Cựu nhân viên CIA gốc Hoa
bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Cộng
bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Cộng
Cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) Alexander Yuk Ching Ma bị buộc tội chuyển nhiều thông tin về nhân sự và kỹ thuật cho tình báo Trung Cộng để đổi lấy hàng chục nghìn USD.
Các thẩm phán liên bang Hoa Kỳ ngày 17/8 đã buộc tội một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) gốc Hoa về tội bán các bí mật quốc phòng nhạy cảm cho chính phủ Trung Cộng trong hơn một thập kỷ qua và bị phát hiện tại Hawaii.
Alexander Yuk Ching Ma bị tình nghi chuyển nhiều thông tin về nhân sự và kỹ thuật cho tình báo Trung Cộng để đổi lấy hàng chục nghìn USD.( Ảnh: Bộ tư pháp Hoa Kỳ)
Theo các chứng cớ buộc tội thì bị cáo Ma là công dân Mỹ được sinh ra tại Hong Kong, tiết lộ với một nhân viên chìm thuộc Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) đóng giả làm nhân viên tình báo Trung Cộng rằng ông ta muốn “quê hương” phát triển.
Vụ phát hiện này nối dài thêm danh sách các cựu nhân viên tình báo Mỹ bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Cộng những năm gần đây. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Cộng đang leo thang khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tố cáo Bắc Kinh về những nỗ lực đánh cắp các bí mật an ninh và thương mại của Mỹ.
Ma, bị bắt giữ ngày 14/8/2020 bị buộc tội âm mưu chuyển thông tin quốc phòng nhằm trợ giúp chính phủ ngoại bang. Theo hoạch định, bị cáo Ma sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại tòa án liên bang Hawaii vào ngày hôm nay 18/8.
John Demers– phụ tá của Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ nhận định đây là một sự việc đau lòng khi kẻ phản bội tổ quốc và đồng nghiệp cùng các giá trị dân chủ từng là một nhân viên tình báo Mỹ.
Theo cáo trạng của tòa, Ma, phục vụ tại CIA từ năm 1982-1989, bắt đầu bán các bí mật vào năm 2001 tại một khách sạn ở Hong Kong trong cuộc gặp gỡ với 5 nhân viên tình báo Trung Cộng. Một phần cuộc gặp đã được ghi hình, bao gồm cảnh Ma được cho là nhận và đếm 50.000 USD tiền mặt.
Sau đó, Ma đảm nhiệm công việc dịch tài liệu sang tiếng Hoa tại văn phòng FBI ở Honolulu, cho phép bị cáo tiếp cận với các thông tin của chính phủ Mỹ. Ma được cho là đã đem một chiếc máy ảnh kỷ thuật số – digital camera- vào văn phòng FBI để chụp ảnh các tài liệu nhạy cảm và chuyển giao cho Trung Cộng .
Trong 3 năm qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã xét xử ít nhất 3 vụ án phản gián với các cựu nhân viên tình báo Mỹ về tội bán bí mật cho Trung Cộng .
Hồi tháng 7, Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo “mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với tài sản trí tuệ và thông tin quốc gia và đối với sức mạnh kinh tế của Mỹ là mối đe dọa về phản gián và tình báo kinh tế từ Trung Cộng ”./.