Cái giá Trung Cộng phải trả
khi lấy đi sụ tự do của Hồng Kông
35% doanh nghiệp Hồng Kông có thể di tản
So với một tháng trước, đã có thêm nhiều công ty hiện đang xem xét di dời ra khỏi Hồng Kông khi Luật An ninh quốc gia được chính quyền Bắc Kinh chính thức thi hành, theo mộtcuộc khảo sát kinh doanh được công bố ngày 13/7.
Luật An ninh quốc gia, được Bắc Kinh chính thức ban hành vào ngày 13/6, sẽ hình sự hóa các cá nhân có các hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài chống lại Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ), với hình phạt tối đa là tù chung thân, theo The Epoch Times.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hồng Kông đã khảo sát 183 công ty, tương đương 15% tổng số các thành viên của họ từ ngày 6/7 đến ngày 9/7. Trong số những công ty được hỏi, 98 công ty có trụ sở chính đặt tại Hoa Kỳ, 65 tại Hồng Kông và 13 tại Châu Âu.
Khoảng 30% cho biết họ đã cân nhắc việc di chuyển tài sản hoặc hoạt động kinh doanh ra khỏi đặc khu trong trung và dài hạn, trong khi khoảng 5% cho biết họ đang xem xét thực hiện điều đó trong ngắn hạn. Tỷ lệ cộng lại cao hơn khoảng 6 điểm so với khảo sát trước đó của AmCham, được công bố hôm 3/6, trong khi khoảng 29% trong số 180 công ty được hỏi cho biết họ đang xem xét di dời.
Trong cuộc khảo sát hiện tại, một thành viên giấu tên cho biết ông “lo ngại về sự lưu thông tự do và toàn vẹn của thông tin và dữ liệu, cũng như bảo mật cá nhân”.
Một thành viên giấu tên khác viện dẫn một “rủi ro chính trị gia tăng” là một nguyên nhân để cân nhắc cắt giảm hoạt động kinh doanh trong thành phố.
Khi được hỏi liệu họ có xem xét rời khỏi Hồng Kông với tư cách cá nhân do Luật An ninh quốc gia hay không, 48% cho biết họ sẽ làm vậy trong trung hạn và dài hạn, trong khi gần 4% cho biết họ sẽ rời đi trong ngắn hạn. Trong cuộc khảo sát vào tháng 6, khoảng 38% cho biết cá nhân họ đang cân nhắc rời thành phố.
Cuộc điều tra tháng 6 được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Cộng – cơ quan lập pháp của nước này – cho biết họ sẽ thông qua luật này khi bỏ phiếu vào ngày 28/5.
Hơn một nửa (56%) trong số những người được khảo sát cho biết họ cảm thấy luật này hà khắc hơn những gì họ nghĩ, trong khi khoảng 40% cho biết luật đúng như những gì họ dự đoán.
“Hầu như mọi điều khoản [của Luật An ninh] đều quá chung chung, như vậy đã trao cho ĐCSTQ một thứ quyền lực vượt ngoài tầm kiểm soát”, một người được hỏi cho biết.
Khoảng 78% số người được hỏi cho biết họ rất quan ngại về luật này. Khi được yêu cầu kể tên những lo ngại này, 65% cho biết họ lo ngại về “sự mơ hồ về phạm vi và quyền hạn thực thi pháp luật”, gần 61% cho biết họ lo lắng về ảnh hưởng của luật đối với sự độc lập của nền tư pháp Hồng Kông, và 51% cho biết luật này “đe dọa vị thế của Hồng Kông như một trung tâm kinh doanh quốc tế”.
Một thành viên giấu tên đã khá cụ thể khi đưa ra mối lo ngại của ông trước “việc bị mất quyền tự do ngôn luận và phát biểu”, trong khi một người khác nói luật này “sẽ thúc đẩy việc biến đổi Hồng Kông từ một trung tâm kinh doanh quốc tế sang một trung tâm kinh doanh của đại lục”.
Hơn một nửa (51%) cho biết việc thực thi luật khiến họ cảm thấy bất an khi sống và làm việc ở Hồng Kông, trong khi chỉ có 26% cho rằng luật này khiến họ cảm thấy an toàn hơn.
