ĐIỂM TIN NGÀY 27/02/2020
Ông Trump giao trách nhiệm đối phó dịch COVID-19 cho Phó tổng thống Mike Pence
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng trấn an người dân vào hôm thứ Tư (26/2) rằng nguy cơ của dịch virus corona còn thấp và giao cho Phó tổng thống Mike Pence chịu trách nhiệm đối phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này.
Trong một cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng với cơ quan chống virus, Trump cho biết các quan chức y tế sẽ thực hiện bất cứ hành động cần thiết nào để đối phó với dịch bệnh.
Ông nói rằng ông sẽ thông qua bất cứ khoản chi tiêu khẩn cấp nào mà Quốc hội quyết định phân bổ nhưng sẽ không xem xét ngay những hạn chế đi lại với các quốc gia đang có dịch như Hàn Quốc và Ý.
“Rủi ro đối với người dân Mỹ vẫn còn thấp” ông Trump nói bên cạnh Pence và các quan chức y tế.
“Chúng tôi đã sẵn sàng thích ứng và chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết khi dịch bệnh lây lan, nếu nó lây lan”. Ông cũng nói thêm rằng virus truyền nhiễm ở Hoa Kỳ không phải là “không thể tránh được”.
“Nó có thể, có lẽ. Nó có thể ở mức độ rất thấp hoặc một mức độ cao hơn. Bất cứ điều gì xảy ra thì chúng tôi đều đã hoàn toàn chuẩn bị”, ông Trump nói.
Các quan chức y tế hôm thứ Tư đã cảnh báo người dân Mỹ chuẩn bị cho việc sẽ có thêm nhiều ca nhiễm virus corona và New York đưa ra kế hoạch cung cấp 12.000 giường bệnh nếu cần thiết khi thị trường chứng khoán mỹ giảm phiên thứ 5 liên tiếp.
Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị Ứng và Nhiễm trùng quốc gia cho biết trong khi virus bị ngăn chặn ở Hoa Kỳ thì người dân phải chuẩn bị cho một đợt bùng phát tiềm tàng khi nó lan ra bên ngoài Trung Quốc.
“Nếu chúng ta có 1 đại dịch, chúng ta chắc chắn bị ảnh hưởng” ông Fauci nói với CNN.
Các quan chức tại trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hôm thứ Ba cho biết, sự lan truyền trên toàn cầu của virus đã gây lo ngại về sự lây lan tại Hoa Kỳ, mặc dù chưa rõ khi nào sẽ xảy ra và mức độ nghiêm trọng ra sao.
Bộ trưởng bộ y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar cho biết nước này có 59 trường hợp nhiễm virus corona, trong đó có 42 người hồi hương từ tàu du lịch Diamond Princess.
“Chúng tôi phải cảnh giác với khả năng xảy ra một đại dịch” Peter Marks, giám đốc trung tâm quản lý thực phẩm và dược phẩm cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Thị trưởng New York Bill de Blasio kêu gọi chính phủ hỗ trợ 300.000 khẩu trang. Vẫn chưa có ca nhiễm nào trong thành phố, ông nói.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm trong những ngày gần đây do lo ngại về chuỗi cung ứng bị gián đoạn kéo dài từ corona virus, dịch bệnh đã lây nhiễm khoảng 80.000 ca và giết chết gần 3.000 người, chủ yếu ở Trung Quốc.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong phiên giao dịch hôm thứ 4 trong một đợt bán tháo do lo ngại về coronavirus lan rộng ở Hoa Kỳ. Chỉ số S&P500 đã giảm trong ngày thứ 5 liên tiếp và Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones kết thúc giảm 123,77 điểm, tương đương 0,46%.
TT Pháp : Xử lý khủng hoảng dịch Covid-19 cần bình tĩnh
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nhau ngày 27/02/2020 tại Napoli, Ý. Geert Vanden Wijngaert/Pool via Reuters
Liên quan đến chủ đề dịch, nhật báo Công giáo La Croix có bài : « Đối mặt với dịch Covid-19 : Pháp muốn giữ cái đầu lạnh ». Tờ báo ghi nhận, ngay khi một người Pháp 60 tuổi tử vong vì virus corona mới đêm 25/02. Ngay ngày hôm sau, ở cấp cao nhất của chính phủ đã có phản ứng về mặt y tế. Tuy nhiên, chính quyền vẫn tôn chỉ mệnh lệnh « không gây hoảng loạn ».
