ĐIỂM BÁO ngày 28/02/2020
« Ngục Văn Tự »Cũng trong hồ sơ nhân quyền, Le Monde giới thiệu quyển nhật ký trong tù của Hoàng Chi Phong, một trong những lãnh tụ sinh viên Hồng Kông, tham gia phong trào dân chủ từ năm 2010, lúc mới 14 tuổi, khi chính quyền Hồng Kông bắt buộc đưa vào học đường chương trình giáo dục yêu Trung Quốc.
« Ngục Văn Tự », ấn bản tiếng Pháp là « Parole enchainée » được người thanh niên này ghi lại từng ngày trong nhà tù Pik Up, năm 2017.
Trong phần giới thiệu, Le Monde lưu ý : Hoàng Chí Phong chào đời 9 tháng trước khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào thời điểm kinh tế Hoa lục phất phới tự hào.
Cho nên không thể nói cậu bé này ý thức thế nào là niềm hãnh diện làm thần dân của Vương quốc Anh. Cha mẹ cậu bé cũng không thuộc thành phần lo âu sợ mất tự do cho nên vẫn ở lại Hồng Kông. Chính những sự kiện xảy ra sau đó, những cảm nhận, sợ hãi mất tự do quý báu mà cậu bé học sinh này trở thành nhà tranh đấu.
Quan tâm và theo dõi rất sớm về sinh hoạt ở Viện Lập pháp nơi mà đại đa số ghế giành riêng cho các đại gia tuân phục Bắc Kinh, Hoàng Chí Phong nhanh chóng mở trang Facebook để tường trình, báo động cho bạn bè cùng tuổi và phụ huynh học sinh những điều mà cậu nhận thấy là sai trái.
Cuối cùng, thời sự điện ảnh là tiêu điểm của Libération : Lễ trao giải thưởng Cesar khai mạc vào đêm nay 28/02/2020 tại Paris trong bầu không khí căng thẳng. Với tựa « đại gia đình ly tán », nhật báo thiên tả kể ra một loạt vụ việc không thể lạc quan trong ban tổ chức : xung khắc nội bộ, thiếu bình đẳng nam nữ, cáo buộc sách nhiễu tình dục…
Bài học virus corona : Cơ hội phi « Trung Quốc hóa » kinh tế toàn cầu ?
Một dây chuyền lắp ráp xe ô tô ở Thượng Hải, ngày 24/02/2020. REUTERS/Aly Song
Siêu vi Corona chủng mới đã lan khắp địa cầu. Thị trường tài chính hốt hoảng, nhiều lãnh vực kinh tế tê liệt vì lệ thuộc vào công xưởng Trung Quốc. Giới doanh nhân, y tế, chính trị ráo riết đối phó ra sao ? Đâu là những biện pháp cần làm ? Đâu là những ngộ nhận? Với góc nhìn kinh tế, Le Figaro xem đại họa corona là cơ hội để phương Tây « thoát Trung ».
Virus Corona : Đại họa hay… cơ hội cân bằng thương mại
Với các tựa « Kinh tế thế giới dưới cơn sốc Coronavirus », « Hàng loạt lãnh vực công nghiệp sắp bị tê liệt » « Corona lan rộng làm tăng nguy cơ khủng hoảng thế giới » « Các xí nghiệp chuẩn bị các biện pháp thích ứng với tình thế », Le Figaro phát họa một bức tranh ảm đạm với hai kết luận : Chúng ta đã lệ thuộc vào Trung Quốc đến mức báo động. Đây là cơ hội để tái cân bằng hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế.
Ngay trang nhất, xã luận « bài học con siêu vi » xác quyết : Lẽ ra trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, trao đổi hàng ngày từ giải trí cho đến công nghệ, từ giao thông cho đến xây dựng, các xí nghiệp của Pháp phải được nhãn hiệu « Made in France » bảo đảm thành công.
Tuy nhiên vì trong mấy thập niên nay, Pháp đã dời sản xuất qua Trung Quốc cho nên đừng ngạc nhiên khi thấy nước Pháp bị thiếu thuốc, thiếu linh kiện. Thế nhưng, không phải vì dịch Corona mà nghe theo xu hướng bảo hộ mậu dịch. Trái lại, đây là cơ hội để tuân thủ một nguyên tắc cơ bản của kinh tế : phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp để không lệ thuộc vào bất kỳ ai.
