ĐIỂM TIN NGÀY 13 THÁNG 4, 2020: Mỹ có thể hoạt động trở lại vào tháng Năm

Tin Tức

ĐIỂM TIN NGÀY 13 THÁNG 4, 2020

Mỹ có thể hoạt động trở lại vào tháng Năm

Hoa Kỳ có thể khôi phục lại các hoạt động vào tháng tới, sau thời gian giãn cách xã hội. Ông Anthony Fauci, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính quyền Trump, đưa ra thông tin này vào hôm Chủ nhật, theo AFP.
Cùng ngày, Tổng thống Trump viết trên Twitter về tình hình virus Vũ Hán ở Mỹ: “Chúng ta đang chiến thắng và sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình này!”.
Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng thứ Hai (giờ Việt Nam), Hoa Kỳ có 557.217 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 24.338 ca nhiễm mới, và 21.954 bệnh nhân tử vong, tăng 1.377 ca so với 24 giờ trước. Con số thống kê mới cho thấy số người nhiễm mới và chết vì virus Vũ Hán tại Mỹ đã giảm so với những ngày trước.

Nga Trung Cộng siết chặt biên giới
chống làn sóng virus corona thứ hai



Biên giới phía Đông Bắc giữa Nga và Trung Cộng đã được siết chặt nhằm chống dịch virus corona tái bùng phát, sau khi các ca nhiễm mới hàng ngày ở Trung Cộng tăng lên mức cao nhất trong gần 6 tuần qua, với hơn 90% các ca nhiễm là người nước ngoài, theo Reuters.
Trung Cộng sáng nay báo cáo có 108 ca nhiễm mới. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Cộng nói rằng có 98 ca nhiễm mới là các trường hợp nhập cảnh, trong đó có 49 người quốc tịch Trung Cộng vào tỉnh Hắc Long Giang từ Nga.

Số ca mắc Covid-19 ở Nga tăng kỷ lục

Giới chức Nga hôm nay xác nhận 2.558 ca nhiễm mới virus corona trong một ngày, nâng tổng số ca mắc Covid-19 chính thức của nước này lên 18.328. Đây là mức tăng kỷ lục trong ngày về các ca nhiễm mới, theo ghi nhận của tờ The Moscow Times.
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đã ban bố các biện pháp đóng cửa bổ sung từ ngày 13 – 19/4 để làm giảm sự lây lan của virus Vũ Hán. Theo lệnh này, các hoạt động và kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa. Các cửa hàng tạp hóa, nhà thuốc, bệnh viện, cơ quan chính phủ, các nhà sản xuất đồ bảo hộ vẫn được mở cửa. Dịch vụ cho thuê xe cũng bị đình chỉ.

Nam Hàn sắp gửi 600.000 bộ kit
xét nghiệm Covid-19 tới Mỹ

Nam Hàn sẽ gửi lô hàng đầu tiên gồm 600.000 kit xét nghiệm tới Mỹ hôm nay theo yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Reuters dẫn tin từ một quan chức Seoul cho biết.
Theo vị quan chức này, Tổng thống Donald Trump trong cuộc điện đàm với ông chủ Nhà Xanh Moon Jae-in vào hôm 25/3 đã đề nghị chuyển các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh Covid-19 tới Mỹ trong bối cảnh đại dịch virus corona đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nước này.

Pháp dự kiến tiếp tục đóng cửa

Tổng thống Emmanuel Macron hôm nay trong bài phát biểu thứ ba về đại dịch Covid-19 cảnh báo rằng Pháp sẽ đóng cửa ít nhất vài tuần nữa, theo AFP. Ông Macron đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus vào ngày 17/3. Bài phát biểu của ông được đưa ra sau khi có những dấu hiệu cho thấy các ca nhiễm đã giảm mặc dù vẫn ở mức cao.

Ecuador: 800 thi thể từ tâm dịch Covid-19

Cảnh sát Ecuador đã đưa gần 800 thi thể khỏi các ngôi nhà ở thành phố Guayaquil, tâm chấn dịch virus corona. Theo AFP, dịch bệnh hoành hành khiến các bệnh viện, nhà tang lễ ở Ecuador quá tải.
Ecuador đã ghi nhận 7.500 ca nhiễm Covid-19 kể từ ca đầu tiên vào ngày 29/2.

