Covid-19:
Giải trí miễn phí khi phải ở nhà
Giáo viên Yoga người Pháp Nadege Lanvin hướng dẫn tập quan mạng trong thời gian trung tâm Yoga & Co tại Paris đóng cửa. Ảnh chụp ngày 18/03/2020 tại Paris. REUTERS - CHRISTIAN HARTMANN
(RFI) Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha hay là Pháp, hầu hết các nước châu Âu đều siết chặt các biện pháp phong tỏa. Người dân được yêu cầu phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài phố khi thật sự có nhu cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều sáng kiến đã ra đời để giúp cho các hộ gia đình có thêm những sinh hoạt thể thao, giải trí như đọc truyện hay xem phim miễn phí.
Riêng tại Pháp, các phòng tập thể dục, do phải đóng cửa nhiều tuần liên tục, đã tổ chức kể từ ngày 17/03/2020 chương trình thể thao trực tuyến. Các huấn luyện viên (CMG live training) thực hiện các bài tập trực tiếp mỗi ngày vào lúc 18 giờ, giờ địa phương. Người tham gia chỉ cần đấu nối vào mạng hay các trang xã hội chính thức để theo dõi. Các bài tập ở đây khá đa dạng, không chỉ đơn thuần là thể dục thể hình, mà còn là tập yoga, shadow boxing hay là zumba fitness ….. Đối với các em nhỏ, các môn thể thao trong nhà có thể được thực hành theo kiểu vừa tập vừa chơi. Ngoài các loại game chơi qua đầu máy video đặt ở trong phòng khách, các kênh truyền hình như OCS Jeux hay là BboxTV đều có tặng kể từ ngày 17/03 một tháng miễn phí các loại trò chơi mang tính gia đình.
Các thư viện trực tuyến miễn phí
Đối với những bạn thích đọc sách miễn phí, Thư viện trực tuyến Project Gutenberg do Michael Stern Hart sáng lập, chuyên giới thiệu với độc giả hơn 50.000 tựa sách điện tử (ebook) miễn phí trong 40 thứ tiếng khác nhau, trong đó có 5 tủ sách với các ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh, Đức, Ý, Bồ Đào Nha và Pháp ….. Mạng Feedbooks cũng tặng cho các độc giả hàng ngàn tựa sách kinh điển, trong nguyên tác cũng như các bản dịch chính thức, xếp theo 4 chuyên đề : tiểu thuyết, truyện ngắn, thi ca, lịch sử.
Về phần mình, Thư Viện Quốc Gia Pháp thông qua tủ sách Gallica cũng như Thư Viện vùng Romande ở Thụy Sĩ giới thiệu hàng ngàn tựa sách miễn phí, trong đó có khá nhiều tác phẩm tiếng Pháp từng được đưa vào chương trình sách giáo khoa. Đa số các quyển sách này trước đây chỉ được dành cho các giáo viên với mục đích giảng dạy, giờ đây lại được mở rộng toàn bộ cho công chúng.
Mỗi tuần một vở opéra trên mạng
Về phía tất cả những ai các yêu chuộng nhạc cổ điển, múa ballet hay kịch opéra, nhà hát Opéra Garnier cũng giới thiệu với khán thính giả từ đây cho tới đầu tháng 5 năm 2020 các tác phẩm xuất sắc nhất do các diễn viên thuộc đoàn kịch quốc gia thực hiện. Chương trình phát sóng mỗi tuần một vở opéra trên mạng đã bắt đầu từ trung tuần tháng ba với vở kịch ‘‘Manon’’ của Jules Masenet. Số lượng người đăng ký tài khoản miễn phí đã nhân lên gấp mười.
