Chính phủ Việt Nam bơm 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB trong vụ Vạn Thịnh Phát
Một cuộc biểu tình của những người bị mất tiền khi mua trái phiếu của ngân hàng SCB ở Hà Nội, 12/11/2022.
(Reuters 17/04/2024) Việt Nam đã làm một việc “chưa từng có” để giải cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), là ngân hàng gặp nguy khốn trong vụ lừa đảo tài chính lớn nhất cả nước, Reuters đưa tin độc quyền vào sáng 17/4 theo giờ Hà Nội, trích dẫn 3 văn bản của ngành ngân hàng và thông tin chính thức mới mà một người được tiếp cận đã cung cấp cho hãng tin.
“Nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ. Còn nếu tiếp tục cho vay, kho bạc quốc gia sẽ dần cạn kiệt”, theo thông tin mới mà Reuters nhận được.
Thông tin mới cũng mô tả tình huống này là “chưa từng có”, xét đến khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, sự phức tạp của hoạt động này cũng như quy mô thiệt hại hiện tại và tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.
Nợ công của Việt Nam năm ngoái ổn định ở mức 37% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), trong khi thâm hụt ngân sách tăng nhẹ lên 4,4% GDP. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 100 tỷ đô la vào cuối năm 2023.
Tính đến đầu tháng 4 này, ngân hàng trung ương của Việt Nam đã bơm 24 tỷ đô la qua "các khoản vay đặc biệt" vào SCB, theo một trong những văn bản ngành ngân hàng mà Reuters đã xem, tài liệu này cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày kể từ ngày 29/3 về tổng số tiền bơm từ ngân hàng trung ương.
Việc cho vay đã giảm một chút nhưng đạt mức trung bình là hơn 900 triệu đô la/tháng trong 5 tháng qua, theo văn bản đó, cũng như theo văn bản thứ hai cập nhật từ ngày 15/3 đến 20/3 và văn bản thứ ba từ tháng 11/2023 với các thông tin cập nhật hàng tháng từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023.
Những khoản bơm tiền mặt rất lớn đó của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào SCB tương đương với 5,6% sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia, hay khoảng 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Những số tiền cho vay đó chưa được đưa tin trước đây.
Ngân hàng nhà nước đưa SCB vào diện bị giám sát để ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt khỏi SCB, bị châm ngòi bởi vụ bắt giữ nữ đại gia bất động sản Trương Mỹ Lan vào tháng 10/2022. Kể từ đó, SCB đã sử dụng những số tiền được bơm để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một trong những tài liệu ngân hàng mà SCB đã gửi cho ngân hàng trung ương vào tháng 11/2023 để giải thích về việc sử dụng các khoản vay.
Theo thông tin chính thức mới từ nguồn tin, sau khi ngân hàng trung ương vào cuộc, tiền gửi ở SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng 6 tỷ đô la vào tháng 12/2023. SCB có thể không còn các khoản tiền gửi vào giữa năm nay với tốc độ rút tiền hiện tại và nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư nợ tín dụng của SCB tính đến tháng 10/2023.
Bà Lan, nữ đại gia bị bắt vào tháng 10/2022 và đã gây ra tình trạng rút tiền ồ ạt, bị kết án tử hình hôm 11/4 sau khi bị kết tội chủ mưu vụ lừa đảo. Bà đã không nhận tội biển thủ và hối lộ trong vụ án có tới 12,5 tỷ đô la là tiền các khoản vay đã bị tuồn từ SCB sang các công ty vỏ bọc trong khi bà Lan thông qua các nhân vật bình phong để kiểm soát SCB trên thực tế.
Bà Lan, từng là một nhân vật nổi bật trong làng tài chính Việt Nam, sẽ kháng cáo bản án của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những luật sư của bà cho biết.
Theo thông tin mới mà Reuters nhận được, bất chấp sự trợ giúp chính thức, tính đến tháng 12/2023, SCB vẫn tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản và đôi khi phải vật lộn để giải quyết các khoản thanh toán đúng hạn khi khách hàng chuyển tiền sang các ngân hàng khác và khi xử lý thanh toán qua hệ thống thanh toán bù trừ chính của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến “tâm lý” của khách hàng và tạo ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng, văn bản của ngành ngân hàng cho hay.
Ngân hàng nhà nước đã cấp cho SCB 592,7 nghìn tỷ đồng (tức 23,72 tỷ đô la) dưới dạng "các khoản vay đặc biệt" tính đến ngày 2/4, theo một bản cập nhật gần đây do ngân hàng soạn về vấn đề này, mà Reuters xem được. SCB từng là một trong những tổ chức cho vay thương mại lớn nhất Việt Nam, tính theo lượng tiền gửi.