Hội nghị G20 thảo luận về đại dịch

Tờ The National hôm nay cho biết, hội nghị G20 giữa các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương sẽ họp trong tuần này để thảo luận và thực hiện các hành động chung khẩn cấp nhằm giải quyết tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà hoạch định chính sách tài chính từ nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tham dự cuộc họp qua video vào ngày 15/4 dưới sự chủ tọa của Ả Rập Xê Út. Cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới bên lề G20 năm nay cũng được tổ chức qua video.

BS Fauci: TC phát tán thông tin sai lệch ngay từ đầu 


Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, thành viên Lực lượng Đặc nhiệm chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng, bác sĩ Anthony Fauci trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 6/4
Bác sĩ TS Anthony Fauci, thành viên của Lực lượng đặc nhiệm chống virus corona của Nhà Trắng cho biết, chính quyền Trung Cộng đã cố tình đánh lừa thế giới từ nhiều tháng trước, khi họ nói rằng virus này chỉ lây truyền từ động vật sang người, mặc dù có rất nhiều trường hợp lây truyền từ người sang người, theo The Epoch Times ngày 12/4.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Hoa Kỳ, cho biết sau khi đại dịch giảm, Mỹ sẽ điều tra những tuyên bố ban đầu của Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ).
“Khi Covid-19 rốt cục đã thâm nhập vào nước Mỹ, sự việc càng trở nên rõ ràng khi chúng ta bắt đầu xem xét [những gì] đã diễn ra. Thông tin sai lệch đã được phát tán ngay từ đầu”, ông Fauci trao đổi với Fox News hôm thứ Bảy (11/4). “Vậy đây là lỗi của ai, bạn biết đấy, chúng tôi sẽ dành thời gian điều tra việc này khi dịch bệnh kết thúc”.
BS Fauci nói thêm rằng ĐCSTQ “rõ ràng đã không cung cấp thông tin chính xác cho chúng tôi ngay từ đầu”.
“Kết quả là, chúng ta đã không nhận được thông tin chính xác, mà thay vào đó những thông tin sai lệch đã được họ lan truyền ngay từ đầu, bởi vì, bạn biết đấy, khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác định, tôi nghĩ vào ngày 31/12 tại Trung Cộng, thì chúng tôi đã chú ý đến căn bệnh này. Họ nói nó chỉ là lây truyền từ động vật sang người. Bây giờ, suy nghĩ lại, chúng tôi cho rằng đã có sự lây truyền liên tục từ người sang người ở Trung Cộng, có lẽ ít nhất vài tuần trước 31/12”, bác sĩ Fauci nhận định.
Virus Vũ Hán trên thực tế là một căn bệnh rất dễ lây lan, tiềm ẩn trong các du khách Trung Cộng và được mang tới châu Âu và Mỹ vào giữa tháng 1.
“Khi chúng ta biết rằng bệnh này không chỉ lây truyền từ người sang người một cách dễ dàng mà còn rất, rất dễ lây lan trên diện rộng, và nó cũng có mức độ nguy hiểm và tử vong cao. Khi đó, chúng biết rõ chúng ta đang gặp phải một vấn đề không nhỏ bởi vì chúng ta đang tiếp nhận rất nhiều khách du lịch từ Trung Cộng”, ông Fauci nói thêm. “Mặc dù chúng ta đã cấm nhập cảnh đối với du khách từ Trung Cộng khá nhanh chóng, nhưng một khi virus đã được gieo mầm ở đất nước này, thì nó sẽ làm được điều mà bất kỳ loại virus truyền nhiễm nào sẽ làm, như có thể thấy”.

