ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGAY 15 THÁNG 4
Diễn tiến COVID-19
Thi thể một nạn nhân tử vong vì COVID-19 được đưa từ trung tâm y tế Wyckoff Heights, New York, ra thùng đông lạnh của xe tải trong thời gian chờ chôn cất vì nhà xác không còn chỗ chứa.
Mức độ ‘thảm sát’ của COVID-19?
(VOA) Còn quá sớm để biết được mức độ ‘thảm sát’ của đại dịch COVID-19 sẽ tới mức nào, nhưng các con số ước tính cho thấy tỷ lệ tử vong trong số những người bị nhiễm virus corona là từ 0.5% đến 3.4%.Có cách biệt giữa các con số ước tính do nhiều yếu tố, trong đó có sự khác biệt trong cách kiểm đếm và báo cáo tử vong trên thế giới cũng như khó khăn trong việc xác định tổng số người nhiễm virus. Rốt cuộc thế giới có bao nhiêu người thiệt mạng vì COVID-19 phụ thuộc vào việc có bao nhiêu người trong dân số toàn cầu bị phơi nhiễm với virus này.
Tới nay, hơn 130.000 người trên thế giới đã tử vong trong đại dịch corona.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh về tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, với gần 9,5 triệu người chết hàng năm. Tiếp theo là đột quỵ, rồi tới nhóm bệnh về phổi gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, và nhiễm trùng hô hấp bao gồm sưng phổi và cúm.
Ba trong số sáu bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới có liên quan tới phổi hay các vấn đề về hô hấp, cũng tương tự như các vấn đề mà những người bị COVID-19 nặng phải đương đầu.
Trong ngày 14/4 thế giới có thêm 6.502 người chết vì COVID-19.
Hoa Kỳ
Số người chết vì virus corona tại Mỹ, quốc gia đang dẫn đầu thế giới về số tử vong vì COVID-19, tính tới ngày 14/4 lên tới trên 30.000 trường hợp. Số ca nhiễm hiện là 630.000, theo thống kê của Reuters.
Hôm 29/2 Mỹ có ca tử vong đầu tiên vì virus corona. Ba mươi tám ngày sau, số này lên tới 10.000 và chỉ trong 9 ngày, tăng lên thành 30.000 ca.
Theo cách tính của Đại học Washington thường được Toà Bạch Ốc trích dẫn, tới đầu tháng 8, tổng số người chết tại Mỹ trong đại dịch này có thể lên tới gần 69.000 người.
New York, tâm dịch tại Mỹ, trong ngày qua có 752 người chết, giảm một chút so với ngày hôm trước nhưng vẫn còn cao dù số ca nhập viện có giảm. Thống đốc New York Cuomo yêu cầu dân chúng xử dụng che mặt tại những nơi công cộng.
Châu Âu
Ý, với hơn 21.000 người chết, là nước có số tử vong cao hàng nhì thế giới vì virus xuất phát từ Vũ Hán cuối năm ngoái.
Quốc gia có số người chết vì virus corona cao hàng thứ ba hiện là Tây Ban Nha, với hơn 18.500 người chết.
Dịch corona ở Anh có lẽ đang lên tới đỉnh điểm nhưng vẫn còn quá sớm để bắt đầu nới lỏng các hạn chế, giới chức nước này cho hay.
Châu Á
Cuộc thử nghiệm ở Trung Cộng để thử thuốc chống virus, remdesivir, của tập đoàn Gilead Sciences với những người có triệu chứng COVID-19 nhẹ phải tạm ngưng vì thiếu bệnh nhân thích hợp, theo thông tin trên website của chính phủ.
Trước đó, một cuộc thử nghiệm khác ở Trung Cộng thử thuốc remdesivir lên những bệnh nhân COVID-19 nặng cũng bị đình chỉ vì không quy tụ được bệnh nhân đáp ứng tiêu chuẩn.
Bác sĩ Fauci: Nguy cơ lây nhiễm COVID-19
rất cao nếu Hoa Kỳ mở cửa quá sớm
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia trong cuộc họp báo về COVID-19 tại Tòa Bạch Ốc ngày 10/4/2020.
Chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Anthony Fauci, ngày 12/4 cảnh báo là có “nguy cơ rất cao” virus corona lây nhiễm thêm nữa nếu Mỹ mở cửa các công việc làm ăn buôn bán và các sinh hoạt trở lại bình thường quá sớm vào ngày 1/5 như Tổng thống Donald Trump đang cứu xét.
Ông Fauci nói với CNN, “Đây không phải là một nút đóng mở” khi chúng ta bàn chuyện mở lại nền thương mại của Mỹ cũng như chính phủ khuyến cáo về khoảng cách an toàn giữa mọi người chấm dứt vào ngày 30/4.
Ông đưa ra hy vọng là “ít nhất trên một vài phương diện nào đó” đất nước có thể trở lại làm việc và những hoạt động hàng ngày vào tháng tới, nhưng phải có khác biệt tại những địa phương khác nhau tùy thuộc vào con số những ca nhiễm rõ rệt và việc xét nghiệm cho thấy đại đa số người dân không bị lây nhiễm.
Ông nói, “Chúng tôi biết người dân sẽ bị lây nhiễm. Đây là thực tế.”
Con số tử vong vì virus corona tại Mỹ đã lên đến 20.000 người cao hơn bất cứ nước nào, với hơn 534.000 ca nhiễm được xác nhận. Một mô hình máy vi tính của Mỹ tiên đoán là có 60.000 người hay hơn nữa có thể chết tại Mỹ vào tháng 7 tới.
Ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ Stephen Hahn nói với đài ABC trong chương trình “This Week” là “Mô hình cho thấy là chúng ta rất gần đến đỉnh điểm,” nhưng ông dè dặt: “Đây thực sự là một vụ bùng phát chuyển dịch nhanh chóng, do đó chúng ta thực sự đối phó với việc này từng ngày một.”
Đối với ngày 1/5, ông Hahn nói, “Đây là một mục tiêu và rõ ràng chúng ta hy vọng về mục tiêu này, nhưng tôi nghĩ còn quá sớm để nói chúng ta đang thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Tôi nghĩ quá sớm đối với chúng ta để nói liệu 1/5 có phải ngày ấy hay không.”
Một chuyên gia thứ ba cũng bày tỏ phải có sự thận trọng cần thiết để tái mở cửa nước Mỹ. Bác sĩ Christopher Murray, giám đốc Viện Số liệu và Đánh giá, Trường đại học Washington, nói trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS là con số những ca virus corona sẽ lại gia tăng nếu các biện pháp cách ly xã hội và đóng cửa được nới lỏng vào ngày 1/5.
“Chúng tôi không nghĩ khả năng của nước Mỹ có còn để đối phó với khối lượng các ca như thế hay không và do đó vào tháng 7 hay tháng 8 chúng ta có thể trở lại cùng tình trạng như hiện nay” nếu xảy ra việc tái mở cửa đất nước quá sớm, ông Murray nói.
Còn quá sớm để nói khi nào đời sống trở lại bình thường tại Mỹ
Ông Trump, dựa vào số tử vong và sự kiện 17 triệu người Mỹ thất nghiệp trong tháng qua, đã tuyên bố hầu như hàng ngày là ông muốn mở cửa trở lại nước Mỹ càng sớm càng tốt, với các cố vấn kinh tế chỉ định mục tiêu là ngày 1/5. Tuy nhiên, ông nói ông cũng nghe các chuyên gia y tế là liệu ngày đó có quá sớm hay không.
Ông đã gọi việc lựa chọn giữa hai giải pháp—bảo vệ sức khỏe của người Mỹ và tái khởi động nền kinh tế lớn nhất thế giới—là quyết định trọng đại nhất của đời ông.
Đáp lại những tuyên bố của tổng thống Trump, Bác sĩ Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, cho biết về việc chánh phủ Trump trong việc ứng đối với đại dịch: “Thông thường khuyến cáo của các khoa học gia và các chuyên gia y tế được chánh phủ nghe, đôi khi thì không.”
