Bảo tàng Pháp : năm khả quan dù có đình công

Tin Tức

image.png
Kim tự tháp bằng kính tại bảo tàng Louvre. RFI / Tiếng Việt
Tuấn Thảo
Mặc dù phong trào đình công trong suốt tháng 12, đặc biệt là ở vùng Île-de-France, đã tác động mạnh đến số lượng khách đi xem triển lãm, nhưng theo các số liệu chính thức, nhìn chung 2019 vẫn là một năm khả quan đối với các bảo tàng Pháp. Chẳng những thế, một số bảo tàng lớn lập kỷ lục mới về lượt khách thăm viếng.


Trong năm 2019, Bảo tàng Louvre đã thu hút 9,6 triệu lượt khách tham quan, tức là đã giảm đôi chút so với 10,2 triệu lượt khách vào năm 2018. Điều này theo ban tổ chức là do đợt đình công của ngành giao thông công cộng đã ảnh hưởng tới lượng người tham quan, mặc dù cuộc triển lãm lớn về thiên tài Léonard de Vinci (Leonardo Da Vinci) vẫn chưa kết thúc. Nhiều du khách đã hủy vé cho dù đã lên kế hoạch các chuyến thăm viếng từ lâu. Ngược lại, Viện bảo tàng Orsay và lâu đài Chambord lại được khách chiếu cố nhiều nhất trong năm 2019, do đỉnh điểm của chương trình sinh hoạt diễn ra từ trước và kết thúc vào đầu tháng 12/2019.
 
image.png
Phòng triển lãm chuyên về trường phái ấn tượng tại Bảo tàng Orsay Musée d'Orsay / Sophie Boegly
Tại Paris, Viện bảo tàng Orsay đã lập kỷ lục với 3,6 triệu lượt khách tức đã tăng thêm 11% so với năm trước, Trung tâm về Kiến trúc và Di sản (Cité de l’Architecture et Patrimoine) thu hút gần nửa triệu khách, tăng thêm 43%. Trung tâm Khoa học và Công nghiệp (Cité de la Villette) tăng 8%. Các lâu đài như Chantilly (+7 %) và nhất là Fontainebleau vượt qua ngưỡng hơn nửa triệu (540.000 khách, +9%), trong khi cách đây 3 năm chỉ xấp xỉ ở mức 450.000, điều này phần lớn là do các tour nhắm vào du khách Trung Quốc và Nga.

Chambord, nơi kỷ niệm 500 năm ngày thành lập lâu đài, song song với ngày giỗ của thiên tài Léonard de Vinci (Leonardo Da Vinci) trong năm 2019 đã lôi cuốn 1,1 triệu du khách (tăng thêm 10%). Chambord hiện đứng hạng nhì trong số các lâu đài thu hút nhiều khách thăm viếng nhất, chỉ sau cung điện Versailles, nhưng vượt qua mặt tất cả các lâu đài quan trọng khác như Vaux le Vicomte, Chenonceau, Chantilly... Theo Trung tâm điều hành các di tích quốc gia (CMN), những kết quả khả quan này bù đắp lại phần nào cho những khoản thất thu liên quan tới việc lượng khách thăm viếng đã giảm 50% trong tháng 12 tại 14 viện bảo tàng lớn nhỏ trong phạm vi thành phố Paris.
image.png

Bảo tàng Grand Palais chuyên tổ chức hội chợ triển lãm theo chuyên đề 05/03/2019 Reuters/Regis Duvignau
Một số bảo tàng lớn như bảo tàng lịch sử Carnavalet hoặc bảo tàng thời trang Galliera đều đang đóng cửa trong giai đoạn trùng tu, Nhà thờ Đức Bà Paris cũng đóng cửa từ ngày 15/04 để sửa chữa say vụ hoả hoạn, còn Khải Hoàn Môn không tiếp đón du khách vì lý do an ninh liên quan tới các đợt biểu tình trên đại lộ Champs-Élysées.

Dù tình hình khó khăn, nhất là vào dịp cuối năm tại Paris và vùng phụ cận, nhưng theo trung tâm CMN, các viện bảo tàng Pháp trong vòng 11 tháng đầu năm đã thu hút đông đảo khách tham quan nhờ nỗ lực tổ chức các cuộc triển lãm có trọng lượng, tập hợp nhiều tác phẩm có giá trị. Các viện bảo tàng đã mở rộng chủ đề của các cuộc triển lãm. Các bảo tàng lớn như Louvre, Orsay, Grand Palais, Trung tâm Pompidou đã nâng tầm vóc của mình để cạnh tranh với các bảo tàng có uy tín nhất trên thế giới.