Đài Loan đổi tên ‘China Airlines’
để tránh gây nhầm lẫn về xuất xứ




Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải Đài Loan hôm 11/4 cho biết ông sẵn sàng hỗ trợ đổi tên hãng hàng không quốc gia Đài Loan China Airlines nếu cổ đông và công chúng chấp thuận khi tên gọi của hãng hàng không này khiến cộng đồng quốc tế nhầm lẫn về xuất xứ của hãng.
Trong những tháng gần đây, China Airlines đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế trong việc hồi hương các công dân Đài Loan bị mắc kẹt ở Trung Cộng vì dịch Covid-19, cũng như gửi khẩu trang và các vật tư y tế khác mà chính phủ Đài Loan viện trợ các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vì tên của hãng hàng không này có chữ “Trung Hoa” (China), nên cộng đồng quốc tế thắc mắc liệu Đài Loan hay Trung Cộng đã viện trợ cho các nước khác.
Vào ngày 3/2, một tổ chức độc lập có tên gọi “Văn phòng Nhà nước Đài Loan” đã kêu gọi đổi tên hãng hàng không thành ” “Formosa Airlines” hoặc “Yushan Airlines”. Vào ngày 20/2, Hiệp hội người Mỹ gốc Đài đã đăng một bản kiến nghị trên trang web Change.org kêu gọi đổi tên “China Airlines” thành “Taiwan Airlines”.
Trong một bài đăng trên Facebook hôm 11/4, Bộ trưởng Giao thông vận tải Lin Chia-lung cho biết ông rất sẵn lòng hỗ trợ việc đổi tên của hãng hàng không China Airlines trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, ông nói rằng đổi tên là một quyết định lớn liên quan đến các quyền lợi và tuyến hàng không. Hơn nữa, vì China Airlines là một công ty niêm yết nên cần sự chấp thuận của cổ đông và người dân Đài Loan. Ông Lin hy vọng công chúng sẽ đồng ý với việc đổi tên này.

Bài đăng trên Facebook của Bộ trưởng Lin Chia-lung nhận được hơn 8.000 lượt thích, hơn 600 bình luận tính đến ngày 13/4.
Ông Lin cho biết thêm, mặc dù số lượng chuyến bay hàng không giảm mạnh, nhưng các phi hành đoàn của China Airlines vẫn ở trên tuyến đầu đảm nhận trách nhiệm đưa người Đài Loan trở về nước, như chuyến bay của China Airlines vào ngày 21/2 đã hồi hương 19 hành khách Đài Loan khỏi tàu du lịch Diamond Princess. Khi Đài Loan viện trợ vật tư y tế cho các nước, China Airlines như một đặc phái viên ngoại giao của hòn đảo khi hãng hàng không này gửi khẩu trang do Đài Loan sản xuất đi khắp thế giới. “Những đóng góp của China Airlines xứng đáng được chúng ta ghi nhận”, ông Lin viết.

Trung Cộng, Mỹ tăng cường tuần tra xung quanh Đài Loan


Hình ảnh tàu chiến Trung Cộng hoạt động gần đảo Đài Loan 


Tờ Taiwan News ngày 13/4 đưa tin, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Cộng được phát hiện đang lảng vảng tại vùng biển phía đông Đài Loan vào hôm thứ Bảy (11/4), cùng lúc một tàu khu trục của Mỹ đang tuần tra tại eo biển Đài Loan, phía Tây hòn đảo này.
Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) hôm Chủ nhật (12/4) tuyên bố họ đã phát hiện tàu Liêu Ninh cùng năm tàu khác đang tiến vào khu vực phía đông Đài Loan một ngày trước đó. Lực lượng tự vệ Nhật Bản lần đầu phát hiện nhóm tàu chiến Trung Cộng gồm sáu tàu đi qua biển Hoa Đông hướng về phía đảo Okinawa hôm thứ Sáu (ngày 10/4).
Hôm Chủ nhật, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo họ đã phát hiện tàu Liêu Ninh cùng với hai chiến hạm hạng nhì, hai tàu khu trục và một tàu tiếp tế, đi ngang qua đảo Okinawa thông qua eo biển Miyako vào thứ Bảy (11/4). Bộ Quốc phòng nước này cho biết các tàu chiến sau đó đã hướng về phía nam và di chuyển qua vùng biển phía đông Đài Loan, trên đường đến Biển Đông để “tham gia huấn luyện đường dài trên biển”, Storm Media đưa tin.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng quân đội nước này đã sử dụng hệ thống giám sát để theo dõi các động thái của tàu vận chuyển Trung Cộng. Bộ trấn an công chúng rằng các tàu chiến đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và không cần phải lo lắng.
Sự xuất hiện của các tàu chiến Trung Cộng gần Đài Loan theo sau các động thái tuần tra gần đây quanh hòn đảo này của tàu chiến và máy bay Mỹ. Hôm thứ bảy, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Barry (DDG 52) đã đi qua eo biển Đài Loan. Cùng ngày, một máy bay trinh sát và chiến tranh điện tử của Hoa Kỳ EP-3E đã bay tới phía nam Đài Loan. Vào thứ Sáu, một máy bay trinh sát Boeing RC-135 đã bay qua vùng Biển Đông.
Trước đó vào thứ Sáu, một máy bay ném bom Xian H-6 của Trung Cộng, máy bay cảnh báo sớm Shaanxi KJ-500 và máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 được phát hiện đang thực hiện các cuộc tập trận tầm xa ngoài khơi bờ biển phía tây nam Đài Loan.

