Covid-19: Mỗi ngày chúng ta mới hiểu thêm chút ít về bệnh và cách chữa trị
Nhân viên phòng xét nghiệm y tế ở Barrand, Colmar, Pháp. Ảnh chụp ngày 16/04/2020 REUTERS - CHRISTIAN HARTMANN
Các nhà khoa học, bác sĩ vẫn tiếp tục tìm hiểu bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, bằng cách quan sát các diễn biến lâm sàng. RFI trao đổi với giáo sư Karine Lacombe, trưởng khoa các bệnh nhiễm trùng Bệnh viện Saint-Antoine, Paris. Cuộc phỏng vấn được trích dịch trong chương trình phát thanh « Ưu tiên sức khỏe » của RFI Pháp ngữ ngày 17/04/2020.
RFI : Bà và đồng nghiệp vẫn tiếp tục quan sát được nhiều điều mới về những biến chứng của bệnh Covid-19, như các tổn thương bên trong?
Giáo sư Karine Lacombe : Đúng thế. Ban đầu báo động đã được đưa ra chỉ là những dấu hiệu bệnh phổi nghiêm trọng. Qua nước Ý, nơi đã bị nhiễm dịch trước chúng ta cả chục ngày, dần dần chúng tôi nhận thấy còn có những biến chứng xuất hiện. Đặc biệt là tình trạng đông máu với nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não nghiêm trọng và hiện tượng nghẽn phổi.
Khi dịch đến Pháp, chúng tôi thấy nổi lên những biểu hiện lâm sàng khác của tình trạng nhiễm virus, đặc biệt là người bệnh mất vị giác, khứu giác. Người ta cũng quan sát thấy nhiều người, đặc biệt những người cao tuổi còn bị tiêu chảy và sốt, không có dấu hiệu liên quan đến phổi, mà cũng đã nhiễm Covid-19. Đó là điều chúng tôi chưa từng thấy trước đó.
Gần đây, chúng tôi thấy một số bệnh nhân ngay ở giai đoạn chớm nhiễm đã phát triển những biểu hiện trên da, như xuất hiện các vùng thâm tím, nhưng chỉ xuất hiện thoáng qua khá nhanh.
Như vậy là, có nhiều dấu hiệu lâm sàng rất khác với những thông tin mà chúng ta nắm được từ đầu dịch. Giờ đây khi nhìn lại một chút, chúng ta bắt đầu thấy những hậu quả về lâu dài với những bệnh nhân có các dấu hiệu viêm nhiễm, vài tuần sau khi đã hết nhiễm virus. Đây là một loại bệnh nhiễm trùng đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi về vốn kiến thức đã có của mình.
RFI : Nhiều thử nghiệm lâm sàng hiện đang tiến hành. Đến bao giờ sẽ có kết quả ?
Gs Karine Lacombe : Có nhiều thử nghiệm trị liệu đã được đưa ra ở khắp nơi. Đã có vài thử nghiệm ở Trung Quốc. Các điều trị cho thấy các kết quả khá mâu thuẫn, về việc các loại thuốc kháng virus như lopinavir/ritonavir hay hydroxychloroquine có hiệu quả hay không. Những kết quả đều không cho phép rút ra một kết luận.
Kể từ lúc có các bệnh nhân nhiễm virus ở châu Âu, chúng tôi đã thiết lập nhiều thử nghiệm trị liệu, nhưng hiện vẫn còn trong giai đoạn tổng hợp lại. Khi tác dụng điều trị không đạt yêu cầu với đại đa số, người ta buộc phải tập hợp nhiều bệnh nhân lại để so sánh xem cách điều trị này có lợi hơn cách điều trị khác hay không. Đó là trường hợp cuộc thử nghiệm lớn Discovery. Phải tập hợp hơn một nghìn bệnh nhân để hy vọng chứng minh có sự khác biệt giữa các biện pháp điều trị đang có.
Tôi xin nhắc là, đó chủ yếu là điều trị kháng virus so sánh với nhóm không có điều trị đặc biệt. Hiện đang có những thử nghiệm khác tiến hành với thuốc hydroxychloroquine chẳng hạn. Có cả các thử nghiệm với điều tiết miễn dịch có tác dụng chống viêm nhiễm cho giai đoạn bệnh tiến triển mạnh hay không. Còn có cả các thử nghiệm truyền miễn dịch thụ động, như truyền huyết tương của người đã khỏi cho bệnh nhân.
Tất cả những thử nghiệm như vậy đều cần phải có thời gian để tổng hợp các kết quả điều trị... Chúng ta sẽ có kết quả chính thức vào cuối tháng Tư đầu tháng Năm tới.
