đáng chú ý
trong năm 2022
(Theo Ban Biên Tập Viettan.org)
Sau đây là 10 sự kiện thế giới của năm 2022 xin được giới thiệu đến quý độc giả theo sự bình chọn của BBT Viettan.org
1. Putin xâm lược Ukraine
Cuộc chiến bắt đầu ngày 24 tháng Hai, 2022 khi ông Putin ra lệnh cho hơn 200 ngàn quân Nga đồng loạt vượt biên giới từ Belarus, từ bán đảo Crimea và từ khu vực chiếm đóng vùng Donbas tấn công vào lãnh thổ Ukraine trước sự phẫn nộ của thế giới. Ngày 2 tháng Ba, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã ra Nghị Quyết lên án Nga xâm lươc Ukraine với kết quả 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng (trong số này có Việt Nam). Tính đến nay, cuộc chiến đã bước sang tháng 11 và chưa biết bao giờ chấm dứt, dù Nga tuyên bố sẽ toàn thắng trong vài ngày. Cuộc chiến đã trải qua 3 thời kỳ đáng chú ý.
Thời kỳ đầu tiên sau khi cuộc chiến bùng nổ, lực lượng quân sự của Nga chiếm ưu thế và đã bao vây thủ đô Kyiv khiến dư luận nghĩ rằng quân đội Ukraine không thể cầm cự sau khi thất thủ thành phố Kherson ở phía Nam vào ngày 2 tháng Ba, 2022. Nhưng đến đầu tháng Tư, cuộc rút lui ô nhục của Nga ra khỏi thủ đô Kyiv và nhất là Ukraine đã bắn chìm tàu Moskva, soái hạm của Hạm Đội Biển Đen Nga, đã vực dậy tinh thần chiến đấu anh dũng của người dân Ukraine.
Thời kỳ thứ hai là Putin tập trung lực lượng ở phía Nam Ukraine để chiếm 4 tỉnh Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia nhằm kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukriane, tạo áp lực cho một cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh. Nga đã sử dụng lợi thế về pháo binh, có ngày bắn từ 20.000 viên đến 32.000 viên đạn đủ loại vào các khu vực vùng Donbas do quân đội Ukraine kiểm soát, khiến cho lực lượng Ukraine đã không thể tiến lên phía trước.
Thời kỳ thứ ba bắt đầu vào mùa Hè, khi Ukraine chuyển sang thế tấn công nhờ vũ khí yểm trợ dồi dào từ Hoa Kỳ và NATO, nhất là hệ thống tên lửa HIMARS của Hoa Kỳ. Với tên lửa HIMARS bắn từ xa và chính xác, Ukraine đã phá hủy nhiều kho đạn, sở chỉ huy và các doanh trại khiến cho quân Nga rối loạn, dẫn đến cuộc tháo chạy ở Kharkiv giúp cho lực lượng Ukraine nhanh chóng giải phóng một số vùng lãnh thổ rộng lớn. Trước sự tấn công của lực lượng Ukraine, Putin đã một mặt điều chỉnh chiến thuật phòng thủ bằng cách rút quân từ một số vùng tại Kharkiv, Lyman, Kherson và động viên thêm 300 ngàn tân binh; Mặt khác, đưa Tướng Sergey Surovikin lên chỉ huy chiến trường, bắt đầu chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn quy mô vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Hiện nay thời tiết mùa Đông ảnh hưởng rất lớn lên cuộc chiến nên cả hai phía đều hoạt động cầm chừng và đang tái vũ trang để chuẩn bị cho những cuộc tấn công mới vào mùa Xuân năm 2023. Mặc dù công nghệ chiếm một ưu thế trong cuộc chiến hiện nay; nhưng dự trữ nhân lực, vũ khí và đạn dược vô cùng quan trọng khi cuộc chiến kéo dài. Sau 11 tháng chiến tranh, lực luợng của hai phía đã tổn thất ước lượng ít nhất 100 ngàn quân bên Nga và 20.200 quân bên Ukraine. Đạn dược cũng đang cạn kiệt nên viễn cảnh cho thấy là hai phía sẽ phải đi đến ngưng chiến để mở các cuộc đàm phán vào năm 2023.
Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin đã khiến cho hàng chục triệu người Ukraine mất nhà, mất đất trở thành những người tỵ nạn bất đắc dĩ. Nhiều thành phố bị bom đạn cày nát tan hoang mà vào lúc này chưa ai dám vội nghĩ đến việc tái thiết. Thế giới khủng hoảng về nhiều phương diện dẫn đến những xáo trộn và thay đổi tận gốc cấu trúc về năng lượng, thực phẩm, công nghệ,… Đặc biệt là tình hình chính trị cực kỳ căng thẳng giữa hai khối dân chủ và chuyên chính từ cuộc chiến sẽ dẫn đến một thảm họa khó lường cho nhân loại, nếu xảy ra cuộc chiến tranh nguyên tử như Putin đã từng hăm dọa.