Covid-19: Trung Cộng dàn trận tại châu Phi



Máy bay của hãng hàng không Ethiiopia chở viện trợ Trung Cộng đến Venezuela ngày 28/03/2020. Ethiopia đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược "y tế" Covid-19 của Trung Cộng. Ảnh minh họa. REUTERS - Manaure Quintero


Từ khi đại dịch lan rộng, Trung Cộng liên tiếp gửi hàng viện trợ y tế cho 50 nước châu Phi. Theo báo Le Monde, con đường tơ lụa "y tế" được sử dụng khéo léo. Bắc Kinh "núp sau lưng" nhà tỷ phú Jack Mã, chủ nhân tập đoàn Alibaba và các chân rết. Qua những tấm ngân phiếu của Alibaba, của Hoa Vi, với sự tiếp tay không cần đeo găng của các nhà ngoại giao Ethiopia và của Trung Cộng, tất cả được dàn dựng trước ống kính truyền hình Trung Cộng.
Ethiopia đóng vai trò đặc biệt như thế nào trong chiến lược "y tế" Covid-19 của Trung Cộng? Thái độ bênh vực Trung Cộng của tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nguyên là  ngoại trưởng Ethiopia, được Bắc Kinh ủng hộ  như thế nào  thì mọi người đã thấy. Le Monde chỉ phớt qua để minh họa thêm cho các thông tin sau: Hãng hàng không Ethiopia Airlines độc quyền chuyển hàng viện trợ của tỷ phú Jack Mã đến 50 nước Châu Phi. Hàng viện trợ sau đó được phân phối sang các nước qua công ty của Jack Mã. Các nhà ngoại giao Ethiopia luôn có mặt trong các buổi "lễ giao hàng". Một trường hợp cụ thể là ngày 31/03, trong một buổi lễ tại  phi trường Abidjian, chính đại sứ Ethiopia tại Côte d' Ivoire đích thân cầm ngân phiếu của tỷ phú Trung Cộng trao cho bà giám đốc viện Pasteur của Côte d'Ivoire. Nghi thức khá lạ thường.
Từ thập niên 1960, Bắc Kinh đã gửi 20.000 nhân viên y tế sang châu Phi chăm sóc cho 200 triệu người, nếu tin vào số liệu của Tân Hoa Xã. Hiện nay số người Trung Cộng ở Châu Phi lên tới hơn một triệu. 50.000 sinh viên Châu Phi du học tại Trung Cộng.Từ 2013 đến 2018, thương mại song phương tăng gắp 11 lần với 185 tỷ đôla.
Trong vụ dịch sốt xuất huyết Ebola (2013 đến 2016), Trung Cộng gửi 1.200 nhân viên y tế sang giúp ba nước bị lây nhiễm nghiêm trọng nhất (Guinea, Liberia, Sierra Leone) chứng tỏ khả năng phản ứng nhanh nhờ vào sức mạnh kinh tế đang lên của Hoa Lục. Trong đại dịch Vũ Hán, Bắc Kinh chứng tỏ có liều thuốc hiệu quả qua lời tuyên dương của đại sứ Trung Quốc tại Mali: Quyết tâm của  đảng Cộng Sản lãnh đạo, tinh thần kỷ luật và hy sinh của người dân.
Cùng bài bản, đại sứ Trung Cộng tại Tchad cho rằng quốc tế đang thấy một mô hình, một chế độ xã hội mới. Tại Châu Phi cũng như bất cứ nơi nào khác, "y tế " đươc tận dụng để yểm trợ cho con đường tơ lụa mới.

