• ĐIỂM TIN THẾ GIỚI ngày 20 tháng 2, 2020
Trung Hoa lại đổi cách tính ca nhiễm COVID-19
Theo Washington Post, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Hoa hôm 19/2 cập nhật cách thống kê người nhiễm COVID, bỏ cách tính dựa trên triệu chứng lâm sàng của tỉnh Hồ Bắc. Theo đó, các trường hợp được báo cáo sẽ chia làm hai loại gồm “ca nghi nhiễm” và “ca được xác nhận nhiễm”. Các ca nhiễm bệnh chỉ được đưa vào thống kê khi có kết quả dương tính với virus dựa trên xét nghiệm axit nucleic.Dựa trên cách tính mới, Hồ Bắc sáng nay thông báo có 349 ca nhiễm mới COVID-19, giảm mạnh từ mức 1.693 trường hợp một ngày trước. Tính đến hết 19/2, số ca nhiễm COVID-19 tại tỉnh là 62.031, số người tử vong lên 2.029.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, tính đến hết 19/2, số người tử vong trên toàn Trung Hoa tăng 114 ca lên 2.118 – mức tăng thấp nhất kể từ 23/1. Thêm 394 người nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Hoa lên 74.576. 11.864 người trong tình trạng nguy kịch và 16.155 người khỏi bệnh.
Virus corona - Covid-19: Trung Hoa bắt người dám nói "sự thật mất lòng"
(RFI) Trong giai đoạn « nước sôi lửa bỏng » toàn dân chống dịch, Bắc Kinh không chấp nhận bất kì tiếng nói chỉ trích nào. Bộ máy kiểm duyệt liên tục phải xóa những lời bình luận bất bình, phẫn nộ sau khi hai bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) và Lưu Trí Minh (Liu Zhiming) lần lượt qua đời vì nhiễm virus corona mới.
Đối với những người dám công khai lên tiếng chỉ trích cách quản lý khủng hoảng Covid-19, chính quyền bắt giữ hoặc cưỡng ép « cách ly » dịch bệnhtại nhà. Đó là trường hợp mà luật gia Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) và giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) đang phải trải qua.
Nhật báo Le Monde (ngày 20/02/2020) cho biết « Bắc Kinh đang bịt miệng hai nhà đối lập ». Luật gia 46 tuổi Hứa Chí Vĩnh bị bắt, cùng với vợ, ngày 15/02/2020, ở nhà luật sư Dương Bân (Yang Bin) ở Quảng Châu, nơi ông ẩn náu sau khi bị truy nã vì tham gia một cuộc họp kín với khoảng 20 luật gia và nhà đấu tranh nhân quyền về « quá độ dân chủ tại Trung Hoa » vào tháng 12/2019 ở Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến). Ngay sau đó, bốn người tham gia cuộc họp nay đã bị bắt, trong đó có luật sư Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi), bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, vì bảo vệ nhân quyền.
Trước đó, ông Hứa Chí Vĩnh từng bị kết án bốn năm tù vào năm 2014 vì « gây rối trật tự công cộng ». Được trả tự do ngày 15/07/2017, ông tiếp tục đấu tranh vì một Nhà nước pháp quyền và lên án nạn tham nhũng. Ngay cả trong thời gian bỏ trốn, ông cũng lên án cách xử lý khủng hoảng Covid-19 của chính quyền, đồng thời kêu gọi chủ tịch Tập Cận Bình từ chức. Khi ông Hứa Chí Vĩnh bị bắt, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lo ngại ông sẽ bị kết án nặng dù lý do bắt giữ vẫn chưa được công bố.
Trường hợp thứ hai là giáo sư luật Hứa Chương Nhuận, bị ép cách ly tại nhà từ ngày 16/02 và bị cấm mọi hình thức trao đổi với bên ngoài. Một nhân chứng cho nhật báo Anh The Guardian biết : « Họ giam ông ấy ở nhà, lấy lý do là ông phải bị cách ly » do vị giáo sư vừa từ tỉnh An Huy (Anhui) trở về. Ngày 04/02, ông đăng trên mạng bài viết : « Cảnh báo virus : khi giận dữ mạnh hơn nỗi sợ », một bài chỉ trích ảnh hưởng mạnh đến chính quyền. Ngay khi đăng bài viết này, ông đã biết trước « sẽ bị trừng phạt. Và có thể đây là bài viết cuối cùng của tôi ».
Giáo sư Hứa Chương Nhuận từng giảng dạy tại đại học Thanh Hoa danh tiếng. Tháng 07/2018, ông đăng một bài viết chỉ trích Hiến Pháp được sửa đổi cho phép chủ tịch Tập Cận Bình có thể nắm quyền trọn đời. Từ đó, vị giáo sư luật bị cấm giảng dạy.
Sau hai tuần để thả nổi một số lời chỉ trích cách giải quyết khủng hoảng, đến đầu tháng Hai, Bắc Kinh thông báo tăng cường kiểm soát Internet và mạng xã hội. Theo tổng kết của tổ chức phi chính phủ China Human Rights Defenders ngày 07/02, có 351 người bị « trừng phạt » vì đã « phát tán tin đồn sai lệch » về virus corona mới.
Bên cạnh việc kiểm duyệt, theo xã luận của Le Monde, chính quyền Bắc Kinh quyết tâm lấy lại quyền kiểm soát thông tin. Cả một bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản được đưa vào cuộc để « hướng dẫn công luận và tăng cường kiểm soát thông tin ». Bất kỳ lời chỉ trích nào cũng không được chấp nhận, như trường hợp ba nhà báo của Wall Street Journal bị trục xuất khỏi Trung Hoa, theo thông báo ngày 19/02, dù ba nhà báo này không liên quan đến bài viết « Người bệnh thực sự của châu Á », được đăng trong mục Ý Kiến của Wall Street Journal.
Cách xử lý dịch Covid-19 của Trung Cộng là một thách thức ngoại giao với WHO
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cố gắng thực hiện một hành động cân bằng ngoại giao trong dịch Covid-19, khi họ mắc kẹt giữa Trung Hoa đã có các biện pháp hà khắc để ngăn chặn virus lây lan – với các nhà phê bình có ý kiến rằng, hành vi của Trung Hoa là điển hình của sự coi thường nhân quyền.
Tờ The Guardian hôm 18/2 cho biết, trong mỗi cuộc họp báo, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã biện hộ cho cách xử lý dịch bệnh của Trung Hoa trước những câu hỏi gai góc và liên tiếp từ các nhà báo Mỹ.
Vào cuối tháng Một, trong khi ông Tedros ban bố mối lo ngại quốc tế là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” – quyết định đã bị loại một tuần trước đó theo những gì được cho là áp lực từ Bắc Kinh – thì ông ca ngợi Trung Hoa vì đã bảo vệ phần còn lại của thế giới.
“Trong vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của một mầm bệnh chưa từng biết trước đó, đã leo thang thành một bùng phát dịch chưa từng có, và đã được đáp ứng bởi một phản ứng chưa từng thấy”, ông Tedros nói.