Cuộc chiến tại Ukraine cũng cho thấy tinh thần phấn đấu anh dũng của dân quân Ukraine và tài lãnh đạo của Tổng Thống Volodymyr Zelensky đã là yếu tố quyết định tình trạng Nga đang chuyển từ thế xâm lược sang chống đỡ hiện nay sau 11 tháng dốc hết toàn lực. Cuộc chiến cũng cho thấy sức mạnh đoàn kết của thế giới tự do dưới sự lãnh đạo và vận động ngoại giao của Hoa Kỳ với hàng chục tỷ Mỹ kim và vũ khí tân tiến tài trợ. Trong khi đó, Nga đã bị lột trần về sức mạnh ảo tưởng với đoàn quân thiếu huấn luyện, bị lừa dối, tinh thần sa sút và hàng ngũ lãnh đạo quân sự hủ hóa; đồng thời chế độ Putin bị cả thế giới cô lập, khinh rẻ và chống đối.
2. Phụ nữ Iran đòi Quyền Phụ Nữ
Ngày 13 tháng Chín, 2022 cô Mahsa Amini bị bắt ở một trạm xe và bị đánh suốt dọc đường tới trại giam “cải huấn” vì đã không đội khăn trùm đầu (hijab) đúng cách. Sau 3 ngày hôn mê trong nhà thương, Amini đã trút hơi thở cuối cùng ngày 16 tháng Chín, 2022. Một ngày sau đó, ngay tại tỉnh nhà của cô đã diễn ra cuộc biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ của công chúng.
Cái chết của cô Mahsa Amini đã tạo ra một sự kiện hiếm thấy tại đất nước bị cai trị bởi một chế độ thần quyền độc tài Khamenei, với làn sóng biểu tình mạnh mẽ trên khắp cả nước. Khi màn đêm phủ xuống, già trẻ trai gái đổ xuống đường. Họ nhóm lên những đống lửa lớn để các cô gái tháo bỏ khăn hijab choàng đầu ném vào lửa thiêu rụi trong tiếng hò reo. Họ xé ảnh của lãnh đạo tôn giáo tối cao. Họ đòi quyền tự do cho phụ nữ. Họ hô vang khẩu hiệu: “Những kẻ độc tài hãy chết đi!”
Trước sức mạnh đến từ sự phẫn nộ của người dân, bạo quyền Iran đã hoảng hốt cắt toàn bộ Internet để cô lập người biểu tình và đàn áp thô bạo. Họ nã đạn không nương tay vào đám đông biểu tình không vũ khí. Tuy nhiên sự phẫn uất còn lớn hơn sự sợ hãi nên làn sóng người xuống đường vẫn tiếp tục gia tăng không ngừng nghỉ. Theo thống kê của các tổ chức nhân quyền đã có ít nhất 481 người thiệt mạng, kể cả một nạn nhân 7 tuổi. Có những nạn nhân bị bắn chỉ vì đã dám bấm còi xe ủng hộ người biểu tình. Bạo quyền cũng đã xử tử 2 người biểu tình và kêu án tử hình 24 người khác, nhưng vẫn không dập tắt được làn sóng bất mãn của dân chúng đã kéo dài tới 100 ngày tính đến ngày 26 tháng 12, 2022.
Nỗ lực đòi lại quyền của phụ nữ Iran đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế và thúc đẩy các cuộc biểu tình đoàn kết ở các thành phố từ Seoul đến Toronto, Paris, New York. Nhiều cổ động viên Iran tại Giải World Cup ở Qatar đã giơ cao những tấm biển có in khẩu hiệu của phong trào: “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do.” Các cầu thủ Iran đã phải đối mặt với sự trả đũa nhanh chóng từ chính quyền Iran khi họ từ chối hát quốc ca trong trận mở màn với Anh.
Những cuộc biểu tình hiện diễn ra ở Iran không chỉ đơn giản là đòi quyền tự do chọn lựa có trùm khăn hay không. Đó không những chỉ là sự giận dữ, thất vọng và bất lực trước một chế độ thần quyền độc tài mà còn là khát vọng muốn được nhìn thấy sự thay đổi của đất nước Iran. Để xoa dịu sự phẫn nộ của giới phụ nữ Iran, ngày 4/12/2022 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Iran, Mohammad Javad Montazeri, tuyên bố chính phủ chính thức dẹp bỏ cảnh sát đạo đức như một sự nhượng bộ đối với những người biểu tình. Nhưng người dân Iran không tin và giới phụ nữ Iran đã minh định rằng họ chỉ ngưng đấu tranh khi Đạo luật Quyền Phụ Nữ được đưa trở lại trong Hiến pháp và chấm dứt chế độ thần quyền độc tài.
3. “Cách Mạng Giấy Trắng” ló dạng tại Trung Quốc
Sự bùng nổ hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính sách “Zero Covid” của ông Tập Cận Bình tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc trong các ngày từ 25 đến 27 tháng Mười Một, 2022 đã báo hiệu một cuộc phản kháng của quần chúng bắt đầu ló dạng sau 30 năm bị khống chế từ sau biến cố Thiên An Môn đẫm máu xảy ra vào tháng Sáu, 1989.
Cuộc phản kháng vốn tiềm ẩn từ lâu, nhưng nó được khởi động bởi một hành động can đảm của một thanh niên 21 tuổi, dũng cảm treo tấm biểu ngữ một cách công khai trên cầu vượt Tô Thông ở Bắc Kinh vào sáng ngày 13 tháng Mười, 2022. Nội dung biểu ngữ kêu gọi cung cấp thực phẩm thay vì chính sách Zero-Covid, tiến hành bầu cử thay vì ủng hộ “lãnh tụ,” và thực hiện quyền công dân tự do chứ không phải chế độ nô lệ.
