ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 4 THÁNG 5
Báo chí Tây phương: uy tín của Trung Cộng đã tiêu tanTập Cận Bình ĐANG đọ sức với TOÀN thế giới
Báo Le Figaro một lần nữa đặt câu hỏi : Phải chăng siêu vi corona xuất phát từ một trong những phòng thí nghiệm ở Vũ Hán? P2 hay P3 ? Nếu đúng vậy thì có nên bán công nghệ khoa học cho Trung Cộng hay không ? Tại sao chơi với những kẻ không tôn trọng, không cùng thang giá trị với mình ? Tại sao lại chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho họ ? Một nhà ngoại giao Pháp trả lời : Tại vì chúng ta sợ Trung Cộng. Nhưng sau đại dịch, chính sách ngoại giao của Pháp phải thay đổi, theo trực giác sinh tồn, ưu tiên giao thương với những quốc gia có cùng chung chuẩn mực và giá trị đạo lý, đó là các nước châu Âu khác, Hoa Kỳ, Nhật, Úc. Con đường bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Báo Le Monde dành một bài dài về thái độ hung hăng của đảng Cộng sản Trung Cộng : Tập Cận Bình đọ sức với cả thế giới bằng chiến lược « chó sói ngoại giao » hung hăng. Với con sói đầu đàn là Vương Hỗ Ninh, lý thuyết gia, có tên rất kêu « chủ nhiệm Ủy ban xây dựng văn minh tinh thần trung ương đảng Cộng sản Trung Cộng », phe diều hâu triển khai một chiến lược tuyên truyền thô bạo vừa tạo ấn tượng là kẻ hào hiệp vừa chuẩn bị đoạt vị thế của Mỹ trong tương lai.
Báo Pháp cho rằng Tập Cận Bình đang cầm dao hai lưỡi mà nếu không khéo sẽ tự cắt vào taymình. Trước hết, dân Hoa lục không còn ngây thơ tin vào lời tuyên truyền của chế độ. Người dân Trung Cộng là những người đầu tiên nghi ngờ có bàn tay con người dính dáng với cội nguồn con virus. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người báo động dịch bệnh ở Vũ Hán từ tháng 12/2019 trước khi bị chế độ đàn áp bịt miệng, đã gây dấu ấn trong tâm khảm người dân Hoa lục. Thứ hai, giới cán bộ lão thành cũng tỏ ra lạnh nhạt với luận điểm tuyên truyền của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên, người cáo buộc lính Mỹ đem siêu vi corona vào Trung Cộng.
Thái độ của Vương Hỗ Ninh đã bị chính các lãnh đạo của Trung Cộng không đồng thuận. Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Cộng tại Hoa Kỳ cho rằng đây là một tuyên bố tai hại, chẳng giúp ích được gì cho tình trạng khẩn trương hiện nay. Giáo sư Shi Zhan, giám đốc Trung Tâm Ngoại Giao, nơi đào tạo nhiều nhà ngoại giao Hoa lục khuyến cáo: Ngoại giao lang chiến không thể lâu dài và chỉ làm hại, sẽ làm Trung Cộng bị cô lập. Tây phương sẽ bỏ Trung Cộng, sẽ đem công kỹ nghệ chiến lược về nước. Trung Cộng, do còn thua kém trong các ngành khoa học tiên tiến, sẽ bị tụt hậu.
Tiên hạ thủ vi cường
Thế thì vì sao Bắc Kinh gây gổ để làm gì ? Chuyên gia Pháp François Godment lý giải : Giới ngoại giao Trung Cộng hạ thủ trước tại vì họ có điều gì khó nói cần phải che giấu.