“Trung Hoa sẽ được chúc mừng vì những biện pháp phi thường mà họ đã thực hiện để ngăn chặn sự bùng phát bất chấp tác động kinh tế và xã hội nghiêm trọng đang gây ra cho Trung Hoa”.
Ông đã dành những lời khen ngợi tương tự cho Campuchia, một đồng minh của Trung Hoa, nước đã cho phép tàu du lịch MS Westerdam cập cảng sau khi các cảng khác “quay lưng”.
“Đây là một ví dụ điển hình về tình đoàn kết quốc tế mà chúng tôi đã liên tục kêu gọi”, ông Tedros nói.
Trong khi đó, Đài Loan đã phản đối bị xếp hạng nguy cơ “rất cao” giống như Trung Hoa khiến các quốc gia áp đặt lệnh cấm đi lại đối với công dân của Đài Loan.
Đài Loan đã báo cáo chỉ 22 trường hợp nhiễm virus, so với con số của Trung Hoa là hơn 72.400.
Bà Âu Giang An (Joanne Ou) phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao Đài Loan nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi khẩn thiết WHO hãy chuyên nghiệp và trung lập: thoát khỏi yêu sách vô lý của Trung Hoa. Đừng bị Trung Hoa “dắt mũi”.
Trung Hoa từ lâu đã chặn Đài Loan trở thành thành viên độc lập của WHO, bởi xem hòn đảo này thuộc về đại lục.
Khi ông Tedros tới Trung Hoa vào ngày 29/1 gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ Ngoại giao Trung Hoa nói rằng ông Tập rất coi trọng việc hợp tác với WHO.
“Các biện pháp của Trung Hoa không chỉ bảo vệ người dân, mà còn bảo vệ người dân trên toàn thế giới”, Bộ này nói, nhưng tiếp tục đề nghị ông Tedros tán thành chế độ chính trị Trung Hoa.
Trong khi đó, Anh và các nước châu Âu khác đã thực hiện các biện pháp kiểm soát những người đến từ Trung Hoa, Tổng thống Donald Trump đã ban bố một lệnh cấm bất kỳ công dân nước ngoài nào vào Mỹ nếu họ đã ở Trung Hoa trong vòng 14 ngày trước đó.
WHO là một cơ quan của Liên Hợp Quốc mà Trung Hoa đã lãnh đạo. Người tiền nhiệm của ông Tedros là Margaret Chan, người Trung Hoa, và trước đây là giám đốc y tế tại Hồng Kông. Nhưng Trung Hoa không bằng lòng với điều đó. Năm ngoái, Trung Hoa đã chiến thắng trong cuộc đua trở thành người đứng đầu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) trước sự phản đối của Mỹ.
Nếu Trung Hoa đã gây áp lực lên WHO để bảo vệ việc Trung Hoa xử lý dịch bệnh, “thì đó là áp lực mà các tổ chức của Liên Hợp Quốc luôn phải chịu từ các nền kinh tế tiên tiến”, Osman Dar, giám đốc của Dự án One Health thuộc Trung tâm Chatham House về An ninh Y tế Toàn cầu nói.
Doanh nghiệp Pháp tại Trung Hoa lao đao vì Covid-19
Nền kinh tế Trung Hoa gần như đứng lại từ bốn tuần nay khiến các doanh nghiệp Pháp tại đây, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mất khoảng 50% doanh thu trong quý I năm 2020.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : « Doanh nghiệp Pháp tại Hoa Lục chịu sức ép lớn vì virus corona mới ». Tất cả mọi lĩnh vực đều bị tác động, nhưng nặng hơn cả là ngành dịch vụ do « tất cả các chuyến du lịch bị hủy, chúng tôi không còn việc làm », theo giải thích của bà Emilie Chaudouard, điều hành văn phòng du lịch TravelStone ở Bắc Kinh. Hiện tại, họ chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng được khống chế để tránh biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Trong trường hợp khả quan, họ hy vọng có thể hoạt động bình thường trở lại vào giữa tháng Ba.
Virus corona mới cũng khiến ngành thời trang Ý lao đao, với doanh thu giảm khoảng 30% trong quý I năm 2020, theo nhật báo kinh tế Les Echos. Chỉ riêng giới khách hàng châu Á, đặc biệt là du khách Trung Hoa, mang lại khoảng 40% doanh thu cho lĩnh vực này. « Có đến 80% người mua và các nhà điều phối ngành thời trang Trung Hoa sẽ không đến » Ý để tham dự các cuộc trình diễn thời trang, nên các nhà tạo mẫu đã tổ chức chiếu trực tiếp trên mạng những buổi trình diễn này.
Kinh tế Đông Nam Á đối mặt với cú sốc Covid-19
Các nước Đông Nam Á sẽ chịu tác động về kinh tế nặng nề do dịch Covid-19, vì vừa ở sát Trung Hoa vừa phụ thuộc vào cường quốc thứ hai thế giới trên nhiều lĩnh vực. Tác động nặng nề đến mức nào, còn tùy thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh, theo nhận định của Le Monde.
Thiệt hại trước mắt là ngành du lịch và công nghiệp gia công. Nền kinh tế Thái Lan vốn đã đìu hiu với mức tăng trưởng chỉ đạt 2,4% năm 2019, mức thấp nhất kể từ 5 năm gần đây, giờ phải hứng thiệt hại về lượng du khách Trung Hoa sụt giảm : Họ chiếm đến 1/3 tổng số du khách nước ngoài trong năm 2019. Thêm vào đó, do sợ lây nhiễm, người dân Bangkok cũng đóng cửa ngồi nhà, khiến hoạt động kinh doanh trì trệ.
Singapore có thể sẽ mất khoảng 30% du khách. Ngày 18/02, chính phủ đảo quốc dự kiến chi hơn 4 tỉ euro, gồm tiền hoàn thuế hoặc các khoản vay với lãi suất ưu đãi, để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động từ nguồn cung cấp Trung Hoa. Giới chuyên gia cho rằng tăng trưởng của Singapore sẽ bị mất từ 0,5 đến 1 điểm.
Đối với Indonesia, hiện là nền kinh tế lớn nhất ASEAN, cuộc khủng hoảng dịch tễ tại Trung Hoa xảy ra không đúng thời điểm, vì nền kinh tế nước này, trong năm 2019, đã phải hứng hậu quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và giá nhiên liệu sụt giảm. Trung Hoa là thị trường xuất khẩu lớn của Indonesia, chủ yếu về dầu lửa, khí đốt, than đá, dầu cọ… Với cuộc khủng hoảng dịch tễ này, khối lượng xuất khẩu sẽ còn giảm bớt trong năm 2020, theo đánh giá của Helmi Arman, nhà phân tích của Citi Indonesia.
