« Thiên mệnh » của Tập Cận Bình có còn vào năm 2022 ?
Đây chính là thách thức nhạy cảm nhất của Tập Cận Bình : tái lập tính chính danh đối với nhân dân và trong đảng. Trong lịch sử Trung Hoa, các trận dịch thường được coi là sự trừng phạt của thần linh. Ngày nay, hoàng đế Tập Cận Bình phải gắng sức làm dịu cơn giận dữ của các quan lại đỏ, có nguy cơ sẽ ngáng chân ông ta khi đòi làm thêm nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2022. Bởi vì cuộc khủng hoảng virus corona là thử thách lớn chưa từng thấy của ông Tập.
Mao Trạch Đông trong thời kỳ quyền lực bị lung lay đã chọn lựa việc đến Vũ Hán hồi tháng 7/1966, trình diễn màn bơi trên dòng Dương Tử Giang để tìm lại lòng tin của nhân dân. Tấm ảnh này của nhà lãnh đạo 72 tuổi là công cụ tuyên truyền để tung ra Cách mạng văn hóa. Kín đáo hơn người tiền nhiệm nổi tiếng, Tập Cận Bình chỉ dám gởi Lý Khắc Cường đi thăm các bệnh viện Vũ Hán, có thể là ông thủ tướng sẽ bị « hy sinh » nếu cần.
« Chúng ta không sợ bão tố, hiểm nguy và rào cản ». Chủ tịch Trung Quốc khẳng định như trên vào ngày 31/12/2019. Và bây giờ thì ông Tập đã có tất cả !
Trung Quốc của Tập Cận Bình : Đế quốc cảm cúm
Thụy My
« Chúng ta không sợ bão tố, hiểm nguy và rào cản ». Chủ tịch Trung Quốc khẳng định như trên vào ngày 31/12/2019. Và bây giờ thì ông Tập đã có tất cả !
Dịch bệnh do virus corona hoành hành dữ dội do chế độ độc tài của Tập Cận Bình che giấu, Donald Trump có hẳn một đại lộ thênh thang trước mặt cho nhiệm kỳ hai sau vụ truất phế. Đó là hai chủ đề lớn được các tạp chí Pháp tuần này đề cập, bên cạnh những vấn đề rất riêng của nước Pháp như quấy nhiễu tình dục trong ngành thể thao, tình trạng những cộng đồng sống khép kín đặc biệt là Hồi giáo.
Trang bìa của L’Express là ảnh Tập Cận Bình đang mang khẩu trang, trên nền lá cờ đỏ với những sao vàng của Trung Quốc, chạy tựa « Đế quốc bị cảm cúm ». Dịch virus corona là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn, liệu Tập Cận Bình có sống sót sau thảm họa này ?
Những thành phố ma trong thời kỳ toàn cầu hóa
Vũ Hán không phải là Paris, và tỉnh Hồ Bắc chỉ nhỏ bằng một phần ba nước Pháp, nhưng có dân số gần bằng Pháp. Nhà văn Trình Hán Chương (Cheng Hanzhang) hồi thế kỷ 19 đã mô tả : « Là người lúc rạng đông, đến hoàng hôn đã thành ma. Mười người mắc bệnh chỉ có một người sống sót. Khi đại nạn khởi phát, nó lan ra bốn phương tám hướng, không chừa một gia đình nào ».
Hai thế kỷ sau, trước nguy cơ lây nhiễm, chính quyền Trung Quốc vào cuối tháng Giêng đã tiến hành đợt cách ly quy mô chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Nhưng bức trường thành chống virus này có thể làm gì được trong thời đại toàn cầu hóa ?
Hoặc Bắc Kinh nhanh chóng chận được nạn dịch bằng cách buộc một phần đất nước ngừng hoạt động, gây thiệt hại cho công xưởng thế giới. Hoặc ngược lại, biện pháp này thất bại, và virus corona cộng với hoảng loạn lan tràn tại Hoa lục và các nước khác.