Chính phủ Pháp đã triệu tập cuộc họp khẩn, để triển khai các biện pháp trước tiến triển mới của dịch. Mục tiêu của chính quyền là bảo đảm khả năng ứng phó với trường hợp dịch lan tràn bằng những quyết định chuẩn xác, không thái quá. Theo giáo sư virus học tại Lyon, Bruno Lina, được La Croix trích dẫn thì việc phát triển bệnh dịch trong một vùng đất « không phải là tai ương ». Vị giáo sư này nhận định : « Chúng ta đang ở trước một ngưỡng mới. Hoặc nước Ý sẽ khống chế được dịch, điều này là có thể, hoặc trong trường hợp Ý không làm được thì Pháp vẫn có đủ tiềm năng hành động để tự bảo vệ ». Điều cần thiết, theo chuyên gia này là phải có « các phản ứng thích hợp và đồng bộ », có cân nhắc giữa cái lợi và cái hại.
Một thí dụ cụ thể là trận cầu tranh Cúp C1 giữa Lyon và đội bóng Juventus cùng với cả ngàn cổ động viên đến từ Ý vẫn diễn ra mặc dù quyết định này đã bị nhiều dân biểu chỉ trích gay gắt. Trận đấu vẫn diễn ra bình thường, người dân Lyon cũng không hoảng sợ về sự có mặt của 3000 cổ động viên Juventus trong thành phố và cũng không thấy bóng chiếc khẩu trang y tế nào. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, đó là điều cần thiết để các giới chức y tế bình tĩnh xử lý kẻ thù vô hình virus corona.
Dịch Covid-19 : Bình tĩnh xử lý tránh gây tâm lý hoảng sợ
Hình được tạo ra trên máy tính của một con virus corona giống với loại virus gây nên dịch covid-19. Ảnh minh họa. NEXU Science Communication/via REUTERS
Anh Vũ
Nạn dịch virus Corona lan rộng khắp thế giới vẫn là thời sự được các báo Pháp ra hôm nay quan tâm nhiều, đặc biệt là hôm qua một người Pháp đầu tiên bị chết trong số 6 trường hợp vừa phát hiện nhiễm bệnh.
Tuy nhiên các báo đều mổ xẻ thông tin một cách khá chừng mực, dường như tránh gây tâm lý hoảng loạn, lo sợ trong dân chúng, dù tình hình lây lan của bệnh dịch là đáng lo ngại.
Trong bối cảnh như vậy nhật báo Le Monde có bài xã luận với tiêu đề : « Virus corona : Trách nhiệm của mỗi người ». Tờ báo nhấn mạnh : « Trận dịch virus corona mới đã đi vào giai đoạn nguy kịch. Cho dù số người nhiễm mới ở Trung Quốc giảm, nhưng mức độ lây lan trong các vùng khác trên quy mô rộng ».
Đúng là đến nay dịch đã lan ra đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Từ khi bất ngờ bùng phát mạnh ở Ý, cách nhìn nhận về bệnh dịch này ở châu Âu đã thay đổi. Le Monde viết tiếp : « Dù Tổ Chức Y Tế Thế Giới hiện tại vẫn từ chối gọi là đại dịch, nhưng cuộc khủng hoảng đang ở một bước ngoặt, đặt mỗi người trước tinh thần trách nhiệm của mình ».
Trách nhiệm mà Le Monde muốn nói đến ở đây trước hết là phải thận trọng. « Các biện pháp cô lập bắt buộc trong các ổ dịch khởi phát chỉ có tác dụng làm chậm sự lây lan của virus chứ không thể chặn được dịch. Cấm các chuyến bay từ Trung Quốc không hề có hiệu quả để bảo vệ Ý, nước đầu tiên ở châu Âu thực thi biện pháp này ».
« Cuộc khủng hoảng này phải là dịp để nhắc các nhà lãnh đạo, các cơ quan truyền thông và mỗi người chúng ta về nghĩa vụ của mình. Phải tránh bằng mọi giá vụ lợi chính trị đảng phái, làm kịch phát sợ hãi, hoảng loạn ».