Ông nói con số tử vong cao của nước Mỹ “có thể ít hơn nữa” nếu Hoa kỳ ra lệnh cách ly xã hội và ‘ở nhà.’ sớm hơn theo lời khuyên của các khoa học gia và các chuyên gia y tế. Bác sĩ Fauci hy vọng ngày bầu cử 3 tháng 11 dân Mỹ sẽ có thể đầu phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống nhưng “cũng không có gì đảm bảo việc này vì virus corona có thể tái xuất hiện và “hy vọng là chúng ta sẽ ứng phó tốt hơn.”
WHO: 70 vaccine chống corona đang được thử nghiệm trên toàn cầu
Có 70 loại vaccine có khả năng chống virus corona đang được thử nghiệm trên toàn cầu, trong đó có 3 loại đang được thử nghiệm trên người, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Ứng viên lâu nhất là vaccine do Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh thử nghiệm và Công ty Sinh học Hong Kong CanSino đang thử nghiệm ở giai đoạn 2, hãng tin Bloomberg loan tin.
Hai vaccine khác đang được thử nghiệm trên người. Những vaccine này được hai công ty dược Mỹ Inovio và Moderna phát triển, Bloomberg cho biết, viện dẫn một tài liệu của WHO.
Tình trạng khẩn cấp của đại dịch khiến cho công nghiệp dược phải vội vã tìm vaccine, được dự trù sẽ sẵn sàng sử dụng vào năm tới là sớm nhất, sớm hơn rất nhiều so với từ 10 đến 15 năm trong tiến trình có được vaccine đưa ra thị trường như trước đây.
Moderna đã được các nhà ban hành qui định Mỹ vào tháng 3 chấp thuận bỏ qua giai đoạn thử nghiệm trên động vật và tiến hành trực tiếp trên người, trong khi những công ty lớn hơn như Pfizer và Sanofi đã có những ứng viên trong giai đoạn tiền lâm sàng sớm.
Những thử nghiệm khác lạc quan hơn Giáo sư vaccine học Sarah Gilbert, Đại học Oxford, nói với tờ Times of London rằng kịch bản tốt nhất là đội nghiên cứu của bà có thể có vaccine sẵn sàng vào mùa thu 2020.
“Tôi biết khá nhiều về dự án Oxford và thực sự rất tốt được thấy một số hy vọng, đặc biệt trên trang đầu của các tờ báo,” Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuần trước nói với tờ Washington Post
Trong khi đó, quân đội Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm trên loài khỉ tại Fort Detrick vào đầu tháng 4.
Chuẩn tướng Không Quân Friedrick, Bác sĩ cố vấn y tế cho Chỉ huy trưởng Liên quân, nói với các phóng viên “Tôi nghĩ điều quan trọng đối với mọi ngưởi là hãy nhớ rằng tiến trình này càng nhanh càng tốt. Chúng ta cân bằng rủi ro là làm thế nào chúng ta đảm bảo là ứng viên vaccine nào là an toàn?”
(Nguồn The Hill/Bloomberg)
Covid-19 : Pháp vượt ngưỡng 15.000 người chết
Thêm 762 người chết tại Pháp vì Covid-19 trong ngày 14/04/2020. Đây là thiệt hại nhân mạng nặng nhất từ đầu mùa dịch hồi đầu tháng 3/2020. Pháp trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới vượt ngưỡng đáng buồn với hơn 15.000 ca tử vong vì virus corona. Trong số nay có hơn 5.000 người cao tuổi qua đời tại các viện dưỡng lão.Giáo sư Jérôme Salomon, tổng cục trưởng Tổng Cục Y Tế Pháp trong cuộc họp báo thường nhật tổng kết tới nay trên toàn quốc có 15.729 người chết vì Covid-19 trong bệnh viện và các viện dưỡng lão, các trung tâm y tế. Con số này không bao hàm những trường hợp bệnh nhân qua đời tại nhà riêng.
Ngoài ra tính đến tối qua vẫn còn 6.730 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Có một chút hy vọng đó là số người phải được đưa vào khoa điều trị đặc biệt tiếp tục giảm so với những ngày trước.