Bất kỳ ai mới được ? Trang ý kiến của Le Figaro trả lời : Dịch Corona là cơ hội để các quốc tây phương ý thức rõ bị lệ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Còn giới tài chính, đây có thể là cơ may để điều chỉnh tình trạng bất cân bằng trong xu hướng toàn cầu hóa.
Chuyên gia nghiên cứu tài chính vĩ mô ở Luân Đôn Nicolas Goetzmann dẫn chứng : Toàn cầu hóa thực tế là Trung Quốc hóa gần như toàn bộ kinh tế thế giới. Trong vòng 10 năm, từ 2000 đến 2018, Trung Quốc tăng từ 3% GDP thế giới lên 18%. Trong khi đó, không một nước nào lên tới 4%. Năm 2015, Trung Quốc sản xuất 80% máy điều hòa không khí, 70% máy điện thoại, 60% giày dép tiêu thụ trên thế giới. Chiến tranh thương mại trong hai năm qua càng làm lộ rõ thế yếu của phương Tây.
Cách thức Bắc Kinh quản lý khủng hoảng corona, mà không hiểu vì sao có người khen ngợi trong khi người khác chỉ trích là giống Liên Xô giấu giếm thảm họa hạt nhân Tchernobyl, càng làm công luận thêm nghi ngờ Trung Quốc.
Thông tin về chính sách nhốt tù hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương , vụ khủng hoảng Hồng Kông, cáo buộc Hoa Vi làm gián điệp… đánh thức lương tâm người dân phương Tây khiến cho « giấc mơ Trung Quốc » của Tập Cận Bình đụng vào cản lực.
Theo tác giả, Châu Âu có nhiều lá chủ bài trong tay để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Châu Âu cần hàng Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng lệ thuộc nhiều hơn vào mức cầu của Châu Âu.
Châu Âu phải ra khỏi chiếc bẫy do mình tạo ra : mua hàng giá rẻ của một chế độ độc tài nhất hành tinh, gây ô nhiễm nhất hành tinh, và ngày càng phô trương tham vọng bá quyền.
Thuốc giải của các nền dân chủ phương Tây là vừa giảm bớt lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, vừa ưu tiên cho tăng trưởng trong nước tức là tài trợ tạo công ăn việc làm, sản xuất nội địa, nâng cao sức mua của người dân. Nói rõ hơn, đó là một chính sách kinh tế quân bình có sự can thiệp của nhà nước để vừa có thể phục vụ xã hội, củng cố tăng trưởng trong một nền dân chủ tự do. Chính sách đó sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu hóa rộng mở.
Vì sao không nên cô lập nước Ý ?
TT Pháp Macron và thủ tướng Ý
Cũng cùng nhận định, Les Echos cho biết thêm các xí nghiệp ngoại quốc tại Hoa lục đang bị tác hại mạnh. Còn tại Nhật, thủ tướng Shinzo Abe ra lệnh đóng cửa tất cả trường học cho đến đầu tháng Tư.
Một câu hỏi then chốt cũng đang được đặt ra tại Châu Âu là có cần đóng cửa biên giới « cô lập » ổ dịch nước Ý hay không ? Les Echos dứt khoát trả lời không. Theo nhật báo kinh tế, mỗi lần đất nước có vấn đề nghiêm trọng thì luôn luôn có những kẻ tự cho là khôn ngoan hơn người. Trong vụ Covid-19, không thể chê trách cách quản lý của chính phủ Pháp, thận trọng không nghe theo chủ trương cách ly triệt để theo kiểu Bắc Kinh. Đúng là dân chúng lo sợ vì không ai biết nguồn cội siêu vi, giới khoa học cũng chưa có cách đối phó. Nhưng nếu cấm 3.000 ủng hộ viên đội banh Ý Turino sang đấu ở Lyon chỉ càng làm tăng thêm tâm lý sợ hãi.