"Đấu trường địa chiến lược" sau đại dịch Covid-19


Ngày 26/03/2020, bản phúc trình của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, cảnh báo các nước phương Tây về cách thức Bắc Kinh khai thác đại dịch Covid-19 để quảng bá chính sách "ngoại giao y tế" phục vụ chiến lược con đường tơ lụa. Thông điệp này có tiếng vang tốt cho Trung Cộng cho dù là khi mở các thùng các-tông, thấy hàng thiếu chất lượng và cho dù tiền viện trợ có chui vào túi quan chức tham ô. Điển hình là một người dânở Alger chia sẻ: trong cơn hoạn nạn, ai giúp thì chúng tôi nhận. Tôi không thấy ai ngoài Nga, Trung Cộng và Cuba.

Trên thực tế, hành động can thiệp ngày càng thô bạo của các viên đại sứ Trung Cộng ngày càng gây khó chịu. Ngày 16/03, theo lệnh bộ trưởng bộ y tế Burkina-Faso, hành khách của một chuyến bay bị cách ly vì trên máy bay có một người Trung Cộng có triệu chứng bị nghi là nhiễm siêu vi corona. Chiều lại, đại sứ Trung Cộng ra thông báo khẳng định " ba công dân Trung Cộng trên chuyến bay không có người nào từng bị nhiễm siêu vi". Làm sao đại sứ Trung Cộng có thể tự cho có thẩm quyền y tế cao hơn bộ trưởng y tế của quốc gia sở tại ?

Để đối phó với chiến lược "bỏ vốn ít mà thu lợi nhiều" của Bắc Kinh, Liên Hiệp Châu Âu thông báo viện trợ chống Covid-19 cho Châu Phi một ngân sách 3,25 tỷ euro. Nhưng đối với Mỹ, tình hình sẽ căng thẳng hơn. Donald Trump rất tức giận khi biết tin Trung Cộng chi 80 triệu đô la xây một tòa trụ sở cho cơ quan phòng chống bệnh truyền nhiễm Châu Phi ở thủ đô Ethiopia mà lẽ ra phải có hợp tác của Mỹ, theo thỏa thuận ban đầu. Nhà Trắng nghi ngờ Trung Cộng sẽ cài phương tiện gián điệp.                                            

Pháp chưa hội đủ ba điều kiện chiến thắng Covid-19
"Chúng ta không đủ bản lĩnh phòng chống dịch" là lời phê phán có dẫn chứng của cựu tổng giám đốc Tổng Nha Y Tế Công Cộng Pháp , bác sĩ William Dab.

Tình trạng người bị lây và chết quá nhiều tại Pháp là do bộ máy hành chánh quan liêu. Bác sĩ William Dab cho biết ông được một cơ quan y tế cấp vùng (ARS) đề nghị qua một đảo hải ngoại tham gia kiểm dịch. Ông nhận lời nhưng một tuần sau không thấy động tĩnh gì cả. Ông phải hỏi lại thì vài hôm sau nhận được câu trả lời là hồ sơ thiếu "bằng cấp bác sĩ và giấy chứng nhận có khả năng chuyên môn".

Chính vì bản chất quan liêu của bộ máy hành chánh cho nên dẫn đến những quyết định không hợp lý. Trong khi ở bệnh viện nhân viên cấp cứu tận tâm tận lực chữa trị thì sau đó lẽ ra phải được "theo dõi" tiếp:   phải cho người  vừa hết bệnh vào khách sạn cách ly thêm thì lại cho họ từ bệnh viện đi thẳng về nhà lây cho thân nhân. Dân chúng được lệnh ai ỏ nhà nấy mà không có lệnh đeo khẩu trang nếu phải đi làm bằng phương tiện công cộng.