Trong suốt ngày hôm qua, thủ tướng Edouard Philippe cùng các bộ liên quan như bộ Y Tế, Nội Vụ, Lao Động, Giáo Dục liên tục họp bàn để chuẩn bị tháo gỡ từng bước lệnh phong tỏa vào ngày 11/05/2020. Áp lực đối với thủ tướng Pháp ngày càng lớn trong bối cảnh tranh cãi gia tăng về quyết định được tổng thống Macron thông báo "từng bước mở cửa lại các trường học". Bộ trưởng Y Tế cho biết hiện tại Pháp thực hiện 150.000 cuộc xét nghiệm về virus corona mỗi tuần, chính phủ đang hướng tới mục tiêu 200.000 cuộc xét nghiệm mỗi tuần". Các đối tượng được nhắm tới là những người có triệu chứng Covid -19 , nhân viên y tế và những người có liên hệ với bệnh nhân Covid-19. Nhưng khác với Hàn Quốc, trước mắt, Pháp loại trừ khả năng xét nghiệm cho toàn dân.
Báo Pháp: Nhờ Covid-19, Andrew Cuomo,
thống đốc New York nổi bật trên chính trường
Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo họp báo tại một bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân Covid-19, ngày 24/03/2020 tại thành phố New York, Mỹ. © Mike Segar - Mike SegarAndrew Cuomo, thống đốc thuộc đảng Dân Chủ của tiểu bang New York, nơi đang là tâm dịch virus corona của nước Mỹ, những ngày qua đang nổi lên như vị tướng chỉ huy cuộc chiến cam go chống Covid-19. Sự xuất hiện nổi bật trên truyền thông cùng với niềm tin lên cao trong dân chúng đã nâng uy tín của vị thống đốc này lên tầm quốc gia.
New York là tiểu bang phải hứng chịu tang thương lớn nhất nước Mỹ vì đại dịch virus corona đã khiến 10 nghìn người thiệt mạng. Andrew Cuomo, thống đốc thuộc đảng Dân Chủ không chỉ lên tuyến đầu chống dịch mà ông còn chiếm cả mặt tiền truyền thông quốc gia.
Từ nhiều tuần qua, các cuộc họp báo đều đặn hàng ngày về tình hình dịch đã trở thành điểm hẹn không thể thiếu được của dư luận Mỹ, tới mức mà cả kênh truyền hình có tiếng là bảo thủ, không ưa gì phe Dân Chủ như Fox News đôi khi cũng truyền trực tiếp cuộc họp báo của ông Cuomo.
Hôm thứ Hai 13/04, cuộc họp báo của thống đốc Cuomo được truyền đi từ Albany, thủ phủ tiểu bang đã được cả nước theo dõi. Trong khi đó, hai đài truyền hình CNN và MSBC đã phải ngắt sóng truyền trực tiếp từ Nhà Trắng vì cho rằng nội dung mang tính tuyên truyền tranh cử của tổng thống Trump hơn là vì đại dịch Coronavirus.
Ông Trump tỏ cho biết sẵn sàng tuyên chiến với các thống đốc bang, mà bắt đầu có lẽ từ ông Andrew Cuomo.
Hôm 14/04, ông Trump tung lên những dòng Twitter : « Cuomo ngày nào cũng gọi, thậm chí gọi từng giờ, để yêu cầu tất cả mọi thứ mà lẽ ra bang phải tự lo như dựng bệnh viện mới, thêm giường bệnh, máy thở...vv. Tôi đã làm tất cả cho ông ta và giờ đây có vẻ ông ta muốn độc lập. Điều đó sẽ không có đâu ! »
Đáp lại trên kênh CNN ngay sáng đó, thống đốc New York nói : « Lập trường của tổng thống thật là phi lý. Chẳng phải đó là theo luật. Chẳng phải đó là theo Hiến Pháp ? Chúng ta không có vua mà chúng ta có tổng thống ».