Nhưng chính hình ảnh vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà cao tầng ở Urumqi của Tân Cương, khiến 10 người thiệt mạng vào tối thứ Năm ngày 24 tháng Mười Một, được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội đã tạo ra làn sóng căm phẫn ở Trung Quốc, khi nhiều cư dân mạng cho rằng 10 người bị thiệt mạng là do không thể thoát ra ngoài kịp thời vì tòa nhà đã bị phong tỏa bởi chiến dịch Zero Covid.
Ngay sau đó, từ Nam Kinh, Vũ Hán, Thành Đô đến Thượng Hải và Bắc Kinh, sinh viên từ hàng chục trường đại học – bao gồm các trường danh tiếng như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa – đã xuống đường phản đối. Nhiều người giơ cao những mảnh giấy trắng tượng trưng cho việc họ không có quyền tự do ngôn luận và không thể công khai thương tiếc các nạn nhân vụ hỏa hoạn.
Các cuộc biểu tình lúc đầu tập trung vào việc phản đối chính sách Zero Covid; nhưng sau đó chuyển sang đòi tự do dân chủ và đặc biệt tại Thượng Hải, ngưởi dân đã tụ họp và hô to: “Hãy từ chức, Tập Cận Bình! Hãy từ chức đảng Cộng Sản Trung Quốc!,” trong khi người dân ở Thành Đô hô vang: “Không có hoàng đế, không có quy tắc suốt đời,” ám chỉ mục tiêu rõ ràng của Tập là duy trì quyền lực vô thời hạn.
Các nhà phân tích cho rằng sự kiện người dân vùng lên biểu tình vừa qua là một sự kiện chưa từng có trong 3 thập niên qua. Cuộc biểu tình cũng đã nhóm lên ngọn lửa của khát vọng tự do bị ru ngủ của người dân Trung Quốc bấy lâu nay. Và rồi, làn sóng phản đối Zero-Covid được bày tỏ công khai hơn, sự bất mãn sâu sắc hơn đã nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc.
Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong kỷ nguyên lãnh đạo của Tập (bắt đầu năm 2012) và được xem là một cuộc cách mạng. Phong trào Thiên An Môn, sinh viên chỉ muốn Nhà nước lãnh đạo tốt hơn, còn giờ đây người biểu tình từ các công dân bình thường đủ mọi tầng lớp xã hội và sắc tộc muốn chấm dứt chế độ, người dân Trung Quốc mà đa phần là người Hán đã biết cảm thông và biểu đồng tình với các nạn nhân Duy Ngô Nhĩ bị chết cháy tại Tân Cương. Cuộc biểu tình có thể chưa dẫn tới sự thay đổi từ gốc rễ, nhưng ít nhất cũng đã khiến ông Tập lùi một bước để trấn an dư luận, chính quyền tại các thành phố đã phải dỡ bỏ phong tỏa, công bố nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch trên toàn quốc.
Qua cuộc biểu tình chúng ta nhìn thấy sự trưởng thành về mặt chính trị của thế hệ trẻ Trung Quốc, hàng ngàn người biểu tình, từ trí thức, tầng lớp trung lưu đô thị, đặc biệt là sinh viên nhắm đích danh Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản là nguồn cơn. Sự thức tỉnh này cho thấy chế độ độc tài đã thất bại trong sự bưng bít ở thời đại Internet và toàn cầu hóa, và cường quyền đã không dập tắt được tiếng nói của tự do.
4. Kinh tế thế giới bấp bênh
Sau gần hai năm đóng cửa vì đại dịch Covid, tiếp theo là ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của ông Putin, đã khiến cho nền kinh tế thế giới nói chung rơi vào tình trạng bấp bênh trong suốt năm 2022.
Tăng trưởng kinh tế thế giới vào năm 2021 là 5,9% khi bước qua năm 2022 bị tụt xuống chỉ còn ở mức tăng trưởng 3,1%. Nhiều quốc gia phải đương đầu với tình trạng lạm phát lên hai con số. Vào thời điểm cuối năm 2022, những nước có nền kinh tế lớn và mạnh như Anh Quốc đối mặt với mức lạm phát lên tới 11%, Mỹ và Nhật Bản cũng đang đối mặt với mức lạm phát tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua. Để giảm lạm phát Ngân Hàng Trữ Kim Úc cũng đã quyết định tăng lãi suất đến 8 lần trong một năm. Một con số kỷ lục.
Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin với những đòn trừng phạt của thế giới đối với toàn bộ nền kinh tế Nga, đặc biệt là phong tỏa nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, đã khiến cho thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng về dầu thô, khí đốt chưa từng có. Cuối tháng Hai, 2022 giá dầu thô chỉ có 76 USD/thùng, sau khi Nga tấn công Ukraine thì vào thời điểm tháng Ba năm 2022 giá dầu thô nhảy vọt lên tới 140 USD/thùng!