Bắc Kinh sợ phải trả lời một số câu hỏi khó trong đó có câu hỏi về nguồn gốc siêu vi gây đại dịch cho cả thế giới. Le Monde cũng dành một trang phỏng vấn nữ chuyên gia Alice Ekman, phụ trách châu Á tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Liên Hiệp Châu Âu, tác giả quyển sách Rouge vif. L'idéal communiste chinois - Đỏ thắm. Lý tưởng Cộng sản Trung Hoa : mục tiêu của Bắc Kinh là muốn ở thế tranh đua vị thế siêu cường của Mỹ. Nhưng hai cái gai cần phải nhổ trong mắt Tập Cận Bình là Hồng Kông và Đài Loan.
WHO cảnh báo làn sóng bùng phát
dịch Covid-19 lần 2
Tiến sỹ Michael Ryan, chuyên gia về các vấn đề khẩn cấp hàng đầu của WHO tại buổi họp báo 1/5 của WHO
Một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm thứ Năm (30/4) rằng người dân các quốc gia trên thế giới phải chuẩn bị cho một làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai hoặc thứ ba, cho đến khi có vắc-xin, theo The Epoch Times hôm qua (1/5).
Tiến sĩ Hans Kluge, người đứng đầu WHO châu Âu, cho biết trong một tuyên bố ngày 30/4 tại Copenhagen, Đan Mạch, rằng châu Âu “phần lớn vẫn còn nằm trong sự kìm kẹp” của đại dịch, bất chấp các dấu hiệu tích cực cho thấy khu vực này đã vượt qua đỉnh dịch.
Ông Kluge kêu gọi các nước tăng cường và kéo dài các chiến lược nhằm hạn chế sự lây lan của virus, đồng thời khẳng định “Covid-19 sẽ không biến mất trong tương lai gần”.
Tái dương tính nhiều khả năng không phải là tái nhiễm
Hơn 260 bệnh nhân Covid-19 ở Nam Hàn đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới sau khi đã hồi phục, làm dấy lên lo ngại virus này có khả năng “kích hoạt lại” hoặc lây nhiễm cho mọi người nhiều lần. Nhưng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hiện nay cho biết điều này không nhiều khả năng, theo Live Science.
Theo họ, phương pháp sử dụng để phát hiện Covid-19, được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR), không thể phân biệt được giữa vật liệu di truyền (RNA hoặc DNA) của virus gây lây nhiễm với các mảnh của virus “đã chết” vẫn còn sót lại trong cơ thể người bệnh một thời gian dài sau khi hồi phục, Tiến sĩ Oh Myoung-don, bác sĩ Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (30/4), theo The Korea Herald.
Các xét nghiệm này “rất đơn giản”, theo Carol Shoshkes Reiss, giáo sư khoa học sinh học và thần kinh tại Đại học New York. “Mặc dù một người có thể đã phục hồi và không còn nhiễm bệnh, nhưng họ vẫn có thể mang trong người những đoạn nhỏ virus RNA [không hoạt động] vốn sẽ cho kết quả dương tính trong các xét nghiệm”.
WHO: Trung Cộng chưa mời WHO tham dự cuộc điều tra Về nguồn gốc Covid-19
Nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove tại buổi họp báo 1/5 của WHO
Trung Cộng vẫn chưa cho phép các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham gia cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, đại diện của WHO tại Trung Hoa cho hay.
“Chúng tôi biết rằng một số cuộc điều tra cấp quốc gia đang diễn ra nhưng ở giai đoạn này, chúng tôi chưa được mời tham dự”, Tiến sĩ Gauden Galea – đại diện WHO tại Trung Cộng – trao đổi với Sky News.
“WHO đang đưa ra yêu cầu đối với ủy ban y tế và chính quyền TQ về vấn đề này. Nguồn gốc của virus rất quan trọng, tương tác giữa động vật – con người [trong việc lây truyền virus] là vô cùng quan trọng và cần được nghiên cứu. Các chuyên gia y tế thế giới “cần biết càng nhiều càng tốt để ngăn chặn sự tái diễn” của một dịch bệnh tương tự, theo The Epoch Times.
Khi được hỏi liệu có lý do chính đáng để loại trừ WHO khỏi cuộc điều tra hay không, ông Galea chỉ trả lời: “Từ quan điểm của chúng tôi, không”.