Trên phương diện chính trị, theo Le Monde, minh bạch phải là trung tâm hành động của chính quyền để giữ được sự tin cậy của dân chúng. Bắc Kinh đang phải trả giá về sự thiếu minh bạch thông tin cũng như xử lý khủng hoảng bất chấp các quyền tự do cá nhân.
Còn về phần giới truyền thông, xã luận của Le Monde nhấn mạnh cần phải thận trọng, tránh cách đưa tin giật gân. Báo chí phải biết chống lại các tin đồn, tin giả loan truyền trên mạng xã hội gây tâm lý hoảng loạn trong dân chúng, làm nhiễu loạn các biện pháp được triển khai….
Virus COVID -19: Có nên lạm dụng Khẩu trang y tế?
Trong nhiều bài cập nhật thông tin về tình hình lan truyền của bệnh dịch trên thế giới, các tờ báo lớn như Le Monde, Libération đều dành nhiều trang để giúp độc giả hiểu thêm về dịch Covid-19.
Le Monde đặt ra những câu hỏi thiết thực nhất cho độc giả Pháp như : Tại sao tình hình ở Ý lại lo ngại đến như vậy ?
Thứ nhất là số ca nhiễm phát hiện ở Ý tăng nhanh đột ngột từ 6 ca lên hơn 300 ca trong vòng 4 ngày. Thứ 2 là những người nhiễm virus corona mới ở Ý đều không có liên hệ trực tiếp với ổ dịch chính là Trung Quốc, trong khi bệnh nhân số 0 vẫn chưa tìm được.
Phải làm gì khi từ Trung Quốc và Ý hay những nước nhiễm dịch khác trở về ?
Việc đầu tiên là tự cách ly trong 14 ngày, theo dõi thân nhiệt hàng ngày cũng như các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu có biểu hiện nghi ngờ gọi cấp cứu chứ không đi khám bác sĩ.
Trong trường hợp nào thì phải đeo khẩu trang ?
Bộ Y tế Pháp khuyến cáo khẩu trang chỉ nên dùng cho những người từ vùng dịch về trong thời gian theo dõi cách ly. Những người nhiễm virus, các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm tất nhiên phải đeo khẩu trang. Một biện pháp đơn giản và cần thiết là rửa tay thường xuyên với dung dịch tẩy trùng.
Le lói hy vọng tìm thấy thuốc trị Covid-19
Cho đến giờ thế giới vẫn bó tay với dịch Covid-19. Không có giải pháp nào hơn ngoài phát hiện và ngăn chặn lây lan. Tuy nhiên trang khoa học của báo Le Figaro có bài : « Chloroquine, phương thuốc kỳ diệu chống dịch ? »
Tờ báo cho biết hôm thứ Ba (24/02), giáo sư Pháp Didier Raoult, giám đốc Viện Nghiên cứu Nhiễm trùng Địa Trung Hải tại Marseille (Pháp) đã lên trang YouTube khẳng định chloroquine, thuốc trước đây vẫn dùng để trị sốt rét có thể có tác dụng trị được virus SARS-nCoV-2. Video của giáo sư Raoult trong vòng 24 giờ đã được hơn 200 nghìn lượt người xem làm le lói hy vọng có thuốc trị được bệnh dịch Covid-19. Tuy nhiên còn phải đợi thêm các thử nghiệm lâm sàng trực tiếp với những ca bệnh cụ thể thì mới có được kết luận khoa học cuối cùng.
Tờ báo cho hay, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu và mới cho thử nghiệm lâm sàng chloroquine trên người bệnh. Kết quả cuối cùng phải đợi đến tháng 8 tới mới có. Thận trọng vẫn đặt lên hàng đầu cho dù các nhà khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian.
Trong khi trả lời phỏng vấn báo kinh tế Les Echos, giáo sư Didier Raoult đã giải thích tại sao chloroquine, thuộc chống sốt rét thông thường, không đắt và không gây nguy hiểm gì, có thể điều trị hiệu quả bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Giáo sư danh tiếng này vẫn khẳng định « Chloroquine là cách đáp trả tốt nhất » dịch Covid-19 hiện nay.