Chính ông Cuomo đã đôn đáo tìm cách để tăng số giường bệnh, để có được các máy trợ thở và cung cấp vật tư thiết bị bảo hộ nhân viên y tế đồng thời chính ông là người ấn định các quy định giãn cách xã hội trong bang.
Một số đối thủ ở phe Cộng Hòa cũng phải khen ngợi cách xử lý khủng hoảng của ông. Từ tháng Hai đến cuối tháng Ba, tỷ lệ được lòng dân của thống đốc bang New York đã tăng từ 44% lên 71%.
Nhiều lần được hỏi về chuyện tranh cử tổng thống, Andrew Cuomo đều cho đó là những đồn đoán và ông luôn nhắc lại ưu tiên lúc này là đi đến cùng để chấm dứt khủng hoản y tế, chuẩn bị thời hậu virus corona và hoàn thành nhiệm kỳ thống đốc bang. Ông từng thổ lộ : « Tôi làm công việc của mình rất nghiêm túc. Tôi không tìm cớ thoái thác…. Nếu tôi thất bại là thất bại. Nếu có gì đổ vỡ, không ổn thì tôi là người chịu trách nhiệm. Thấy số người chết mỗi ngày tôi coi đó là trách nhiệm cá nhân mình ».
Andrew Cuomo cũng loại trừ khả năng sẽ tham gia chính quyền Liên bang nếu Joe Biden đắc cử dù ông đã ủng hộ cựu phó tổng thống từ rất sớm ở các cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng. Về phần mình, Joe Biden có phần bị mờ hơn so với thống đốc New York trên truyền thông, đã ca ngợi vai trò của Andrew Cuomo trong khủng hoảng Covid-19 là một « bài học cho lãnh đạo ».
(Theo France 24.com)
Nguyên nhân giúp người Việt ít nhiễm Virus Covid 19
Các nhà Khoa học Anh tìm ra nguyên nhân khiến người Việt nam ít nhiễm Virus Covid 19. Và hiện tại trên thế giới cũng đã có nhiều nghiên cứu mang lại kết quả tương tự.
Theo tờ the sun của Anh nguyên nhân dẫn đến việc Virus Vũ Hãn khó lây lan tại môi trường của Việt Nam là do phần lớn người Việt Nam được tiêm loại Vaccine BCG từ nhỏ,đây là một Vaccine phòng Lao có từ năm 1921, nhưng có tác dụng giúp cho phổi chống chọi với bệnh lao phổi và nay nó cũng giúp chúng ta được bảo vệ tốt hơn trong cúm Covid 19 .
Điều rất ngạc nhiên là Châu Âu rất ít dùng loại Vaccine này do tiêm vào để lại sẹo với kích cỡ lớn ở tay gây mất thẩm mỹ.
Truyền thông Vương quốc Anh vừa loan tải nghiên cứu này ngày 11.4, rất nhiều quốc gia khác cùng nghiên cứu và đang có kết luận tương tự.
Hiện các nhà khoa học đang nhận định, Việt Nam sẽ khó lây hơn Châu Âu cỡ 6 lần do đại bộ phận người dân Việt Nam đều tiêm loại Vaccine này.Hiện các nhà Khoa học đang xem xét có nên đưa loạ Vaccine BCG lại sử dụng lại để tạm ứng phó trước mắt hay không.
G7 họp trực tuyến tìm biện pháp chống dịch
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 vào thứ Năm 16 tháng 4 để bàn biện pháp phối hợp trong cuộc chiến chống lại virus Vũ Hán, Nhà Trắng cho biết thông tin hôm thứ Ba, theo Reuters.
“Phối hợp cùng nhau, G7 đang thực hiện một cách tiếp cận chung để giải quyết khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, tài chính, hỗ trợ nhân đạo và khoa học công nghệ”, người phát ngôn của Nhà Trắng, ông Judd Deere, cho biết.
Trump ngưng tài trợ cho WHO
Tổng thống Donald J. Trump phát biểu trong cuộc họp báo cập nhật tình hình Covid-19 vào thứ Tư, ngày 8/4/2020, trong Phòng họp báo James S. Brady của Nhà Trắng (ảnh: White House).