Giá xăng dầu tăng gấp đôi đã làm cho mọi thứ bị xáo trộn, đẩy giá cả hàng hóa, dịch vụ đồng loạt tăng theo. Đặc biệt là lệnh cấm vận quốc tế áp đặt lên Nga gây ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung cấp nhiên liệu toàn cầu, nhất là đối với Châu Âu. Mùa đông năm nay Châu Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng do giảm mạnh nhập cảng nhiên liệu từ Nga, ước tính chiếm khoảng 40% số lượng nhiên liệu tiêu thụ trên lục địa này.
Cơn bão suy thoái kinh tế và cuộc chiến ở Ukraine cũng tác động mạnh đến Việt Nam. Trước tiên là ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng do khách quốc tế giảm mạnh. Ngành du lịch Việt Nam chỉ đạt được 60% chỉ tiêu kỳ vọng vào số khách viếng thăm, tức chỉ khoảng 3 triệu du khách trong khi Thái Lan đạt gần 8 triệu du khách trong 9 tháng đầu năm.
Theo Tổng cục Thống kê báo cáo, tính tới quý 3 năm 2022 Việt Nam có tỷ lệ lạm phát thất nghiệp chưa tới mức 3%, mức phát triển vẫn đạt 8,8%. Đây có lẽ là những con số thống kê lạc quan nhất, đẹp nhất thế giới nhưng khó tin. Đối chiếu với số liệu do nhà cầm quyền đưa ra thì trong năm 2022 Việt Nam gặp một số khủng hoảng cục bộ riêng biệt mà thế giới ít gặp phải đó là tình trạng khan hiếm ngoại tệ, xăng dầu, các doanh nghiệp, hãng xưởng đóng cửa sa thải công nhân hàng loạt, bong bóng bất động sản đổ vỡ, lãnh vực tài chính lung lay…
Các cơ quan truyền thông nhà nước vẫn tiếp tục ca tụng nền kinh tế đạt chỉ tiêu tốt đẹp bên cạnh những tường thuật về tình trạng bi quan thực tế của người dân sắp hàng mua xăng, đòi rút tiền ngân hàng, thất nghiệp, những vụ “đốt lò” tham nhũng và những cái chết bí ẩn trong tay công an trong các vụ “đốt lò.”
Nhìn chung năm 2022 đang khép lại với tình trạng kinh tế toàn cầu tụt dốc trong ảm đạm. Theo dự đoán thì nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục suy thoái vào năm 2023 với mức tăng trưởng chỉ còn lại 1,2%. Một năm khó khăn đang trôi qua để bước vào một năm mới có thể còn khó khăn hơn nữa. Hy vọng cuộc chiến ở Ukraine sớm kết thúc và ảnh hưởng đại dịch Covid sẽ qua mau để thế giới sớm phục hồi và phát triển bình thường trở lại.
5- Tập Cận Bình và nhiệm kỳ thứ ba “Tổng Bí Thư”
Trong đại hội đảng Cộng Sản Tung Quốc lần thứ 20 vào hạ tuần tháng Mười vừa qua, Tập Cận Bình tiếp tục nắm giữ thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư. Hai dấu ấn quan trọng nhất của đại hội này là: Một, ông Hồ Cẩm Đào, cựu Tổng Bí Thư Đảng, người tiền nhiệm của họ Tập đã bị chính đàn em của mình “xốc nách” đuổi ra khỏi hội trường vì bày tỏ sự bất mãn về cách họ Tập thao túng quyền lực; hai, toàn bộ nhân sự lãnh đạo tối cao trong Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị và Bộ Chính Trị đều là nhân vật đàn em thân tín và tuyệt đối ủng hộ đường lối của Tập Cận Bình. Đây là hình ảnh xác định vị trí hoàng đế của họ Tập.
Sau hai nhiệm kỳ nắm quyền từ năm 2012 đến năm 2022, Tập Cận Bình đang đối diện với ba khó khăn: Kinh tế suy thoái vì chính sách Zero Covid; khủng hoảng bất động sản và nền công nghệ gặp khó khăn vì các đòn trừng phạt của Hoa Kỳ. Vì thế, với nhiệm kỳ mới này, họ Tập đưa ra các ưu tiên kinh tế như sau: Tăng cường khả năng tự túc của Trung Quốc về lương thực; năng lượng và hàng hóa công nghệ cao; kiềm chế nợ nần; và phân phối lại của cải để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, qua chương trình được gọi là “Thịnh vượng chung.” Trong các chính sách này, Tập Cận Bình đang đối diện với hai khó khăn chính:
Thứ nhất là về hàng hóa công nghệ cao, Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém, đặc biệt là về chíp và mạch điện. Mỗi năm Trung Quốc phải bỏ ra 370 tỷ USD (nhiều hơn tiền nhập khẩu dầu) để nhập khẩu chip. Kế hoạch kinh tế lần thứ 14, Bắc Kinh đã đầu tư 1.400 tỷ USD để phát triển chip điện tử; nhưng cho đến nay chỉ sản xuất được loại chip 14nm (14 nanometer, loại trung bình. Chips càng nhỏ nm càng cao cấp). Mới đây, Trung Quốc công bố đã chế tạo thành công chip 7 nm tức chỉ còn kém 1 hoặc 2 “thế hệ” nếu so với hãng TSMC ở Đài Loan hay Samsung ở Hàn Quốc, nhưng để có thể sản xuất hàng loạt chip loại đó vẫn còn nhiều thử thách. Thử thách lớn nhất với Trung Quốc trong lãnh vực này chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hòa Lan ngăn chặn kiến thức, nhân sự và máy móc trong lãnh vực sản xuất chip đối với Trung Quốc.