Trước hết, phải thấy chính Trung Quốc đã gây ra tình trạng hỗn loạn này khi từ đầu đã chối là không có dịch, giấu không được thì huy động các biện pháp thô bạo để trấn áp một hiện tượng mà ban lãnh đạo đảng cho là đe dọa ổn định xã hội. Chính các biện pháp thô bạo của Bắc Kinh đã gây ra tâm lý sợ hãi và lan khắp địa cầu. Nói tóm lại, để đối phó hiệu quả với Covid-19 thì cần có sự hợp tác khắp thế giới, tức là giới chuyên gia phải có quyền tự do đi lại. Bảo hộ, cách ly y tế không phải là toa thuốc tốt.
Ký ninh gây tranh cãi
Thuốc trị sốt rét Chloroquine (ký ninh) được Trung Quốc loan báo là có hiệu quả để chống siêu vi Covid-19. Tin này được một chuyên gia phương Tây là giáo sư Didier Raoult đồng tình tán thưởng. Báo chí Pháp đánh dấu hỏi hoài nghi.
Nhật báo độc lập cho biết thêm là thông báo của giáo sư Didier Raoult thật ra là dựa vào « bức thư thật ngắn » của ba nhà nghiên cứu Trung Quốc gửi cho tạp chí y khoa Trung Quốc, lấy lại toàn văn của thông báo của chính phủ Trung Quốc hôm 17/02 và được Tân Hoa xã phổ biến cùng ngày, theo đó Chloroquine được sử dụng chữa trị lành cho một vài bệnh nhân. Vấn đề là số người bệnh sử dụng thuốc rất ít, báo cáo cũng không cho biết danh sách người uống thuốc khác để có thể so sánh và kết luận.
Bruno Canard, một chuyên gia Pháp thuộc trung tâm nghiên cứu sinh hóa Aix-Marseille thận trọng : cần phải có thêm xác minh khoa học. Ngay Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng chưa liệt kê « ký ninh » vào danh sách ưu tiên dùng chữa trị siêu vi Covid-19, Le Monde nhắc khéo độc giả.
Trump, Modi, Tập Cận Bình, Putin có điểm nào giống nhau?
Với tựa « Nhà nước pháp trị và nhóm tứ nhân bang », bài bình luận của Le Monde chỉ đích danh bốn thủ phạm chà đạp hai niềm hy vọng của nhân loại từ khi chiến tranh lạnh kết thúc : đó là một trật tự thế giới dân chủ và những chế độ biết thượng tôn pháp luật.
Để trả lời câu hỏi trên, nhà báo Alain Frachon đặt thêm nhiều câu hỏi khác : Vì sao gần một triệu thường dân Syria ở Idleb trốn về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mà không chạy về phía quân đội Damas và quân đội Nga ? Tại sao tại Hội Đồng Bảo An, với sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga bác bỏ mọi đề nghị trợ giúp nhân đạo cho người dân Syria như là muốn cho cuộc chạy loạn này diễn ra trong điều kiện càng tồi tệ càng tốt ?
Theo tác giả, thế kỷ 21 này đã bắt đầu với những đòn chí tử đánh vào ước mơ một trật tự thế giới mới. Cuộc tấn công thống trị Irak năm 2003. Tiếp theo đó là xuất hiện những sự kiện xác định xu thế chủ trương dùng sức mạnh áp đặt chuyện đã rồi : bình thường hóa chính sách xáp nhập lãnh thổ không phải của mình. Với Modi, với Putin, với Tập, sửa đổi biên giới bằng vũ lực, nguyên tắc thương mại của WTO bị Trump xem thường.
Tập và Putin được bảo đảm lãnh đạo trọn đời. Điểm khác biệt là Trump bị giới hạn trong hai nhiệm kỳ, nhưng khắp thế giới, xu hướng độc đoán thắng thế, các nền dân chủ tự do bị yếu đi. Thổ Nhĩ Kỳ hay Hungari có thể không gây ngạc nhiên, nhưng ở Washington, chiếc nôi của nền dân chủ thì không thể hiểu được. Đối thủ hay đồng minh của Mỹ đều bị ông Donald Trump mắng nhiếc như kẻ thù hay kẻ phản bội.