Chương trình opéra trực tuyến tiếp nối sau đó với vở kịch ‘‘Don Giovanni’’ của Mozart, tác phẩm ‘‘Le Barbier de Séville’’ của Rossini, ‘‘Les Contes d’Hofmann’’ của Offenbach, tuyệt tác ‘‘Carmen’’ của Bizet. Trên lãnh vực múa có vở ballet cổ điển Hồ Thiên Nga (Le lac des Cygnes) của Tchaikovski hay là các đoạn múa đương đại nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà biên đạo múa người Mỹ Jerome Robbins.
Phim tài liệu về lịch sử pop rock
Giới yêu chuộng nhạc pop rock dĩ nhiên có thể nghe nhạc thông qua các mạng trực tuyến, họ cũng có thể xem một số buổi trình diễn từng được thu hình hay là xem các thước phim tài liệu miễn phí trên mạng Best Online Documentaries, kể lại cuộc đời và sự nghiệp của các thần tượng họ hằng ngưỡng mộ. Trong số các bộ phim tài liệu về lịch sử nhạc rock có ‘‘David Bowie : Story of Ziggy Stardust ; Bob Marley : Come A Long Way , Ladies & Gentlemen... Mr. Leonard Cohen ; Iggy Pop & the Stooges ; Chaos & Creation of Paul McCartney ; The Last 48 Hours of Kurt Cobain ; The Story of Led Zeppelin’’. Còn về nhạc jazz, có các bộ phim dành cho ‘‘Bill Evans với The Universal Mind, Django Reinhardt qua đợt biểu diễn Jazz Hot, Duke Ellington với Symphony in Black hay là Chick Corea với The Great Jazz Composer’’.
Hơn 1.000 phim miễn phí trên mạng
Khi nói về thú tiêu khiển, điện ảnh vẫn là một trong những lãnh vực phổ thông nhất. Tại Pháp, hai hệ thống kênh truyền hình Canal+ và OCS trở nên miễn phí cho tới ít nhất là 31/03 bao gồm cả các kênh xinê, phim nhiều tập, kênh thể thao và thiếu nhi. Sự kiện đáng chú ý hơn cả là ngày ra mắt bộ phim nhiều tập ‘‘The Mandalorian’’ tức là phần ngoại truyện của Star Wars thuộc mạng phân phối Disney+, bắt đầu chính thức hoạt động tại Pháp kể từ ngày 24/03.
Những bạn nào thích xem phim miễn phí cũng có thể truy cập trang ‘‘Open Culture’’. Mạng này vừa thiết lập một danh sách gồm 1.150 bộ phim có sẵn trên Internet. Trang ‘‘Open Culture’’ không phải là nguồn cung cấp các bộ phim, mà chủ yếu liệt kê tất cả các mạng và các trang blog, nơi mà khán giả có thể xem trực tuyến hay tải về máy vi tính cũng như điện thoại smartphone, mà không ngại gặp vấn đề về mặt tác quyền.
Mạng lưu trữ phim Hàn Quốc
Hơn một ngàn bộ phim ở đây được chia thành nhiều thể loại trong đó có khoảng 120 phim trinh thám và phim hồi hộp của Hitchcock, trên 100 tác phẩm gồm phim hoạt hình và phim hành động võ thuật cũng như hơn 50 bộ phim cao bồi cùng với hầu hết các tác phẩm của John Wayne …. Quan trọng hơn nữa là tủ phim Hàn Quốc nhờ vào kho lưu trữ phim Hàn (The Korean Film Archive). Trong số các tác phẩm đang chú ý có ‘‘The Coachman’’ Phu xe thồ, bộ phim Hàn Quốc đầu tiên (1961) đoạt giải Gấu bạc tại liên hoan điện ảnh quốc tế Berlin, ngoài ra còn có các tác phẩm ‘‘Sopyonje’’ của Im Kwon-taek, ‘‘The Road to Race track’’ của Jang Sun-woo, ‘‘Mulberry’’ của đạo diễn Lee Doo-yong hay là ‘‘A Hometown in Heart’’, nằm trong số các tác phẩm đầu tiên của đạo diễn Hong Sang-soo.