Quỹ Carnegie nhận định « rất nhiều nước láng giềng của Trung Hoa trông cậy quá nhiều vào Trung Hoa để thúc đẩy nền kinh tế của họ ». Việt Nam là một ví dụ điển hình, lĩnh vực sản xuất của nước này, liên hệ quá chặt chẽ vào thị trường Trung Hoa và là một trong những yếu tố giúp Việt Nam có sức tăng trưởng mạnh, giờ trở thành một trong những nước bị tác động trực tiếp nhất.
Trung Hoa là nhà đầu tư hàng đầu vào các nước ASEAN. Liệu sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Hoa có khiến các nước Đông Nam Á xem xét lại mô hình kinh tế mà ASEAN đang theo đuổi kể từ khi Trung Hoa trở thành một cường quốc thế giới ? Theo Le Monde, trước mắt, chính phủ các nước ASEAN sẽ xem xét hạ lãi suất và hạ giá đồng tiền để hàng xuất khẩu của họ trở nên hấp dẫn hơn. Trong khi chưa biết đến khi nào dịch bệnh mới hết, các nước ASEAN chỉ còn cách gồng mình chờ những ngày tươi đẹp hơn.
Thêm 2 quan chức Nhật nhiễm COVID-19
Reuters đưa tin, một quan chức trong Bộ Y tế Nhật Bản hôm nay cho biết có thêm 2 quan chức nước này dương tính với COVID-19. Một quan chức làm trong Bộ Y tế và người còn lại ở Ban Thư ký nội các. Cả 2 quan chức này đã làm việc với du thuyền Diamond Princess.Trước đó, Nhật Bản đã có 3 quan chức dương tính với COVID-19.
Tổng thống Trump bổ nhiệm quyền giám đốc tình báo quốc gia
Tổng thống Trump bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, người ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của ông, làm quyền giám đốc tình báo quốc gia.“Rick là đại diện tiêu biểu cho đất nước chúng ta và tôi mong muốn được làm việc với ông ấy”, ông Trump đăng trên Twitter hôm 19/2. Ông cũng cảm ơn người tiền nhiệm của Grenell là Joseph Maguire “vì những gì tuyệt vời mà ông đã làm với tư cách quyền giám đốc tình báo quốc gia Mỹ” kể từ tháng 8/2019.
Liên Hiệp Châu Âu bất đồng về ngân sách 2021-2027
Cứ khi bàn đến ngân sách là bất đồng lại nổi lên trong Liên Hiệp Châu Âu. Trong hai ngày 20 và 21/02/2020, lãnh đạo của 27 nước họp tại Bruxelles để bàn về ngân sách 2021-2027. « Một thượng đỉnh bế tắc chính trị », theo nhật báo La Croix, và cũng là nhận định của Le Monde, Le Figaro và Libération.
Le Figaro cho rằng khi bàn về ngân sách châu Âu, có những ưu tiên mới nhưng cũng có cả những tranh cãi từ xưa. Tìm được tiếng nói chung về thỏa thuận ngân sách cho đến năm 2027, đối với Le Figaro, dường như là điều không dễ dàng.
Libération cũng cho rằng cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên về ngân sách, sau Brexit, sẽ thất bại. Đối với nhật báo thiên tả, khi bàn về « Ngân sách Liên Hiệp Châu Âu : Thời điểm thanh toán lẫn nhau ». Các nước giầu ích kỉ muốn cắt bớt ngân sách của khối, trong khi những nước còn lại tìm cách thúc đẩy tăng ngân sách để phát triển một dự án châu Âu.
Còn theo Le Monde, « giữa khối 27 nước là mối quan hệ quyền lực và mặc cả ngân sách ». Khoản ngân sách 1.095 tỉ euro, chiếm khoảng 1,074% GDP của toàn khối, so với mức 1,16% trong giai đoạn 2014-2020. Trong đó, khoảng 65% sẽ được dành cho các chính sách lớn của Liên Hiệp Châu Âu, như nông nghiệp, các quỹ liên kết, phần còn lại sẽ dành cho chi phí hoạt động của các cơ quan của khối, nghiên cứu, kỹ thuật số, quốc phòng, nhập cư, chương trình trao đổi Erasmus…
Bốn nước Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch không muốn chi hơn 1% GDP của châu Âu, trong khi 17 nước « Hữu nghị liên kết » thì muốn duy trì ngân sách dành cho các dự án liên kết, mà những nước này được hưởng nhiều hơn. Trong bối cảnh này, Đức và Pháp tỏ ra kín tiếng. Thực ra, giữa hai nước đầu tầu hiện có một số bất đồng, như Pháp muốn thúc đẩy một chiến lược phòng thủ chung châu Âu, trong khi Đức, nước đóng góp đến hơn 1/5 ngân sách của Liên Hiệp, thì không muốn chi thêm.
Trong một bài viết khác, Le Monde nhận định : « Sau Brexit, Đông Âu mất một đồng minh, nhưng sức ảnh hưởng lại gia tăng ». Một số trọng trách trong khối, hoặc trên thế giới hiện đang nằm trong tay của các chính trị gia Đông Âu, như tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Thế Giới là bà Kristalina Gẻogieva, người Bulgari, chức chưởng lý châu Âu có thể sẽ được trao cho bà Laura Kovesi, người Rumani, đứng đầu đảng Nhân Dân Châu Âu (EPP, cánh hữu và trung hữu), chiếm đa số ở Nghị Viện, là một người Ba Lan.
Chuyện về một phụ nữ Bắc Triều Tiên
Nhật báo La Croix giới thiệu cuốn sách « Mijin, lời xưng tội của một phụ nữ Bắc Triều Tiên theo Công Giáo » của nhà báo Dorian Malovic và nhà nghiên cứu Juliette Morilott.
Minjin sinh năm 1969 trong một gia đình cán bộ ở Bắc Triều Tiên. Bà biết cách tuân theo điều lệ, quy tắc, và được coi là một công dân mẫu mực, thậm chí được tín nhiệm để được tuyển « theo dõi bí mật », rồi dần được giao một số trọng trách. Thế nhưng, chỉ một lần phản đối công an, bà có nguy cơ bị đi trại cải tạo, nên bà đã trốn sang Hàn Quốc và hiện sống ở Seoul. Minjin cho biết « đã phải quyết định bỏ trốn trong khi không hề có ý định từ bỏ Tổ quốc ».
Qua lời kể của Mijin, hai tác giả miêu tả lại một xã hội nơi sự nghi ngờ ngự trị, « mỗi người phải biết tỏ ra thanh đạm, nói dối và che đậy ». Như Minjin, khoảng 30.000 người Bắc Triều Tiên rời tổ quốc trong vòng 30 năm gần đây.