RFI : Bà là người chỉ đạo thử nghiệm liệu pháp truyền huyết tương của người khỏi bệnh. Bà có thể giải thích cho chúng tôi thử nghiệm này là gì ?
Gs Karine Lacombe : Đó là sử dụng nguyên tắc miễn dịch thụ động. Khi một bệnh nhân mắc Covid-19, cơ thể sẽ phát triển các kháng thể chống lại virus. Các kháng thể này có trong huyết tương. Khi người bệnh được chữa khỏi, kháng thể vẫn tồn tại để tránh không bị nhiễm virus trở lại. Đó là hiện tượng diễn ra với rất nhiều các bệnh nhiễm virus khác được miễn dịch. Việc sử dụng các kháng thể này để vô hiệu hóa virus giúp cho người bệnh khi còn chưa phát triển kháng thể của mình, thì đã có các kháng thể sẵn có để diệt virus.
Chúng ta đã chứng minh được cách làm này rất tốt cho một số loại bệnh; nhưng có những bệnh khác thì không. Chẳng hạn như rất tốt với bệnh sởi hay với virus SARS-CoV. Thử nghiệm virus SARS-CoV-2 với động vật, cụ thể là với loài tinh tinh, cho thấy việc truyền miễn dịch thụ động giúp kiểm soát nhiễm trùng. Chúng tôi đã có những dấu hiệu thú vị từ Trung Quốc, tại đó có 15 bệnh nhân trong các thử nghiệm khác nhau, đã được điều trị với huyết tương người khỏi bệnh. Người ta ghi nhận những biến chuyển lâm sàng rất tốt ở các bệnh nhân. Ngoài ra cũng có một loạt ba trường hợp bệnh nhân từ Hoa Kỳ đã được điều trị và tiến triển tốt.
RFI : Bao nhiêu bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm này? Họ ở giai đoạn nào của bệnh ?
Gs Karine Lacombe : Các kết quả từng phần của việc chúng tôi sử dụng huyết tương là các kết quả thu được trên các bệnh nhân đã từng qua hồi sức tích cực, giai đoạn rất nặng của bệnh. Chúng tôi quyết định thử nghiệm, được gọi là Coviplasm, trên những người có dấu hiệu viêm nhiễm nghiêm trọng. Những bệnh nhân nhập viện với biểu hiện khó thở, nhưng chưa đến mức phải hồi sức tích cực. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là để tránh bệnh nhân phải chuyển qua hồi sức tích cực. Thực tế ở một số nước, không có đủ giường hồi sức để đón tất cả các bệnh nhân có thể đã chuyển qua giai đoạn viêm nhiễm cần phải dùng máy trợ thở.
Chúng tôi quyết định chuyển qua điều trị với những bệnh nhân đã nhập viện có nguy cơ bệnh trầm trọng. Chúng tôi quyết định không dùng cách điều trị này cho các bệnh nhân không phải nhập viện, vì ta biết là đa số họ đều tự khỏi trong vòng 5 đến 6 ngày.
RFI : Có sự chia sẻ thông tin trong tất cả các thử nghiệm như trên không? Các nhà nghiên cứu và các bác sĩ điều trị có nắm được tiến triển của những cách điều trị trên ?
Gs Karine Lacombe : Chúng tôi có hệ thống chia sẻ rộng rãi các thử nghiệm. Với những thử nghiệm tại Pháp, đa số các cơ sở bệnh viện lớn đều tham gia. Cũng tương tự như trường hợp các thử nghiệm phòng bệnh đã làm ở các thành phố, bên ngoài bệnh viện. Có sự chia sẻ thông tin rộng rãi. Với thử nghiệm Discovery, đây là thử nghiệm trên quy mô châu Âu.
Để tham gia vào các thử nghiệm này, cần phải có đủ số lượng bệnh nhân nhiễm virus. Vì lẽ đó mà ở các nước nam bán cầu, đặc biệt là châu Phi, có những sáng kiến trị liệu, nhưng chừng nào không có đủ bệnh nhân thì rất khó có thể tiến hành thử nghiệm.
Viruscorona là sản phẫm nhân tạo?
Giới khoa học phản bác giả thuyết của GS Montagnier
Mô hình virus corona SARC-CoV-2, do Trinity College Dublin, xây dựng. via REUTERS - Social MediaLà người từng đoạt giải Nobel Y Học vào năm 2008 nhờ đóng góp vào việc tìm ra siêu vi HIV gây bệnh Sida (AIDS), tiếng nói của nhà khoa học Pháp Luc Montagnier rất được chú ý. Hôm 16/04/2020, vị giáo sư đã 88 tuổi này đã gây chấn động khi cho rằng virus corona chủng mới đang hoành hành trên thế giới có thể là một siêu vi "nhân tạo" thoát ra từ một phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, giả thuyết của ông ngay lập tức bị cộng đồng khoa học cực lực phản bác.