Trung Cộng đã liên tục ngăn cản các chuyên gia Mỹ vào nước này để hỗ trợ nghiên cứu bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới vào tháng 1 và tháng 2. Trung Cộng vẫn chưa cho phép các chuyên gia Mỹ hoặc các quan chức y tế từ các nước phương Tây khác đến Viện Virus học Vũ Hán, một phòng thí nghiệm gần nơi dịch bệnh bùng phát, theo các quan chức Mỹ.
WHO đã gửi một nhóm điều tra đến Trung Cộng vào tháng 2 để phân tích virus và phản ứng của Trung Cộng trước sự bùng phát dịch bệnh. Báo cáo sau đó phần lớn là các lời khen tích cực của WHO dành cho Trung Cộng.
Mỹ đã tạm dừng tài trợ cho WHO sau khi chất vấn mối quan hệ thân mật của tổ chức này với ĐCSTQ và việc liệu có phải nó đã giúp Trung Cộng che đậy mức độ bùng phát dịch vào đầu năm nay hay không.
Tháng trước Úc cho biết tất cả các thành viên của WHO nên ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của virus.
Đáp trả, Bộ Ngoại giao Trung Cộng nói người dân Trung Cộng có thể ngừng mua sản phẩm từ Úc và tránh học tại các trường đại học ở nước này.
Ngân hàng Đầu tư Châu Âu tăng cường hợp tác với WHO
Theo Reuters, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) hôm 1/5 cho biết, ngân hàng này sẽ tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc chống lại đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Phi.Trong khi EIB cho biết ngân hàng đang lên kế hoạch hỗ trợ 1,4 tỷ euro để giải quyết các tác động về sức khỏe, xã hội và kinh tế do virus Vũ Hán gây ra ở Châu Phi, thì ngân hàng này không đưa ra thông tin chi tiết về việc sẽ viện trợ bao nhiêu cho WHO.
Trung Cộng lại cấm đánh bắt cá ở Biển Đông
Tân Hoa xã tối 1/5 đưa tin chính phủ Trung Cộng vừa áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên Biển Đông, bắt đầu từ 12 giờ ngày 1/5 đến 12 giờ ngày 16/8, với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư nước này.Phạm vi cấm đánh bắt sẽ trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, theo báo Thanh Niên.
Tân Hoa xã dẫn thông báo từ lực lượng hải cảnh Trung Cộng cho biết, 50.000 tàu cá nước này sẽ dừng hoạt động đánh bắt trong thời gian 3 tháng rưỡi và lệnh cấm thực thi sẽ được thực hiện một cách nghiêm ngặt theo quy định và luật pháp liên quan được Trung Cộng đề ra.
Hồng Kông: Biểu tình vào Ngày Qtế Lao động
Hồng Kông đã đối mặt với sự trỗi dậy các cuộc biểu tình dân chủ sau khi tình hình Covid-19 được cải thiện, theo South China Morning Post.Người biểu tình đã tập trung tại khu ra vào trung tâm thương mại New Town Plaza ở đường Sha Tin vào khoảng 7 giờ tối thứ Sáu (1/5), và hát vang bài “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng”, quốc ca của phong trào biểu tình dân chủ.
Cảnh sát đã phong tỏa khu vực, xịt hơi cay, viện dẫn luật cấm tụ tập đông người để phòng dịch mới được ban hành. Người biểu tình hô vang “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” khi họ rút lui.
66% người Mỹ có thái độ ‘thù địch’ với Trung Cộng
Một cuộc thăm dò trên toàn Hoa Kỳ được công bố hôm 21/4 cho biết, người Mỹ ngày càng có thái độ “thù địch” với Trung Cộng trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán tàn phá nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu.