Úc sẽ điều tra khủng hoảng cháy rừng
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay cho biết chính phủ nước này sẽ mở cuộc điều tra về đợt cháy rừng kéo dài suốt 5 tháng khiến 33 người thiệt mạng và phá huỷ hàng nghìn ngôi nhà.Theo AFP, cựu tư lệnh không quân Mark Binskin, cựu thẩm phán Tòa án Liên bang Annabelle Bennett và giáo sư môi trường Andrew Macintosh sẽ phụ trách cuộc điều tra này. Ông Morrison nói thêm nhóm điều tra được yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 31/8, để các khuyến nghị có thể được thực hiện trước mùa cháy rừng tiếp theo.
Tại Pháp, virus kỳ thị người châu Á
lây lan nhanh hơn virus Corona
Một quán ăn vắng khách trong quận 13, Paris. (REUTERS/Charles Platiau)
(Thùy Dương _RFI) Từ khi dịch bệnh viêm phổi cấp bùng lên, nhiều người châu Á bất ngờ chịu thái độ kỳ thị, bị xua đuổi tại Pháp vì virus corona, không chỉ người Trung Hoa mà cả người Việt Nam, Philippines, Lào, Cam Bốt, Hàn Quốc, Nhật Bản … Truyền thông Pháp trong những ngày qua đề cập nhiều đến thái độ bài châu Á, cũng như những nỗi buồn, lo sợ và cả nỗi tức giận của các nạn nhân.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, hastag #Je ne suis pas un virus (Tôi không phải một con virus) được sử dụng rất nhiều để phản đối thái độ kỳ thị mà người châu Á phải chịu đựng do bị quy kết là làm lây lan dịch bệnh, nhất là người Hoa. Trên Facebook, ngày 25/01/2020, Hiệp hội giới trẻ Trung Hoa tại Pháp (AJCF) nhấn mạnh : « Không, người gốc Hoa không phải ai cũng mang virus corona ! Chúng tôi không phải những con virus ».
Một người Pháp gốc Hoa bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội Twitter : « Xin chào các bạn, không phải người châu Á nào cũng là người Hoa. Không phải tất cả người Hoa đều sinh ra ở Hoa lục và đã từng đến Trung Hoa. Không phải người châu Á nào ho cũng là do nhiễm virus corona. Xúc phạm một người châu Á vì virus, cũng giống như lăng mạ một người Ả Rập về các vụ khủng bố ».
Phát biểu trên đài truyền hình France 24, ông Sacha Lin-Jung, một đại diện của Hiệp hội người Hoa tại Pháp cho biết : « Chúng tôi đã nghe thấy những câu chuyện liên quan đến việc người Pháp gốc châu Á, kể cả những người không phải gốc Hoa, bị chỉ trích trong các phương tiện giao thông công cộng. Chúng tôi có cảm giác một chứng hoang tưởngcó thể sẽ xuất hiện ngay cả khi thái độ đó là phi lý, vô căn cứ ».
Sự tổn thương vì bị đánh đồng
Trả lời đài RFI tiếng Pháp ngày 30/01/2020, bà Mai Lam Nguyen-Conan, chuyên gia về các vấn đề liên văn hóa, giải thích cụ thể hơn :
« Nỗi sợ virus không chỉ có ở nước Pháp, mà ở châu Á người ta cũng sợ, và cả ở nhiều nước khác nữa. Hiện giờ thì tại Pháp, nỗi sợ virus corona được người ta thể hiện nhắm vào tất cả những người có nét mặt Á đông. Ở đây, trước tiên là có sự đánh đồng giữa người Hoa và người không phải là người Hoa, tất cả người châu Á đều có thể bị coi là người Trung Hoa. Họ cũng đánh đồng khách du lịch Trung Hoa với người Pháp gốc Hoa. Người ta không thấy có sự khác nhau nào cả, vì thế người châu Á và người Hoa bị coi là một, người Hoa sống tại Pháp cũng bị coi như người Trung Hoa tới từ Hoa lục. Nói tóm lại, người ta đánh đồng tất cả mọi người. Và đó chính là điều đáng sợ và đáng buồn đối với những ai phải chịu đựng thái độ kỳ thị này ».
Về việc đánh đồng người châu Á với người Hoa,trả lời phỏng vấn của RFI Việt Ngữ, nhà nghiên cứu xã hội học Julien Le Hoang An, Đại học Bourgogne France-Comté cho biết thêm :
« Có hai cách giải thích : Có nhiều người không cố ý gọi người châu Á là người Trung Hoa, bởi vì đúng là họ không phân biệt được người Hoa, người Việt, người Cam Bốt, Hàn Quốc hay Nhật … Thế nhưng, nhiều khi gọi một người châu Á là người Trung Hoa hay những từ khác mang tính xúc phạm nặng nề hơn lại là cách để hạ thấp người châu Á, bởi vì gọi như vậy có nghĩa là người ta không muốn quan tâm đến bản sắc, văn hóa, lịch sử và nguồn gốc của người châu Á đó, mà chỉ dựa vào vẻ bên ngoài để gọi. Điều này gây tổn thương bởi vì châu Á hiểu rằng người gọi họ như vậy không quan tâm họ là ai, họ từ đâu tới ».
Sự kỳ thị âm thầm
Nhìn lại lịch sử, thái độ kỳ thị người châu Á xuất phát từ khi nào và do những yếu tố nào? Nhà nghiên cứu xã hội học Julien Le Hoang An giải thích :
« Sự kỳ thị nhắm vào người châu Á tồn tại từ lâu ở Pháp, cho dù hiện nay thái độ bài châu Á đặc biệt tăng mạnh do virus corona. Nhưng nếu chúng ta nói về sự kỳ thị, cần phân biệt hai hình thức : sự kỳ thị giữa các cá nhân, tức là giữa người này với người kia, người ta gọi đó là sự kỳ thị về tinh thần. Ngoài ra, còn có sự kỳ thị lên quan tới thể chế, đó là sự kỳ thị trong các định mức, tiêu chuẩn, chẳng hạn sự kỳ thị liên quan tới việc làm, chỗ ở … Về nét đặc thù của người châu Á, người ta thường có suy nghĩ là cộng đồng người Á châu là một nhóm thiểu số kiểu mẫu, hòa nhập rất tốt, chịu khó làm lụng vất vả và rất kín đáo. Cũng giống như nạn kỳ thị các sắc tộc khác, nạn kỳ thị người châu Á gắn liền với lịch sử xâm chiếm thuộc địa. Và người châu Á được cho là hiền lành, dễ bảo hơn người da đen, người Ả Rập ».
Chính nết hiền lành, nhẫn nhịn, lối sốngkín đáo của người châu Á đã khiến họ không có những phản ứng mạnh như người gốc Phi hay Ả Rập khi bị tấn công, cướp bóc, hay phải hứng chịu những ngôn từ, câu chữ mỉa mai, chế giễu, những lời chửi bới, thóa mạ, lăng nhục trên đường phố, nơi công cộng, trên các mạng xã hội, thậm chí là ở trường học đối với các em nhỏ. Và điều này dường như đãgóp phần khiến nạn kỳ thị người châu Á tại Pháp ít được nhắc tới, ít được coi là nghiêm trọng, và thậm chí nhiều người còn tự cho quyền dùng những ngôn từ mà họ không dám sử dụng khi nói về người thuộc các chủng tộc khác, như người gốc Phi hay người Ả Rập.