Thứ hai là về kiềm chế nợ nần. Hiện nay nợ công của Trung Quốc lên đến 51,87 ngàn tỷ USD, gấp 295% GDP của Trung Quốc. Chồng lên “núi nợ” đó là 570 tỷ USD chi tiêu cho chương trình xây dựng thêm hạ tầng cơ sở của nhà nước tại các địa phương trong năm nay. Theo cơ quan National Institution for Finance and Development tại Bắc Kinh, thì số nợ công sẽ ngày càng lớn hơn, chứ không thể kiềm chế được, nhất là trong tình trạng kinh tế suy yếu hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, những khó khăn kể trên sẽ làm giảm sự phát triển kinh tế của cả Trung Quốc lẫn những quốc gia liên hệ. Bên cạnh đó, Louis Kuijs, Kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, dự đoán mức tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 4,4% cho đến năm 2030. Sau đó giảm xuống chỉ còn 3,1%, vì dân số Trung Quốc bị lão hóa.
6. Những nguyên thủ thế giới qua đời
Ngoài những biến cố đầy kịch tính của năm 2022, nhiều nhà lãnh đạo kỳ cựu của thế giới đã vĩnh viễn ra đi để lại nhiều sự đánh giá khác nhau của giới quan tâm toàn cầu.
Đầu tiên là sự ra đi bất ngờ của Cựu Thủ Tướng Nhật, ông Abe Shinzo hôm mồng 8 tháng Bảy, 2022 khi ông bị một hung thủ người Nhật sát hại bằng 2 viên đạn của khẩu súng tự chế, khi đang diễn thuyết tại thành phố Nara, phía Tây nước Nhật. Ông Abe Shinzo là một chính trị gia Nhật Bản có uy tín nhất trong hai thập niên qua, từng là thủ tướng Nhật Bản và chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do (đảng cầm quyền hiện nay) hai lần, 2006-2007 và 2012-2020. Ông là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản và là người đưa ra chiến lược An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương làm nền tàng hợp tác giữa Bộ Tứ gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu và Ấn Độ.
Thủ phạm là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, con trai của một người phụ nữ được cho là nạn nhân của một tổ chức tôn giáo sáng lập ở Nam Hàn vào thập niên 50, có tên là “Giáo Hội Thống Nhất” được cựu Thủ tướng Kishi (ông ngoại của ông Abe Shinzo) bảo trợ để truyền bá và dụ dỗ nhiều người Nhật Bản tin theo và mất hết tài sản, nhà cửa, khiến cho gia đình Yamagami bị tán gia bại sản. Sát thủ đã bị bắt ngay tại hiện trường và đang chờ bị xét xử, có thể lãnh án tử hình.
Thông tin về cái chết của ông Abe, 67 tuổi, đã gây chấn động toàn cầu. Người dân Nhật bàng hoàng trong nỗi thương tiếc, các nguyên thủ quốc gia đều bày tỏ nỗi xúc động và chính phủ Nhật Bản đã làm lễ Quốc Táng vào ngày 27 tháng 9 năm 2022.
Người ra đi thứ hai cũng đã để lại cho nhân loại nhiều sự cảm mến là Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị của Anh Quốc qua đời vào lúc 3 giờ 10 chiều (giờ London) vào ngày 8 tháng 9, 2022 tại lâu đài Balmoral, Aberdeenshire do tuổi già, hưởng thọ 96 tuổi. Elizabeth II (Elizabeth Alexandra Mary) sinh năm 1926 ở Mayfair, London, là nữ hoàng của Vương quốc Anh và các vương quốc khác thuộc Khối thịnh vượng chung gồm 32 quốc gia, từ năm 1952 đến năm 2022. Triều đại của bà kéo dài đúng 70 năm 214 ngày, dài nhất so với bất kỳ triều đại nào của quốc vương Anh trong lịch sử.
Mặc dù đôi khi bà phải đối mặt với sự chỉ trích của giới truyền thông về các vấn đề của hoàng gia, nhưng sự ủng hộ đối với chế độ quân chủ ở Vương quốc Anh luôn ở mức cao trong suốt cuộc đời bà. Sau khi nữ hoàng Elizabeth qua đời, Thái Tử Charles lên kế vị và là Vua Charles III.
Người ra đi thứ ba cũng để trong lòng nguời dân, đặc biệt là tại các quốc gia cựu Cộng Sản ở Đông Âu lòng cảm kích vì đã “giải phóng” họ, đó là cựu Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ông là người lãnh đạo cuối cùng của Liên Bang Xô Viết từ năm 1985 tới năm 1991. Năm 1985, Gobachev đưa ra hai chính sách “Cởi Mở” và “Tái Phối Trí” để cải cách tình trạng trì trệ của Liên Xô; nhưng chính hai chính sách này đã dẫn khối Cộng Sản rơi vào tình trạng rối loạn. Vì thế vào năm 1988, Gorbachev tuyên bố Liên Xô sẽ từ bỏ học thuyết Brezhnev, cho phép các quốc gia Đông Âu tự giải quyết các vấn đề nội bộ. Việc này dẫn tới một làn sóng cách mạng tại Đông Âu trong suốt năm 1989, đưa đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và nhiều nơi trên thế giới.
