ dịch mới trong cộng đồng gốc Phi
Thành phố Quảng Châu, Trung Cộng , đã xuất hiện một ổ dịch Covid-19 mới trong cộng đồng những người gốc Phi sau khi 5 người gốc Nigeria cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán. Một cuộc điều tra đang được thực hiện để khoan vùng ổ dịch này, theo bản tin hôm thứ Ba của SCMP.
Các ca bệnh COVID-19 mới đều liên quan tới một nhà hàng ở đường Kuangquan, quận Yuexiu, thành phố Quảng Châu. Các nhà chức trách cho biết 10 bệnh nhân nCoV ở thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, bao gồm 5 người Nigeria, đều từng đến nhà hàng này.Cho tới nay Quảng Châu đã xác nhận 463 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 111 người nhiễm bệnh ở nước ngoài về và 16 bệnh nhân gốc phi.
Đức: Cụ bà 101 tuổi trốn ra ngoài, vi phạm lệnh phong tỏa
Một cụ bà 101 tuổi người Đức, hôm thứ Ba, đã vi phạm lệnh phong tỏa của chính phủ khi trốn khỏi nhà để tới thăm con gái vào ngày sinh nhật của mình, Fox News cho biết thông tin từ giới chức Cộng hòa Liên bang Đức.
Người phụ nữ đã trốn ra ngoài theo lối thoát khẩn cấp ở ngôi nhà của bà, thuộc thành phố Brunswick, cách khoảng 140 dặm về phía tây của Berlin, AFP đưa tin.
Người phụ nữ hơn 100 tuổi đã gọi cảnh sát sau khi bị lạc đường trong khi tìm kiếm nhà con gái của mình ở vùng ngoại ô. Bà cụ nói với các sĩ quan cảnh sát rằng bà sống với con gái, tuy nhiên cảnh sát không tin như vậy.
Sau đó, cảnh sát đã đưa bà cụ tới gặp con gái của mình. Hai mẹ con bà nói chuyện qua cửa kính xe tuần tra của cảnh sát trước khi bà được đưa trở về nhà.
Trung Cộng “điều tra” tỷ phủ chỉ trích chính quyền về COVID-19
Fox News đưa tin, ủy ban kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ) đang “điều tra” ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một tỷ phú người Hoa bị bắt giữ từ ngày 12/3 sau khi thẳng thắn phê bình chính quyền yếu kém trong cách phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán.
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương ĐCSTQ, ông Nhậm bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng pháp luật và các quy định” của ĐCSTQ. Ông Nhậm là một đảng viên nhưng có những chỉ trích nhắm thẳng vào Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình, gọi ông Tập là “thằng hề”.
Ông Gordon Chang, chuyên gia về vấn đề đối ngoại nói với Fox News: “Tôi nghĩ số phận của Nhậm sẽ được quyết định bởi một cuộc đấu đã dữ dội trong nhóm đảng viên quyền lực nhất của Đảng Cộng sản [Trung Cộng ]”.
Ông cho biết: “Nếu Tập Cận Bình thắng thế, chúng ta sẽ không nhìn thấy Nhậm trong một thời gian dài. Còn nếu đối thủ của Tập thắng, Nhậm sẽ là người hùng tiếp theo của Trung Cộng ”.
Mặt trăng thể hiện trạng thái bất thường vào đêm qua
Mặt trăng bỗng nhiên nở lớn và phát sáng hơn bình thường vào đêm thứ Ba, trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn với đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.Không cho rằng đây là một điềm gở, một nhà quan sát ở Bắc Kinh, Trung Cộng , nói hiện tượng này lại là một điềm lành: “Hiện tình hình dịch bệnh ở Trung Cộng đang trở nên ngày càng tốt hơn. Mặt trăng này mang tới một điều gì đó tốt đẹp. Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy nó”.
Trung Cộng trong những ngày gần đây báo tuyên bố số lượng sụt giảm về người nhiễm và chết vì virus Vũ Hán, mặc dù đã xuất hiện một số ổ dịch mới. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế bày tỏ nghi ngờ tính trung thực của dữ liệu thống kê từ Trung Cộng và cho rằng con số thực tế là cao hơn công bố rất nhiều lần.
Trung Cộng có thể phải bồi thường
ít nhất 4.000 tỷ USD vì che giấu dịch Covid-19
Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh cho rằng nhóm G7 có thể kiện Trung Cộng , đòi bồi thường ít nhất 4.000 tỷ USD vì chính quyền Bắc Kinh che giấu dịch Covid-19, khiến hàng chục ngàn người trên thế giới tử vong và nền kinh tế khối phải chịu thiệt hại nặng nề.
Viện nghiên cứu Henry Jackson Society (HJS) hôm 5/5 công bố một báo cáo với tiêu đề: “Bồi thường virus corona?” Báo cáo cho biết, các nước G7 đã chi ít nhất 3,2 nghìn tỷ bảng Anh (4 nghìn tỷ USD) để đối phó với dịch bệnh và cứu nền kinh tế khi chính phủ buộc công dân phải ở nhà.
