đáng chú ý
trong năm 2022
(Theo Ban Biên Tập Viettan.org)
.
Ban Biên Tập Trang Nhà Việt Tân
- Đại án tham nhũng Việt Á
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều mất mát cho người dân, nhưng lại là cơ hội ngàn vàng cho cán bộ nghĩ ra cách trục lợi trên nỗi thống khổ của người dân. Các đại án “chuyến bay giải cứu” và Việt Á bị phơi bày trước dư luận về những cách trục lợi vô nhân mà các quan chức đã thực hiện trong đại dịch.
Ngay từ đầu năm 2020, Công ty Công Nghệ Việt Á đã nhanh chóng cấu kết với Học viện Quân Y, do Thượng Tá Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm “nghiên cứu” để cho ra đời trong thời gian kỷ lục bộ Test Kit Covid-19. Công đoạn tiếp theo là tuồn thông tin không chính xác ra ngoài, rồi thổi phồng để tâng bốc sản phẩm, đưa tin không chính xác về việc WHO và Bộ Y tế Anh đã công nhận kit xét nghiệm này đạt tiêu chuẩn. Công ty Việt Á cũng bịa ra chuyện có 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ thử nghiệm này.
Sau đó là giai đoạn bán sản phẩm. Việt Á đã dùng mọi thủ đoạn mồi chài, cấu kết có ăn chia với cán bộ y tế của 62 tỉnh thành để bán Test kit với giá trên trời và với một số lượng lớn. Kết quả là vào thời điểm đó, người dân bị đè ra thử nghiệm Covid vô tội vạ để tiêu thụ cho bằng hết số lượng họ mua từ Việt Á. Một cách móc túi dân hợp pháp với sự tiếp tay của các giới chức cao nhất trong nhiều bộ, ngành của guồng máy chính quyền!
Cơ quan điều tra cho biết Việt Á đã thu lãi 4.000 tỷ đồng (gần 170 triệu Mỹ kim) và chi khoảng 800 tỷ đồng để “bôi trơn”cho các đối tác. Đó là chưa kể dự án này đã nhận gần 19 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để “nghiên cứu” một sản phẩm mà thực chất là Test kit nhập về từ Trung Quốc với giá rẻ mạt, và khu “Công Nghệ” Việt Á chỉ là một nhà kho chứa Test kit nhập khẩu này. Cho đến nay, chưa có cơ quan nào điều tra xem 19 tỷ đó đang nằm trong túi ai!
Vụ lừa đảo làm chấn động dư luận cả nước này của Việt Á có liên quan tới hơn 100 bị can trong 30 đơn khởi tố. Trong số những người bị bắt có Nguyễn Quang Linh (Trợ lý của ông Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ), số còn lại là lãnh đạo, cán bộ đủ ngành… trên khắp cả nước. Cuộc điều tra vẫn chưa chấm dứt và càng ngày, càng có nhiều tên tuổi được lôi ra ánh sáng.
Sự kiện Việt Á đã làm lộ ra sự thối nát của cả một guồng máy y tế, hành chánh tại Việt Nam. Nhìn đâu, đi đâu cũng thấy cán bộ thoái hóa, từ trên xuống dưới. Một hiện tượng xã hội ruỗng nát hết thuốc chữa trong guồng máy độc tài dung túng tham nhũng, và chỉ có thể sửa chữa bằng một nền dân chủ và luật pháp nghiêm minh.
- Khủng hoảng bất động sản
Hàng loạt vụ bê bối của các công ty bất động sản FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát phát hành những cổ phiếu “ma” đã khiến cho thị trường chứng khoán, cổ phiếu tại Việt Nam rơi vào nguy cơ khủng hoảng bởi sự lơ là quản lý của nhà nước và sự thông đồng của cán bộ. Sự việc chỉ được phơi bày sau khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, bị khởi tố.
Tập đoàn FLC: Vào ngày 29 tháng Ba, 2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt giam ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết đã tạo ra cung, cầu giả tạo, đẩy giá chứng khoán FLC tăng 64% để bán chui 74,8 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC vào ngày 10 tháng Giêng, 2022 nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng (hơn 22 triệu Mỹ kim).