“Quá bất an. Tính pháp quyền đang dần biến mất”, một thành viên giấu tên nêu rõ.
“Dù là một người giữ hộ chiếu nước ngoài, luật này vẫn có thể được áp dụng đối với tôi và không thể đặt bất kỳ niềm tin nào vào sự bảo vệ nào của tòa án đương địa”, một người khác nói.
Gần 49% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Luật An ninh quốc gia, so với khoảng 13% cho biết sẽ có hiệu ứng tích cực. Trong khi đó, khoảng 64% tuyên bố rằng tác động của luật đối với triển vọng kinh doanh của họ sẽ là tiêu cực, so với 22% cho rằng tác động sẽ là tích cực.
Hơn hai phần ba (67%) ôm giữ một viễn cảnh bi quan về triển vọng kinh doanh tổng thể của thành phố.
Một người được hỏi giấu tên bày tỏ sự sợ hãi về việc mất tự do báo chí và tự do ngôn luận.
“Liệu các nhân viên của tôi có bị đi tù vì những gì họ đăng trên các mạng xã hội? Liệu tôi vẫn có thể đọc tin tức chân thực hay chỉ là các tuyên truyền của ĐCSTQ?” một người khác nói.
Một người được hỏi khác cho biết: “Hồng Kông không còn là một thị trường tự do, minh bạch và công bằng, với hệ thống tư pháp và pháp lý độc lập, do chế độ ‘một quốc gia, hai chế độ đã chết’”.
“Một quốc gia, hai chế độ” là một khuôn khổ mà Bắc Kinh hứa hẹn cho Hồng Kông, nhằm bảo vệ quyền tự trị cao độ của thành phố cảng này trong 50 năm kế tiếp sau khi thành phố được Anh trao trả về Trung Cộng vào năm 1997.
60 nghị sĩ Canada kêu gọi trừng phạt
các viên chức Trung Quốc
các viên chức Trung Quốc
Một lá thư chung được ký kết bởi 62 thành viên Nghị viện, bốn thượng nghị sĩ, cựu Chủ tịch Hạ viện và hơn 20 nhóm cộng đồng của Canada đang kêu gọi nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt Magnitsky đối với các quan chức Bắc Kinh và Hồng Kông đối với các tội danh vi phạm nhân quyền.
Được khởi xướng bởi Liên minh Canada Hồng Kông (ACHK), bức thư yêu cầu Thủ tướng Justin Trudeau, phó Thủ tướng Chrystia Freeland và Ngoại trưởng François-Philippe Champagne xử phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông “chịu trách nhiệm trực tiếp cho các tội ác nhân quyền xảy ra ở Tây Tạng, khu vực Đông Turkestan (Tân Cương) bị chiếm đóng, và Hồng Kông”.
“Canada cần có lập trường mạnh mẽ chống lại sự vi phạm nhân quyền trắng trợn và tổ chức một nỗ lực đa phương giữa các quốc gia chia sẻ các giá trị chung để đòi lại vị thế lãnh đạo của chúng ta trên trường quốc tế”, bức thư viết.
Bức thư trích dẫn một dòng trạng thái Twitter của Ngoại trưởng Champagne hồi đầu tháng:
“Lệnh trừng phạt là một công cụ quan trọng để khiến các thủ phạm vi phạm nhân quyền thô bạo phải chịu trách nhiệm”.
ACHK đã cung cấp một danh sách lên chính phủ gồm 6 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà họ muốn xử phạt “vì lạm dụng quyền con người và bạo lực nhà nước ở Trung Quốc và Hồng Kông”.
Gần một nửa số nghị sĩ Đảng Bảo thủ đã ký bức thư, cũng như ba nghị sĩ của Đảng Xanh và hai từ Đảng Bloc Québécois.
Ngoài ra còn rất nhiều chính khách khác từ các đảng phái khác nhau trong Nghị viện Canada đề tên vào bức thư này, gồm Nghị sĩ Đảng Tự do Judy Sgro và nghị sĩ Đảng Dân chủ Mới Jenny Kwan, hai thượng nghị sĩ Đảng Bảo thủ Leo Housakos và Linda Frum; Thượng nghị sĩ độc lập Marilou McPhedran; Thượng nghị sĩ Đảng Thượng viện Cấp tiến Pierre Dalphond; cựu Chủ tịch Hạ viện Peter Milliken; và cựu Bộ trưởng Tài chính John McKay. Thị trưởng Brad West của thành phố Port Coquitolam cũng có tên trong danh sách này.