Việc nới lỏng kiểm soát Đông Âu đã giúp chấm dứt chiến tranh lạnh, vì thế, ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1990. Ông Gorbachev từ chức khi Liên Bang Xô Viết chính thức tan rã vào tháng 12 năm 1990. Ông qua đời ngày 30 tháng Tám, 2022 sau hơn 2 năm bị bạo bệnh, hưởng thọ 91 tuổi.
Người ra đi thứ tư là ông Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1989 đến năm 2002, Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 1989 đến năm 2004, và là Chủ tịch nước Trung Quốc từ năm 1993 đến năm 2003. Giang Trạch Dân lên nắm quyền sau vụ tàn sát người biểu tình tại Quảng Trường Thiên An Môn, Bắc Kinh vào tháng Sáu, 1989.
Ông Giang Trạch Dân được đánh giá là người đã cùng với Đặng Tiểu Bình đưa Trung Quốc trở lại trường quốc tế, thực hiện cải cách đất nước đông dân nhất hành tinh thành một cường quốc thế giới về thương mại, quân sự và chính trị. Họ Giang qua đời vào ngày 30 tháng 11 năm 2022, thọ 96 tuổi.
7. Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan
Trong lúc sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề độc lập của Đài Loan ngày một lên cao, với nhiều dự phóng là Bắc Kinh có thể đem quân phong tỏa và chiếm đóng hòn đảo có 24 triệu dân sau khi Putin xâm lược Ukraine, chuyến viếng thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi vào ngày mồng 2 tháng Tám, 2022 đã như “đổ dầu vào lửa.”
Nhân chuyến viếng thăm một số quốc gia Á Châu bao gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia và Singapore, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ cùng với phái đoàn, bao gồm năm thành viên thuộc đảng Dân Chủ, đã đến thăm Đài Loan trong sự hăm dọa “không bảo đảm an toàn” của chính quyền Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên một chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ trở lại thăm Đài Loan kể từ chuyến thăm cuối cùng vào năm 1997 của cựu Chủ tịch Newt Gingrich.
Ngay khi đến Đài Loan, bà Nancy Pelosi tuyên bố rằng chuyến thăm của bà là một dấu hiệu “Cam kết sự kiên định của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan.” Bà còn nhận định: “Chúng tôi thực hiện chuyến đi này vào thời điểm mà thế giới phải đối mặt với một sự lựa chọn giữa chuyên quyền và dân chủ. Khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh bất hợp pháp đã được tính toán trước chống lại Ukraine, giết chết hàng nghìn người vô tội – thậm chí cả trẻ em – thì điều cần thiết là Mỹ và các đồng minh của chúng ta phải cho thấy rõ, chúng ta không bao giờ nhượng bộ trước những kẻ chuyên quyền.”
Trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố rằng chuyến đi của bà Nancy Pelosi gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc và cũng khẳng định “Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” Quân đội Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận trên không và trên biển Đài Loan, cũng như phóng hỏa tiễn đe dọa vùng biển phía Đông của Đài Loan, nên chuyên cơ chở bà Nancy Pelosi và phái đoàn phải bay theo một lộ trình đặc biệt với sự tiếp ứng và bảo vệ của một phi đội chiến đấu cơ đóng tại Nhật Bản.
Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, Trung Quốc đã ngừng hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng bạo gồm: Biến đổi khí hậu, đối thoại quân sự, và nỗ lực ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia. Chuyến đi của bà Nancy Pelosi đã khẳng định trước dư luận thế giới rằng Bắc Kinh không có tiếng nói trong quyết định của Hoa Kỳ. Cũng như về mặt Hiến Pháp, bà cũng đã khẳng định được yếu tố “tam quyền phân lập” giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp -chủ tịch Hạ Viện Mỹ không cần phải nghe lệnh của tổng thống. Điều đáng chú ý là có đến 26 thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hòa đã chính thức lên tiếng ủng hộ chuyến đi của bà Nancy Pelosi.
8. Giải Túc cầu Thế giới Qatar 2022
Giải Túc Cầu Thế Giới mỗi 4 năm, lần thứ 22 đã khai mạc tại Qatar. Một quốc gia nhỏ với chỉ vỏn ven 4 triệu dân, Qatar đã trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên được vinh dự này. Điểm đặc biệt của giải năm nay là thời điểm bắt đầu từ ngày 20 tháng 11 đến 18 tháng 12, tức vào cuối mùa thu thay vì mùa hè như thường lệ, vì theo quyết định của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), mùa hè ở Qatar nhiệt độ quá nóng cho các trận đấu: 39 độ C (93,2 độ F), và có thể lên đến 50 độ C (122 độ F).
Với tất cả 64 trận, giải túc cầu 2022 đã diễn ra trên 8 sân banh với hệ thống điều hoà không khí và được trang bị đặc biệt hệ thống truyền hình tối tân giúp trọng tài lấy những quyết định chính xác hơn. Đó là hệ thống VAR (Video Assistance Referee). Điều thú vị là giải năm nay được nhiều người am hiểu túc cầu đặt cho cái tên là Giải túc cầu của nhiều bất ngờ trên sân cỏ.