Tập đoàn Tân Hoàng Minh: Ngày 5 tháng Tư, 2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố và bắt giam các lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan tới vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Cụ thể ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các cá nhân thuộc tập đoàn đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật để huy động tiền của các nhà đầu tư lên đến 10.300 tỷ đồng (hơn 435 triệu Mỹ kim), nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Hậu quả là nhiều nhà đầu tư hằng tuần lên trụ sở Tân Hoàng Minh tại Hà Nội để đòi tiền, nhưng đến nay vẫn chưa có gì cụ thể.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Ngày 8 tháng Mười, 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt giữ bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công Ty cổ phần Vạn Thịnh Phát cùng 3 đồng phạm gồm: Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc phát hành trái phiếu trái quy định của pháp luật, để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) không chỉ sở hữu một lượng bất động sản đắt đỏ khắp Sài Gòn mà còn liên quan đến những tổ chức tài chính, bảo hiểm lớn trên thị trường. Đặc biệt Vạn Thịnh Phát có mối liên hệ mật thiết với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nên khách hàng của SCB ùn ùn xếp hàng để rút tiền tiết kiệm. Và mới vỡ lẽ ra bị SCB lừa khi đến SCB gửi tiết kiệm, nhưng ra về lại hóa ra là mua trái phiếu của các công ty An Đông hay Tân Việt như là một gói sản phẩm của SCB có tên ‘tiết kiệm linh hoạt.’ Hiện có ước chừng hơn 40 ngàn người là nạn nhân của vụ lừa đảo này.
Những vụ lừa đảo nói trên, dư luận quy trách nhiệm cho nhà nước đã lơ là trong việc kiểm soát để không ngăn chận từ đầu. Ông Phạm Minh Chính có lên tiếng trong phiên họp của chính chủ vào cuối tháng 11 vừa qua là “trong bất cứ hoàn cảnh nào, chính phủ sẽ đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan.” Nhưng cho đến nay, viễn cảnh hàng chục ngàn nạn nhân có được nhà nước “cứu” hay không, còn rất xa vời. Lý do dễ hiểu là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và thị trường bất động sản tại Việt Nam. Nguồn cung bất động sản tiếp tục giảm sút và dù giá có giảm vào những tháng cuối năm 2022, nhưng vẫn còn đắt gấp nhiều lần so với thời điểm 2018 thì nhà nước lấy tiền đâu ra “cứu.”
3. Đại án tham nhũng “Chuyến bay giải cứu”
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến một số lượng lớn người Việt bị mắc kẹt ở nước ngoài. Nhà cầm quyền CSVN đã tổ chức gần 2.000 chuyến bay được gọi là “giải cứu” hay “chuyến bay nhân đạo,” đưa hơn 120.000 người về nước để cách ly và tránh dịch. Bộ máy tuyên giáo liên tục ca ngợi các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài là “chủ trương nhân văn của đảng và Nhà nước Việt Nam.” Tuy nhiên, dư luận ngã ngửa và phẫn nộ khi những chuyến bay này được khui ra ánh sáng, rằng hàng loạt cán Bộ Ngoại giao đã lợi dụng đại dịch để trục lợi trên lưng đồng bào.
Những người lao động phổ thông đã phải vay mượn để đi lao động tại nước ngoài, đang lúc phải chịu cảnh thất nghiệp do đại dịch, chi phí sinh hoạt thì đắt đỏ, phải sống chui rúc cả chục người trong những phòng trọ chật hẹp. Họ chỉ mong được về lại với gia đình, họ hàng để nương tựa, nhưng đã trở thành “miếng mồi” để đám quan chức trục lợi trắng trợn. Những kẻ này đã bắt tay nhau nâng giá vé cho những “chuyến bay giải cứu,” đắt gấp 5 đến 8 lần giá bình thường, có thể lên đến 10 tỷ đồng/chuyến. Bất chấp tất cả, họ biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội trục lợi, kiếm tiền tỷ.