Hôm Chủ Nhật 26/01, tờ báo Pháp Courrier Picard đã gây nhiều phản ứng mạnh khi chơi chữ, chạy tựa trang nhất « Virus corona Trung Hoa - Hiểm họa bất ngờ màu vàng », kèm theo bài xã luận « Một đại dịch vàng mới ? ». Ông Stéphane Nivet, tổng giám đốc Liên minh quốc tế chống kỳ thị sắc tộc và bài Do Thái (Licra) giận dữ nói với tuần báo L’Express : ''Quý vị hãy tưởng tượng nhé, nếu virus đến từ châu Phi, sẽ không có tờ báo nào dám giật tít « Mối đe dọa bất ngờ màu đen'' »
Nhà xã hội học Julien Le Hoang An giải thích thêm với RFI Việt ngữ : « Chúng ta nên hiểu rằng sự kỳ thị thể hiện qua nhiều cách và ở mọi cấp độ, giữa các cá nhân với nhau cũng như ở tầm thể chế. Tùy theo nét mặt, giấy tờ, họ tên, kể cả giới tính, trình độ học vấn … mỗi người có thể sẽ chịu những sự kỳ thị, ít nhiều nghiêm trọng tùy tình huống, hoàn cảnh. Không thể phủ nhận những lời chửi bới, xúc phạm giữa các cá nhân, nhưng còn có nạn phân biệt đối xử ảnh hưởng tới việc làm, chỗ ở, quyền hưởng các dịch vụ công như chăm sóc y tế, giáo dục, đào tạo...
Ở đây, sự phân biệt đối xử mà người châu Á phải chịu khác so với người gốc Phi hay người Ả Rập. Vấn đề quan trọng là nạn bài người châu Á bị biến thành vô hình, không được trông thấy rõ, khiến người ta có cảm tưởng là người Á châu không hề bị kỳ thị, hòa nhập rất tốt, không gặp vấn đề gì. Nhưng vấn đề nằm ở chính chỗ đó. Những thứ người ta chỉ nhìn thấy bên ngoài cuối cùng lại khiến họ nghĩ rằng có thể nói bất cứ điều gì họ thích bởi vì những điều họ nói không phải là sự kỳ thị ».
Mặc dù vậy, theo bà Mai Lam Nguyen-Conan, người châu Á nay đã có nhiều hành động hơn để phòng ngừa nạn kỳ thị : « Mọi người đã bắt đầu thay đổi, bởi vì giới trẻ, thế hệ trẻ đã bắt đầu phản ứng. Họ rất cảnh giác đề phòng. Mỗi hành vi mang tính kỳ thị, bất kể đó là những câu bông lơn, đùa vui của các nhân vật nổi tiếng, những chương trình dù mang tính hài hước nhiều hơn là chỉ trích … đều bị phê phán. Họ rất cảnh giác, chú ý để phản ứng nhằm cho thấy ''những điều mà quý vị coi là vẫn chấp nhận được, là bình thường thực ra là có những tác động đến mọi người, khiến người ta bị tổn thương, xấu hổ. Tất cả những điều đó là có thật, tác động đến mọi người, đến nhiều gia đình, đến những đứa trẻ. Thái độ kỳ thị mà người ta nghĩ là thường thôi, không quá nghiêm trọng, những phán xét rập khuôn, định kiến … có thể giết chết người khác'' ».
Những suy nghĩ chết người
Cách nay gần 3 năm rưỡi, vào tháng 08/2016, cái chết của một công nhân người Hoa tại Aubervilliers, ngoại ô Paris sau khi bị một nhóm thanh thiếu niên tấn công để cướp tiền, đã gây phẫn nộ trong dư luận, đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa nói riêng và người châu Á nói chung tại vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận). Một làn sóng tuần hành phản đối rộng khắp đã nổ ra, nhất là ở Paris và thành phố ngoại ô Aubervilliers.
Báo Valeurs actuelles, ngày 23/01, cho biết theo các hiệp hội bảo vệ cộng đồng Á châu, tại vùng Ile-de-France, tính trung bình, cứ hai ngày lại có ít nhất một vụ tấn công nhắm vào người châu Á, cả người Pháp gốc Á và du khách châu Á, chủ yếu để cướp tiền, vì những suy nghĩ rập khuôn kiểu người châu Á kiếm được nhiều tiền và thường mang theo tiền trong người. Số vụ tấn công trên thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều, vì nhiều người châu Á không muốn đi khai báo với nhà chức trách, do ngại tiếng Pháp không giỏi hoặc lo sợ bị trả thù. Một thực tế đáng lo ngại hơn là tại một số nơi, nhất là ở khu vực ngoại ô Paris, nạn tấn công người gốc Á ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Vẫn luôn âm ỉ tồn tại dưới nhiều hình thức cho dù ít được nhắc tới vì nhiều lý do, nhưng nạn dịch virus corona bùng lên cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã khiến nạn kỳ thị sắc tộc nhắm vào người châu Á còn lây lan nhanh và khiến nhiều người gốc châu Á tại Pháp bị tổn thương nhiều hơn cả nhưng vấn đề sức khỏe, y tế do virus corona gây ra. Dường như nạn dịch virus corona là cái cớ để nhiều người Pháp công khai bài xích người Á châu, nhưng ngược lại đây cũng là dịp để các nạn nhân đồng thanh nói về những gì họ phải chịu đựng nhằm có thể hạn chế những tổn thương tương tự sau này.
Chợ Tàu quận 13 Paris vắng khách, dân châu Á bị kỳ thị
Paris 13è RFI /Vietnam
(Thùy Dương-RFI) Theo lệ thường, vào dịp Tết nguyên đán, quận 13, Paris, nơi tập trung nhiều người châu Á sinh sống, nhất là người Trung Hoa, nhộn nhịp không khí lễ Tết, đông vui, tấp nập. Thế nhưng, từ một vài ngày nay, sau Tết nguyên đán, trùng với thời gian dịch bệnh viêm phổi cấp tính do virus corona bùng phát mạnh, khu vực quanh chợ Tàu, quận 13, Paris có vẻ vắng khách, yên ắng hơn.
Liệu có phải nỗi sợ virus mang tên Corona mà mắt thường không nhìn thấy được đã lấn át nhu cầu mua sắm và thưởng thức hàng quán ở khu chợ Tàu ? Phóng sự của RFI Tiếng Việt tại khu chợ Tầu, quận 13, Paris.
Quận 13 là khu vực có nhiều siêu thị như Tang Frères, Paris Store, mà người Việt Nam hay gọi chung chung là chợ Tàu, nhiều cửa hàng cửa hiệu và nhà hàng châu Á, khách khứa nhộn nhịp, không chỉ khách người châu Á mà còn có rất đông khách Pháp.