Theo AP, cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 3 bởi Trung tâm nghiên cứu Pew, cho thấy 2/3 trong số những người được khảo sát, tương đương 66%, có cái nhìn không thiện chí về Trung Cộng. Con số này tăng hơn so với 47% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Cộng trong khảo sát cách đây 2 năm. Đây được coi là một con số tồi tệ nhất được ghi nhận về quan điểm của người Mỹ đối với Trung Cộng, trong khi Bắc Kinh đã nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới với những kế hoạch chiến lược như “Một vành đai, Một con đường” hay chiêu bài “ngoại giao khẩu trang” trong đại dịch Covid-19.
Cuộc khảo sát được tiến hành trên 1.000 người Mỹ cho thấy, cái nhìn không thiện chí đối với Trung Cộng được đồng thuận ở lưỡng đảng, với 72% số người theo đảng Cộng hoà lo ngại về Trung Cộng và 62% số người theo đảng Dân chủ có tâm lý tương tự.
Ngoài ra, cuộc thăm dò cho thấy khoảng 90% những người được khảo sát coi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng là mối đe dọa; 91% tin rằng thế giới tốt hơn với sự lãnh đạo của Mỹ thay vì Trung Cộng.
Theo các khảo sát trước đó của Pew, người dân Mỹ đã có xu hướng nhìn Trung Cộng không mấy thiện cảm kể từ năm 2013. Nhưng tâm lý này tăng mạnh trong hai năm qua khi chính quyền của Tổng thống Trump thương chiến với Trung Cộng và gần đây nhất là sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong hai năm đó, số lượng người Mỹ rất thiếu thiện cảm với Trung Cộng đã tăng hơn gấp đôi, từ 15% lên 33%.
Covid-19: Những nạn nhân vô hình của thống kê
Vì sao nhiều quốc gia che giấu số liệu người tử vong ?
Tại Pháp chánh phủ Macron tuyên bố ngầy 11 tháng 5 sẽ “mở cửa” từng phần nước Pháp. Nhưng đa số báo chí Pháp đều có chung quan điểm nước Pháp chưa chuẩn bị hoàn tất, dân chúng đi làm là cơ hội tốt cho siêu vi khuẩn đi theo. Báo chí Pháp cho rằng chính phủ Pháp cố tình che dấu tình trạng thiếu chuẩn bị vì sợ dân chúng nổi loạn vì nô nức mong chờ được « sổ lồng » sau 8 tuần tù túng ? Riêng nhật báo công giáo La Croix nêu vấn đề những người di dân nhập cư bất hợp pháp và kêu gọi chính phủ Pháp noi gương Bồ Đào Nha hợp thức hóa tình trạng cư trú của họ để những người này được chăm sóc sức khỏe miễn phí trong cơn đại dịch.Những nạn nhân « vô hình »: thiếu sót hay cố ý
Trên thế giới, đại dịch SARS -CoV-2 đã lây nhiễm cho hơn ba triệu người tại 193 nước và giết chết 230.000 nạn nhân theo thống kê chính thức tính đến ngày 30/04/2020.
Tuy nhiên, con số này thấp hơn thực tế rất nhiều, theo điều tra của mạng lưới thông tín viên của Le Monde trên khắp địa cầu và của nhiều cơ quan truyền thông quốc tế. Hàng chục ngàn người chết không được đưa vào thống kê chính thức. Các chế độ độc tài chủ ý che giấu bớt tác hại của đại dịch vì lý do chính trị, còn số liệu thu thập tại các nước dân chủ, muốn công khai, minh bạch nhưng vẫn chưa thu thập đầy đủ.
Theo chuyên gia siêu vi trùng học Bỉ Steven van Gucht, phải nhân lên 2 hoặc nhiều hơn nữa các số liệu chính thức ở các nước Tây phương.
Một trong những biện pháp cho phép thấy được thảm hoạ nhân mạng do Covid-19 gây ra là so sánh số người chết trong năm nay và số người từ trần trong những năm trước.