Lần đầu tiên, người quyền lực nhất Trung Quốc là Tập Cận Bình trở nên yếu thế, không kiểm soát được tình hình. Tệ hơn nữa : ban đầu im lặng, rồi đến ngày 20/1 chính quyền trung ương bỗng thẳng tay cô lập mấy chục triệu dân, gây nghi ngờ cho người dân Trung Quốc và thế giới.
Chạy đua lên không gian nhưng để dân chết vì dịch bệnh
« Y Náo » (Yi Nao), tức hiện tượng bệnh nhân tấn công bác sĩ, đến nỗi công an phải hiện diện thường xuyên tại các bệnh viện, cho thấy sự què quặt của hệ thống y tế Trung Quốc.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỉ đô la để đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chạy đua vào không gian, vào siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, sinh học. Bắc Kinh sở hữu một trong những trung tâm lớn nhất thế giới về giải mã bộ gien, một phòng thí nghiệm « P4 » được giữ an toàn cao độ để nghiên cứu những loại virus nguy hiểm nhất. Thế nhưng, khi nạn dịch virus corona xảy ra, người nhiễm virus lại bị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác từ chối, nhiều người đành phải ở nhà phó mặc cho số phận.
Trước tình hình đó, đặc biệt là sau cái chết của bác sĩ trẻ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), chưa bao giờ người dân Hoa lục lại phát biểu một cách thẳng thắn như thế trên internet. Đối mặt với làn sóng phẫn nộ này, Bắc Kinh sau đó đã siết chặt mạng xã hội, nhất là ứng dụng đa năng WeChat đang được một tỉ người sử dụng, hầu hết tại Hoa lục. Nhiều tài khoản chỉ trích việc xử lý khủng hoảng đã bị khóa, mà ở Trung Quốc, không vào được WeChat coi như bị tách rời khỏi thế giới - một bi kịch cho những người đang bị cách ly.
Về mặt kinh tế, điện tử, viễn thông, xe hơi, hóa chất…danh sách các lãnh vực bị ảnh hưởng bởi sự xáo trộn chuỗi cung ứng đang kéo dài. Đằng sau cuộc khủng hoảng chưa từng thấy này, là hệ thống sản xuất sau vài thập niên đã bị cắt rời thành nhiều đoạn, nhân lên nhiều nhà thầu phụ để tiết kiệm vài đô la cho mỗi công đoạn. Hậu quả là nếu một mắt xích bị tắc thì cả dây chuyền phải ngưng lại. Chẳng hạn tập đoàn Nintendo phải chậm giao thiết bị game Switch, và dự định tập trung sản xuất tại Việt Nam nếu tình hình vẫn tiếp tục xấu.
« Hãy chấm dứt văn hóa dối lừa ! »
Giáo sư Tôn Giang (Sun Jiang), trường đại học Nam Kinh trước hết kêu gọi mặc niệm cho những người đã chết vì virus corona, hình dung ra cuộc chiến đấu tuyệt vọng của họ. Chúng ta mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi. Một cái chết tự nhiên vốn đã gây nhiều xúc động, có thể nói gì hơn về những cái chết không chờ đợi này, đang đe dọa toàn thể cư dân ?
Ông nhấn mạnh, quyền lực không được kiểm soát là một con quái thú tàn bạo. Cách đây 100 năm, nhà văn Lỗ Tấn (Lu Xun) đã từng cảm thán cho một thời đại tồi tệ, già trẻ đều phải dối trá, và nay thì cũng chẳng khác. Nhưng tệ hại hơn cả dối trá, là bộ máy đã tạo ra dối trá.
Trong giai đoạn dịch bệnh này, cần phải thẳng thắn, và sau khi nạn dịch trôi qua, giới trẻ phải trở thành thế hệ đầu tiên có tinh thần phê phán. Giáo sư Tôn Giang cũng đòi hỏi truy ra những người chịu trách nhiệm về mặt hình sự, chính trị và cả đạo đức. Ông kết luận, không ai có thể thoát được lưỡi hái của lịch sử.
