Bệnh nhân SIDA, nạn nhân gián tiếp của Covid-19
Một loại thuốc điều trị HIV. Tại Nga, thuốc điều trị HIV Kaletra có nguy cơ bị khan hiếm do hậu quả của dịch Covid-19 REUTERS - Dylan Martinez
Nếu như việc phong tỏa tại nhiều nước đã góp phần ngăn chận đà lây lan của virus corona chủng mới, thì nó lại gián tiếp tạo điều kiện dễ dàng cho một virus khác, đó là virus HIV. Nói cách khác, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến việc phòng chống SIDA tại nhiều nước.
Kể từ khi virus SIDA xuất hiện cách đây hơn 35 năm cho đến nay, trên toàn thế giới đã có đến 78 triệu người bị nhiễm HIV và 35 triệu người chết vì dịch bệnh này. Đây là căn bệnh mà hiện nay chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên đã có thuốc điều trị HIV giúp kiểm soát virus trong người, làm chúng không có khả năng tấn công các hệ miễn dịch, cũng như không có cơ hội sinh sôi nảy nở trong cơ thể chúng ta.
Mỹ : Số ca nhiễm HIV mới sẽ tang
Tại Hoa Kỳ, theo hãng tin AFP, rất nhiều chuyên gia và những người làm việc trong ngành y tế công cộng đang sợ mọi người sẽ lơ là việc phòng chống SIDA, khiến nước này không thể đạt được mục tiêu giảm 75% số ca nhiễm mới từ đây đến năm 2025.
Vào đầu tháng Tư vừa qua, nhà dịch tễ học Travis Sanchez tại Đại học Emory, bang Georgia, đã tiến hành một cuộc thăm dò qua mạng Internet với 1.000 người đàn ông đã có quan hệ tình dục với người đồng tính. Phân nửa trong số này cho biết trong thời gian qua số bạn tình của họ đã giảm đi và họ cũng bớt dùng đến các ứng dụng giúp kết bạn.
Nhưng ông Travis Sanchez nêu lên một điều đáng lo ngại : một phần tư số người được hỏi cho biết là họ không thể đi xét nghiệm SIDA, do hàng ngàn cơ sở xét nghiệm đóng cửa trong thời gian phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19. Như vậy là trong suốt nhiều tuần, những người này không hề biết là họ có đã bị nhiễm HIV hay không, trong khi họ vẫn tiếp tục có quan hệ tình dục với người cùng giới. Đây quả là một quả bom nổ chậm ! Nhà nghiên cứu này quan ngại : « Rất có thể là những hành vi có nguy cơ cao lại trỗi dậy trước khi các dịch vụ phòng ngừa SIDA mở cửa trở lại hoàn toàn. Tình hình này có thể sẽ khiến có nhiều ca nhiễm HIV hơn ».
Phải đợi đến sang năm chúng ta mới có thể biết được tác động của dịch Covid-19 lên việc phòng chống SIDA ở Mỹ, khi Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh CDC công bố con số ca lây nhiễm HIV năm 2020. Trả lời hãng tin AFP, CDC cho biết, trong dài hạn, khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ và sẽ có nhiều người đến xét nghiệm, con số ca nhiễm HIV mới chắc chắc sẽ tăng.
Tại Hoa Kỳ, phương pháp điều trị bằng thuốc PrEp (Pre-exposure prophylaxis), giúp tránh bị nhiễm HIV với hiệu quả gần như đạt 100%, đang ngày càng phổ biến, nhưng theo lời nhà nghiên cứu Matthew, được hãng tin AFP trích dẫn, một số người đã ngưng sử dụng thuốc này trong thời gian phong tỏa. Một khi phong tỏa được dỡ bỏ, không chắc là những người này sẽ uống thuốc trở lại và như vậy dịch SIDA có nguy cơ bùng lại phát.
LHQ : SIDA có thể bùng nỗ ở châu Phi
Số người chết vì SIDA ở vùng châu Phi cận Sahara có thể tăng gấp đôi trong thời gian dịch Covid-19, đó là báo động của Liên Hiệp Quốc ngày 11/05/2020.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo là dịch SIDA có nguy cơ lan rộng trong thời gian có dịch Covid-19, nhất là tại vùng châu Phi cận Sahara. Theo LHQ, số ca tử vong do virus HIV có thể tăng gấp đôi nếu dịch Covid-19 gây cản trở cho việc tiếp cận các phương tiện điều trị.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới và cơ quan phòng chống SIDA của Liên Hiệp Quốc ONUSIDA, nếu việc tiếp cận thuốc điều trị HIV bị xáo trộn trong 6 tháng, sẽ có thêm hơn 500.000 người chết tại vùng châu Phi cận Sahara trong 1 năm từ 2020 đến 2021, cộng thêm vào số 470.000 người chết được thống kê trong năm 2018. Đây là số ca tử vong cao chưa từng có kể từ năm 2008, năm đã có đến 950.000 người chết vì SIDA trong vùng này.