Đơn cử một vài trường hợp : Chỉ trong vòng bốn tuần, từ 16/03 đến 12/04, trang mạng EuroMOCO của giới chuyên gia dich tễ thống kê tất cả những người qua đời tại 24 nước châu Âu, do mọi nguyên nhân, ghi nhận 70.000 trường hợp cao hơn thống kê cùng thời gian. Bao nhiêu nước tôn trọng yêu cầu của Tổ Chức Y tế Thế Giới : Ghi hết vào Covid-19 những người từ trần vì bị bệnh này gây ra, trực tiếp hay gián tiếp, thậm chí chỉ nghi ngờ ? Chỉ có chính phủ Bỉ là ngay từ đầu mỗi ngày cộng hết số nạn nhân chết ở bệnh viện, nhà dưỡng lão và tại gia.
Còn Pháp, lúc đầu báo cáo không tính số nạn nhân ở các viện dưỡng lão. Cho đến nay, thiếu sót này được khắc phục nhưng vẫn chưa có thống kê bệnh nhân chết ở nhà. Thiếu sót của Đức là không làm xét nghiệm kiểm chứng người qua đời. Tại Hoa Kỳ, có đến 23% nạn nhân bị nghi nhiễm Covid-19 chết tại nhà nhưng do không xét nghiệm, nên nằm ngoài thống kê.
Tại châu Á, thống kê thắng dịch của Trung Cộng phải điều chỉnh thêm vào 1.300 nạn nhân nhưng vẫn còn thấp so với thực tế. Là đồng minh của Bắc Kinh mà Teheran, qua tuyên bố của phát ngôn viên bộ Y Tế, gọi « báo cáo thắng dịch của Trung Cộng một trò đùa mang vị đắng ». Bản thân Iran, số liệu chắc cũng không đúng sự thật : Teherran nhìn nhận có 6.000 ca tử vong trong khi hai nhà nghiên cứu Iran làm việc tại Mỹ, tính từ ca đầu tiên cho đến ngày 20/03 là 15 ngàn.
Trường hợp Indonesia : chính thức có 84 nạn nhân Covid-19 tại Djakarta. Kiểm chứng với các nghĩa trang thủ đô, Reuters ghi nhận có 4.377 lễ an táng trong tháng 3, nhiều gấp 40% so với thống kê của mọi tháng tính từ đầu năm 2018.
Bệnh viêm phổi thường ?
Xem xét thống kê ở Nga, Le Monde phát hiện một số sự kiện bất bình thường : hai nạn nhân siêu vi corona chết ngày 13 và 14/03 đột nhiên bị thay tên bệnh khác. Từ tháng 01 đến nay, số người chết vì « viêm phổi » ở Matxcơva đột nhiên tăng vọt nhưng theo các nhân chứng cho biết tại nhiều địa phương, trên giấy khai tử ghi tên bệnh khác.
Canada ra mắt ứng dụng theo dõi Covid-19
Theo Reuters, tỉnh Alberta của Canada hôm thứ Sáu (1/5) sẽ sớm ra mắt ứng dụng điện thoại đầu tiên của đất nước để theo dõi những người từng tiếp xúc với người nhiễm virus Vũ Hán, trong bối cảnh nước này đang dần khởi động lại nền kinh tế.Thủ tướng Justin Trudeau hôm 29/4 cho biết, điều quan trọng là phải đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu hài hòa với nhu cầu thu thập thông tin về sự lây lan của virus.
Ý chậm trễ yểm trợ phúc lợi xã hội
Reuters đưa tin, Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 1/5 đã gửi lời xin lỗi tới hàng triệu người dân Ý vẫn chưa nhận được hỗ trợ tài chính do đại dịch Covid-19 mà chính phủ đã hứa từ lâu.“Đã có, và vẫn còn, một số chậm trễ trong các khoản tiền được giải ngân”, ông Conte viết trên Facebook. “Tôi thay mặt chính phủ gửi lời xin lỗi và tôi đảm bảo với mọi người rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục đốc thúc thanh toán và việc tài trợ sẽ được hoàn thành sớm nhất có thể”.