Vụ án “Chuyến bay giải cứu” bị khởi tố từ ngày 28 tháng Giêng, năm 2022 và hiện có 37 người bị tạm giam, gồm nhiều quan chức trong Văn phòng Chính phủ (4 người), Thanh tra Chính phủ (1 người), Ban Đối ngoại Trung ương đảng (1 người), Bộ Ngoại giao (10 người), Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội (1 người), Bộ Giao thông Vận tải (2 người), Bộ Y tế (2 người), Cục Quản lý Xuất nhập khẩu (3 người), Công ty Du lịch và Môi giới (13 nguời). Nhìn vào danh sách bị khởi tố nói trên, người ta thấy rõ “tham nhũng – hối lộ” đã trở thành mạng lưới thông đồng và chằng chịt giữa các cơ quan nhà nước, khó mà cắt đứt.
Ngày 24 tháng Mười Hai vừa qua, Bộ Chính trị đảng CSVN cũng đã ra thông báo “khiển trách” nặng nề Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và được đồn đoán sẽ thay thế hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam vào đầu tháng Giêng, 2023 vì có “đàn em” dính líu đến án này. Nếu cả ba nhân vật này mất chức vào đầu năm 2023, thì đây là vụ án nghiêm trọng nhất khiến cho Trung ương đảng CSVN rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân sự vì chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng.
4. CSVN không dám lên án cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin
Kể từ khi cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tiến hành trên lãnh thổ Ukraine vào ngày 24 tháng Hai, 2022, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua các nghị quyết nhằm phản đối, lên án, trừng phạt và tiến hành bồi thường chiến tranh cho Ukraine. LHQ đã trải qua các lần bỏ phiếu không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng lại có sức nặng về mặt chính trị.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bốn lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống đối với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những vấn đề liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Các hành động bỏ phiếu nói trên cho thấy CSVN vẫn đặc biệt xem trọng mối quan hệ có tính lịch sử với Nga, một trong ba “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh đường lối đối ngoại “không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải,” (sic) thế nên dư luận đặt dấu hỏi lớn về tính đạo đức trong quan hệ quốc tế và ý nghĩa của “lẽ phải” trong tuyên bố của Việt Nam.
Có thể thấy lá phiếu của Việt Nam chẳng những đi ngược lại xu hướng chung của thế giới, mà còn thể hiện một sự lựa chọn hết sức sai lầm và nguy hiểm cho tiền đồ của đất nước. Quyết định bỏ phiếu trắng khiến các nước trên thế giới và khu vực xem Việt Nam như một nước đồng lõa với Nga, đồng lõa với thế lực xâm lăng một quốc gia có chủ quyền và được thế giới thừa nhận. Đó là lý do khiến quan hệ giữa Việt Nam và Ukraine có thể xấu đi, nhất là về mặt ngoại giao.
Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia nhỏ bé bên cạnh láng giềng lớn hơn nhiều và đầy tham vọng là Trung Quốc, nên có rất nhiều tranh chấp. Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa 48 năm, tới năm 1988 lại cưỡng chiếm một phần quần đảo Trường Sa và vùng biển chủ quyền Việt Nam. Để đòi lại Hoàng Sa và giữ vững chủ quyền trên Trường Sa và vùng lãnh hải trên Biển Đông, Việt Nam rất cần sự ủng hộ của thế giới. Giờ CSVN bỏ phiếu cho kẻ xâm lăng đang bị thế giới cô lập và tẩy chay kịch liệt thì sau này làm sao có thể tranh thủ, vận động sự hỗ trợ của thế giới?
- Khan hiếm xăng dầu tại Việt Nam
Đầu tháng Mười Một, 2022, tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra ở diện rộng tại Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác. Người dân phải xếp hàng nhiều giờ để chờ đổ xăng. Nhiều trạm xăng ngừng bán hoặc hoạt động cầm chừng gây bức xúc cho người dân, đồng thời làm dấy lên nỗi lo về an ninh năng lượng “bấp bênh” của đất nước và đặt ra câu hỏi vì sao xảy ra tình trạng này?
Việt Nam có thể tự sản xuất được xăng dầu với hai nhà máy lọc dầu chiếm 80% nhu cầu thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong 80% đó thì hơn nửa lượng dầu thô được nhập từ thế giới, và 20% xăng dầu còn lại cũng là thành phẩm nhập từ nước ngoài. Vì thế Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến động thị trường thế giới.