Nhưng đến ngày 30/01/2020, nước Pháp ghi nhận có 5 ca nhiễm virus corona. Sau khi chính quyền thông báo có ba ca nhiễm virus vào ngày 24/01, trong đó có hai ca tại thủ đô Paris và một ca tại thành phố Bordeaux, hoạt động lễ hội, các cuộc diễu hành mừng Tết Nguyên Đán tại Paris hôm 26/01 tại quảng trường Cộng Hòa đã bị hủy. Bộ trưởng Y Tế Pháp, Agnès Buzin, giải thích quyết định hủy các hoạt động lễ hội này không phải là một biện pháp liên quan tới vấn đề vệ sinh y tế.
Còn đô trưởng Paris Anne Hidalgo, phát biểu trên đài Europe 1 ngày Chủ Nhật 26/01, thông báo quyết định trên được đưa ra do các hội đoàn người Hoa cũng “không còn lòng dạ nào để vui chơi” : « Chính cộng đồng người Hoa ở Paris đã muốn hủy cuộc diễu hành dự kiến diễn ra vào chiều hôm nay (26/01) tại quảng trường Cộng Hòa (…) Không nên lùi bước trước nỗi lo sợ, nhưng đồng thời cũng phải hết sức chú ý, cảnh giác và tôn trọng quyết định của các hội đoàn Hoa kiều tại Paris ».
Virus corona có lây nhiễm qua hàng hóa, thực phẩm không ?
Chiều ngày 29/01, dù không khí ở khu phố này trầm hơn so với trước đây, nhưng vẫn có khách đến mua sắm thực phẩm trong chợ Tàu, không chỉ khách châu Á mà cả khách Tây. Bà Carlos Maria, một người phụ nữ cao tuổi, đi xe bus đến chợ Tang Frères để mua thực phẩm châu Á. Trả lời RFI Tiếng Việt, bà chia sẻ là vẫn đến khu chợ này mua sắm như bình thường, đối với bà dù đã có vài người bị lây nhiễm, nhưng nguy cơ nhiễm virus corona tại Pháp không quá cao, dịch bệnh không quá nguy hiểm :
« Không, tôi không lo lắng chút nào cả. Chị thấy đấy, trước đây có dịch hạch còn khủng khiếp hơn rất nhiều, còn hiện giờ thì đâu đến nỗi như vậy, người ta vẫn chưa biết nguồn gốc căn bệnh từ đâu, nhưng không sao, chúng tôi không sợ. Chị thấy đấy, tôi đang ở đây (khu phố Tàu). Tôi sẽ đi mua thực phẩm Trung Hoa. Tôi không lo chút nào, tôi không sợ. Tôi vẫn thường đến đây. Trong các nhà hàng vẫn có khách. Trong trung tâm thương mại (Olympiade), có nhiều nhà hàng, không vắng vẻ đâu. Tôi sẽ mua gạo, nước chấm, gừng … »
Từ vài ngày nay, có nhiều người lo ngại tự hỏi mua sắm hàng hóa, thực phẩm có xuất xứ từ Trung Hoa liệu có nguy cơ nhiễm virus corona không ? Nhiều chuyên gia cho biết không thể khẳng định 100%, nhưng nguy cơ lây nhiễm khi dùng hàng Trung Hoa, kể cả đồ ăn thức uống nhập từ Hoa lục, là rất thấp, bởi virus chỉ tồn tại trong không khí trong một vài ngày, thậm chí chỉ một vài giờ. Trong khi đó, việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Hoa sang Pháp thường bằng tàu biển, thời gian vận chuyển và lưu giữ trong kho bãi trước khi các sản phẩm đến tay người tiêu dùng thường phải mất đến vài tháng, còn hàng vận chuyển bằng máy bay thì nhiệt độ trong khoang hàng cũng như độ ẩm đều rất thấp, khiến virus không thể tồn tại được lâu để truyền bệnh cho người. Có lẽ chính vì thế, nhiều người cảm thấy không lo sợ khi đi chợ Tàu mua thực phẩm nhập từ Hoa lục.
Dễ lây cúm thông thường hơn là nhiễm virus corona ?
Trở lại quận 13 Paris, khi trò chuyện với rất nhiều người tại chỗ, cả người châu Á và người Pháp đến chợ Tàu mua sắm, cũng như nhiều nhân viên bán hàng của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm châu Á đều nói là không hẳn sự vắng vẻ này là do nỗi sợ virus corona. Đây cũng là ý kiến của chị Kim Loan, chủ tiệm kim hoàn Kim Loan tại trung tâm thương mại Olympiade :
«Kim Loan xin chào quý thính giả của đài RFI Việt ngữ. Trả lời câu hỏi của Thùy Dương, mình thấy sau Tết khách hàng có vắng đi chút đỉnh, tại vì trước Tết tất cả mọi người đã sắm sửa đầy đủ, theo mình thì không phải là do bệnh corona. Cái bệnh này xảy ra vào đúng thời điểm người ta đã mua sắm hết rồi, thành ra người ta không có nhu cầu để mà sắm nữa. Thế nên, theo mình nghĩ không phải do dịch bệnh đâu. Mình thấy mọi người vẫn ăn uống bình thường, nhà hàng vẫn có khách bình thường, mọi người vẫn mua sắm vô tư, ăn uống bình thường. Mình không có nghe ai nói về dịch bệnh hết.
Mình không thấy có nhiều người đeo khẩu trang. Một ngày, nhìn ra ngoài, mình thấy 1-2 người đeo khẩu trang thôi. Cũng khó nói, khi họ đeo khẩu trang mình không thấy mặt họ, nhưng nhìn vóc dáng mình thấy có vẻ như người Á châu mình.
Bản thân mình thì mình không đeo khẩu trang, tại vì theo thông tin của nhà nước bên đây (Pháp), người ta đã xác định rõ ràng là dịch bệnh mặc dầu dễ lây nhiễm, nhưng cũng không quá dễ như mình nghĩ, thành ra mình cứ ra đường thoải mái thôi. Mình vẫn đi siêu thị mua sắm, ăn uống bình thường, không đeo khẩu trang gì hết ».
Đúng là trong vòng vài tiếng đồng hồ tại khu phố Tàu, chúng tôi quan sát chỉ thấy lác đác vài người đeo khẩu trang. Một trong số ít ỏi những người như vậy là một phụ nữ trẻ người Hoa. Trả lời phỏng vấn của RFI sau khi đã mua sắm rất nhiều thực phẩm trong chợ Tàu Tang Frères, chị cho biết : « Tất nhiên là tôi sợ chứ, vì thế mà tôi đeo khẩu trang. Tôi muốn tự bảo vệ mình khỏi virus. Tôi thích thực phẩm ở đây (chợ Tàu Tang Frères). Mua thực phẩm ở đây không nguy hiểm như tiếp xúc với người bệnh ».