Ngày 23/6, hơn một chục thượng nghị sĩ đã gửi một bức thư tương tự tới Thủ tướng Trudeau kêu gọi chính phủ liên bang có hành động chống lại Bắc Kinh và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì “các vi phạm nhân quyền thô bạo và các quyền tự do cơ bản”.
Trích dẫn việc Trung Quốc đàn áp các quyền dân chủ ở Hồng Kông, giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đàn áp người Tây Tạng qua hàng thập kỷ và giam cầm những người Canada, các thượng nghị sĩ mô tả chính quyền cộng sản Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại và nguy hiểm đối với an ninh quốc tế”.
Thượng nghị sĩ Leo Housakos và Thượng nghị sĩ Đảng Bảo thủ Ngô Thanh Hải cũng đang xúc tiến việc thi hành biện pháp trừng phạt Magnitsky. Vào tháng 12/2019, họ lập kế hoạch kêu gọi Ottawa sử dụng luật Magnitsky để xử phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Ông Housakos đã chỉ trích hành vi yếu nhược của Ottawa trước Trung Quốc, nói rằng chính phủ “đã bị tát vào mặt” nhưng vẫn chưa có hành động đáp trả thích hợp.
“Họ dường như khá quỵ lụy và yếu nhược trước hành vi tàn bạo của Trung Quốc”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào thời điểm đó.
New York Times sẽ chuyển 1/3 nhân viên từ Hồng Kông sang Nam Hàn
Tờ Hong Kong Free Press hôm nay đưa tin, New York Times sẽ chuyển một phần ba nhân viên ở Hồng Kông tới Seoul, Hàn Quốc, vì lo ngại luật an ninh quốc gia và những thách thức trong việc đảm bảo giấy phép tác nghiệp.
“Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc tại Hồng Kông tạo ra rất nhiều sự mơ hồ về việc các quy định sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động và nghiệp vụ báo chí của chúng ta”, ban điều hành New York Times viết trong email gửi tới các nhân viên, được đăng trên website của báo hôm nay.
Ban lãnh đạo tờ báo cũng cho biết họ cần lập kế hoạch khẩn cấp và bắt đầu chuyển đội ngũ biên tập viên ra khỏi đặc khu, tới các nước khác trong khu vực.
“Bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động đều có khả năng làm suy yếu hoạt động báo chí của chúng tôi”, ban lãnh đạo New York Times viết.
Kho lương thực Trung Cộng không ăn được
Người dân Trung Cộng trước thông tin này cũng xâu chuỗi liên kết với sự kiện hàng loạt kho lương bốc cháy thời gian gần đây tại Trung Cộng .
Trong nửa đầu năm 2020, Trung Cộng liên tiếp hứng chịu thảm họa, lũ lụt triền miên, trời giáng mưa đá, tuyết rơi mùa hè, cộng thêm đại dịch châu chấu tấn công gần đây khiến nguy cơ khan hiếm lương thực trong nước càng thêm trầm trọng. Mặc dù các quan chức Trung Cộng không ngừng tuyên bố rằng “trong kho tồn trữ đầy đủ lương thực”, nhưng gần đây có nhà buôn ngũ cốc tiết lộ rằng những gì được lưu trữ trong kho lương thực của nhà nước không phải là lương thực, mà chỉ là một đống “phế phẩm” vốn không ăn được.
Vào ngày 12/7, một đoạn video ngắn do một nhà buôn ngũ cốc quay lại được lan truyền rộng rãi trên Internet. Nhà buôn ngũ cốc này nói rằng bà đã mua một lượng lớn ngô từ kho dự trữ lương thực nhà nước ở thành phố Triệu Đông, tỉnh Hắc Long Giang với giá gần 2.000 nhân dân tệ/tấn. Nhà buôn này cho hay trong quá trình mua bán, bà còn bị người canh giữ nhà kho làm khó dễ, đòi tiền hoa hồng, nhưng cuối cùng, thứ mà bà mua được chỉ là một đống “phế phẩm dưới sàng”.