Trung cộng : Sức ép kinh tế nổi lên khi dịch chưa kịp dịu xuống
Vẫn liên quan đến bệnh dịch Covid-19, Le Figaro đề cập đến tình hình tại Trung Quốc, nhưng ở một góc nhìn khác qua bài báo có tựa đề : « Trung Quốc đang bắt đầu trở lại công việc rất chậm chạp »
Sau hơn một tháng vật lộn với trận chiến chống virus corona, tình hình bệnh dịch ở Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu lạc quan. Số lượng ca mới nhiễm Covid-19 hàng ngày đang giảm. Chính quyền bắt đầu mở chiến dịch tuyên truyền thúc đẩy các công ty trở lại hoạt động.
Đầu tuần này, theo cơ quan kế hoạch Trung Quốc, ở một số nơi như tỉnh Chiết Giang hay Thượng Hải 90% các công ty công nghiệp đã trở lại hoạt động. Tại các tỉnh như Liêu Ninh, Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, 70% các doanh nghiệp đã nhúc nhắc làm việc. Ở những thành phố lớn, người ta đã bắt đầu thấy lại những đoàn xe hơi nối đuôi nhau chạy, hàng nghìn các cao ốc văn phòng không còn vắng lặng nữa.
Theo Le Figaro, đằng sau những con số thống kê chính thức trên, có một thực tế khác : Số thống kê chỉ tính đến các công ty lớn. Hơn nữa để mở lại hoạt động, nơi làm việc phải hội đủ các điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng đáp ứng. Bên cạnh đó các nhân viên vẫn chưa thể có mặt đầy đủ. Bộ Giao Thông Trung Quốc khẳng định một phần tư người lao động ngoại tỉnh đã trở lại nơi làm việc của mình từ sau Tết Nguyên Đán. Như thế tức là vẫn còn 220 triệu người còn bị cách ly hoặc không thể di chuyển.
Theo văn phòng tư vấn kinh tế Trung Quốc China Beige Book thì không có quá 1/3 doanh nghiệp hoạt động thực sự.
Trong khi đó Bắc Kinh đang tăng áp lực, cơ quan phụ trách kế hoạch đã gửi công văn đề nghị các vùng nguy cơ lây lan dịch thấp hãy trở lại hoạt động bình thường và cho chấm dứt hạn chế đi lại.
Le Figaro nhận xét : Chính phủ muốn tránh tình trạng ngừng trệ kéo dài sẽ dẫn đến các công ty bị phá sản, sa thải nhân công ồ ạt. Mỗi lần xuất hiện trên truyền thông, ông Tập Cận Bình không ngừng nhắc lại Trung Quốc sẽ đạt chỉ tiêu kinh tế năm 2020, tức tăng trưởng ở mức tối thiểu 5,5%. Tuy nhiên một số nhà kinh tế thân cận với chính quyền đã cảnh báo, tăng trưởng của Trung Quốc quý đầu năm nay có thể sẽ là 0%.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Một người Mỹ nhiễm COVID-19 chưa rõ nguồn gốc
Yonhap thông tin, giới chức Hàn Quốc chiều nay thông báo nước này có thêm 171 ca nhiễm nCov, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 1.766. Như vậy, chỉ trong ngày 27/2, Hàn Quốc xác nhận có thêm 505 trường hợp dương tính với nCov, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại đây. Ngoài ra, nước này có thêm 1 người chết vì dịch bệnh, nâng tổng số ca tử vong lên 13.Đan Mạch và Estonia hôm nay phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên. Hiện có 50 số quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện dịch bệnh.
Người nhiễm nCoV đầu tiên tại Đan Mạch là một nam nhà báo đang công tác tại một kênh truyền hình nước này, được cho là vừa trở về Đan Mạch sau kỳ nghỉ ở miền Bắc Italy. Còn ở Estonia, Bộ trưởng Các vấn đề Xã hội Tanel Kiik xác nhận với Đài truyền hình Eesti (ETV) rằng bệnh nhân nhiễm virus corona là một công dân Iran đến Estonia hôm qua.
Theo số liệu của worldometer, tại Iran, số người thiệt mạng vì dịch bệnh đến nay tăng lên 26, số ca nhiễm bệnh là 245.