Bài viết rất hay của vị giáo sư với giọng điệu khá chừng mực, không chỉ trích trực tiếp, đã được lan truyền rộng rãi trên mạng Vi Tín, nhưng nay cũng đã biến mất !
Đảng gởi những bàn tay sắt đến trị dân
Tuần báo Anh lưu ý là các quan chức được điều đến thay thế đều là người thân tín của Tập Cận Bình. Ông Ứng Dũng (Ying Yong), bí thư thành ủy Thượng Hải lên làm bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc, vốn là giám đốc công an Chiết Giang khi ông Tập làm bí thư tỉnh này. Trần Nhất Tân (Chen Yixin), đặc phái viên của ông Tập tại Vũ Hán cùng với Hạ Bảo Long (Xia Baolong), người phụ trách Hồng Kông và Macao vốn nổi danh trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Trung Quốc vì lãnh đạo các chiến dịch tháo dỡ những cây thánh giá trên các nóc nhà thờ ở Chiết Giang.
The Economist kết luận, khi gặp rắc rối, đảng gởi ngay những nhân vật cứng rắn nhất đến.
Virus gây đại dịch cúm cách đây một thế kỷ cũng từ Trung Quốc ?
Nạn dịch cúm xảy ra từ 1918-1919 đã làm 50 đến 100 triệu người chết, trong khi dân số thế giới lúc đó chỉ khoảng 2 tỉ người. Lần đầu tiên người ta mới biết đến virus, qua trận dịch kinh khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Ngày 04/03/2018, một đầu bếp của trại lính ở Riley, Kansas (Mỹ) bị bệnh, và một tuần sau đó, 100 tân binh phải nhập viện, 500 người khác bị lây nhiễm. Những người lính trẻ được huấn luyện ở Riley sau đó được điều đi khắp châu Âu.
Trong những chiến hào và hầm trú ẩn, nơi điều kiện vệ sinh tệ hại, con virus biến thể và trở nên nguy hiểm. Đợt dịch thứ hai diễn ra, các quân nhân lây cho thường dân, nhưng các báo bị cấm đưa tin. Chính tại Tây Ban Nha trung lập, báo chí không bị kiểm duyệt, tin này mới loan ra, và càng gây rúng động khi quốc vương Alphonse XIII cũng lâm bệnh. Nhiều nước liền gọi là « cúm Tây Ban Nha », và nếu mang tên khác cũng đều gắn với mối đe dọa từ nước ngoài. Sénégal gọi là « cúm Brazil », ở Brazil lại gọi « cúm Đức », còn đối với Ba Lan là « cúm bôn-sê-vích ».
Vào thời đó, người ta không hiểu tại sao. Mãi đến gần 80 năm sau, ê-kíp của nhà vi trùng học Jeffery Taubenberger phát hiện được các phần thân thể người chết vào năm cuối cuộc chiến và tách được các chuỗi ADN của virus. Năm 2005, họ công bố đó là virus cúm A, loại H1N1. Tất cả các loại virus cúm A trên thế giới đều là cháu chắt của H1N1, thế nên virus năm 1918 là « mẹ của mọi nạn dịch ». Nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi : loài vật nào thời đó truyền virus sang con người, nạn dịch bắt đầu từ nông thôn Kansas hay do các công nhân Trung Quốc nhập cảnh vào đây đã mang theo ???
Đại lộ thênh thang trước mặt Donald Trump
Nhìn sang nước Mỹ, Courrier International chạy tựa trang nhất « Một đại lộ cho Trump », với hình vẽ tổng thống Hoa Kỳ trong bộ trang phục hoàng đế mang màu cờ nước Mỹ, đang chỉ tay về phía trước. Tờ báo cho rằng ông Donald Trump có vẻ rất nhiều hy vọng tái đắc cử, và đối mặt với ông là phe Dân Chủ đang chia rẽ hơn bao giờ hết.