Thật vậy khi nhìn lại các tỷ số, từ vòng loại đến vòng tứ kết, có lẽ rất ít ai dám tiên đoán các kết quả như:
– Đội Ả Rập Saudi đã hạ đội Á Căn Đình, 3 lần vô địch thế giới;
– Đội Nhật Bản đã hạ đội Đức Quốc, 4 lần vô địch thế giới;
– Đội Tunisia đã hạ đội Pháp Quốc, 2 lần vô địch thế giới;
– Đội Nhật Bản đã hạ đội Tây Ban Nha, cựu vô địch thế giới;
– Đội Cameroon đã hạ đội Brazil vốn có 5 lần vô địch thế giới;
– Đội Nam Hàn đã hạ đội Portugal cựu vô địch Âu Châu.
Giải túc cầu 2022 còn là giải túc cầu đầu tiên trong lịch sử túc cầu thế giới đưa một đội bóng của vùng Phi Châu vào đến vòng tứ kết. Đó là đội Morocco sau khi đội này lần lượt loại Spain và Portugal để rồi vấp ngã trước đội Pháp Quốc ở vòng tứ kết.
Trận chung kết giữa Pháp Quốc và Argentina có thể nói là vô cùng hào hứng và nghẹt thở, khiến cho các ủng hộ viên phải trải qua 120 phút căng thẳng để cuối cùng hai đội lại phải giải quyết thắng thua bằng những quả phạt đền, và đội Pháp cuối cùng đành nghiêng mình trước đội Argentina để “thần tượng bóng tròn” Messi cùng đồng đội nâng cao chiếc cúp vàng, đoạt giải Túc Cầu Thế Giới lần thứ ba.
Trong Giải Túc Cầu 2022, lần đầu tiên một người phụ nữ đảm trách vai trò “trọng tài chính” cho một trận bóng nam, giữa đội Đức và đội Costa Rica. Bà Stéphanie Frappart, 39 tuổi, người Pháp, đã xuất sắc thành công nhiệm vụ của bà. Ngoài ra, khán giả thế giới cũng vô cùng cảm kích hình ảnh tuyệt vời của những ủng hộ viên người Nhật cùng nhau dọn sạch khán đài nơi họ đứng sau mỗi trận banh, và các cầu thủ Nhật Bản đã dọn sạch phòng thay đồ (locker room) của họ, cũng như để lại những hình gấp con chim hạc, một biểu tượng nghệ thuật của văn hóa Nhật, làm quà tặng, và ghi chú có nội dung “shukran” tức “cảm ơn” bằng tiếng Ả Rập. Thế giới cũng ngưỡng mộ hình ảnh các cầu thủ của đội tuyển Iran từ chối hát quốc ca trong trận ra quân đầu tiên, để bày tỏ tinh thần liên đới với người phụ nữ Iran đang đấu tranh cho nhân quyền tại quê nhà.
Một điểm kém phần sáng sủa trong giải Túc Cầu Thế Giới 2022 là chính quyền Qatar đã bị chỉ trích bởi các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nhân quyền vì Ban Tổ Chức không tôn trọng quyền lợi của người lao động trong tiến trình xây dựng các hạ tầng cơ sở và đã gây ra nhiều thảm trạng cũng như hàng ngàn cái chết trong số những người lao động nhập cư. Chính quyền Qatar cũng đã cấm những huy hiệu mang thông điệp ủng hộ LGBTQ (người đồng tính, chuyển giới, lưỡng giới hay vô giới), gây ra sự bất mãn với thế giới tự do chủ trương bình đẳng giới tính.
9. Nhân loại khắc phục đại dịch Covid-19 (trừ Trung Cộng)
Ngay những ngày cuối năm 2019, một số ca nhiễm sưng phổi đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Lúc đầu, nhà cầm quyền Bắc Kinh cố giấu nhẹm các ca nhiễm; nhưng khi số ca nhiễm lan nhanh khắp thành phố và thế giới thì họ mới báo động đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngày 11 tháng Ba, 2020. Cơ quan WHO đã chính thức dùng nhóm chữ “Đại Dịch Toàn Cầu” để chỉ trận dịch có nguy cơ lây nhiễm khắp thế giới và hủy diệt nhân loại .
Hầu như nước nào cũng bị đại dịch hoành hành. Ban đầu chưa có thuốc chủng ngừa nên số người bị lây nhiễm và chết trở thành một ác mộng chung trên toàn thế giới. Người chết không chỗ chứa. Nhà thương không còn giường trống và nhà hỏa thiêu không kham nổi với số lượng người chết quá đông. Có thể nói là trong hai năm 2020 và 2021, toàn thế giới phủ màu tang. Đâu đâu cũng thấy khẩu trang, phong tỏa, người nhiễm Covid-19 bị cô lập để tránh lây lan. Đường phố vắng bóng người, sản xuất hầu như bị đình đọng, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tính đến tháng Chín, 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận 6,5 triệu ca tử vong do COVID-19, nhưng con số thực có thể gấp hai hoặc ba lần con số đó.