Cách nay ba năm, nhà bình luận Anh Martin Wolf đã viết về Donald Trump như sau : « Trump là hạng người mà những vị sáng lập Hiệp Chủng Quốc rất sợ. Alexander Hamilton (thế kỷ 18) cho rằng trong số những nhà lãnh đạo của chế độ Cộng hoà có công kích các quyền tự do, hầu hết là những người bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng thái độ khúm núm trước người dân. Họ khởi nghiệp bằng mị dân để cuối cùng trở thành bạo chúa ».
Virus Corona: Trung Quốc “gieo gió” nhưng không muốn “gặp bão”
Công an vũ trang đeo khẩu trang tuần tra tại Daxing International Airport ở Bắc Kinh ngày 20/02/2020. REUTERS/Tingshu Wang
Trong những ngày gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu bớt hoành hành tại Trung Quốc, chính quyền và dư luận nước này lại bắt đầu có tâm lý lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại do việc con virus corona theo chân người nước ngoài du nhập vào Trung Quốc. Điều oái oăm ở chỗ con virus độc hại đó lại có xuất xứ từ Trung Quốc, nơi được xem là cái nôi của dịch bệnh.
Hãng tin Pháp AFP ngày 27/02/2019 đã ghi nhận sự kiện là trong những ngày gần đây, cả chính quyền trung ương lẫn một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã loan báo ý định hay quyết định tăng cường kiểm soát du khách đến từ nước ngoài, đặc biệt nhắm vào những quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như Hàn Quốc, Iran, Ý…
Ở cấp trung ương, theo AFP, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã xác nhận rằng nước này đang xem xét “các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát có đối tượng cụ thể”, nhắm vào những người nhập cảnh Trung Quốc.
Ở cấp địa phương, một số biện pháp cụ thể đã bắt đầu được thực hiện. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc chẳng hạn, hôm 26/02 vừa qua, đã loan báo quyết định cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia bị dịch bệnh “ảnh hưởng nghiêm trọng”. Tuy nhiên, chính quyền thành phố không nói rõ đó là những nước nào.
Trong thực tế, hàng trăm hành khách đến từ Hàn Quốc đã bị cách ly ở phía đông Trung Quốc, sau khi phát hiện ra một số trường hợp nghi nhiễm bệnh Covid-19 trên hai chiếc máy bay.
Phản ứng lo ngại virus quay trở lại Trung Quốc cũng xuất hiện trên báo chí Trung Quốc. Nhiều tờ báo đã yêu cầu chính quyền phải kiểm soát nghiêm ngặt người đến từ những nước có dịch khác. Hoàn Cầu Thời Báo chẳng hạn cho rằng khách đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc “không nên được đối xử ưu đãi, vì điều đó sẽ cho phép họ dễ dàng lọt qua mạng lưới phòng ngừa và kiểm soát của Trung Quốc”.
Ngoài ra, theo ghi nhận của AFP, phản ứng lo ngại đặc biệt dữ dội trên các mạng xã hội Trung Quốc. Hôm 27/02, theo hãng tin Pháp, các mạng xã hội Trung Quốc đã dậy sóng sau khi có tin về việc một người quốc tịch Trung Quốc từ Iran trở về, đã bị nhiễm virus corona, nhưng vẫn tự do đi lại nhiều nơi, đến tận vùng Ninh Hạ ở miền bắc sau khi nhập cảnh ở Thượng Hải, thành phố phía nam. Sự kiện đó đã làm dấy lên vô số bình luận trên mạng xã hội Vi Bác, với ít nhất 100 triệu lượt xem.
Một cư dân mạng tỏ thái độ phẫn uất: “Chúng ta không thể phá hỏng tất cả những nỗ lực ở Trung Quốc, chỉ vì một người đến từ nước ngoài”.
Những yêu cầu hạn chế cũng như kiểm dịch nghiêm ngặt đối với người nước ngoài từ những vùng dịch ngoài Trung Quốc phải nói là rất hợp lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc, yêu cầu này có phần mỉa mai vì lẽ con virus mà một số nước hiện mắc phải được xác định là đã trực tiếp đến từ Vũ Hán Trung Quốc, từ lúc chính quyền nước này còn bưng bít thông tin về dịch bệnh.