Người đào THoát xin lỗi vì đưa tin sai về Kim J. Un
Ông Thae Gu-min (trái), ông Kim Jong Un
Tờ Korea Herald cho biết, 2 người sinh ra ở Bắc Hàn vừa đắc cử vào quốc hội ở Nam Hàn đang gặp rắc rối, sau khi lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un xuất hiện trước công chúng hôm 2/5, trái với bình luận trước đó của họ.
Hôm nay, ông Thae Gu-min đã xin lỗi vì đã đánh giá không chính xác về sức khỏe của Kim Jong Un, 2 ngày sau khi truyền thông Bắc Hàn công bố những bức ảnh nhà lãnh đạo trông có vẻ khỏe mạnh. Ông Thae Gu-min (tên cũ là Thae Yong Ho), cựu phó đại sứ Bắc Hàn tại Anh đào tẩu sang Nam Hàn năm 2016. Ông đã tuyên bố rằng tình trạng của Kim có thể nghiêm trọng tới mức không đi lại được.
Ông Ji Sung-ho, một người đào tẩu khác đã được bầu vào quốc hội, hôm 1/5 trong một cuộc phỏng vấn ông nói rằng ông chắc chắn “99%” Kim đã chết hoặc trong tình trạng nguy kịch khi trích “các nguồn tin không thể tiết lộ”.
Nổ súng ở biên giới Nam-Bắc Hàn
Việc các binh sĩ Bắc Hàn nổ súng về phía biên giới với Nam Hàn có thể là do sơ ý, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng “phía Bắc Hàn nổ súng do sơ ý”.Các binh sĩ Bắc Hàn và Nam Hàn ngày 2/5 đã có cuộc đụng độ bằng súng ở khu vực phi quân sự ở biên giới. Sự cố xảy ra ngay khi lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un vừa xuất hiện trở lại sau gần 20 ngày không lộ diện trước công chúng. Nam Hàn cũng nghiêng về quan điểm Bắc Hàn không chủ ý.
CP Maduro cáo buộc Colombia xâm lược Venezuela
Chính quyền Nicolas Maduro cáo buộc Colombia đã tiến hành một cuộc xâm lược trên biển mang tính chất khủng bố đối với Venezuela.Theo Fox News, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela nói với các phóng viên địa phương rằng lực lượng của ông đã giết chết 8 người đàn ông cố gắng tiến vào thành phố cảng La Guaira, và bắt giữ thêm 2 người khác, trong đó có 1 người là nhân viên chống ma túy của Mỹ.
Theo BBC, ông Maduro thường cáo buộc những kẻ thù cố gắng lật đổ ông với sự hậu thuẫn của Mỹ. (Chi tiết)
Mỹ-Anh: đàm phán hiệp định thương mại tự do
Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ tiến hành đàm phán về một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước vào thứ Ba (5/5), theo Politico.Trang tin cho biết Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Quốc Liz Truss sẽ tổ chức một cuộc gọi video với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, cùng với khoảng 100 quan chức từ cả hai phía. Vòng đàm phán đầu tiên dự kiến kéo dài hai tuần. Các vòng tiếp theo sẽ được tổ chức vào khoảng 6 tuần một lần.
Tanzania nghi ngờ bộ kít xét nghiệm COVID-19
Tổng thống Tanzania, ông John Magufili nghi ngờ chất lượng của các bộ kít xét nghiệm COVID-19, sau khi những dụng cụ này báo dương tính đối với các mẫu phẩm từ dê và quả pawpaw, một loại quả trông giống xoài nhưng có vị tựa như quả đu đủ.Ông Magufuli nói: “Có điều gì đó đang xảy ra. Hồi trước tôi đã nói chúng ta không nên thừa nhận rằng mọi viện trợ đều là tốt đẹp cho nước ta”. Tổng thống cho biết chính phủ của ông sẽ điều tra về các bộ kít này.