Theo vị bác sĩ cựu tổng giám đốc ngành y tế công cộng Pháp, muốn chiến thắng dịch bệnh truyền nhiễm thì phải hội đủ ba điều kiện:  Phải theo dõi tình hình, phải có  phản ứng nhanh và một bộ chỉ huy nhẹ, theo dõi sát sao mọi chỉ thị có được thi hành hay không. Tổng thống tuyên bố tình trạng chiến tranh mà chính quyền thì làm việc như trong thời bình. Bác sĩ William Dab dự đoán là còn có thêm vài chục ngàn người chết nữa.

Miến Điện và "phép lạ”
Tại Đông Nam Á, báo Le Monde ghi nhận một biến chuyển mới tại Miến Điện. Với ba người chết và gần 30 ca nhiễm virus, nếu thật như thế, thì quá ít so với các quốc gia trong vùng. Nhưng đã qua rồi những tin tưởng vào phép lạ như bác sĩ giám đốc bệnh viện Rangun  tuyên bố: "Chúng ta may mắn có các sư cầu nguyện chống dịch" hay là "ăn chanh ngăn siêu vi".

Thứ Sáu vừa qua, đích thân lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi khuyến cáo: "Siêu vi Corona sắp lây lan". Một quyết định nghiêm túc phản ánh lo âu này vừa được thông báo: Lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện, lễ hội rước nước kể từ ngày 13 đến 16 tháng Tư bị hủy bỏ.

Thổ dân Nam Mỹ bất lực trước siêu vi Corona
Số phận bi thảm của thổ dân Nam Mỹ được Le Monde chú ý qua hai bài báo. Phóng sự của ba phóng viên tại một số nước Nam và Trung Mỹ và một bài phỏng vấn Bruce Albert, một nhà nhân chủng học có tiếng tăm.

Tính đến cuối tuần qua, có  từ một đến ba người chết  ỏ mỗi nước nhưng số lây nhiễm gia tăng. Thiệt hại nặng nhất là Ecuador có 297 thổ dân từ trần, 7.161 ca nhiễm virus corona. Peru chỉ mói có một người chết nhưng là một lãnh tụ thổ dân Aurelio Chino, mới từ châu Âu trở về sau một chuyến đi vận động công luận chống các tập đoàn dầu khí phá hại môi trường.

Vấn nạn của thổ dân là không có hệ thống đề kháng chống siêu vi viêm phổi cấp tính như người da trắng, theo Bruce Albert. Thứ hai là họ bị chính phủ sở tại bỏ rơi và thứ ba, nhất là ở Brazil, sức khỏe thổ dân còn bị đe dọa lây  bệnh từ những kẻ đi tìm vàng. Trong lịch sử, thổ dân Nam Mỹ nhiều lần bị dịch chết hàng loạt do vi trùng của nguòi da trắng lây lan.


 

Trung Cộng tiếp tục khuyến khích
bán động vật hoang dã ra thế giới


Chính quyền Trung Cộng đang thúc đẩy việc xuất khẩu động vật hoang dã bằng chính sách thuế, trong khi cấm bán và tiêu thụ mặt hàng này ở trong nước vì lo ngại lây nhiễm bệnh, Fox News đưa tin hôm Chủ nhật.
Vào tháng Hai, chính phủ Trung Cộng đã ban hành lệnh cấm bán và tiêu thụ động vật hoang dã, nói rằng loại sản phẩm này “tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe cộng đồng”.
Nhưng cách đây ít ngày, Bộ Tài chính và cơ quan thuế của nước này tuyên bố sẽ ưu đãi thuế cho việc xuất khẩu động vật hoang dã, Tạp chí Phố Wall đưa tin, trích dẫn hồ sơ của chính phủ Trung Cộng.
Dữ liệu được Trade Data Monitor thu thập cho thấy Hoa Kỳ là một trong những quốc gia nhập khẩu động vật hoang dã nhiều nhất từ Trung Cộng, với nhu cầu chủ yếu dùng cho sản xuất dược phẩm. Mỹ đã mua gần 1 triệu USD động vật hoang dã từ Trung Cộng trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Hai năm nay.