Giới quan sát đều ghi nhận là khi dịch bệnh mới bùng lên, Bắc Kinh đã không ngần ngại gay gắt đả kích các nước đã nhanh chóng đóng cửa với Trung Quốc. Và ngày nay Bắc Kinh lại áp dụng cùng một biện pháp mà họ đã phản đối
Virus corona : “Cú đánh bất ngờ” vào ngành du lịch Pháp
Virus corona khiến Paris vắng bóng du khách Trung Hoa trong những ngày tháng 02/2020. RFI/Vietnam
(RFI/Vietnam) Với gần 90 triệu du khách mỗi năm, Pháp là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, trước cả Tây Ban Nha (83 triệu) và Hoa Kỳ (80 triệu). Tuy nhiên, thu nhập của ngành du lịch Pháp từ nguồn khách quốc tế lại chỉ đạt 56 tỉ euro, thấp hơn so với Tây Ban Nha (60 tỉ) và Mỹ (196 tỉ). Từ vài năm nay, bộ Ngoại Giao Pháp - cơ quan quản lý ngành du lịch, đề ra chỉ tiêu thu hút mỗi năm 100 triệu du khách quốc tế và kích thích khách chi tiêu nhiều hơn nữa khi đi du lịch tại Pháp.
Để đạt được cả hai mục tiêu đó, người Trung Hoa đến từ Hoa Lục (Mainland of China) là nhóm du khách mà ngành du lịch Pháp hướng đến, bởi trên thực tế, lượng khách người Hoa đến Pháp ngày càng tăng và đây cũng là nhóm «chi tiêu mạnh tay ». Nhiều trung tâm thương mại, khu mua sắm hàng hiệu cao cấp đã tuyển dụng nhân viên tư vấn, bán hàng nói được tiếng Hoa để thu hút khách người Hoa. Theo báo Le Monde ngày 12/02/2020, Atout France, cơ quan phát triển du lịch Pháp, đã có một chính sách đặc biệt để thu hút khách du lịch người Hoa, nhất là cho áp dụng phương thức thanh toán bằng điện thoại di động, vốn rất quen thuộc với người Hoa Lục.
Trả lời phỏng vấn của đài RFI Tiếng Việt, ông Jean-Pierre Mas, chủ tịch nghiệp đoàn Les entreprises du voyage (Các công ty du lịch), cho biết :
« Có hơn 2 triệu người Trung Quốc đến Pháp mỗi năm, chiếm 2-2,5% tổng số du khách nước ngoài đến Pháp. Khách Trung Quốc chiếm số đông nhất trong số du khách ngoài châu Âu, chỉ sau Mỹ. Như vậy là lượng khách Trung Quốc tại Pháp là khá lớn. Điều đáng lưu ý là dù chỉ chiếm 2-2,5% lượng khách quốc tế, nhưng du khách Trung Quốc mang lại tới 7% thu nhập cho ngành du lịch trên toàn nước Pháp. Điều này có nghĩa là khách du lịch Trung Quốc đến Pháp chi tiêu rất nhiều, họ chi tiêu hơn khách tới từ các nước khác rất nhiều ».
« Cú đánh đau » từ virus corona
Tuy nhiên, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (Covid-19) bùng lên tại Trung Quốc lại là một « đòn đau » giáng vào nền du lịch Pháp, hồi cuối tháng 01/2020, chính quyền Trung Quốc cấm các đoàn khách du lịch nước ngoài, các chuyến bay nối Trung Quốc với Pháp cũng bị hạn chế, lượng khách Trung Quốc đến Pháp và đặt phòng cho những tháng tới cũng giảm. Tuần báo L’Express ngày 07/02 cho biết mọi năm thường thì trong 6 tuần vào dịp Tết Nguyên Đán, nước Pháp thu được khoảng 200 triệu euro từ du khách Trung Quốc, cho dù đây là mùa thấp điểm. Chủ tịch nghiệp đoàn Les Entreprises du voyage, Jean-Pierre Mas, nhấn mạnh :
« Hiện nay, hầu như không còn có du khách Trung Quốc tại Pháp. Rất khó để đưa khách Trung Quốc đến Pháp. Hiện nay, chỉ còn rất ít tuyến hàng không nối với Trung Quốc, vì thế lượng khách Trung Quốc tại Pháp hầu như đã giảm xuống mức gần như bằng 0.