Tờ The Washington Examiner (thân Trump) nhận định, ông Trump có thể dựa vào một đảng đoàn kết, tỉ lệ cao trong các cuộc thăm dò, và một nền kinh tế thịnh vượng. Cử tri của ông rất trung thành, trong khi đối lập thì nội bộ xâu xé. Chính sự rối loạn trong đảng Dân Chủ, mà cuộc bầu cử sơ bộ lộn xộn ở Iowa là ví dụ cụ thể, sẽ tặng cho Donald Trump một nhiệm kỳ thứ hai.
Đối với các đảng, bầu cử sơ bộ là dịp để làm dịu đi những bất đồng, hoàn thiện chiến lược tranh cử. Dân Chủ vẫn còn khả năng lật ngược tình hình, nhưng với các khuôn mặt ứng cử viên hiện nay, một chiến thắng chung cuộc không chỉ khó khăn, mà theo tờ báo là bất khả.
Riêng trong tháng 12/2019, quỹ tranh cử của Donald Trump cao gấp 7 lần bên Dân Chủ (63 triệu đô la so với 8,3 triệu) ; tỉ lệ tín nhiệm lên đến 49%, tỉ lệ thất nghiệp chỉ 3,5%, thấp nhất kể từ khi chinh phục Mặt Trăng cho đến nay. Ngay cả trong trường hợp phải đối mặt với Bernie Sanders, ứng cử viên được cho là có nhiều cơ hội thắng ông Trump nhất, Donald Trump cũng sẽ qua mặt. Có điều ông Sanders phải vượt qua được cuộc bầu cử sơ bộ trước đã, và chừng như phía Dân Chủ làm mọi cách để ngăn trở khả năng này. Nước Mỹ chưa sẵn sàng để cho một ứng viên Dân Chủ công khai xu hướng xã hội chủ nghĩa bước vào Nhà Trắng.
Hoa Kỳ sẽ không còn là hình mẫu cho thế giới
Về địa chính trị, L’Obs trong bài « Nước Mỹ, phản mô hình » dựa vào cuốn sách « The Accidental Superpower » (tạm dịch « Siêu cường bất đắc dĩ » của chuyên gia Peter Zeihan phân tích xu hướng thu mình lại của Mỹ quốc, cho rằng các nước không còn có thể mãi trông cậy vào Washington.
Trước Donald Trump, Barack Obama cũng đã từng ngần ngại không muốn tham gia giải quyết các cuộc xung đột lớn như Syria và Libya, nhưng với ông Trump, khuynh hướng co cụm lại càng tăng lên. Theo tác giả, có ba nhân tố chính.
Trước hết, nước Mỹ đã độc lập về năng lượng nhờ dầu lửa và khí đá phiến, không cần nhập từ Trung Đông, và cũng dư khả năng quân sự để bảo vệ nguồn cung. Thứ hai là vị trí địa lý. Hoa Kỳ hết sức may mắn : bao quanh là hai đại dương, chỉ giáp giới với hai quốc gia là Canada ở phía bắc và Mêhicô ở phía nam, dễ dàng tự vệ trước ngoại xâm và làn sóng di dân. Thứ ba, dân số Hoa Kỳ tăng mạnh nhất trong số các nước phát triển, nên có thể trông cậy vào thị trường nội địa, ít lệ thuộc vào các hiệp ước tự do mậu dịch và không cần lao động nhập cư.
Tuy nhiên tác giả cho rằng một đất nước co cụm lại sẽ thiệt hại trong các lãnh vực khác. Các công ty Mỹ sẽ không hăng hái tìm thêm thị trường bên ngoài, ngày càng ít lao vào các thử thách công nghệ : các dấu hiệu chậm trễ so với Trung Quốc và châu Âu đã bắt đầu thấy trong một số lãnh vực. Rốt cuộc, thế giới sẽ không còn coi Hoa Kỳ như một hình mẫu. Người ta thỉnh thoảng vẫn xem phim Hollywood, nhưng ngày càng ít ngưỡng mộ một đất nước đang dần xa cách.
--