Covid-19 tấn công hệ miễn dịch tương tự HIV

Đây là kết luận của một nhóm các nhà nghiên cứu từ Thượng Hải và New York, đồng thời cũng trùng khớp với quan sát của các bác sĩ tuyến đầu trị Covid-19, rằng loại virus này có thể tấn công hệ miễn dịch của người và gây thiệt hại tương tự như ở bệnh nhân HIV, theo tờ South China Morning Post.
Covid-19, tương tự virus HIV, làm điều này bằng cách tấn công tế bào T, có vai trò bảo vệ cơ thể trước các tác nhân ngoại lai gây hại.“Ngày càng nhiều người so sánh nó với HIV”, một bác sĩ tiết lộ, đồng thời yêu cầu được ẩn danh do sự nhạy cảm của vấn đề này.
Các bác sĩ từng quan sát các thi thể bệnh nhân Covid-19 (SARS-CoV-2) lúc khám nghiệm cho biết các tổn thương đến cơ quan nội tạng người bệnh là tương tự như với người bị SARS (SARS-CoV-1) kết hợp với HIV.
Số ca tử vong do virus Vũ Hán ở Anh gần 11.000, bộ trưởng nội vụ nói Thủ tướng Johnson phải nghỉ ngơi
Anh hiện có gần 85.000 ca nhiễm SARS-CoV-2, số ca tử vong lên đến gần 11.000, sau khi giới chức y tế báo cáo thêm 917 ca tử vong tại bệnh viện. Như vậy, Anh là nước có số người tử vong đứng thứ 5 trên thế giới, theo Reuters.
Trong một diễn biến liên quan, Phố Downing cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson “đang tiếp tục có tiến triển tốt” trong giai đoạn đầu hồi phục từ Covid-19, sau khi dành 3 đêm tại phòng chăm sóc tích cực. Tuy vậy, bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho rằng điều quan trọng là Thủ tướng cần dành thời gian nghỉ ngơi để hồi phục hoàn toàn.

Singapore đối mặt nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần 2

Cùng với Hồng Kông, Nam Hàn và Nhật Bản, Singapore tiếp thu khá tốt sau đợt bùng phát dịch Sars năm 2003. Nước này phản ứng khá nhanh, hệ thống y tế sẵn sàng, dự trữ nhu yếu phẩm dồi dào. Nhờ đó, Singapore đã “làm phẳng đường cong” và đưa dịch Covid-19 vào tầm kiểm soát. Số ca nhiễm hơn 2000, trong đó có hơn 500 người bình phục, và chỉ có 8 ca tử vong, theo News.com.au.
Tuy vậy, trong bài phát biểu toàn quốc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo sự bùng phát các ổ dịch tiềm tàng. Ông cho hay:
“Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi nhìn vào biểu đồ, tôi lo ngại rằng trừ khi chúng ta tiến hành thêm các biện pháp bổ sung, mọi thứ sẽ dần trở nên tồi tệ hơn, hoặc một ổ dịch lớn khác có thể ‘tràn ly’ trong sớm chiều”.

COVID-19: các nước nghèo trong bẫy nợ của Trung Cộng có thể lâm vào cảnh khó khăn

Khi đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế toàn cầu, Trung Cộng có thể nắm quyền kiểm soát tài sản các quốc gia đang nợ nần lớn với tốc độ rất nhanh, hoặc nó có thể thúc đẩy chính sách ngoại giao mềm bằng cách miễn đòi nợ, theo The Guardian.
Hai viễn cảnh này được đưa ra bởi nhóm tác giả một báo cáo của ĐH Harvard về một chiến thuật của Trung Cộng gọi là “ngoại giao bẫy nợ”, trong bối cảnh các nước G20 kêu gọi ủng hộ chính sách hoãn trả nợ một năm cho các nước nghèo nhất.
Pakistan và Sri Lanka là hai nước nạn nhân của chiến thuật bẫy nợ này của Trung Cộng. Hậu quả của việc không trả nổi nợ khiến Pakistan và Sri Lanka phải lần lượt bàn giao cảng Gwadar và cảng Hambantota cho Trung Cộng trong thời gian rất dài, trở thành căn cứ quân sự neo đậu tàu chiến của Trung Cộng.



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top