Bộ Công thương đã cấp phép tràn lan đến 36 đầu mối xuất nhập khẩu xăng, dầu và hơn 330 thương nhân phân phối xăng, dầu. Trong 36 đầu mối, chiếm đa số là những công ty không có đủ điều kiện nhập xăng dầu như tàu chuyên chở, kho chứa. Do đó dẫn đến việc khó quản lý.
Biến động của thế giới ảnh hưởng toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên tại Việt Nam, Bộ Công thương theo Nghị định 95 điều chỉnh giá xăng dầu cố định, cứng ngắc, 10 ngày 1 lần. Vì thế giá cả xăng dầu ở Việt Nam không phù hợp với thị trường thế giới.
Báo chí trong nước trích lời Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng “nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do ‘mức chiết khấu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ’ nên họ ‘buộc phải nghỉ bán'”
Sau khi bị mời đăng đàn trước Quốc hội vì tình trạng khan hiếm xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ngày 5 tháng Mười Một đã ký Chỉ thị số 9 với nội dung “Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Các lực lượng quản lý thị trường giám sát tất cả các cây xăng, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngừng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm theo quy định.”
Thế nhưng chỉ thị này vẫn không giải quyết được nạn khan hiếm xăng dầu. Bên cạnh nhiều lời chỉ trích ông Diên của dư luận gần một tháng nay, đã xuất hiện yêu cầu ông Diên từ chức do không bảo đảm nguồn cung loại nhiên liệu thiết yếu cho đất nước. Nếu giá xăng, dầu vận hành theo kinh tế thị trường, đa dạng hóa tổ chức kinh doanh phân phối xăng, dầu thì có lẽ tình trạng khan hiếm đến mức bi đát đã không xảy ra.
- Làn sóng bỏ việc của nhân viên Y tế, Giáo dục, Hành chánh
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong hơn 2 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư nhân. Trong số cán bộ, nhân viên bỏ việc đáng chú ý là ở bộ phận y tế và giáo dục: khối Giáo dục là 16.000 người, khối Y tế là hơn 12.000 người. Bộ này cho biết nhiều cán bộ, công chức xin thôi việc đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau; nhưng đa số đến từ tiền lương thấp, môi trường làm việc không còn thích hợp, cụ thể là:
– Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và cần giảm thiểu tiếp xúc nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, mức thu nhập thấp mà công việc lại quá tải.
– Hệ thống tư nhân ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, trả lương cao, nên thu hút được nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân nhân viên.
– Do áp lực, cường độ công việc cao. Họ hầu như không có ngày nghỉ nhất là trong thời gian dịch bệnh. Việc thiếu thiết bị hiện đại, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các dụng cụ, trang thiết bị thông thường, đã làm hạn chế năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế. Do đó họ có xu hướng chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân với môi trường làm việc tốt hơn.
Về ngành giáo dục thì ngoài đồng lương quá ít, các thầy cô chịu quá nhiều áp lực trong hai năm gần đây khi đại dịch Covid-19 xảy ra buộc phải thay đổi cách giảng dạy, cũng như thay đổi phương thức làm việc. Nhà cầm quyền CSVN tuy đã ban hành nhiều giải pháp như tăng phụ cấp, cải sửa môi trường làm việc, nhưng số người bỏ việc hay xin nghỉ việc tiếp tục gia tăng.
Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến vấn nạn này chính là chính sách “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng đã làm tê liệt bộ máy nhân sự ở các cơ quan, khi mà nguồn sống của cán bộ, nhân viên đến từ “phong bì” hối lộ bị để ý. Ngoài ra, với sự kèn cựa nhân sự giữa các phe, không còn ai dám tổ chức “đấu thầu” để mua các vật liệu về y tế, giáo dục để kiếm chác nên không còn tha thiết ở lại cơ quan.