Một người Mỹ nhiễm COVID-19 không rõ nguồn gốc
Giới chức y tế Mỹ hôm 26/2 cho biết một bệnh nhân sống ở hạt Solano, bang California được xác nhận nhiễm COVID-19 nhưng chưa từng đến vùng dịch hoặc tiếp xúc người nghi nhiễm. Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm của người này là từ đâu.
CNN đưa tin, ca bệnh được phát hiện thông qua hệ thống y tế công cộng của California và bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện ở thành phố Sacramento.
“Có thể đây là một ví dụ về lây nhiễm cộng đồng của dịch COVID-19. Đây có thể sẽ là lần đầu tiên Mỹ ghi nhận trường hợp như vậy”, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trong thông cáo báo chí hôm 26/2.
Lây nhiễm cộng đồng có nghĩa là virus bắt đầu di chuyển trong một cộng đồng và “nguồn lây nhiễm không rõ”. “Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có thể đã tiếp xúc với du khách nhiễm virus trở về từ vùng dịch”, CDC thông tin thêm.
Ông Tập vẫn thăm Nhật bất chấp COVID-19
Kyodo News dẫn tin từ giới chức Nhật hôm nay cho hay, chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản vẫn diễn ra theo kế hoạch, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm nay đã điện đàm và thống nhất việc hai bên cần duy trì liên lạc để đảm bảo chuyến công du sắp tới của ông Tập Cận Bình có thể mang lại kết quả tốt đẹp.
Giáo sư Đài Loan nói COVID-19 có khả năng do con người tạo ra
Chủng mới của virus corona (virus SARS-CoV-2) (ảnh chụp màn hình video: https://youtu.be/r5FuHZ6qrVs).
Khi chủng mới của virus corona bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc tiếp tục lan rộng ra toàn thế giới, thì một giáo sư của Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) hôm 22/2 cho biết, loại virus này có khả năng do con người tạo ra, dựa trên cấu trúc bất thường của nó.
Tại một hội thảo về virus corona (COVID-19) do Hiệp hội y tế công cộng Đài Loan tổ chức tại NTU, Fang Chi-tai, một giáo sư tại Cao đẳng sức khỏe cộng đồng thuộc NTU đã giải thích xung quanh giả thuyết cho rằng, virus này bị rò rỉ hoặc được phát tán từ phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 của Viện Vũ Hán (phòng thí nghiệm BSL-4).
Ông nói rằng những gì đã biết là có nhiều virus chết người đang được nghiên cứu trong cơ sở này, như SARS và Ebola đồng thời hồ sơ theo dõi các tiêu chuẩn an toàn và quản lý phòng thí nghiệm của Trung Quốc đã được đặt câu hỏi trong quá khứ.
Ông Fang nói rằng COVID-19 giống 96% gen RaTG13 của dơi, loại gen được biết đến là đang có mặt tại phòng thí nghiệm này.
Ông cho biết một nhóm nghiên cứu của Pháp nghiên cứu về COVID-19 đã phát hiện ra rằng, điểm khác biệt chính giữa RaTG13 và COVID-19 là COVID-19 có thêm bốn axit amin không tìm thấy trong bất kỳ loại virus corona nào khác. Fang nói rằng bốn axit amin này làm cho bệnh dễ lây lan hơn.
Ông nói rằng những phát hiện của nhóm nghiên cứu Pháp đã khiến một số người trong cộng đồng khoa học suy đoán rằng các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng dịch SARS 17 năm trước quá dễ đối phó, vì vậy họ đã phát triển một “phiên bản nâng cấp”. Ông nói rằng với công nghệ hiện đại, việc “nâng cấp” như vậy về mặt lý thuyết là có thể.
Giáo sư Fang khẳng định, trong tự nhiên “không có khả năng có bốn axit amin được thêm vào cùng một lúc”.
Ông kết luận: “Do đó, từ quan điểm học thuật, thực sự có khả năng các axit amin đã được thêm vào COVID-19 trong phòng thí nghiệm của con người”, và điều này vẫn có thể xảy ra trong tự nhiên nhưng “cơ hội rất mong manh”.
Ông nhấn mạnh rằng các đột biến được tìm thấy trong COVID-19 là “không bình thường về mặt học thuật”, đồng thời khẳng định “thực sự có thể đó là sản phẩm do con người tạo ra”.