Còn chị Sophie, người Pháp gốc Hoa, nhân viên cửa hàng dược phẩm Olympiade, khẳng định những khách đến hỏi mua khẩu trang chủ yếu là người châu Á, và nhiều khi họ mua khẩu trang không phải để đeo phòng virus mà là để gửi về cho gia đình, người thân ở châu Á, nơi dịch bệnh đang hoành hành. Chị Sophie nghĩ rằng nhiễm virus corona có lẽ còn khó hơn là mắc các bệnh cảm cúm thông thường :
« Có vắng khách hơn một chút, nhưng giờ đang là Tết nguyên đán, về cơ bản thì có ít khách đến hiệu thuốc hơn. Nhưng hôm nay thì cũng đã có nhiều người hơn hôm qua một chút. Chúng tôi cũng không biết việc vắng khách liệu có liên quan gì đến virus corona hay không, hay là do đang là những ngày Tết. Đúng là có vắng khách hơn, nhưng cũng là do thời tiết, vì trời có mưa. Có nhiều người hỏi mua khẩu trang, nhất là người châu Á. Có một số người mua cho chính họ để dùng tại đây (Pháp), nhưng nhiều người mua để gửi về cho gia đình ở châu Á. Chúng tôi không sợ, vì hiện giờ thì mọi người dễ mắc cúm thông thường hơn là nhiễm virus corona. Vì thế, vào thời điểm này ở Paris chẳng có lý do gì phải sợ virus corona ».
Làn sóng kỳ thị người châu Á vì virus corona
Quả thực, tại Pháp, trong khi mới chỉ có 5 người nhiễm virus corona tính đến ngày 30/01, dịch cúm thông thường đã khiến 22 người thiệt mạng. Dù vậy, hiện có rất nhiều người châu Á đang chịu sự kỳ thị sắc tộc tại Pháp vì virus corona.
Hôm Chủ Nhật, tờ báo Courrier Picard đã gây giận dữ khi chơi chữ, đăng tựa trang nhất « Virus corona Trung Hoa - Hiểm họa bất ngờ màu vàng » và bài xã luận mang tựa đề « Một đại dịch vàng mới ? ». Ông Stéphane Nivet, tổng giám đốc Liên minh quốc tế chống kỳ thị sắc tộc và bài Do Thái (Licra) giận dữ nói với tuần báo L’Express, ngày 28/01 : « Quý vị hãy thử hình dung xem, nếu virus đến từ châu Phi, sẽ không có tờ báo nào dám giật tít « Mối đe dọa bất ngờ màu đen » (…) Việc một ban biên tập cho xuất bản một trang nhất như vậy mà không cảm thấy có gì không ổn chứng tỏ đây là một vấn đề ». Sau đó, báoCourrier Picard đã phảiđăng lời xin lỗi vì đã có thái độ kỳ thị nhắm vào người châu Á.
Mạng xã hội là một nơi chứng kiến tại Pháp người châu Á đang bị hắt hủi thế nào vì virus corona. Trên Twitter, một phụ nữ trẻ viết : « Cứ mỗi khi nhìn thấy một người Hoa ở Paris là tôi chuyển sang đi ở phía vỉa hè bên kia đường … tôi chạy, tôi rảo bước nhanh hơn, tôi quá sợ ».
Một số người châu Á, nhất là người Trung Hoa, thậm chí không dám ra khỏi nhà vì sợ phải nghe những lời thù hằn, chế giễu, sợ bị quy là thủ phạm mang virus corona vào nước Pháp, một số khác trên mạng xã hội than thở về những điều họ phải chịu đựng. Nhiều cư dân mạng châu Á tại Pháp đã tạo ra một hastag mới # Tôi không phải là một con virus và nhấn mạnh : « Không phải người châu Á nào ho cũng đều mang virus corona », « Xúc phạm một người châu Á vì virus cũng giống như chửi rửa một người theo đạo Hồi về những vụ tấn công khủng bố ».
Đài France Bleu ngày 30/01 cho biết là tại nhiều nhà hàng, khách sạn, một số khách hàng còn từ chối để người châu Á phục vụ. Có những nhân viên thu ngân ở siêu thị bật khóc vì bị khách sỉ nhục : « Các người hãy trở về quê nhà đi và hãy giữ lấy căn bệnh của các người ». Ngược lại, có những khách người châu Á bị các cửa hàng từ chối bán hàng. Tại nhiều trường học, trong giờ ra chơi, trẻ em châu Á bị bạn bè chế giễu, réo gọi bằng cái tên « Corona ». Không chỉ có người Trung Hoa, mà người châu Á nói chung đều bị kỳ thị và gắn với virus conona, chẳng hạn : « Người Trung Hoa, Việt Nam, và các nước khác cũng như nhau cả thôi, các người đều mang virus corona ». Có nhiều người Pháp gốc Á sinh ra và lớn lên tại Pháp cũng bị kỳ thị vì virus corona.
Tại Pháp, thái độ kỳ thị sắc tộc nhắm vào người châu Á vẫn có từ trước, nhưng dường như dịch bệnh viêm phổi cấp do virus conora gây ra, đang làm bùng lên làn sóng kỳ thị mới nhắm vào không chỉ người Trung Hoa, mà cả người châu Á nói chung.
Giáo Hội thời dịch bệnh
Trong một video được công bố trên các mạng xã hội vào chiều thứ Năm 13 tháng Hai, 2020 Đức Hồng Y Gioan Thang Hán của Hương Cảng cho biết Giáo Hội Công Giáo tại đây đã đề ra một loạt các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, là dịch bệnh đến nay vẫn chưa có phương dược chữa trị và chủng ngừa.Trong đoạn video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Đức Hồng Y nói: “Tôi lấy làm tiếc phải báo với anh chị em rằng giáo phận đã quyết định đình chỉ các Thánh lễ có công chúng tham dự vào các ngày Chúa Nhật từ 15 đến 28 tháng Hai, và không có phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay Thánh.”
Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, hiện là Giám quản Tông tòa của Giáo phận Hồng Kong. Ngài cho biết các cuộc tụ họp phụng vụ khác cũng bị hủy bỏ hầu tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngài mô tả các biện pháp này là đáng tiếc, nhưng cho biết quyết định này được đưa ra, vì hai tuần tới sẽ là thời điểm rất nguy hiểm.
Ngài khuyên anh chị em tín hữu nên theo dõi các thánh lễ trực tuyến, “dành thời gian đọc Kinh Thánh, lần chuỗi Mân côi, và suy niệm các bài đọc của Thánh lễ.”
Tại bán đảo Hương Cảng đã có 50 trường hợp được xác nhận là mắc COVID-19 và có một trường hợp tử vong.