Theo báo cáo, vương quốc Anh yêu cầu bồi thường 351 tỷ bảng Anh (449 tỷ USD), tiền bồi thường được tính dựa trên số liệu chi tiêu chính phủ công bố. Tương tự, Mỹ có thể yêu cầu bồi thường 933,3 tỷ bảng Anh (1.200 tỷ USD), Canada yêu cầu 47,9 tỷ bảng Anh (59 tỷ USD) và Úc yêu cầu 29,9 tỷ bảng Anh (37 tỷ USD). Báo cáo sử dụng dữ liệu chi tiêu được chính phủ công bố chính thức vào ngày 5/4/2020, thay vì sử dụng tổng chi tiêu dự kiến trong toàn bộ thời gian của dịch bệnh – con số này dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với số liệu mà báo cáo trên sử dụng.
Báo cáo cho biết, Trung Cộng bị kiện vì vi phạm 10 điều luật, trong đó có Quy định Sức khỏe Quốc tế vốn được thắt chặt sau đại dịch SARS năm 2003 mà Trung Cộng cũng từng cố gắng che giấu.
“Nếu Trung Cộng cung cấp thông tin chính xác trong giai đoạn đầu, dịch bệnh đã không lan ra toàn cầu”, báo cáo HJS có ghi.
Một bài báo của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, gần 200 ca nhiễm nCoV đã được ghi nhận trước ngày 27/12/2019. Tuy nhiên, đến tận ngày 31/12, Trung Cộng mới báo cáo dịch bệnh cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tuyên bố không có bằng chứng cho thấy dịch bệnh lây từ người sang người.
Không chỉ vậy, chính quyền Bắc Kinh còn khiển trách những y bác sĩ đầu tiên lên tiếng cảnh báo người dân về dịch bệnh, trong đó có bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng. Một số người tin rằng, bệnh có thể lây từ người sang người trước cả thời điểm trên.
Theo Quy định Sức khỏe Quốc tế, các quốc gia phải theo dõi và chia sẻ thông tin về sự lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bất kỳ mầm bệnh nào có khả năng lây lan giữa các nước. HJS cho biết, Trung Cộng đã hành động ngược lại khi nỗ lực bưng bít thông tin và trừng phạt những ai tìm cách tiết lộ sự thật.
Liên quan đến việc chính quyền Bắc Kinh tuyên truyền tin giả về dịch bệnh nhằm trốn tránh trách nhiệm, báo cáo đề cập: “Nhiều quan chức Trung Cộng , bao gồm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã ủng hộ quan điểm phi lý rằng nCoV được quân đội Mỹ đưa vào Vũ Hán, thay vì bắt nguồn từ chợ hải sản ở thành phố này, nơi buôn bán động vật hoang dã”.
HJS kêu gọi thành lập liên minh khởi kiện Trung Cộng vì chính quyền nước này “thường phản ứng hung hăng với các mối đe dọa trên trường quốc tế”.
“Hành động này đòi hỏi sự cam đảm và đoàn kết toàn cầu”, báo cáo viết.
“Trong giai đoạn đầu chống dịch, chính quyền Vũ Hán và Hồ Bắc đã vi phạm Quy định Sức khỏe Quốc tế … trách nhiệm phải thuộc về cấp lãnh đạo cao nhất”, báo cáo cho biết thêm.
Báo cáo nhấn mạnh: “Rõ ràng là cách đối phó Covid-19 của đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ) đã vi phạm luật pháp quốc tế”.Theo báo cáo của HJS, khởi kiện do tranh cãi xung quanh IHR là hành động chưa từng có tiền lệ, nhưng HJS cho rằng đã có những khuôn khổ trong WHO cho phép thực hiện điều này. Ngoài ra, HJS đề xuất đưa vụ kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực, Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc viện dẫn các quy định trong thỏa thuận đầu tư, thậm chí là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Tòa án trong nước và Tòa án Trung Cộng cũng là phương án mà HJS gợi ý.
Sydney Morning Herald đưa tin, ông Matthew Henderson, đồng tác giả báo cáo, cho rằng người dân Trung Cộng cũng là “nạn nhân vô tội” bởi sự thiếu trách nhiệm của chính phủ. “Đây là lỗi của ĐCSTQ”, ông khẳng định.
Ông phát biểu thêm: “ĐCSTQ đã không tiếp thu bài học giáo huấn nào từ sau thất bại trong đại dịch SARS. Những sai lầm ngớ ngẩn, dối trá và chiến dịch nhiễu loạn thông tin lặp đi lặp lại của chính quyền từ khi bắt đầu dịch Covid-19, đã gây ra những hậu quả chết người”.
--
--