Ông cho biết việc tiến hành điều tra hồ sơ của Phòng thí nghiệm BSL-4 là rất quan trọng. Tuy nhiên, do bản chất che giấu của nhà cầm quyền Trung Quốc, ông nói rằng một cuộc điều tra công khai vào hồ sơ của phòng thí nghiệm có vẻ rất khó xảy ra trong tương lai gần.
Về mặt tích cực, ông nói rằng nếu đó là một loại virus nhân tạo, thì có nghĩa là, nó không sản sinh trong tự nhiên. Do đó, sau khi bệnh nhân cuối cùng được chữa khỏi, nó sẽ không thể trở thành một bệnh theo mùa giống như cúm, vốn do thiên nhiên tạo ra.
Một tù nhân mãn hạn nhiễm COVID-19 ‘thoát khỏi’ Vũ Hán dù thành phố đang phong tỏa
Chính quyền Trung Quốc đã cử một nhóm điều tra đến thành phố Vũ Hán, tâm chấn của dịch COVID-19, sau khi có báo cáo cho biết, một nhà tù ở đây đã thả một tù nhân đang bị nhiễm virus và người này đã đến Bắc Kinh.
Một nhóm gồm Bộ tư pháp, Tòa án tối cao và Bộ công an sẽ xem xét vụ việc, Ủy ban chính trị và pháp luật trung ương Trung Quốc cho biết trong một bản tin hôm 27/2.
Theo truyền thông, một tù nhân bị nhiễm bệnh đã được thả ra từ một nhà tù nữ ở thành phố Vũ Hán sau khi mãn hạn tù. Các thành viên gia đình của cô sau đó đã đưa cô đến Bắc Kinh.
Tin tức đã gây náo động, với cư dân mạng hỏi làm thế nào người phụ nữ có thể rời khỏi một thành phố đã bị phong tỏa trong hơn một tháng.
“Những người khỏe mạnh như chúng tôi bị mắc kẹt ở Vũ Hán và cô ấy có thể thoát khỏi sự phong tỏa nghiêm ngặt khi đang bị sốt?”, một người bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo.
“Cô ấy phải có sự quen biết tốt”, người khác bình luận.
Một quan chức của cơ quan quản lý nhà tù tỉnh Hồ Bắc nói với tờ Tin tức Bắc Kinh hôm 26/2 rằng tù nhân được thả ra hợp pháp.
CDC Bắc Kinh xác nhận cô đã bị nhiễm COVID-19. Cơ quan y tế tại Bắc Kinh cho biết hôm 26/2, người phụ nữ hiện đang được cách ly cùng với ba thành viên gia đình. Cô là một trong số hơn 300 tù nhân trong tù bị nhiễm bệnh.
Vào cuối ngày 26/2, Ying Yong, bí thư tỉnh Hồ Bắc, đã kêu gọi các quan chức tăng cường các biện pháp kiểm soát virus trong các nhà tù, trung tâm giam giữ, trung tâm điều trị ma túy và các cơ sở công cộng khác.
Vương quốc Anh có lượng người nhập cư không thuộc EU cao nhất trong 15 năm
Theo số liệu từ văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) hôm nay công bố, lượng người không thuộc các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) nhập cư vào Anh trong giai đoạn 9/2018 đến tháng 9/2019 đạt mức cao nhất trong 15 năm (từ năm 2004 đến cuối tháng 9/2019), do số sinh viên đến từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên.Số người nhập cư ròng trong 12 tháng, từ 9/2018 đến tháng 9/2019 đạt 240.000, sau khi 642.000 người chuyển đến Anh và 402.000 người rời đi.
ONS cho biết thêm, ở một góc độ khác, số công dân EU chuyển đến Anh để làm việc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004.
Thêm nhiều nước phát hiện người nhiễm COVID-19
Thêm nhiều nước phát hiện người nhiễm COVID-19
Hôm thứ Tư (26/2), Brazil xác nhận một công dân 61 tuổi của họ trở về từ Ý dương tính với virus SARS-CoV-2, đây là trường hợp đầu tiên ở Mỹ Latinh nhiễm loại virus này. Ngoài ra, có thêm nhiều nước phát hiện người nhiễm dịch COVID-19, theo Reuters.