Cái gì gọi là “phế phẩm dưới sàng”, chính là chỉ các bã vụn, bụi đất, rác rưởi bên dưới cái sàng sau khi người ta dùng cái sàng để sàng lọc lương thực. Từ video có thể thấy rằng, nhà buôn ngũ cốc này ở trong một kho chứa ngũ cốc, tiện tay bốc một nắm hạt rồi xòe bàn tay ra, toàn bộ đều là “phế phẩm dưới sàng” như vậy. Người tố giác nói rằng các quan chức tồn trữ lương thực ngay từ đầu đã nói rõ với bà rằng đây là “hàng dưới sàng”, thực phẩm mà nhà nước bỏ tiền ra tích trữ lại chính là những thứ phế phẩm dưới sàng này. Các quan chức còn nói rằng trong kho tất cả đều lương thực như vậy, và thách thức “bà có thể làm gì?”
Video ngắn này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng. Tập đoàn quản lý tồn trữ lương thực Trung Cộng sau đó đã đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ điều tra vụ việc này một cách nghiêm ngặt, nhưng nhiều cư dân mạng mỉa mai nói rằng mỗi lần chính quyền Trung Cộng muốn kiểm tra kho lương, các kho lương trên khắp cả nước đều đột ngột bốc cháy. Gần đây, do lũ lụt nghiêm trọng cộng thêm nạn châu chấu hoành hành, chính quyền Trung Cộng đã bắt đầu kiểm tra lương thực tồn kho. Được biết, các kho chứa ngũ cốc lớn ở Thượng Hải, Hà Nam và Quý Châu đã liên tiếp bốc cháy. Mặc dù truyền thông nhà nước Trung Cộng ít đưa tin về các vụ cháy kho lương, nhưng nhiều cư dân mạng đã đăng tải video lên Twitter, chỉ ra rằng các kho chứa ngũ cốc trên khắp Trung Cộng liên tục xảy ra hỏa hoạn.
Ngày 1/7, kho dự trữ lương thực tại thành phố Đô Quân, tỉnh Quý Châu đã bốc cháy, diện tích bị cháy khoảng 200 mét vuông. Nguyên nhân vụ cháy không được báo cáo. Một người đã làm việc trong kho dự trữ lương thực trong suốt nửa cuộc đời của mình nói rằng kho lương thực sẽ không bắt lửa trong những trường hợp thông thường, ngay cả khi có sự cố chập điện. Bốn bức tường và phần nóc của nhà kho đều là những vật liệu không cháy được. Trước đây, khi nhà kho lương thực xảy ra hỏa hoạn, chỉ có một tầng phía trên của lương thực bị cháy, chứ chưa bao giờ thấy khói lửa cuồn cuộn bao trùm hết cả nhà kho như vậy. Thiệt hại do đám cháy trong kho lương thực còn nghiêm trọng hơn vụ hỏa hoạn trong tòa nhà chính phủ. Người dân bình luận rằng đây là do chính quyền địa phương tẩm xăng rồi phóng hỏa, trong đó vốn không có lương thực, vậy nên họ sợ bị điều tra.
Trên thực tế, ông Lý Nguyên Hoa, chuyên gia lịch sử Trung Cộng và cựu phó giáo sư của học viện Khoa học Giáo dục của trường đại học sư phạm Thủ đô, Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn đầu năm nay, rằng Trung Cộng đại lục luôn phải đối mặt với vấn đề dự trữ lương thực không đủ, cộng thêm tổn thất lượng lớn diện tích đất canh tác, sa mạc hóa cho đến các loại thảm họa trong những năm gần đây, khiến vấn đề thiếu lương thực ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng.
Vào tháng Tư năm nay, Vương Hồng, giám đốc đảm bảo an ninh lương thực của Cục dự trữ lương thực Trung Cộng cũng công khai thừa nhận rằng dự trữ lương thực thành phẩm tại các thành phố lớn và vừa của Trung Cộng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu từ 10 đến 15 ngày, trong đó chỉ khoảng 1 tỷ tấn lương thực có thể dùng vào việc ứng phó khẩn cấp, điều đó có nghĩa là nếu chia theo bình quân đầu người thì mỗi người Trung Cộng chỉ có hơn 0,5 kg lương thực trong kho dự trữ quốc gia.