Trên lãnh vực này, mức cung lại tạo ra nhu cầu, các bảo tàng càng trưng bày nhiều tác phẩm có giá trị, lại càng dễ thu hút khách tham quan. Mặc dù trong tháng 12, lượng khách thăm viếng đã giảm hơn 25%, nhưng bảo tàng Grand Palais vẫn vượt qua ngưỡng hơn một triệu lượt người xem, nhờ lần lượt tổ chức các cuộc triển lãm dành cho các danh họa Miro, Greco hay là Toulouse-Lautrec.

Chambord thu hút nửa triệu khách tham quan nhân triển lãm kỷ niệm 500 năm ngày thành lập
Chambord thu hút nửa triệu khách tham quan nhân triển lãm kỷ niệm 500 năm ngày thành lập © Ludovic Dunod
Các viện bảo tàng cũng thu bút thêm khách thông qua các sự kiện lớn trong năm như "Đêm trắng" hoặc là "Ngày di sản châu Âu". Bảo tàng ở các tỉnh thành cũng đã khá thành công với các sinh hoạt mang tính kỷ niệm. Bảo tàng Courbet ở tỉnh Doubs lập kỷ lục khi nhân gấp đôi (70.000 khách thay vì 30.000) nhân 200 năm ngày sinh của danh họa Gustave Courbet. Lâu đài Chambord cũng đã thu hút 544.890 khách tham quan chỉ riêng cho cuộc triển lãm lớn nhân kỷ niệm 500 năm ngày khai sinh : "Chambord, 1519 - 2019".

Một kỷ lục khác là cuộc triển lãm về Tutankhamun (Toutânkhamon) tại trung tâm La Villette Paris với gần 1,5 triệu lượt khách. Văn minh cổ đại Ai Cập hơn bao giờ hết vẫn có nhiều sức quyến rũ, và không chỉ ở Paris, vì triển lãm này còn thành công khi được trưng bày tại các thành phố châu Âu khác. Một cách tương tự, danh họa Picasso vẫn có nhiều sức hấp dẫn, bảo tàng thành phố Grenoble thành công với triển lãm cho thấy nhiều tác phẩm ít được phổ biến hơn, ngoài các bức tranh lẫy lừng của "danh họa Guernica".

Trong khi đó, bảo tàng Orsay cũng đã thu hút hơn 670.000 khách đến xem tranh của hai "thời kỳ xanh và hồng" của Picasso. Tại Beaubourg (trung tâm Pompidou), triển lãm về tính triệt để của trường phái Lập thể đã lôi cuốn tổng cộng hơn 400.000 khách. Trường phái Lãng mạn tại bảo tàng Petit Palais hay tác phẩm của Toulouse-Lautrec tại Grand Palais cũng đã thu hút hơn 300.000 người hâm mộ.
image.png
Kim tự tháp bằng thủy tinh, nhìn từ bên trong bảo tàng Louvre © 2017 musée du Louvre – Olivier Ouadah
Tuy nhiên, cũng có một số triển lãm khác đã thất bại mà không có liên quan gì tới đợt đình công tháng 12. Đó là trường hợp của bảo tàng chuyên về khảo cổ Saint-Germain en-Laye. Triển lãm về vua "Henri II" chỉ được 37.000 người quan tâm. Cuộc triển lãm ‘‘Cách mạng đỏ’’ về Hồng quân và thời kỳ Xô viết cũng chỉ thu hút được khoảng 130.000 khách, tức là quá thấp so với kinh phí đầu tư. Triển lãm chuyên đề về du hành vũ trụ nhân dịp 50 năm "Con người lên Cung trăng" chỉ thu hút được 165.000 lượt người xem, ít hơn nhiều so với dự kiến, cho thấy là người Pháp vẫn đam mê các chủ đề lịch sử, nhưng với điều kiện là cách dàn dựng và truyền đạt nội dung không quá khô khan.

Bảo tàng Mucem tại Marseille với chủ đề quá chuyên môn chỉ quy tụ 46.590 khách nhân cuộc triển lãm vinh danh Georges Henri Rivière, người sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật và Truyền thống Dân gian. Bảo tàng Cluny tại Paris chuyên về thời Trung cổ chỉ lôi cuốn 60.000 khách đến chiêm ngưỡng các bức thảm xưa, được dệt bằng tay vào thế kỷ 11. Một cách tương tự, bảo tàng Luxembourg thu hút chưa tới 100.000 khách cho triển lãm về trường phái cổ điển và lãng mạn trong hội họa Anh. Để so sánh, thời hoàng kim hội họa Hà Lan qua nhân vật biểu tượng Vermeer hay là các tác phẩm tiêu biểu của danh họa Delacroix đều đã thu hút khách từ gấp 7 đến gấp 10 lần, đạt tới ngưỡng gần một triệu khách chỉ trong 6 tháng.
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top