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba (14/4) cho biết ông đã ra lệnh cho chính phủ của ông tạm đình chỉ nguồn tiền tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm buộc cơ quan này phải chịu trách nhiệm về cách xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Hãng tin Reuters cho biết, trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhận định WHO đã “thất bại trong việc thực thi nhiệm vụ cơ bản của mình và phải chịu trách nhiệm về điều đó”.
Ông Trump cũng nói rằng cơ quan y tế này đã quảng bá cho “thông tin giả dối” của chính quyền Trung Cộng về dịch viêm phổi Vũ Hán.
WHO đang đối mặt với làn sóng chỉ trích trên khắp thế giới, sau nhiều lần tuyên bố sai lầm theo thông tin từ chính quyền Trung Cộng về Covid-19. Ban đầu WHO tin theo lời nói dối của Bắc Kinh rằng dịch bệnh không lây lan từ người sang người mà chỉ lây từ động vật sang người. Ngày 23/1, WHO từ chối công nhận dịch cúm Vũ Hán là trường hợp khẩn cấp gây nguy hại cho sức khỏe của người dân thế giới. Mãi đến ngày 11/3, WHO mới tuyên bố virus Vũ Hán là “đại dịch toàn cầu”.
Ông Trump từng lên án WHO sau khi tổ chức này “khuyên” Mỹ nên sớm gỡ bỏ những hạn chế đi lại đối với Trung Cộng khi dịch bệnh bùng phát trên thế giới.
Ông Trump viết trên Twitter ngày 7/4: “WHO đã mắc phải sai lầm thật sự nghiêm trọng. Họ chủ yếu được tài trợ bởi Mỹ, nhưng vì lý do nào đó lại lấy Trung Cộng làm trung tâm. Chúng tôi sẽ xem xét kĩ lưỡng việc đó. May mắn thay tôi đã từ chối lời khuyên của họ rằng nên sớm mở cửa biên giới của chúng ta với Trung Cộng . Tại sao họ lại đưa ra cho chúng ta một khuyến nghị sai lầm như vậy?
Các nhà phân tích cho biết nếu Hoa Kỳ chấm dứt tài trợ cho WHO, nhiều khả năng cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc này sẽ buộc phải giải thể. Năm 2019, Hoa Kỳ đóng góp gần 400 triệu USD, gấp đôi quốc gia tài trợ lớn thứ hai và gấp gần 10 lần Trung Cộng .
Người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm thứ Hai bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ cho cơ quan này. Tới nay, ông Tedros chưa có dấu hiệu muốn từ chức, dù những lời yêu cầu ông rời bỏ vị trí đang bùng lên trên toàn thế giới, với gần 1 triệu chữ ký tại trang thỉnh nguyện Change.org.
Pháp kéo dài lệnh phong tỏa đến 11/05
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tối ngày 13/04/2020, thông báo trên truyền kéo dài phong tỏa chống dịch virus corona đến 11/05.
Tối hôm qua, 13/04/2020, tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo lệnh phong tỏa được triển hạn cho đến ngày 11/05 nhằm tiếp tục kềm hãm đà lây lan của dịch Covid-19. Tại Pháp gần 15.000 người chết vì virus corona.
Trong bài phát biểu dài gần 30 phút được truyền hình trực tiếp, tổng thống Macron ghi nhận dịch bệnh đang bắt đầu chựng lại và « đang có hy vọng », nhưng ông cũng thừa nhận là nước Pháp « rõ ràng là đã không được chuẩn bị đầy đủ » để đối phó với đại dịch.
Tổng thống Macron cho biết là sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, kể từ ngày 11/05, các nhà trẻ và các trường từ mẫu giáo đến trung học sẽ mở cửa dần dần, nhưng các trường đại học sẽ không thể được mở lại trước mùa hè. Trong khi đó, sau ngày 11/05, các quán bar, các nhà hàng, các rạp chiếu phim và các rạp trình diễn sẽ vẫn đóng cửa, còn các liên hoan sẽ không thể được tổ chức ít nhất là cho đến giữa tháng 7. ( Cho nên ban tổ chức festival Avignon, liên hoan sân khấu kịch nổi tiếng nhất thế giới, dự trù diễn ra từ ngày 3 đến 23/07, đã ngay lập tức thông báo hủy bỏ sự kiện này ).