Theo Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Bắc Kinh, tính đến 10 giờ sáng thứ Ba 18 tháng Hai, số người chết đã lên đến 1,875 người. Tân Hoa Xã cũng đề cập đến việc bắt giữ một số cán bộ địa phương, trong đó có Hạ Quốc Hoa phó phòng thống kê của Vũ Hán. Hoa được phân công phân phát các khẩu trang y tế. Tuy nhiên, thay vì phát cho dân chúng, Hoa bị cáo buộc đã phát hầu hết số khẩu trang y tế ấy cho vợ mình mang đi bán chợ đen. Một người khác là bà Đường Chí Hoành trưởng phòng y tế thành phố Hoàng Cương của tỉnh Hồ Bắc, bị bắt vì tội xua đuổi bệnh nhân về nhà, né tránh không xét nghiệm đến nơi đến chốn các trường hợp nghi ngờ, tiến độ xét nghiệm chậm chạp.
Tại Hòa Lan, trong thánh lễ ngày 11 tháng Hai, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Hồng Y Wim Eijk, là Tổng Giám Mục Utrecht đã lên tiếng kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho dân tộc Trung Hoa đang đối diện với thảm họa dịch bệnh, và bày tỏ lòng trắc ẩn và cảm thông đối với họ. Ngài đặc biệt nhắc đến cộng đoàn Công Giáo tại quốc gia này. Họ đã bị bách hại trong hơn 7 thập niên qua, và đến nay vẫn tiếp tục bị phân biệt đối xử. Trong dịch bệnh kinh hoàng này, họ thậm chí còn bị phân biệt đối xử nặng nề hơn, ngay cả trong các trợ giúp y tế.
Lời kêu gọi cầu nguyện, bày tỏ lòng trắc ẩn và cảm thông đối với người Hoa của Đức Hồng Y dường như là để đáp lại làn sóng bài người Hoa trong những ngày này tại Hòa Lan.
Trong chương trình truyền hình hàng tuần “Late with Lex”, là một show truyền hình rất ăn khách tại Hòa Lan, vì tính chất trào phúng của nó đối với các câu chuyện thời sự, một ca sĩ đã hát bài “Voorkomen is beter dan chinezen”, nghĩa là “Phòng ngừa nhiều hơn đối với người Hoa”. Nội dung bài hát cho rằng người Hoa ăn ở không hợp vệ sinh nên mới gây ra dịch bệnh. Bài hát lặp đi lặp lại những câu như: “Chúng ta không cần virus ở đất nước này, tất cả là do những người Trung Hoa dơ bẩn này gây ra.”
“Virus sẽ sớm hiện diện trong cơm chiên. Đừng ăn đồ ăn Trung Hoa, nếu bạn vẫn còn muốn sống.”
Trò châm biếm này khiến nhiều người cảm thấy rất đau đớn vì nó phi nhân bản và thiếu cảm thông đối với một dân tộc đang lâm nạn.
Chưa hết, một số đài truyền hình còn chiếu cảnh một cô gái Trung Hoa rất đẹp đang ăn một con dơi trong một nhà hàng Tầu như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.
Những diễn biến này đã khiến các nhà hàng Tầu đột nhiên trở nên ế ẩm. Nhiều tiệm đành phải đóng cửa.
Trong một diễn biến khác, Đại sứ quán Trung Hoa tại Đức đã chỉ trích tạp chí Der Spiegel là phân biệt chủng tộc và gây hoảng loạn với hình bìa một người đàn ông mặc áo choàng đỏ, mặt nạ bảo vệ, kính bảo hộ và tai nghe. Bên dưới có dòng tít lớn ghi “coronavirus sản xuất tại Trung Hoa.”
Trong một diễn biến bị nhiều người cực lực lên án là một trò đùa vô nghĩa, cảnh sát miền Peel của Canada cho biết đã câu lưu một thanh niên 28 tuổi cư ngụ tại thành phố Vaughan tên là James Potok.
Trong đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây James Potok, có mẹ là người Hoa, đưa ra lời xin lỗi các hành khách và nhân viên phi hành. Y cho biết như sau.
Trên chuyến bay từ Toronto sang Jamaica của hãng hàng không WestJet vào ngày thứ Hai 3 tháng Hai, chở theo 243 hành khách, anh ta ngồi ở hàng ghế sau cùng. Chuyến bay dài hơn 4 giờ đồng hồ. Khi máy bay đã bay được 3 giờ 30 phút, tức là chỉ còn 30’ phút nữa là đáp xuống sân bay Montego Bay, anh ta đột nhiên đứng dậy tuyên bố rằng anh ta vừa về quê thăm nhà ở Vũ Hán, và hiện cảm thấy không khoẻ, có lẽ đã bị nhiễm coronavirus.
Diễn viên nổi tiếng Tiffany Richards cho biết cô và mẹ cô có mặt trên chuyến bay này vào thời điểm xảy ra vụ việc. Cô cho biết cô đang ngủ gà ngủ gật thì giật mình khi thấy hành khách nhốn nháo. Một người đàn ông cách cô tám hàng đang đứng và lặp đi lặp lại một thông báo.
“Về cơ bản, những gì anh ấy nói là ‘Tôi cần mọi người chú ý. Tôi vừa trở về từ Vũ Hán, một trong những thành phố lớn của Trung Hoa, và nó là tâm chấn của coronavirus.
Ngay bây giờ tôi cảm thấy rất, rất là không khoẻ. Tôi nghĩ rằng tôi có thể đã bị nhiễm bệnh. Tôi cần mọi người tránh xa tôi, làm ơn đừng đến gần tôi.”
Trong khi nói như thế, James Potok giơ cao chiếc máy quay phim và quay cảnh náo loạn trên máy bay.
“Mẹ tôi rất lo lắng, bà khẩn khoản xin các tiếp viên cho bà đeo mặt nạ như những người khác,” Tiffany Richards nói.
Một tiếp viên hàng không đến chỗ James Potok và yêu cầu y đeo mặt vào. Lúc đó, y thú nhận đây chỉ là trò đùa cho vui. Y cho biết y là một ca sĩ nổi tiếng đang trên đường sang Jamaica để quay một phim ca nhạc. Y nảy sinh ra ý kiến gây sốc cho hành khách để quay phim sau khi vừa ăn ở một nhà hàng Tầu ở Toronto tên là Hunan, nghĩa là Hồ Nam, chứ chưa hề về thăm Vũ Hán, bên Trung Hoa.
Tiếp viên hàng không này giải thích với y rằng đã quá trễ. Tuân theo các thủ tục phòng dịch, phi công đã điều khiển máy bay quay ngược trở lại Toronto, nơi các cơ quan thực thi pháp luật và nhân viên y tế đang chờ đợi sẵn. Y bị bắt ngay khi xuống máy bay.
Hãng hàng không WestJet cho biết chuyến bay 2702 từ Toronto đi Jamaica, dài 2,800km, và chuyến bay 2703 từ Jamaica về Toronto đã bị hủy bỏ vì chuyện này.
Tháng Ba này James Potok sẽ phải hầu tòa. Chưa kể có thể bị các hành khách khác thưa kiện đòi bồi thường, số tiền đền cho hai chuyến bay bị hủy bỏ của hãng máy bay đã đủ để anh ta sạt nghiệp.