Sau khi phát hiện ra loại vi trùng SARS-CoV-2, các nhà khoa học y tế trên thế giới đã lập tức lao vào việc tìm ra vaccine để khống chế đại dịch từ giữa năm 2020. Trong một thời gian kỷ lục, các loại vaccine hiệu quả đã được các công ty tiêu biểu như BioNTech (Đức), Pfizer, Moderna (Mỹ) tìm ra và sản xuất cho toàn cầu sử dụng.
Từ khi thế giới ráo riết chích ngừa 1, 2 rồi 3, 4 và 5 mũi, đại dịch dần dần bị khống chế. Dù số ca nhiễm vẫn còn cao nhưng không còn nhiều ca tử vong. Tình trạng miễn dịch cộng đồng dần được hình thành rồi lan ra khắp nơi, trừ Trung Quốc là nơi chính phủ thi hành chính sách Zero-Covid một cách cực đoan, tàn bạo nhưng thiếu hiệu quả, đặc biệt với vaccine yếu kém do Trung Quốc sáng chế mà Bắc Kinh lại tự ái không chịu nhập cảng vaccines từ Mỹ và các quốc gia Tây Phương khác. Cuối năm 2022, đời sống nhân loại đã gần như trở lại bình thường khi con người chấp nhận sống chung với Coronavirus. Vẫn đeo khẩu trang khi đi xe công cộng, vào phòng mạch, bệnh viện,… nhưng lệnh bắt buộc đeo khẩu trang đã được bãi bỏ ở đa số quốc gia.
Có thể nói là ngày hôm nay đại dịch Covid 19 đã bị đẩy lùi nhờ thuốc chủng ngừa hiệu quả và đại đa số dân được chích ngừa, góp phần lớn vào việc hình thành tình trạng miễn dịch cộng đồng. Kháng thể người dân đã đủ mạnh để đẩy lùi Coronavirus. Tuy vi trùng Coronavirus không tuyệt chủng và con người phải sống chung với nó nhưng đại dịch không còn là hung thủ giết người như hồi đầu năm 2020.
10. Lào vỡ nợ trong vòng vây Trung Quốc
Lào đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất chưa từng xảy ra, khó tránh khỏi cảnh vỡ nợ công bởi lọt vào bẫy nợ của Trung Quốc. Theo Trung tâm Thống kê Quốc gia Lào, lạm phát lại Lào trong năm 2022 tiếp tục tăng cao khi ghi nhận ở tháng Chín là 34,5% thì đến tháng Mười tăng lên 36,7%. Các loại hàng hóa như thực phẩm, đồ uống, nhiên liệu và các mặt hàng tiêu dùng khác đều tăng đến chóng mặt. Đặc biệt, xăng dầu, khí đốt tăng đến 95% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giữa tháng Sáu, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu nội tệ dài hạn của chính phủ của Lào xuống mức rủi ro cực cao Caa3, từ mức Caa2. Moody’s cho biết Lào đang trong tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng do các món nợ nước ngoài phải trả trong năm nay và kéo dài đến năm 2025.
Dự trữ ngoại hối của Lào đang ở mức 1,3 tỷ USD, chỉ đủ để trang trải cho 2,2 tháng nhập khẩu. Trong khi đó, nước này có nghĩa vụ phải chi trả khoảng 1,3 tỷ USD các khoản nợ nước ngoài hàng năm, một nửa trong số đó là trả cho Trung Quốc.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng Tư năm nay, Trung Quốc là chủ nợ chính của Lào, chiếm gần một nửa khối nợ nước ngoài 14,5 tỉ USD (chiếm 66% GDP). Lào đã vay mượn rất nhiều để đầu tư vào việc xây dựng các con đập thủy điện trên sông Mekong và xây một tuyến đường xe lửa cao tốc trị giá 6 tỷ USD, trục chính trong “Con đường tơ lụa mới,” (BRI) nối liền tỉnh Vân Nam, phía Nam Trung Quốc, với các quốc gia Đông Nam Á. Khoảng 60% chi phí cho tuyến đường này là tiền vay mượn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Câu chuyện vỡ nợ của Lào và Sri Lanka cho thấy những mặt trái trong các dự án đầu tư khổng lồ trong chiến lược “Một vành đai – Một con đường (BRI) nhằm cột các nước “nhỏ” lệ thuộc vào bẫy nợ của Trung Quốc.
Tưởng cần nhắc lại, năm 2017, Sri Lanka buộc đã phải bàn giao cảng biển quan trọng Hambantota cho một công ty Trung Quốc thuê trong 99 năm để cấn trừ khoản nợ không trả nổi.
Qua biến cố vỡ nợ của Lào, Giáo sư Philip Alston, Đại sứ Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền và Nghèo Khó (2014-2020) đã đưa ra nhận xét: “Chiến lược phát triển kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa Lào chỉ nhằm phục vụ cho một thiểu số nắm giữ đặc quyền đặc lợi, trong khi các thành phần dân chúng còn lại ngày càng nghèo đi.” Ông khuyến cáo nước này nên bớt tập trung vào dự án “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc để lo cho trẻ con và dân nghèo.
Trích từ 10 sự kiện thế giới đáng chú ý trong năm 2022 | Việt Tân (viettan.org)