Để có thể dỡ bỏ dần dần lệnh phong tỏa, tổng thống Macron cho biết kể từ ngày 11/05, nước Pháp sẽ xét nghiệm toàn bộ những người có triệu chứng Covid-19, đồng thời vẫn yêu cầu những người lớn tuổi và những người sức khỏe kém tiếp tục ở trong nhà. Ông Macron nói thêm là những người đã bị nhiễm virus có thể sẽ bị cách ly và được bác sĩ theo dõi điều trị.
Tổng thống Macron cũng cam kết là kể từ ngày 11/05, với sự tham gia của các tòa thị chính, Nhà nước sẽ bảo đảm cho mỗi người dân Pháp có đủ khẩu trang, loại dành cho công chúng, để mang khi ra đường, nhằm ngăn ngừa virus corona.
Trong bài phát biểu tối qua, ông Macron còn thông báo là biên giới giữa Pháp với các nước không thuộc châu Âu sẽ đóng « cho đến khi có lệnh mới ». Tổng thống Pháp còn nhấn mạnh Pháp và châu Âu sẽ phải trợ giúp châu Phi chống dịch Covid-19 bằng cách xóa rất nhiều nợ cho các nước thuộc châu lục này.
Tổng thống Macron thông báo những quyết định nói trên vào lúc mà mỗi ngày vẫn có hàng trăm người chết vì virus corona tại Pháp. Theo các số liệu được công bố tối qua, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đã có thêm 574 ca tử vong được ghi nhận trong các bệnh viện, cũng như từ các viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội. Như vậy, tính từ ngày 01/03 đến nay đã có 14.967 người chết vì dịch Covid-19 ở Pháp.
Trên đài France Inter sáng nay, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner giải thích thông báo của tổng thống : ngày 11/05 chỉ là mục tiêu. Không phải bãi bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 11/05, mà phong tỏa được kéo dài cho đến ngày đó.
Pháp triệu tập phái viên Trung Cộng
Vào thứ Ba, Bộ Trưởng Ngoại giao Pháp đã triệu tập phái viên của Bắc Kinh để phản đối việc Đại sứ quán Trung Cộng liên tiếp cho công bố hai bài viết trên website của họ có ý chế diễu cách thức các nước phương Tây phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.“Một số ý kiến lên tiếng công khai của Đại sứ quán Trung Cộng tại Pháp không phù hợp với chất lượng của mối quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta”, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Jean-Yves Le Drian, tuyên bố.
Kinh nghiệm chống Covid-19 của Đài Loan:
Đừng tin dữ liệu của Trung Cộng
Đài PBS đăng phóng sự tìm hiểu về "cách tiếp cận khác biệt" (Different Approach) của Đài Loan so với nhiều nước trong việc chống dịch viêm phổi Vũ Hán (ảnh chụp màn hình PBS/Youtube).
Dịch viêm phổi Vũ Hán (hay Covid-19) đang càn quét toàn thế giới. Trong khi nhiều cường quốc lao đao trong việc chống chọi với đại dịch, Đài Loan – một quốc đảo nhỏ bé gần kề Trung Cộng , đang khiến thế giới không khỏi ngỡ ngàng về công tác phòng chống dịch một cách hiệu quả.
Mới đây, hai trong số các tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất của Australia, “Sydney Morning Herald” và “The Age”, đã cử phóng viên đến Đài Loan để tìm hiểu về phương án chống dịch của nước này. Các nhà báo Úc đã phỏng vấn ông Tô Ích Nhân, nguyên Cục trưởng Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Phúc lợi Đài Loan.
Trong buổi phỏng vấn, ông Tô Ích Nhân cho biết, ngay khi có nguồn tin rò rỉ từ Trung Cộng nói rằng căn bệnh viêm phổi lần này dường như có thể lây từ người sang người, Đài Loan nhanh chóng ý thức được rằng dịch bệnh có khả năng sẽ bùng phát trên quy mô lớn. Ông nhận định các nước Âu Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải hứng chịu thảm cảnh to lớn “bởi vì họ không có kinh nghiệm như Đài Loan”.