Trong số các bộ phim được xem như là quý hiếm, nay được phổ biến nhờ vào nỗ lực bảo tồn của Viện lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque Française và Quỹ Martin Scorsese có tác phẩm ‘‘King Lear’’ do Orson Welles thực hiện (1953) cho đài truyền hình Anh, bộ phim Pháp ‘‘Le Sang du Poète’’ của Jean Cocteau (1930), ‘‘Dreams that Money can buy’’ tựa đề bộ phim siêu thực duy nhất (1947) mang đầy tính nghệ thuật với sự hợp tác của nhiều tên tuổi lớn của làng nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa như Man Ray, Marcel Duchamp, Fernand Léger & Hans Richter. Andy Warhol cũng từng dựng phim thử nghiệm Vinyl (1965) phóng tác từ truyện của Anthony Burgess. Còn ‘‘Une chanson d’amour’’ cũng là tác phẩm (1950) dựa vào kịch bản phim duy nhất của văn hào Pháp Jean Genet.
Từ Tarantino đến Nolan : tác phẩm đầu tay
Nếu như đa số các bộ phim ở đây thuộc vào loại phim xưa, có thể không hợp với thị hiếu của các bạn nào thích xem phim hành động ‘‘bắp rang’’ hay dòng phim siêu anh hùng, thế nhưng giới quan tâm tới nghệ thuật thứ 7 sẽ tìm thấy khá nhiều tác phẩm đầu tay của các đạo diễn như Christopher Nolan, Tim Burton, Quentin Tarantino, David Lynch, Lars Von Trier trước khi họ trở nên nổi tiếng trong làng điện ảnh quốc tế. Giới thích phim khoa học viễn tưởng có thể xem ‘‘Secret Weapons’’ của David Cronenberg hay là bộ tiền truyện gồm ba tập của ‘‘Blade Runner’’, hành động võ thuật thì có phim Lý Tiểu Long, phim hài thì có các tác phẩm của Charlie Chaplin tức vua hề Charlot …
Mạng Open Culture vẫn dành một vị trí quan trọng cho các bộ phim Mỹ do các hãng phim lớn sản xuất từ đầu những năm 1940 cho tới những năm 1960. Bộ vựng tập càng trở nên phong phú, phản ánh thời đại hoàng kim của làng phim Hollywood, tạo ra những khuôn thước cho toàn bộ ngành công nghiệp giải trí. Hầu hết các huyền thoại lớn của làng nghệ thuật thứ 7 đều thành danh trong thời kỳ này.
Thời kỳ hoàng kim của Hollywood
Trong số các tác phẩm đáng chú ý có ‘‘The Painted Desert’’ bộ phim quan trọng đầu tiên của Clark Gable, khi thần tượng màn bạc định hình phong cách cho riêng mình với đầu tóc chải mượt và bộ râu tỉa gọn. Cặp diễn viên tài sắc vẹn toàn Audrey Hepburn và Cary Grant trở thành đôi tình nhân lý tưởng trong bộ phim ‘‘Charade’’ (1963) của đạo diễn Alfred Hitchcock. Ông vua nhảy thiết hài Fred Astaire lại càng tạo thêm vầng hào quang vương giả trong bộ phim ca nhạc ‘‘Royal Wedding’’ (1951).
Tác phẩm văn học của Hemingway đã nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh lớn, quy tụ nhiều tài tử trứ danh như Helen Hayeheer và Gary Cooper trong ‘‘A Farewell to Arms’’ Giã từ vũ khí (1932) hay là ‘‘The Snows of Kilimanjaro’’ Đỉnh Núi Tuyết (1952) với Gregory Peck trong vai chính. Còn trong tác phẩm ‘‘The Last Time I Saw Paris’’ Lần cuối đến Paris (1953) dựa theo tập truyện ngắn của F. Scott Fitzgerald, đôi mắt quyến rũ lấp lánh của ngôi sao màn bạc Elizabeth Taylor vẫn lung linh huyền ảo tựa như thuở nào.