Có một điều chắc chắn là bây giờ chúng tôi không còn du khách Trung Quốc. Hiện nay, tại Trung Quốc, du khách không đặt vé đi du lịch ở Pháp vào mùa xuân và mùa hè nữa, có nghĩa là họ sẽ không đến Pháp vào mùa xuân và mùa hè, tùy vào việc dịch bệnh do virus corona gây ra kéo dài cho đến khi nào. Chúng tôi dự đoán số khách Trung Quốc đến Pháp sẽ giảm 1/3, tương đương với khoảng 1 triệu khách trong vòng nửa năm và 2 tỉ euro doanh thu bởi vì, khách du lịch Trung Quốc tiêu đến 4 tỉ euro/năm.
Đối với khách du lịch Trung Quốc, đây đang là mùa du lịch thấp điểm. Đây không phải là mùa họ thích đi thăm Pháp và châu Âu. Trái lại, hiện nay, thường thì họ đăng ký cho mùa cao điểm. Mùa cao điểm bắt đầu từ tháng Tư và kéo dài đến tháng Mười. Việc khách Trung Quốc hiện nay không đặt vé đi Pháp có ảnh hưởng đến lượng du khách Trung Quốc tại Pháp trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Mười, tức là tác động đến mùa cao điểm.
Tỉ lệ hủy chuyến, hủy phòng vào giai đoạn này hiện giờ rất là cao. Cũng có nhiều người hủy chuyến đi đã đăng ký cho các tháng 4-5-6, nhưng số này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn hiện tại. Nếu còn lâu mới đến ngày đi du lịch, thì tỉ lệ hủy chuyến vẫn thấp. Nếu ngày đi đã gần đến, thì tỉ lệ hủy chuyến lại rất cao, bởi vì chẳng hạn đối với các chuyến du lịch vào tháng Ba sắp tới, khách Trung Quốc đến Pháp sợ nếu hủy chuyến muộn thì bị trừ tiền phòng hoặc không thể được đi, nên họ đã nhanh chóng hủy các chuyến đi dự kiến vào tháng Ba ».
Vắng khách Trung Quốc, khu mua sắm hàng hiệu cao cấp Galerie Lafayette, Paris, cũng không còn sầm uất như trước đây ! RFI/Vietnam
Những vị khách « hầu bao rủng rỉnh »
Vắng nguồn khách Trung Quốc, thiệt hại của ngành du lịch Pháp chắc chắn sẽ rất lớn, bởi khách Trung Quốc vốn nổi tiếng là nhóm du khách “chịu chơi” nhất khi đi du lịch. Năm 2018, ngành du lịch Pháp thu được 4 tỉ euro từ du khách Trung Quốc (trên tổng số 56 tỉ euro). Chủ tịch nghiệp đoàn Les entreprises du voyage giải thích thêm :
« Du khách Trung Quốc chỉ lưu lại Pháp ít ngày. Trong chuyến thăm Pháp lần đầu tiên, họ chỉ ở khoảng 4 ngày. Họ có chuyến đi tham quan châu Âu trong khoảng 2 tuần. Rồi sau đó, khi họ trở lại Pháp, họ thường lưu lại lâu hơn và tiêu hết khoảng gần 2.000 euro/chuyến đi. Đây là mức chi tiêu rất cao so với du khách tới từ các nước khác. Họ chi tiêu như thế nào ?
Trước hết, đó là khoản chi thuê phòng khách sạn, nhà trọ, rồi đến khoản chi tiêu trong các khu mua sắm. Một số khu mua sắm còn đặc biệt tuyển nhân viên nói tiếng Hoa để phục vụ khách Trung Quốc. Và cuối cùng, họ tiêu khá nhiều tiền vào hàng hiệu cao cấp trên đại lộ Champs-Elysées, quảng trường Vendôme và các khu mua sắm xa xỉ tại Paris. Trong chuyến du lịch đầu tiên tại Pháp, khách Trung Quốc chủ yếu đi thăm vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận). Vì thế, việc du khách Trung Quốc không còn đến Pháp gây ảnh hưởng nhiều nhất đến vùng Paris ».