Ông Tô cho biết, từ tháng 12 năm ngoái khi có dấu hiệu dịch bệnh ở Vũ Hán, Đài Loan đã cử các chuyên gia đến thành phố này để tìm hiểu. Các chuyên gia nhận thấy dữ liệu mà chính quyền Trung Cộng đưa ra là không minh bạch, mà muốn có được dữ liệu trung thực từ Trung Cộng thì gần như là điều không thể. Trước tình hình đó, ông cho biết Đài Loan đã quyết định hành động trước một bước.
Ông Tô Ích Nhân cũng chia sẻ thêm rằng, từ sau đại dịch SARS năm 2003 (bùng phát từ tỉnh Quảng Đông của Trung Cộng ), Đài Loan đã bắt đầu tiến hành các cuộc diễn tập hàng năm để ứng phó các bệnh truyền nhiễm có thể đến từ Trung Cộng .
Mặc dù Đài Loan và Úc có dân số ngang ngang nhau, nhưng Đài Loan từ sớm đã thành lập các “đơn vị chăm sóc hô hấp” đặc biệt, trang bị hàng nghìn chiếc máy thở và tăng số giường chăm sóc đặc biệt lên 10.000 giường, cao gấp bốn lần so với Úc.
Ông Tô nói rằng năng lực ứng biến của Đài Loan hôm nay là kết quả của 17 năm diễn tập không ngừng nghỉ. Vì Đài Loan quá gần với Trung Cộng , nên nếu Trung Cộng phát sinh bất kỳ dịch bệnh nào, Đài Loan rất có thể là quốc gia đầu tiên phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, hàng năm Đài Loan đều thực hiện các cuộc diễn tập và triển khai các biện pháp ứng phó, kiểm soát dịch bệnh một hoặc hai lần.
Ông Tô cũng nói rằng ngay cả dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nắm giữ cũng thấp hơn rất nhiều so với tình hình thực tế; do đó, dữ liệu từ WHO và Trung Cộng chỉ có thể dùng để tham khảo mà thôi.
Mỹ: Nam Hàn nên chi nhiều hơn chi phí quân sự chung
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper hôm thứ Ba nói rằng ông có niềm tin rằng Hàn Quốc có thể và nên trả nhiều tiền hơn cho lực lượng quân đội Mỹ đang đồn trú trên bán đảo Triều Tiên để giữ gìn an ninh, theo Yonhap.Hiện Washington và Seoul đang trong thời gian đàm phán khoản tài chính chia sẻ chi phí cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Hoa Kỳ đề nghị phía Hàn Quốc đóng góp 5 tỷ USD hoặc nhiều hơn năm lần mức 870 triệu USD mà Hàn Quốc đã đồng ý chia sẻ trong một thỏa thuận trước đây.
Trên thực tế khoản tiền mà Mỹ yêu cầu Hàn Quốc chia sẻ chủ yếu để trả lương cho hàng ngàn người Hàn Quốc đang làm việc cho lực lượng Mỹ đồn trú ở nước này. Trong thời gian chờ đợi một thỏa thuận mới, lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại bán đảo Triều Tiên đã cho khoảng 4000 nhân viên người Hàn nghỉ việc không lương từ đầu tháng này.
Brazil bắt trùm ma túy bị truy nã suốt 20 năm
Một trong những kẻ đầu sỏ buôn bán cocaine ở Brazil đã bị bắt tại Mozambique, theo hãng tin Reuters.Trùm ma túy Brazil bị bắt là Gilberto Aparecido dos Santos, còn được biết tới với tên gọi Fuminho, đã bị truy nã suốt 20 năm qua. Cảnh sát cho biết đây là một tên tội phạm nguy hiểm, bạn hàng của băng đảng PCC khét tiếng với các hoạt động buôn bán ma túy trên phạm vi toàn cầu.