Trong năm 2018, năm cuối cùng mà chúng ta có số liệu thống kê đầy đủ, tại vùng châu Phi cận Sahara có 25,7 triệu người sống với virus HIV trong cơ thể, trong đó có 16,4 triệu người đang được điều trị. Nếu chiến dịch phòng ngừa SIDA và việc điều trị bị cản trở, mọi thành quả đạt được về ngăn chận lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ bị xóa sạch.
Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2018, số trẻ em bị nhiễm HIV đã giảm 43%, từ 250.000 xuống còn 140.000. Do tác động của dịch Covid-19, số ca nhiễm ở trẻ em có thể sẽ tăng vọt 37% tại Mozambique, 78% ở Malawi và Zimbawe, và 104% tại Ouganda.
Trong một thông cáo được công bố vào tuần trước, cơ quan ONUSIDA đã kêu gọi chính phủ các nước « không nên giảm bớt nỗ lực về phòng ngừa SIDA và bảo đảm cho người dân tiếp cận các dịch vụ cần thiết để tránh mọi sự lây nhiễm, kỳ thị và bạo hành ».
Theo ONUSIDA, tình trạng mất thu nhập và mất việc làm ở quy mô lớn tại nhiều nước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sẽ dẫn đến việc gia tăng các quan hệ tình dục mại dâm và nạn khai thác tình dục. Tình trạng này sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV đối với nhiều người, trừ phi những người đó có đủ phương tiện để tự bảo vệ.
Nga : Nguy cơ khan hiếm thuốc điều trị HIV
Tại nước Nga, theo hãng tin Reuters, đã phát sinh một thị trường chợ đen buôn bán thuốc trị HIV Kaletra, kể từ khi thuốc này được ngày càng nhiều người tự mua về uống và được cho phép thử nghiệm lâm sàng để điều trị Covid-19.
Vào cuối tháng giêng vừa qua, bộ Y Tế Nga đã đề nghị tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng thuốc Kaletra để điều trị các bệnh nhân Covid-19. Cho tới nay, các kết quả thử nghiệm chưa cho thấy hiệu quả nào của loại thuốc trị HIV này. Thế nhưng, những kẻ đầu cơ đã tính đến khả năng khan hiếm Kaletra, trước tình hình dịch Covid-19 lây lan ngày càng mạnh ở Nga. Kể từ ngày 12/05, Nga đã trở thành quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới về số ca nhiễm virus corona ( hơn 232.000 ca ).
Một người buôn bán thuốc trị HIV trên mạng cho hãng tin Reuters biết cách đây ba tháng giá bán của một hộp thuốc Kaletra là 900 rúp ( 11 euro ), mà nhiều người thậm chí còn chê đắt. Nhưng nay, trước khả năng là thuốc này sẽ khan hiếm, không ít người đặt mua từ 100 đến 700 hộp, với giá 3.800 rúp/hộp, hy vọng sẽ bán lại với giá từ 7.000 đến 8.000 rúp/hộp.
Cơn sốt mua bán thuốc trị HIV đang gây lo ngại cho những bệnh nhân SIDA. Tại Nga, cho tới nay, cũng như các loại thuốc điều trị HIV được bác sĩ kê đơn, thuốc Kaletra được cơ quan y tế mua và phân phát miễn phí cho các bệnh nhân SIDA.
Giám đốc một bệnh viện tại Saint-Petersbourg chuyên về các bệnh truyền nhiễm kể với Reuters là nhà thuốc trong bệnh viện của ông trong những tuần qua đã nhận đến 120 cú điện thoại mỗi ngày từ các bệnh nhân HIV tìm mua thuốc Kaletra.
Trong kho của hiệu thuốc bệnh viện đã hết, thế mà nhà cung cấp vừa thông báo là không thể tiếp tục giao hàng được nữa vì nhà nước Nga đã trưng dụng toàn bộ kho thuốc của nhà cung cấp này.
Một nhà hoạt động trong lĩnh vực phòng chống SIDA thì cho biết là những kẻ đầu cơ thậm chí đã muốn mua lại thuốc Kaletra từ các bệnh nhân HIV, sẳn sàng trả với giá 3.000 rúp/hộp.
Theo Reuters, tại Nga, thuốc Kaletra do công ty R-Pharm sản xuất trong khuôn khổ một thỏa thuận với hãng dược phẩm Mỹ AbbVie. Tổng giám đốc của R-Pharm, Alexei Repik cho biết đang phối hợp với cảnh sát để truy tìm nguồn gốc của thuốc Kaletra buôn bán trái phép, vì điều này gây phương hại cho các bệnh nhân HIV đang thật sự cần thuốc Kaletra để điều trị.