Pakistan, Na Uy, Romania, North Macedonia, Georgia và Hy Lạp là những nước mới được bổ sung vào danh sách các quốc gia có dịch COVID-19.
Pháp ghi nhận trường hợp thứ hai tử vong vì COVID-19. Tính tới hết ngày 26/2, Iran có 19 người chết, Hàn Quốc và Ý cùng có số ca tử vong là 12.
Mỹ – Hàn cân nhắc việc tập trận chung vì COVID-19
Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang xem xét việc hoãn hoặc thay đổi cuộc tập trận quân sự sắp tới giữa hai nước vì dịch COVID-19 bùng phát ở Nam Hàn, Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, ông Mark Milley, cho biết hôm thứ Tư (26/2), theo Yonhap.Tướng Milley nói về việc này trong phiên điều trần của Lầu Năm Góc trước Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện về ngân sách quốc phòng năm 2021, và nói thêm rằng ông đang chờ đợi ý kiến để đi tới quyết định cuối cùng từ Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Tướng Robert Abrams, và người đồng cấp của ông bên phía Nam Hàn, Tướng Park Han-ki.
Hiện dịch COVID-19 đang bùng phát ở Hàn Quốc, theo cập nhật của Worldometers, đến nay, ở nước này đã có 12 người tử vong và 1261 người nhiễm bệnh, trong đó có 24 người phục hồi. Trong khi đó, Hoa Kỳ có 60 ca nhiễm và 6 trường hợp phục hồi.
Iran không phong tỏa dân để ngăn dịch COVID-19
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Tư (26/2) nói rằng chính phủ của ông không có kế hoạch cách ly bất kỳ thành phố và quận huyện nào để đối phó với sự lây lan của dịch COVID-19, bất chấp việc quốc gia Trung Đông này đã có 19 người tử vong và 139 người nhiễm bệnh, theo Reuters.Trong bài phát biểu của mình, thay vì nói về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19, ông Rouhani đổ lỗi cho Hoa Kỳ đang cố gắng làm tê liệt đất nước bằng việc gieo rắc sự sợ hãi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Iran Saeed Namaki nói chính quyền có kế hoạch hạn chế các hoạt động tụ tập đông người tại một số khu vực đô thị và nhà thờ. Mặc dù vậy, ông Namaki cho biết, một số kế hoạch cần phải được ông Rouhani phê duyệt.
Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Cuba ra tòa
Một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Cuba, ông Jose Daniel Ferrer, đã ra tòa vào hôm thứ Tư (26/2) với cáo buộc bắt cóc và tấn công một người đàn ông, những người ủng hộ ông Ferrer nói với Reuters.Ông Ferrer, 49 tuổi, là lãnh đạo của Liên minh Yêu nước Cuba (UNPACU), một trong những nhóm đối lập lớn nhất và hoạt động tích cực nhất ở quốc gia có lực lượng lãnh đạo mong muốn đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Chính phủ Cuba gọi ông là kẻ theo Mỹ phản lại cách mạng, nhưng tuyên bố rằng không bỏ tù Ferrer bị việc này mà tống giam ông vì tội bắt cóc và tấn công người khác. Ông Ferrer bị bắt giam từ ngày 1/10 năm ngoái.
Những người ủng hộ nói rằng các cáo buộc đối với ông Ferrer là sai, và đây chỉ đơn giản là một nỗ lực của chính quyền nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến.
Hiện chính phủ Cuba ngăn cấm các hãng truyền thông nước ngoài tiếp cận phiên tòa xét xử ông Ferrer để đưa tin.
Các nhà hoạt động nhân quyền nữ ở Colombia bị giết tăng cao
Các vụ giết hại những phụ nữ tham gia vào các hoạt động cộng đồng và bảo vệ nhân quyền ở Colombia đã tăng gần 50% vào năm 2019 so với một năm trước đó, Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết thông tin hôm thứ Tư (26/2).Trước tình trạng báo động này, LHQ thúc giục chính phủ Colombia cần nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ các công dân nữ của họ.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ nói với các nhà báo rằng, vào năm ngoái, 108 nhà hoạt động nhân quyền, cả nam và nữ, ở Colombia đã bị giết, và 10 trường hợp khác vẫn đang được xác minh. Trong số những người bị ám toán, có 15 nhà hoạt động nữ.