7. Đầu tư FDI giảm, hàng loạt công nhân bị cho nghỉ việc trước Tết
Nền kinh tế Việt Nam phát triển trong nhiều thập niên qua là dựa vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên từ đó giúp công ăn việc làm ổn định cho hàng triệu công nhân. Khi biến động kinh tế và địa chính trị trên thế giới gặp khủng hoảng như hiện nay, thì dòng vốn FDI sụt giảm liên tiếp làm ảnh hưởng đến đời sống người công nhân.
Theo số liệu mới công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20 tháng Chín,2022, tổng số FDI giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 3% so với 8 tháng trước đó. Đáng chú ý, tới cuối tháng Chín, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 7,12 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng nghĩa, đây là tháng thứ 8 liên tiếp kể từ đầu năm, vốn FDI mới đăng ký sụt giảm so với cùng kỳ.
Lý giải về sự sụt giảm này, ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Á Châu(ADB) tại Việt Nam nhìn đến một nguyên nhân: đó là dịch Covid-19, dù đã bớt nguy hiểm nhưng ảnh hưởng trì trệ tới các hoạt động đầu tư FDI vẫn tiếp diễn từ 2021 tới 2022.
Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), thì tác động từ dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhiều tổ chức quốc tế đều dự đoán tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2022 và 2023 sẽ ở mức thấp, khiến các nhà đầu tư ngoại quốc còn e ngại.
Trước tình hình này, những tháng cuối năm 2022, có hơn 41 ngàn người lao động bị cho thôi việc, và gần nửa triệu người lao động bị các doanh nghiệp cắt giảm giờ làm việc một cách đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đang thiếu nợ lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhiều người lao động.
Thống kê cho thấy, có tới 30 doanh nghiệp đang thiếu tiền lương của gần 7 ngàn người lao động, và số tiền có thể lên tới hơn 110 tỷ đồng. Hơn nữa, có khoảng 120 doanh nghiệp đang nợ tiền bảo hiểm xã hội của hơn 32 ngàn người lao động, với tổng số tiền hơn 237 tỷ đồng. Có lẽ sự thất nghiệp trầm trọng này là do hệ lụy của đại dịch và cuộc chiến xâm lược của Putin đối với Ukraine. Nhiều doanh nghiệp có hợp đồng với Việt Nam đã hủy bỏ hợp đồng và cắt giảm công nhân trầm trọng.
Điều đáng nói, nhiều người lao động ở Việt Nam không có tiền thất nghiệp, trợ cấp xã hội hay bảo hiểm y tế khi mất việc làm. Làn sóng sa thải công nhân diễn ra ngay trước Tết cổ truyền của dân tộc, khiến nhiều gia đình sẽ phải đón Tết trong thiếu thốn và lo lắng!
8. Nguyễn Phú Trọng “triều kiến” Tập Cận Bình
Ngay sau khi kết thúc Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 và nắm quyền lực thêm 5 năm nữa, ông Tập Cận Bình đã tiếp ông Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn sang Bắc Kinh triều kiến diễn ra từ ngày 30 tháng Mười đến ngày 1 tháng Mười Một, 2022.
Tuy sức khoẻ còn rất yếu và hai chân đi không vững, nhưng ông Trọng phải thân chính đến Bắc Kinh chỉ để nhận “Huân chương Hữu nghị” và chứng kiến ký 13 văn kiện hợp tác giữa hai bên. Điều này cho thấy chuyến đi hoàn toàn là để biểu hiện sự “thần phục” của ông Trọng đối với “hoàng đế” Tập Cận Bình trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một gia tăng.
Cuộc triều kiến của ông Trọng với ông Tập được diễn ra tại Đại sảnh đường nhân dân Trung Quốc vào chiều ngày 31 tháng Mười, tức một ngày sau khi ông Trọng và phái đoàn đến Bắc Kinh. Đây là cách đối xử của thiên triều đối với các đoàn triều kiến từ xa xưa đến nay.
Các báo chí Việt Nam rầm rộ đưa tin cuộc gặp gỡ, đàm phán của ông Trọng với ông Tập xoay quanh những chủ đề chung chung như hợp tác hai bên, đối thoại tăng cường hiểu biết lẫn nhau, duy trì cục diện hữu nghị, v.v… Nếu nội dung trao đổi chỉ có thế thì ông Trọng đã không phải thân chinh sang Bắc Kinh và hoàng đế Tập cũng không cần phải gặp ông Trọng làm gì cho rườm rà. Mặt khác, vị thế của đảng Cộng Sản Việt Nam trong hiện tại không xứng tầm để hoàng đế Tập thảo luận những nội dung như nêu trên. Vậy lý do chính là gì?