Paris và vùng phụ cận thu hút tới 80-90% du khách Trung Quốc tại Pháp. Báo Le Monde trích dẫn ông Jean-Virgile Crance, chủ tịch GNC, Hiệp hội các chuỗi khách sạn tại Pháp, cho biết tỉ lệ hủy phòng của khách Trung Quốc đi theo đoàn trong tháng 01 và tháng 02/2020 lần lượt đã lên tới 80% và gần 100%. Tỉ lệ hủy phòng của khách đi riêng lẻ là 20% và tỉ lệ lùi chuyến là 25%. Đối với các khách sạn hạng sang tại Paris, trong khi tỉ lệ khách Trung Quốc hủy phòng tăng 20%, thì lượng khách Trung Quốc đặt phòng lại giảm tới 25%.
Còn báo Le Parisien ngày 13/02 dẫn lời ông Jean-Marc Banquet d’Orx, đại diện Liên đoàn các ngành nghề công nghiệp khách sạn, cho biết, tùy từng ngày, tỉ lệ khách Trung Quốc hủy phòng khách sạn là 20-30%, có những khách sạn chỉ trong một ngày mất 2-3 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 30 người. Những khách sạn lớn nằm ở ngoại ô Paris, vốn thường hay đón những đoàn khách Trung Quốc đông người, là bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tại Paris còn coi dịch bệnh corona là « đòn đánh » thứ 3 mà ngành du lịch phải gánh chịu, sau nạn Áo Vàng 2018 và đình công 2019. Nhưng tác động từ virus corona nghiêm trọng như thế nào so với Áo Vàng và phong trào đình công ? Chủ tịch Nghiệp đoàn Les entreprises du voyage nhận định : « Việc so sánh tác động của phong trào đình công, dịch bệnh virus corona và phong trào Áo Vàng là vô cùng khó. Phong trào Áo Vàng chủ yếu tác động đến các hoạt động du lịch ở Paris và các thành phố lớn, nhưng ngành du lịch ở những nơi còn lại ở Pháp thì bị ảnh hưởng ít hơn.
Phong trào đình công, cũng như phong trào Áo Vàng, khiến người nước ngoài nghĩ rằng Pháp là một nước mất trật tự, thậm chí là đầy bạo lực. Điều này không tốt cho hình ảnh của nước Pháp, nhưng hiện nay, điều khiến lượng khách sụt giảm mạnh nhất chính là virus corona, nhất là đối với du khách Trung Quốc, có thể là với cả khách tới từ vài nước châu Á khác nữa, nhưng thường thì Trung Quốc mới là nước châu Á có đông khách du lịch đến thăm nước Pháp nhất ».
Du lịch Paris và vùng bị phụ cận là bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch Covid-19. RFI/Vietnam
Chính sách giữ khách, hút khách Trung Quốc
Mặc dù chịu nhiều thiệt hại, nhưng để « giữ khách » cho sau này - những vị khách Trung Quốc giàu có, lãnh đạo hiệp hội quốc gia các chuỗi khách sạn GNC đã yêu cầu các khách sạn thành viên nới lỏng các điều kiện thương mại, không đánh phí nếu trong tháng 02/2020 khách Trung Quốc hủy chuyến hoặc lùi chuyến. Còn Umih, Liên đoàn các ngành nghề công nghiệp khách sạn Pháp, cho biết trên báo Le Parisien ngày 13/02 là hồi đầu tháng họ đã nhận được văn bản chính thức từ nhà chức trách Trung Quốc. Bắc Kinh đề nghị các khách sạn không trừ tiền của du khách Trung Quốc nếu họ hủy phòng, kể cả dưới 48 tiếng trước khi đến ngày nhận phòng. Để giữ khách hàng Trung Quốc, các khách sạn buộc cố gắng hết sức đáp ứng yêu cầu nói trên, đồng thời có các chương trình khuyến mãi để thu hút thêm khách Trung Quốc quay trở lại sau khi hết dịch Covid-19.
Giờ đây, khi các khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, công trình kiến trúc lịch sử … hầu như đều vắng bóng du khách Trung Quốc, ngành du lịch Pháp chỉ còn biết trông chờ những ngày đẹp trời sẽ sớm quay lại, virus corona sẽ biến mất để những du khách Trung Quốc lại « tái xuất ».