Trong bài phân tích công bố ngày 17/04, hãng tin Pháp AFP đã điểm lại giả thuyết mà giáo sư Montagnier liên tiếp quảng bá trên các phương tiện truyền thông Pháp, từ các trang tin y khoa “Fréquence médicale”, “Pourquoi docteur” cho đến kênh truyền hình CNews.
Theo giáo sư Montagnier, virus corona chủng mới, có tên khoa học là SARS-CoV-2, thực ra là một siêu vi do con người làm ra khi tìm cách chế tạo vacxin ngừa SIDA. Bằng chứng, theo ông, là sự hiện diện một phần gen của virus HIV và cả những “mầm gây bệnh sốt rét” trong SARS-CoV-2.
Đối với vị giáo sư này, những đặc điểm nêu trên của virus corona chủng mới không thể có được một cách tự nhiên và virus đã thoát ra ngoài trong một tai nạn tại phòng thí nghiệm được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt ở Vũ Hán. Ông còn đề xuất ý kiến loại bỏ những phần gen “ngoại nhập” của virus bằng cách dùng “sóng”.
Làn sóng phản bác
Giả thuyết của giáo sư Montagnier vừa được nêu lên đã bị nhiều nhà khoa học bác bỏ. Nhà vi trùng học Etienne Simon-Lorière thuộc Viện Pasteur Paris, cho rằng việc virus corona có yếu tố ngoại nhập “không có ý nghĩa gì hết”. Theo ông, “đó là những nhân tố rất nhỏ mà người ta cũng tìm thấy ở các loại virus cùng chủng loại, những virus corona tự nhiên khác… Đó là những mảnh trong bộ gen trông giống như vô số đoạn gen của các loại vi khuẩn, virus và thực vật”.
Nhà vi trùng học này, trưởng bộ phận về chuyển biến gen của virus ARN của Viện Pasteur, đã không ngần ngại ví von: “Nếu người ta trích một từ ra khỏi một quyển sách và thấy từ đó giống như một từ trong một quyển sách khác, thì liệu ta có nói là đó là vấn đề quay cóp hay không?”. Chuyên gia này bác bỏ thẳng thừng giả thuyết của ông Montagnier: “Thật là phi lý”.
Nhật báo Le Monde ngày 17/04 cũng trích dẫn quan điểm của nhà di truyền học Gaëtan Burgio, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại Học Quốc Gia Úc, xác định rằng điểm tương đồng giữa virus corona chủng mới với virus HIV quá ít để kết luận rằng có một sự trao đổi đáng kể về thông tin di truyền.
Theo Le Monde, vào tháng 01/2020, cộng đồng khoa học Massive Science đã liệt kê khoảng 15 loại virus khác nhau có cùng một chuỗi mã hóa với virus HIV và SARS-CoV-2, trong số này có virus khoai lang, virus trái đào lai mận hoặc virus của một loài ong.
Theo tiến sĩ Burgio, danh sách kể trên lại càng vô nghĩa khi mà các chuỗi mã hóa rất ngắn. Theo ông, nếu thực sự có việc chèn các chuỗi HIV vào SARS-Cov-2, các mảnh ARN sẽ phải lớn hơn và rõ nét hơn nhiều… Đối với ông, vấn đề mà giáo sư Montagnier nêu lên chỉ là một hiện tượng “trùng hợp ngẫu nhiên” mà thôi.
Giáo sư Montagnier đã lẩm cẩm?
Giới quan sát đều ghi nhận là từ sau khi được giải Nobel Y Học vào năm 2008, giáo sư Montagnier càng lúc càng có nhiều lập luận gây tranh cãi và thường bị giới khoa học phản bác.
Theo AFP, ông từng bị chế nhạo về các lý thuyết về sóng điện tử do ADN phát ra, hay tính ưu việt của quả đu đủ trong việc chữa bệnh Parkinson.
Tệ hại hơn cả là việc ông xuất hiện vào năm 2017 bên cạnh giáo sư Henri Joyeux, gương mặt tiêu biểu trong phong trào chống tiêm chủng, và phụ họa cho việc nêu bật tính nguy hiểm của các loại vacxin và chính sách tiêm chủng bắt buộc, cho rằng có nguy cơ là “với thiện ý ban đầu, dần dần người ta sẽ đầu độc toàn bộ dân chúng”.