Nếu ai từng quan sát tình hình chính trị Việt Nam và Trung Quốc thì có thể hiểu được phần cốt lõi nội dung của chuyến đi triều kiến này. Thứ nhất, ông Trọng đến Bắc Kinh là để cam kết lòng trung thành mạnh mẽ của Hà Nội và mong nhận sự “thông cảm” của Bắc Kinh về việc phải đu dây với Hoa Kỳ.
Thứ nhì, ông Trọng và đảng Cộng Sản Việt Nam tìm kiếm một sự trợ giúp từ Bắc Kinh trên nhiều mặt vì sau hai năm đại dịch Covid, ngân sách nhà nước Việt Nam rơi vào cảnh thiếu hụt trầm trọng.
Có thể nói một cách vắn tắt rằng chuyến đi cuối đời và có lẽ cuối cùng của ông Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh cuối năm 2022 mang một mục tiêu duy nhất: Đó là biểu hiện sự thần phục và gắn kết vận mệnh của đảng cầm quyền Cộng Sản Việt Nam vào quỹ đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
9. CSVN lại bước vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
Sau nhiều tháng vận động và nhất là được sự ủng hộ của khối các quốc gia Đông Nam Á, CSVN đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đại diện khu vực Á Châu, nhiệm kỳ 2023-2025, vào ngày 11 tháng Mười, 2022. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi tình trạng nhân quyền vốn đang rất tồi tệ tại các nước bị cai trị bởi những chế độ chuyên quyền như Việt Nam.
Phân tích về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, báo cáo của 3 tổ chức nhân quyền: UN Watch, Human Rights Foundation, và The Raoul Wallenberg Centre for Human Rights, công bố hôm 4 tháng Mười, 2022, đã chỉ ra hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng, bao gồm: “56 vụ giết người trái pháp luật hoặc tùy tiện; tra tấn; điều kiện nhà tù khắc nghiệt và nguy hiểm đến tính mạng; bắt giữ tùy tiện; tù nhân chính trị chịu những bản án tù dài hạn; trả thù có động cơ chính trị chống lại các cá nhân ở quốc gia khác.”
Ngoài ra, theo các tổ chức nhân quyền thì Việt Nam “thiếu tính độc lập của cơ quan tư pháp; can thiệp bất hợp pháp vào quyền riêng tư; hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả việc bắt giữ tùy tiện những người chỉ trích chính phủ, kiểm duyệt và gán ghép tội hình sự cho những tiếng nói phản biện, can thiệp đáng kể vào quyền tự do lập hội; hạn chế quyền tự do đi lại; thiếu bầu cử tự do và công bằng; tham nhũng trong chính phủ; buôn người; và lao động trẻ em.”
Vào ngày 14 tháng Mười Hai, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cũng đã xếp CSVN hạng 4 trong số 10 nước đứng chót về đàn áp báo chí với 39 nhà báo Việt Nam bị giam tù, sự đàn áp này đã tiếp tục gia tăng trong vòng 5 năm qua!
Nhận định về việc CSVN giành được ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Hoàng Tứ Duy, Tổng Bí thư đảng Việt Tân đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 12 tháng Mười, 2022 rằng: “Với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, CSVN chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách và áp lực từ quốc tế, từ đó mở ra rất nhiều cơ hội để vận động nhân quyền cho Việt Nam.”
“Nhà nước Cộng sản Việt Nam muốn có mặt trong Hội đồng Nhân quyền, điều này nói lên rằng Đảng Cộng Sản phải cải thiện hình ảnh nhân quyền của Việt Nam. Họ phải chứng tỏ rằng ít nhất là họ có quan tâm đến vấn đề nhân quyền.” … “Trong thời gian tới khi các tổ chức quốc tế vận động, đề nghị các đặc phái viên Liên Hiệp Quốc mở các cuộc điều tra, ví dụ về vấn đề tra tấn ở Việt Nam, tôi nghĩ nó sẽ gây khó hơn cho Nhà nước Cộng Sản Việt Nam nếu họ không nhận các đặc phái viên của cơ quan này. Bởi vì chính họ (CSVN) đang ở trong cơ chế có vai trò điều hành và phát huy tinh thần nhân quyền,” ông Hoàng Tứ Duy nhấn mạnh.
10. CSVN Đàn áp trắng trợn Tịnh thất Bồng Lai
rong năm 2022, hàng loạt các cơ sở sinh hoạt tôn giáo độc lập đã bị nhà cầm quyền CSVN dùng mọi phương cách để ngăn chặn, tấn công, thậm chí bỏ tù. Trong đó, vụ đàn áp Tịnh thất Bồng Lai là sôi nổi và gây chú ý trong dư luận nhiều nhất suốt cả năm.
Tịnh thất Bồng Lai gồm những người tu tại gia, theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Đây là lối tu thờ Phật tại gia rất quen thuộc đối với người dân Nam Bộ. Những người tu này sống trong một căn nhà, được gọi là tịnh thất. Trên trang Web của Ban Tôn giáo nhà nước, trong mục “Các tổ chức tôn giáo được công nhận” có đề cập đến Bửu Sơn Kỳ Hương với ngôn ngữ rất thiện cảm, đặc biệt về cách “tu thân” của những người tu tại gia này. Tuy vậy, vào tháng Mười Một, 2021, Ban Tôn giáo chính phủ và nhà cầm quyền tỉnh Long An cho biết họ sẽ “xử lý” Tịnh thất Bồng Lai.
Bắt đầu là đưa ra những cáo buộc vu vơ, với những từ ngữ tạo sốc trong dư luận như: “‘Hé lộ gây sốc” “Vụ án loạn luân,” “Sự thật kinh hoàng,” “bịa đặt trắng trợn, “v.v… mục đích chỉ là để bôi nhọ các nạn nhân và dẫn dắt dư luận. Thậm chí, có những cáo buộc vô lý đến độ chính tờ báo cáo buộc đó đã lẳng lặng rút bài báo xuống.
Ngày 21 tháng Bảy, Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, Tỉnh Long An xử sơ thẩm 6 thành viên của Tịnh thất Bồng Lai, với cáo buộc: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 BLHS, hoàn toàn không giống gì những tội danh mà họ rêu rao trước đó. Sáu người này bị kết án đến 23 năm tù giam. Ông Lê Tùng Vân đã nói trước tòa rằng ông không thấy cần phải phục tùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì đây là tổ chức được sự ủng hộ của hệ thống chính trị hiện hành. Trong phiên xử phúc thẩm vào ngày 3 tháng Mười Một, tòa án tiếp tục xử y án.
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng Xét xử nghị án phiên xử phúc thẩm, ông Lê Thanh Hoàn Nguyên – một trong những nạn nhân trước tòa phúc thẩm, đã tố cáo rằng: Việt Nam không có chút quyền con người nào. Việc nhà cầm quyền CSVN bỏ tù những thành viên trong Tịnh thất Bồng Lai, đồng nghĩa với việc xóa bỏ quyền tu tại gia của những người tu hành không muốn đăng ký với nhà nước.
Cùng với những lần sách nhiễu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đàn áp những người dân theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên, kiểm soát đạo Cao Đài, Pháp Luân Công, theo dõi và trấn áp sinh hoạt Phật Giáo Hòa Hảo cho thấy là việc đàn áp Tịnh thất Bồng Lai đã trở thành giọt nước tràn ly. Vì thế mà vào ngày 2 tháng Mười Hai vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức đưa CSVN vào “Danh sách theo dõi đặc biệt” (Special Watch List) vì “‘vi phạm nghiêm trọng’ tự do tôn giáo”.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã đưa sáu thành viên Tịnh thất Bồng Lai vào danh sách các nạn nhân của việc đàn áp tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới.-
Trích từ 10 sự kiện Việt Nam đáng chú ý trong năm 2022 | Việt Tân (viettan.org)